Trung Quốc: Mất nhà vì lũ lụt, người dân còn bị chính quyền trấn áp
Sau khi Bắc Kinh xả lũ, nhiều nơi ở Hà Bắc được sử dụng làm nơi chứa lũ dẫn đến ngập lụt, người dân địa phương bị mất nhà cửa và người thân. Sau trận lũ, người dân ở thành phố Bá Châu và huyện Định Hưng thuộc địa phận quản lý của thành phố Bảo Định yêu cầu chính quyền giải thích, nhưng chính quyền đã trấn áp họ dữ dội.
Người dân ở Bá Châu, Hà Bắc, biểu tình: Trả lại nhà cho tôi!
Ngày 07/08, người dân ở thành phố Bá Châu, tỉnh Hà Bắc, đã tập trung trước trụ sở chính quyền địa phương để yêu cầu làm rõ sự việc. Đoạn video cho thấy các nạn dân giương biểu ngữ, giơ nắm đấm và hét vào tòa thị chính: “Trả lại nhà cho tôi! Trả lại nhà cho tôi!”
Phía trước đám đông là hàng dài cảnh sát, bao gồm cả cảnh sát đặc nhiệm mặc áo giáp.
Một phụ nữ vừa quay phim vừa nói: “Hãy xem, đây là những cảnh sát ăn cơm nhà nước. Họ đánh người. Hãy nhìn xem chúng tôi bị đánh.”
Trong video, một người đàn ông có khuôn mặt và mắt bê bết máu sau khi bị cảnh sát dùng bạo lực.
Người phụ nữ này tiếp tục nói: “Mọi người nhìn thấy không? Là chúng tôi bị đánh, sau đó (cảnh sát) xịt hơi cay. Mọi người có nhìn thấy mắt của những người này (bị xịt hơi cay) không? (Cảnh sát) đánh đập những người nông dân chúng tôi…”
Nhiều người dân tại hiện trường bị xịt hơi cay vào mắt không thể chịu nổi, những người bên cạnh đang giúp họ rửa mắt bằng nước đóng chai.
Người phụ nữ quay video kia bắt đầu vừa nói vừa khóc.
Một người dân ở thôn Đông Dương Trang xác nhận với phóng viên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng vụ việc xảy ra hôm 07/08. Rất đông người dân đã kéo đến trụ sở của chính quyền địa phương, tất cả những người này đều là nạn nhân của thảm họa dọc con sông Đại Thanh. Người dân này đang ở trong vòng vây, có rất nhiều cảnh sát, vì vậy cô không thể lao ra phía trước. Cô nói rằng việc đánh đập đã xảy ra trước mặt cô.
Cô cũng tiết lộ rằng lần này dân làng phản đối chính quyền vì họ không đồng ý với các biện pháp trợ cấp của chính quyền địa phương. Theo tuyên bố chính thức của chính quyền địa phương, mỗi người bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở mỗi làng và khu phố sẽ được nhận 30 nhân dân tệ (RMB) mỗi ngày, cấp trong 3 tháng, cứ sau 15 ngày thì phát một lần. “Nhưng đối với tổn thất tài sản của chúng tôi, thì việc bồi thường vẫn chưa được thông báo.”
Cô cho biết toàn bộ ngôi làng đã bị ngập lụt, nhiều ngôi nhà bị sập, hiện tại không thể vào làng và mực nước vẫn chưa hạ xuống. “Quý vị không thể vào làng, và quý vị không thể nhìn thấy những gì đang diễn ra bên trong. Chắc chắn là có thiệt hại. Đường phố của chúng tôi bị ngập hoàn toàn. Nhiều ngôi nhà đã bị sập,” cô nói.
Hôm 05/08, người dân thành phố Bá Châu đã biểu tình trước tòa thị chính. Họ giăng biểu ngữ “Hãy trả lại nhà cho tôi. Rõ ràng xả lũ là nguyên nhân, nhưng lại đổ cho trời mưa!” Khi đó, rất nhiều người trong y phục đen đến địa điểm biểu tình để giữ trật tự, và xảy ra mâu thuẫn gay gắt với người dân.
Nguyên nhân công chúng phản đối chính quyền là do chính quyền đưa tin sai sự thật về tình hình thảm họa. Hôm 04/08, CCTV loan tin thảm họa ở Bá Châu là do “bị ảnh hưởng bởi lượng mưa”, v.v. Cư dân mạng ở Ba Châu tức giận cáo buộc CCTV đưa tin giả: “Chúng tôi xả lũ, chứ không phải do mưa to!”; đồng thời yêu cầu cơ quan ngôn luận “hãy cho người dân Bá Châu chúng tôi một lời giải thích!”
Vào cuối tháng 07/2023, nhiều quận ở Bắc Kinh, bao gồm Môn Đầu Câu và Phòng Sơn đã bị ngập lụt. Trên mạng Internet lan truyền tin rằng, Bắc Kinh đã xả lũ để bảo vệ Bắc Kinh và Hùng An, nên Trác Châu và những nơi khác trở thành nơi chứa lũ. Hôm 03/08, ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), chuyên gia về tài nguyên đất và thủy lợi hiện đang sinh sống tại Đức, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, để bảo vệ hạ lưu Hùng An, các quan chức đã đào một khu chứa lũ ở Trác Châu, Hà Bắc, và dẫn nước qua đó.
Dân làng ở huyện Định Hưng bị đánh đập khi yêu cầu chính quyền giải thích
Ngoài Bá Châu, người dân ở huyện Định Hưng, thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, cũng lan truyền một đoạn video hôm 06/08 cho thấy người dân đang tập trung trước cổng trụ sở chính quyền huyện Định Hưng, yêu cầu chính quyền huyện này có một lời giải thích về thảm họa vừa qua.
Trong video, một số dân làng bức xúc, có người quỳ xuống than thở: “Nhà của tôi mất rồi,” “Tôi là dân thường, tôi nói cho các anh biết, các anh không được động đến gia đình tôi …”
Một video khác cho thấy nhân viên chính quyền bị nghi ngờ ngăn cản người dân đòi quyền lợi bằng cách giả vờ ngã do đụng xe. Dân làng xung quanh nói: “Chính quyền của chúng tôi, các anh đang đã làm cái gì vậy?”; “Bỉ ổi”; “Chắc là tốt nghiệp Học Viện Hý kịch Bắc Kinh.”
Còn có video cho thấy cảnh sát địa phương đàn áp những người dân đến trụ sở chính quyền yêu cầu giải thích. Rất đông cảnh sát đặc nhiệm mặc đồng phục màu đen và cảnh sát mặc đồng phục màu xanh lam đã đè một số dân làng xuống đất.
Người dân lan truyền video đã để lại phụ đề: “Chúng tôi bị ngập bởi bốn hồ chứa nước cùng một lúc. Đây không phải là thiên tai! (Chính quyền) đã ra sức để bảo vệ Bạch Câu ở Hùng An, làm ngập quê nhà của chúng tôi. Họ cố tình cho nổ bờ kè để xả nước vào thôn. Chúng tôi chỉ muốn một lời giải thích. Chính quyền huyện Định Hưng đã dùng vũ lực đàn áp những nạn dân không còn nhà để về!”
Theo thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc, vào ngày 04/08, tỉnh Hà Bắc đã kích hoạt khu chứa lũ và phân lũ Lan Câu Oa thuộc huyện Định Hưng. Khu chứa lũ này có diện tích 88 km2, liên quan đến 76,309 người ở 49 thôn thuộc năm thị trấn. Tờ Tài Tân (Caixin) cũng đưa tin cho biết lũ lụt ở Lan Câu Oa rất nghiêm trọng.
Tiêu Luật Sinh thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ