Chích thuốc không rõ nguồn gốc cho các công dân bị bức hại ở Trung Quốc để ngăn họ lên tiếng
Một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ bị bức hại nói: ‘Loại thuốc đó khiến mọi người dường như bị điên, bị mất trí.’
“Ông sẽ không còn la hét sau khi tôi chích cho ông,” Giám đốc Trung tâm Tẩy não tỉnh Hà Bắc ở Trung Quốc nói, trong lúc đe dọa một học viên Pháp Luân Công, người liên tục hô lớn, “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”
Trang Minh Huệ (Minghui.org), một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên thu thập và cung cấp thông tin trực tiếp về cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn đang tiếp diễn, đưa tin cho biết, ông Hoa Phượng Tường (Hua Fengxiang) đã bị bắt giữ vì đức tin của ông vào môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công. Ông Viên Thư Khiêm (Yuan Shuqian), người giữ chức giám đốc trung tâm tẩy não từ năm 2001, đã ra lệnh cho các lính canh của mình nhét một chiếc khăn vào miệng ông Hoa trước khi cưỡng bức chích vào người ông một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Ngay sau khi bị chích mũi chích đó, sức khỏe của ông Hoa đã giảm sút, cột sống của ông bị biến dạng, cổ bị cứng, và đi lại khó khăn.
Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bắt nguồn từ các nguyên lý phổ quát về chân, thiện, và nhẫn. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vô thần đã chính thức đàn áp môn tu luyện này kể từ ngày 20/07/1999. Trong 23 năm qua, hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, bị giam giữ, tra tấn, và thậm chí bị sát hại để lấy nội tạng. Các học viên thường xuyên bị tra tấn trong các trại tạm giam, các trung tâm tẩy não, và các bệnh viện tâm thần.
Hơn một thập niên trước, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ những lo ngại về các cơ sở an khang (“ankang”), hoặc các bệnh viện tâm thần của Trung Quốc (một cách mỉa mai, thuật ngữ tiếng Hoa này nghĩa là các cơ sở “an bình và khỏe mạnh”), dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Công an. Bản tin trên nêu rõ rằng những “bệnh viện tâm thần có an ninh cao” này — dành cho các tội phạm bị “tâm thần” — thậm chí còn là nơi giam giữ các học viên Pháp Luân Công, các tín đồ tôn giáo ngầm khác, và các nhà hoạt động chính trị cùng với những bệnh nhân tâm thần. Những người bị giam giữ trong các bệnh viện này được cho là “bị ép dùng thuốc trái với ý muốn của họ và bị buộc phải điều trị bằng cách giật điện.”
“Một người được chẩn đoán có mắc bệnh tâm thần hay không, điều trị bằng thuốc gì, bị quản thúc thế nào, và khi nào được xuất viện đều nằm trong tay công an.”
Bộ luật Sức khỏe Tâm thần đầu tiên của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 01/05/2013, quy định rằng những người có “các triệu chứng nghiêm trọng” và những người có “nguy cơ làm hại người khác” có thể bị cưỡng chế giam giữ trong các bệnh viện tâm thần, theo báo cáo Minh Huệ có nhan đề “Cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc 20 năm qua.” Trình bày chi tiết về sự tàn bạo mà các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt, cuốn sách 437 trang này cho biết bộ luật kể trên không bảo vệ các công dân khỏi việc “bị tùy tiện kết luận là mắc bệnh tâm thần,” và rằng có “vô vàn điểm mập mờ mà công an và các cơ quan chính phủ hữu quan đã lợi dụng” để bức hại Pháp Luân Công khi quyết định liệu bất kỳ người nào có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn và an nguy của những người khác hay không.
“Các bệnh viện an khang không bị bên thứ ba nào giám sát. Sở công an vừa điều hành các bệnh viện an khang, vừa quyết định đưa người nào vào đây. Một người được chẩn đoán có mắc bệnh tâm thần hay không, điều trị bằng thuốc gì, bị quản thúc thế nào, và khi nào được xuất viện đều nằm trong tay công an,” báo cáo này nêu rõ.
Thuốc gây tổn thương thần kinh
Trang Minh Huệ đã ghi lại hơn 100 phương pháp tra tấn khác nhau được ĐCSTQ sử dụng để cưỡng chế các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ. Cưỡng bức sử dụng các loại thuốc gây hại thần kinh không rõ nguồn gốc là một trong những công cụ bức hại phổ biến nhất.
Các tác dụng phụ từ các loại thuốc không rõ nguồn gốc bao gồm các vấn đề về tim, cứng lưỡi, mất trí nhớ, tê cứng thân thể, ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương, mất khả năng nói, và các vấn đề về thị lực, như được đưa tin trong một số trường hợp được chọn lọc dưới đây.
Ông Bành Ngọc Tín (Peng Yuxin), 55 tuổi, ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, đã bị chích thuốc độc tổng cộng sáu lần trước khi ra tù hồi năm 2020. Ông gần như mất hết khả năng nói, và chỉ có thể thốt ra một vài từ. Hơn nữa, ông không thể viết ra địa chỉ của mình. Ông gật đầu khi được hỏi liệu ông có bị chích thuốc hay không.
Bà Lương Chí Cần (Liang Zhiqin), một học viên Pháp Luân Công đến từ thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, bị trói và chích thuốc độc hai lần khi bà bị giam giữ tại bệnh viện An Khang Thành phố Đường Sơn hồi năm 2000. Bà bất tỉnh, có các vấn đề cấp tính về tim và đau ngực sau lần chích đầu tiên. Trí nhớ của bà trở nên tệ hơn sau khi bà được trả tự do hồi tháng 09/2001. Bà thường đưa thối tiền nhầm cho khách hàng khi phụ giúp tại cơ sở kinh doanh của gia đình mình. “Tôi suýt bị mất mạng,” bà Lương nhớ lại. “Tôi đau đớn đến mức thậm chí mắt tôi không thể cử động được. Lưỡi tôi cứng lại, còn đầu óc thì không rõ ràng.”
Anh Dương Bảo Xuân (Yang Baochun), đến từ thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, bị bắt vào mùa đông năm 2000. Các lính canh tại Trại lao động Cưỡng bức Hàm Đan đã đổ nước nóng lên chân anh sau khi ra lệnh cho anh đứng chân trần trên tuyết. Sự tra tấn này dẫn đến việc một bên chân bị phồng rộp của anh bị nhiễm trùng và chân phải của anh bị cắt cụt. Các nhà chức trách đã che đậy vụ việc khi nói rằng anh Dương bị mất trí và chứng nhiễm trùng là do tự anh gây ra. Để bảo vệ cho những tuyên bố của họ, anh bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần An Khang ở huyện Phì Hương, nơi anh bị đưa cho thức ăn có trộn thuốc không rõ nguồn gốc. Anh được trả tự do vào năm 2004, nhưng bị bắt lại vào năm 2005; anh bị giam và bị tra tấn tại Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Khang, nơi khiến anh thực sự mất trí.
Cô Từ Quế Cần (Xu Guiqin), đến từ thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, bị bắt hồi năm 2001 và bị đưa đến Trại Lao động Nữ số 1 ở Thành phố Tế Nam. Hai ngày trước khi được trả tự do, cô đã bị đánh đập trong nhiều giờ và bị cưỡng bách chích bốn lọ thuốc làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, dẫn đến tình trạng tê liệt toàn thân, sưng mặt, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng, chán ăn, và chóng mặt. Khi cô được trả tự do, các lính canh nói với gia đình rằng, “Hãy canh chừng cô ấy và đừng để cô ấy tự đi lại, nếu không tính mạng của cô ấy sẽ gặp nguy hiểm.” Tuy nhiên, cô đã qua đời chín ngày sau đó do suy hệ thần kinh.
Bà Lê Trung Minh (Li Zhongming), đến từ thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên, đã hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân, Thiện, Nhẫn hảo!” khi bà bị bắt tại nhà hồi năm 2011. Tiếng hô của bà đã thu hút sự chú ý của mọi người, họ nhìn thấy công an chích một thứ gì đó vào hai cánh tay của bà Lê. Ngay lập tức, bà không thể nói; miệng và lưỡi bà trở nên cứng ngắc và nước bọt chảy ra từ miệng bà.
Ông Cao Vũ Miên (Gao Yumin), một công an đến từ thành phố Phụ Tân, tỉnh Liêu Ninh, trước đây đã tham gia bức hại các học viên Pháp Luân Công. Tuy nhiên, sau khi ông biết thêm về hệ thống tâm linh này và sự tuyên truyền của ĐCSTQ chống lại môn tu luyện, ông cũng bắt đầu tu luyện; giống như bất kỳ học viên nào khác, ông cũng bị bắt và bị tra tấn nghiêm trọng. Hai tháng trước khi hết hạn ngồi tù 3 năm rưỡi, ông đã bị chích thuốc gây tổn thương thần kinh liều cao, khiến trí thông minh của ông giảm sút chỉ bằng một đứa trẻ 3 tuổi. Sau đó, thông qua xét nghiệm mẫu nước tiểu, gia đình ông phát hiện rằng nồng độ thuốc trong cơ thể ông cao đến mức có thể gây ngộ độc cho ông.
‘Loại thuốc đó khiến mọi người dường như bị điên, bị mất trí’
Nam giới và nữ giới người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại cải tạo Tân Cương ở Trung Quốc bị cưỡng chế dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản của họ.
Ông Omir Bekli, một người Kazakhstan sinh ra ở Tân Cương, nói với The Epoch Times rằng nam giới người Duy Ngô Nhĩ, kể cả ông, bị buộc phải uống một viên thuốc hàng ngày “để chấm dứt cảm xúc tình dục của họ mãi mãi.” Ông Bekli, người bị giam sáu tháng hồi năm 2017, nói rằng ông “sống sót” bằng cách giấu viên thuốc dưới lưỡi và sau đó nhổ nó ra.
“Loại thuốc đó khiến mọi người dường như bị điên, bị mất trí, như thể là họ không biết mình đang làm gì. Họ chỉ làm như những gì họ được bảo. Như thể là họ đang bị phê thuốc. Nhìn là có thể thấy họ đang không bình thường,” ông nói.
Bà Gulbakhar Jalilova, một người Duy Ngô Nhĩ lai Kazakhstan, bị giam 15 tháng trong một trại tập trung ở Tân Cương, nói với The Epoch Times rằng một người bạn tù đã qua đời sau khi bị chích thuốc.
“Cô ấy bị chích thuốc nhưng cơ thể vẫn còn ấm, và những cô gái khác được lệnh tắm rửa cho cô ấy. Cứ như vậy cô ấy đã qua đời trước mặt tôi,” bà nói.
Bà Gulbakhar nói thêm rằng họ bị ép uống một loại thuốc không rõ nguồn gốc hàng ngày và bị chích một loại thuốc hàng tháng. “Việc chích thuốc khiến quý vị cảm thấy như mình mất đi trí nhớ,” bà nói. “Quý vị không nhớ gia đình của mình, quý vị không cảm thấy như quý vị muốn thoát ra ngoài. Quý vị không cảm thấy gì cả — đó là một cảm giác rất lạ.”
Một tín đồ Cơ Đốc tại gia đến từ tỉnh Tứ Xuyên đã bị giam giữ trong 10 tháng sau khi nhà thờ bị đột kích hồi năm 2018. Trong khi bị giam giữ, ông bị nhốt trong phòng biệt giam và muốn tự tử, khiến ông tự đập đầu vào tường.
Một lần nọ, khi ông “chệnh choạng” và không thể mở mắt, một vài viên công an đã túm lấy ông và đè ông xuống đất, ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA). “Họ chích cho tôi một ít thuốc, và làm tôi tỉnh lại,” ông nói.
Các nhà hoạt động nhân quyền, chẳng hạn như các luật sư cũng bị cưỡng bức dùng thuốc.
Ông Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong), một luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc, bị buộc phải uống thuốc không rõ nguồn gốc hai lần một ngày khi bị giam trong tù hồi năm 2018. Vợ ông nói với đài RFA rằng loại thuốc này đã khiến trí nhớ của ông suy giảm. ChinaAid đã báo cáo trong Báo cáo Đàn áp Thường niên năm 2020 rằng thị lực của ông Giang cũng bị ảnh hưởng.
Cô Jocelyn Neo là một cây bút chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc và những câu chuyện đời thực truyền cảm hứng, mang lại hy vọng và giá trị nhân văn.