Trung Quốc đưa GlaxoSmithKline vào danh sách đen, không được tham gia đấu thầu thuốc quốc gia
Chuyên gia: Việc đưa các công ty dược phẩm đa quốc gia vào danh sách đen là một phần trong chiến lược ‘tách rời’ của Trung Quốc
Mới đây, đại tập đoàn dược phẩm đa quốc gia GlaxoSmithKline (GSK) đã bị chính quyền Trung Quốc đưa vào danh sách đen và sẽ không đủ điều kiện tham gia chương trình đấu thầu thuốc tập trung quốc gia của nước này trong một năm rưỡi tới.
Thông qua chương trình đấu thầu thuốc của Trung Quốc, các công ty dược phẩm tham gia vào một chương trình đấu thầu thuốc tập trung cung cấp thuốc với số lượng lớn và giá thấp.
Theo bản tin đầu tiên của đài truyền hình nhà nước CCTV, hôm 31/10, Cục Quản lý Dược phẩm Nhà nước Trung Quốc (SDA) đã đưa ra một thông báo cho biết rằng viên nang mềm Avodart (dutasteride) xuất cảng sang Trung Quốc của GSK không đáp ứng các yêu cầu kiểm định chất lượng của Trung Quốc đối với sản xuất thuốc. Với thông báo có hiệu lực ngay lập tức, SDA đã đình chỉ việc nhập cảng, bán, và sử dụng Avodart.
Cùng ngày, Văn phòng Đấu thầu Chung của Trung Quốc (JPO) đã loại bỏ thuốc này và xếp GSK vào một “danh sách không tuân thủ.” GSK sẽ bị đình chỉ tham gia đấu thầu thuốc tập trung từ ngày 31/10/2022 đến ngày 29/4/2024.
GSK đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times vào thời điểm bài báo này được phát hành. Các cuộc gọi tới Cơ quan Giám sát Dược phẩm Nhà nước Trung Quốc cũng không có hồi âm.
Dutasteride, một loại thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt và rụng tóc tiết bã nhờn, là một trong khoảng 61 loại thuốc trong vòng đấu thầu thuốc quốc gia thứ năm của Trung Quốc.
GSK đã tung ra loại thuốc này dưới tên thương mại là Avodart tại Hoa Kỳ vào năm 2002. Bằng sáng chế của Avodart đã hết hạn vào năm 2015 và thuốc này được cung cấp dưới dạng thuốc gốc. Năm 2011, thuốc này đã được chấp thuận cho thị trường Trung Quốc.
Theo dữ liệu trực tuyến từ SDA của Trung Quốc và bản tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc The Paper, GSK là nhà nhập cảng viên nang dutasteride duy nhất ở Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc có ba công ty nội địa sản xuất loại thuốc này.
The Paper cho biết với việc GSK bị đình chỉ, ba công ty Trung Quốc có thể có nhiều cơ hội hơn trong chu kỳ đấu thầu tiếp theo.
GSK không phải là công ty đầu tiên bị đưa vào danh sách đen
GSK không phải là công ty dược phẩm đa quốc gia đầu tiên bị chính quyền Trung Quốc trừng phạt.
Trong một bản tin hôm 01/11, tờ The Paper cho biết vào ngày 29/06 năm nay, JPO của Trung Quốc thông báo rằng một số lô viên nén bicalutamide do hãng dược phẩm Sun India sản xuất đã bị loại khỏi vòng đấu thầu quốc gia thứ năm vì đánh giá giảm trọng lượng khô của họ không đáp ứng tiêu chuẩn đăng ký thuốc nhập cảng.
Cuối cùng, ba công ty dược nội địa Trung Quốc đã thay thế Sun India để cung cấp thuốc này tại thị trường Trung Quốc.
Vào ngày 25/03/2020, Trung Quốc cũng thông báo hủy bỏ thuốc Abraxane (paclitaxel liên kết với albumin dạng hạt nano) của hãng dược phẩm Bristol-Myers Squibb trong vòng đấu thầu quốc gia thứ hai. Paclitaxel được sử dụng kết hợp với gemcitabine (Gemzar) để điều trị ung thư tuyến tụy.
Phân tích của chuyên gia
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 05/11, nhà quan sát các vấn đề thời sự của Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, ông Lục Thiên Minh (Lu Tianming), nói rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trừng phạt GSK có thể được nhìn nhận từ ba phương diện.
“Thứ nhất, sự trừng phạt này phản ánh rằng ĐCSTQ hiện đang rất thiếu tiền, bởi vì đây không phải là một sự cố cá biệt,” ông Lục nói. “Trong năm qua, chính quyền đã loại trừ nhiều loại thuốc nhập cảng khỏi hoạt động đấu thầu của họ bởi vì những loại thuốc này có giá thành cao hơn, trong khi thuốc giả nội địa ít tốn kém hơn. Nhưng ngay cả đối với các công ty Trung Quốc, các nhà chức trách đã kìm giá thông qua việc mua số lượng lớn.”
Giá thấp hơn có thể không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng
Ông Lục đặc biệt chỉ ra rằng việc hạ giá đấu thầu không phải vì lợi ích của người dân Trung Quốc. Các khoản tiền hoa hồng là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Chi phí hối lộ này được chuyển đến người tiêu dùng dưới hình thức giá thuốc cao hơn, và chính quyền đã làm ngơ trước việc này trong nhiều năm.
“Tất cả chúng ta đều biết rằng giá thuốc ở Trung Quốc rất cao, và tỷ suất lợi nhuận cũng rất cao, bởi vì những công ty dược phẩm đó phải bỏ ra rất nhiều tiền để hối lộ, và những chi phí này được chuyển vào giá thuốc.
Tuy nhiên, các nhà chức trách Trung Quốc chưa bao giờ cố gắng kiểm soát giá thuốc tăng cao,” ông nói tiếp.
Ông Lục cho biết, các chính sách zero COVID của ĐCSTQ, yêu cầu xét nghiệm và kiểm dịch hàng loạt, đã lãng phí một số tiền rất lớn và tàn phá nền kinh tế Trung Quốc. Giá dược phẩm giảm không có nghĩa là người tiêu dùng Trung Quốc được hưởng mức giá giảm đó. Thay vào đó, việc giảm giá sẽ có nghĩa là chính quyền thu được khoản lợi nhuận lớn hơn khi họ bán lại những loại dược phẩm hạ giá đó cho người tiêu dùng, giúp bù đắp lại khoản lỗ từ chính sách zero COVID.
Trung Quốc muốn độc lập về nguồn cung cấp thuốc
Lý do thứ hai, theo ông Lục, là về chính trị. Một lượng lớn vốn ngoại quốc đã bị rút khỏi Trung Quốc trong hai năm qua, vì những lý do chính trị. Và bản thân ĐCSTQ từ lâu đã có kế hoạch chuyển nền kinh tế của họ sang một mô hình “lưu thông nội địa” (internal circulation).
“Mọi người đã chứng kiến kết quả của Đại hội Đại biểu Toàn quốc khóa 20, và nhiều người tin rằng ĐCSTQ đang quay trở lại thời đại tương tự như thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa. Việc các Hợp tác xã Cung ứng và Tiếp thị mọc lên khắp cả nước cho thấy rằng [ĐCSTQ] hướng tới mục tiêu đạt được cái gọi là lưu thông nội địa và tự cung tự cấp,” ông Lục nói. Ông chỉ ra rằng sự thay đổi này diễn ra khi ĐCSTQ ủng hộ các hành động của Nga chống lại Ukraine và khi Trung Quốc tiến hành những hành động gây hấn ở Eo biển Đài Loan.
Ông Lục nói, “ĐCSTQ nghĩ rằng họ cần phải bắt đầu chuẩn bị cho việc tách rời ngay bây giờ, thay vì đợi cho đến khi các lệnh trừng phạt quốc tế được áp đặt. Đó là lý do tại sao hiện nay họ đang loại trừ các công ty ngoại quốc và giao các đơn đặt hàng đấu thầu của họ cho các công ty nội địa, một dấu hiệu cho thấy họ đã sẵn sàng để bắt đầu lưu thông nội địa.”
Nhân quả báo ứng
Lý do thứ ba, ông Lục tin rằng, luật nhân quả đã báo ứng: “Ác giả Ác báo.” GSK đã kinh doanh ở Trung Quốc trong nhiều năm, đồng thời lựa chọn nhắm mắt làm ngơ trước hồ sơ nhân quyền đầy tai tiếng của ĐCSTQ.
“Ở Trung Quốc, vấn đề vi phạm nhân quyền đã tồn tại từ lâu. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ trong hơn 20 năm là vấn đề nhân quyền lớn nhất trên thế giới. Trong những năm qua, nhiều công ty có lương tâm đã lên án chính quyền và thậm chí rút khỏi thị trường Trung Quốc, nhưng vẫn có nhiều công ty ngoại quốc tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc, điều này tương đương với việc nối giáo cho ĐCSTQ,” ông Lục nói.
Hơn nữa, GSK được cho là có dính líu đến một số vụ bê bối, chẳng hạn như hối lộ ở thị trường Trung Quốc, ông nói thêm.
Ông nói, “Nói trắng ra, những gì họ đạt được bằng những cách thất đức, cuối cùng họ sẽ mất đi vì bất cứ lý do gì, và đây là một loại quy luật ‘gieo nhân nào gặt quả ấy’”.
Bản tin có sự đóng góp của Kane Zhang
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times