Các học viên sống sót chia sẻ những câu chuyện về tra tấn tại các nhà tù Trung Quốc nhân dịp 23 năm cuộc đàn áp Pháp Luân Công
GOSHEN, New York – Dưới ánh nắng ban mai rạng rỡ, một người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn bước lên một bục sân khấu nhỏ. Bà nhấc chiếc micro lên và bắt đầu nói. Giọng bà vang dội, đôi khi xúc động gần như phát khóc, rồi lại bình tĩnh trở lại. Những hình ảnh được gợi lên từ lời kể của bà khủng khiếp đến mức khiến người nghe như bị cuốn ra khỏi công viên sáng sủa của thị trấn nhỏ nơi đây và rơi vào một thế giới tăm tối cách đó 6,000 dặm (9,656 km).
“Tên tôi là Trương Ngọc Hoa (Yuhua Zhang). Tôi là một học viên Pháp Luân Công,” bà tự giới thiệu.
“Tôi từng là một giáo sư kiêm chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ Nga tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, Trung Quốc. Vì đức tin của tôi vào Pháp Luân Công, nên tôi đã bị trường đại học của mình đuổi việc. Từ tháng 10/2000 đến tháng 11/2012, tôi đã bị giam giữ tại một số địa điểm, trong đó có Trại Lao động Nữ tỉnh Giang Tô, Trại giam Nam Kinh, và Nhà tù Nữ Nam Kinh. Tôi đã phải chịu đựng nhiều loại hình tra tấn trong nhiều năm. Sau đây tôi muốn kể cho quý vị nghe một số điều mà tôi đã trải qua.”
Chiến dịch đàn áp
Vào ngày 20/07/1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công. Kế hoạch là xóa bỏ môn tu luyện thiền định phổ biến này trong vòng ba tháng — để kịp thời cho chủ tịch đảng lúc bấy giờ, ông Giang Trạch Dân, tuyên bố về một chiến thắng trước thềm đại hội đảng vào mùa thu. Một bộ máy đã được thử nghiệm và chứng minh của nhà nước đàn áp này bắt đầu hoạt động: Tất cả các hãng thông tấn trong nước đều được lệnh in và phát sóng không ngừng những tuyên truyền đổ lỗi cho các học viên Pháp Luân Công về mọi tệ nạn xã hội có thể có. Chỉ qua một đêm, môn tu luyện này đã bị tuyên bố là bất hợp pháp. Việc hướng dẫn thực hành môn tu luyện này, chia sẻ tài liệu về môn tu luyện, hoặc thậm chí nói một cách tích cực về môn này đều có thể bị phạt tù hoặc tệ hơn thế.
Hai thập niên sau, các báo cáo về những người bị tra tấn đến tử vong trong các nhà tù Trung Quốc vì “tội” tu luyện Pháp Luân Công vẫn tiếp tục xuất hiện.
Bà Trương đã kể về lần bị bắt giữ gần đây nhất của bà, vào tháng 11/2011.
“Cảnh sát … đã đưa tôi đến một bệnh viện, nơi họ đã dùng vũ lực chích một loại thuốc không rõ nguồn gốc vào người tôi hai lần. Họ còn trói tay chân tôi vào một chiếc giường, bóp mạnh vào má tôi để buộc tôi phải mở miệng và ép tôi dùng một số loại thuốc. Những loại thuốc này khiến tôi bị tê lưỡi, chân tay tê cứng, co giật, và vô cùng đau đớn. Tôi đã bị bất tỉnh,” bà cho biết, khi trình bày tại một buổi tập hợp tưởng niệm 23 năm diễn ra cuộc đàn áp này.
“Sáng hôm sau, họ nhét một ống qua lỗ mũi vào dạ dày tôi, và đổ vào bụng tôi một vài lọ thuốc không rõ nguồn gốc. Tôi bắt đầu cảm thấy chóng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn, co giật, và đau cơ. Cơn co giật đi kèm với những cơn co thắt cổ họng và cơ mặt của tôi căng lên. Tôi không thể mở miệng và cảm thấy khó thở. Nhịp tim tôi đập loạn xạ như thể tôi sắp chết. Các ngón tay của tôi duỗi ra không kiểm soát được. Tôi đã trải qua nỗi đau tột cùng và ngất đi.”
Các phương pháp tra tấn
Có hàng ngàn câu chuyện giống như câu chuyện của bà Trương. Cô Hạ Hải Trân (Xia Haizhen), 46 tuổi, người gốc Thượng Hải, đã trải qua tổng cộng bảy năm trong Nhà tù Nữ Thượng Hải. Lần đầu tiên cô bị bắt là vào năm 2003, chỉ vì đi thăm một người tu luyện Pháp Luân Công, cô nói trong cuộc tập hợp được tổ chức ở Goshen, New York, hôm 17/07.
“Hơn 20 cảnh sát đã thay nhau thẩm vấn tôi cả ngày lẫn đêm. Họ còng tay tôi, cưỡng ép khóa tôi vào một chiếc ghế sắt trong sáu ngày sáu đêm, và thắp một bóng đèn rất sáng trước mắt tôi, khiến tôi không thể ngủ được,” cô nói.
“Tôi đã tuyệt thực để phản đối. Một cảnh sát bắt tôi đi chân trần quanh sàn bê tông, kéo tôi đi bằng chiếc còng trên cổ tay. Khi tôi không hợp tác, anh ta đã dùng giày da đá vào đầu tôi.”
Sau sáu ngày, cô được đưa đến bệnh viện của nhà tù.
“Tôi bị bốn cảnh sát cưỡng bách ấn xuống và còng tay vào một chiếc ghế sắt. Một cảnh sát túm tóc tôi và ngăn tôi cử động. Một cảnh sát khác luồn một ống nhựa cứng, dày từ mũi tôi xuyên vào bụng tôi một cách thô bạo. Mũi của tôi bắt đầu chảy máu ngay lập tức,” cô cho biết.
“Sau đó, họ đặt tôi lên ‘giường tử thần,’ kéo căng tay chân tôi ra và trói tôi bằng một vài sợi dây thừng để cơ thể tôi không thể cử động được. Những sợi dây thừng bị siết quá chặt đến nỗi chúng cắm sâu vào da thịt tôi, khiến tôi đau đớn từng phút từng giây, không thể nào chịu nổi. Để làm tăng thêm cơn đau cho tôi, một cảnh sát đã kéo ống nhựa qua lại vài phút một lần, khiến máu chảy rất nhiều từ khoang mũi của tôi. Tôi đã tuyệt thực trong mười ba ngày, và tất cả những gì tôi nôn ra là chất lỏng màu đen.”
Cuối cùng cô đã được thả sau ba năm, nhưng sau đó bị bắt trở lại vào năm 2012.
Cô bị giam trong một phòng giam nhỏ, chưa đầy 10×10 feet (3×3 mét) cùng với sáu tù nhân khác để “trông chừng” cô.
Cô nói: “Các cai ngục đã giật điện tôi bằng dùi cui điện, bắt tôi mặc áo trói tay (straitjacket), và còng tay tôi ra sau lưng trong suốt mười lăm ngày. Các cai ngục đã sử dụng loa bắt tôi phải nghe liên tục các bài hát ca ngợi ĐCSTQ. Đồng thời, các cai ngục và các tù nhân đang theo dõi tôi mỗi giờ đều đi đến để kéo còng tay và tra tấn tôi.”
Một số phương pháp tra tấn rất đơn giản. Vào mùa đông, lính canh sẽ trói cô vào một chiếc ghế cạnh một cửa sổ đang mở trong hai ngày liền cho đến khi tay chân cô tê cóng.
Có một lần, cô bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế dài cứng, nhỏ xíu với bề mặt gồ ghề. “Sau khi bị buộc phải ngồi trên băng ghế đó trong một thời gian dài, phần mông của tôi đã bị chảy máu và dính vào quần … mỗi lúc một đau,” cô cho biết.
Một lần nọ, cô bị buộc phải kẹp một cốc nước sôi vào giữa hai đùi. Những lần khác, các cai ngục sẽ cử các tù nhân khác đến đánh đập và ngược đãi cô. Một tù nhân đã giật tóc cô ra, “hết nắm tay này đến nắm tay khác,” cô nói. Một tù nhân khác đã dùng móng tay cào vào lưng cô cho đến khi bê bết máu.
Một trong số các phương pháp tra tấn dữ dội nhất trong mô tả của cô là tẩy não.
“Họ bắt tôi phải xem những video được thực hiện bằng những lời dối trá đổi trắng thay đen. Tôi nhắm mắt không chịu xem, và tù nhân đó đã banh mi mắt, không cho tôi nhắm mắt. Cô ta cũng chụp tai nghe lên đầu tôi, vặn âm lượng ở mức tối đa, và bắt tôi nghe những lời vu khống vô liêm sỉ đối với Pháp Luân Công,” cô nói.
“Tôi cảm thấy tinh thần của mình như bị đâm hết nhát này đến nhát khác không ngừng nghỉ.”
Cô cho biết tình cảnh đó giống như đang sống trong địa ngục.
“Mỗi ngày ở trong tù, tôi cảm thấy như mình đang sống trong địa ngục, muốn sống không được, muốn chết cũng chẳng xong, còn tinh thần của tôi thì gần như suy sụp. Chỉ có ba chữ Chân-Thiện-Nhẫn [các nguyên lý của Pháp Luân Công] đọng lại trong tâm trí tôi và giúp tôi vượt qua trải nghiệm vô cùng đen tối này. Khi tôi ra khỏi nhà tù đó, toàn thân tôi đều thâm tím, đầy sẹo, và gầy guộc.”
Sau khi được thả vào năm 2016, cô Hạ đã tìm cách thoát sang Mỹ.
“Hôm nay, tôi có thể đứng trên mảnh đất tự do của Hoa Kỳ và có quyền tự do tin vào Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn,” cô nói.
“Tuy nhiên, ở Trung Quốc ngày nay, hàng ngàn học viên Pháp Luân Đại Pháp vẫn đang phải chịu sự bức hại tàn bạo mà tôi đã từng phải chịu.”
Cô kêu gọi “những người hảo tâm hãy chung tay giúp đỡ để cùng nhau ngăn chặn và chấm dứt cuộc bức hại vô nhân đạo này càng sớm càng tốt.”
Phản ứng của thế giới
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã bị các chính phủ trên toàn thế giới lên án, trong đó có một số nghị quyết của Quốc hội Hoa Kỳ và các báo cáo của Liên Hiệp Quốc. Năm 2020, một tòa án độc lập ở Anh đã xác định rằng ĐCSTQ đã sát hại các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù và những người bất đồng chính kiến khác để lấy nội tạng của họ, và mang đi cấy ghép, thường là cho những bệnh nhân ngoại quốc có khả năng chi trả cao.
Tuy nhiên, một số người tham dự cuộc biểu tình cho biết chủ đề này thu hút tương đối ít sự chú ý trong chính phủ và các kênh truyền thông, phần lớn để cho các học viên Pháp Luân Công tự mình truyền rộng thông tin này.
Cô Julia Baniasadi, 44 tuổi, người đến tham dự cuộc tập hợp này cùng gia đình cho biết: “Điều này rất quan trọng bởi vì phải có người làm việc này, do không có ai khác giúp đỡ.”
Tại Trung Quốc, ĐCSTQ luôn kiểm soát chặt chẽ thông tin về cuộc đàn áp này, đặc biệt là về việc tra tấn và ngược đãi trong các nhà tù.
“Rất nhiều người Trung Quốc ở Trung Quốc, họ thậm chí còn không biết về cuộc bức hại này,” cô nói.
Ngay cả ở Hoa Kỳ, các hãng thông tấn cũng hiếm khi đề cập đến chủ đề này.
Cô bé Nikou, 18 tuổi, con gái của cô Baniasadi, cho biết: “Các kênh thông tấn che đậy sự việc này rất nhiều.”
“Chỉ có các hãng thông tấn chính thống mới che đậy thôi. Họ không đưa tin về cuộc bức hại, họ không trình bày sự việc này ra, không có gì cả. Vì lý do nào đó mà sự việc này luôn bị che đậy. Vì vậy, tôi đoán chúng tôi chỉ phải chủ động đi ra ngoài và nói với mọi người.”
Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.