Trung Quốc lan truyền tin đồn giả về nội chiến tại Philippines, lợi dụng mạng xã hội để tiến hành chiến tranh nhận thức
Gần đây, những tin đồn trên mạng về nội chiến tại Philippines tăng đột ngột. Các nhà phân tích cho rằng, điều này có thể liên quan đến nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm thao túng dư luận trong các cuộc xung đột tại Biển Đông. ĐCSTQ đang cố gắng sử dụng thông tin giả qua mạng xã hội và các kênh truyền thống để tác động đến cảm xúc của công chúng, phá hoại tình hình chính trị và xã hội của Philippines.
Tập san Á Châu hàng tuần hôm thứ Hai (17/06) đưa tin, ông Sherwin Ona, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói rằng: “Những gì chúng ta thấy chỉ là phần nổi của tảng băng. Chúng ta cần chuẩn bị cho nhiều tình huống như thế này.”
Thông tin giả phù hợp với chiến lược ‘vùng xám’ của ĐCSTQ
Tuần trước, hãng thông tấn The Philippine Star đưa tin về việc một số tài khoản mạng xã hội ẩn danh của Trung Quốc hợp tác chia sẻ tuyên bố của nghị sỹ Pantaleon Alvarez ở tỉnh Bắc Davao vào tháng Mười Một năm ngoái, kêu gọi các đảo phía Nam của nhóm đảo Mindanao ly khai khỏi Philippines.
Ông Alvarez là đồng minh của cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và từng giữ chức Chủ tịch Hạ viện dưới thời Tổng thống Duterte.
Theo tin tức từ hãng thông tấn The Philippine Star, trong vòng vài ngày, có hơn 60 tài khoản mạng xã hội đã đăng tải các bài viết về “phong trào độc lập” của Mindanao. Điều này làm gia tăng đồn đoán về sự ly khai và đổ lỗi cho chính sách “thân Mỹ” của Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr.
Những người có liên quan đến phe phái của ông Duterte trên mạng đã khuếch đại tiếng nói ly khai. Họ cho rằng chính phủ của ông Marcos đang làm vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Cuộc tranh đấu công khai giữa ông Duterte và ông Marcos Jr. diễn ra rất gay gắt. Vào tháng Hai năm nay, ông Duterte đã kêu gọi quê hương Mindanao của ông độc lập.
Ông Ona cho biết thông tin giả này phù hợp với chiến lược “vùng xám” của ĐCSTQ. ĐCSTQ sử dụng chiến thuật chiến tranh nhận thức và các chiến thuật ẩn giấu khác để đạt được mục tiêu chiến lược mà không cần thực hiện các hành động quân sự trực tiếp.
“Chúng ta còn thấy rằng thông tin giả đang được lan truyền qua các kênh truyền thống, chẳng hạn như các phương tiện truyền thông chính thức và các trang mạng xã hội thân Bắc Kinh để khuếch đại thông tin giả. Họ sử dụng những kẻ tung tin trên mạng,” ông Ona nói.
Ông Ona cho biết, ĐCSTQ cũng áp dụng chiến lược chiến tranh nhận thức tương tự tại Đài Loan và Hồng Kông. Ông liệt kê việc ĐCSTQ phát tán thông tin giả trước cuộc bầu cử hồi tháng Một ở Đài Loan, nhắm vào ông Lại Thanh Đức (Lai Ch’ing-te) với các cáo buộc tham nhũng và độc tài vô căn cứ.
Năm ngoái, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cáo buộc ĐCSTQ chi hàng chục tỷ USD để mở rộng hoạt động tung tin giả trên toàn cầu. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng cách làm này làm hạn chế tự do ngôn luận và phá hoại độ tin cậy của thông tin.
Ông Ona nói: “Chiến lược của ĐCSTQ thường là thúc đẩy các hoạt động tung tin giả trên mạng, kết hợp với các hành động tấn công trên mạng Internet, như các đợt tấn công của tin tặc vào dữ liệu công cộng và hoạt động gián điệp mạng.” Ông chỉ ra rằng, ĐCSTQ thường sử dụng chiến lược này đi kèm với các chiến lược độc ác khác, như gieo rắc sự bất hòa, lôi kéo các lãnh đạo địa phương, và kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia đó.
Ông Ona còn nói, những nỗ lực của ĐCSTQ là nhằm tiến tới mục tiêu chiến lược đạt được “sự phục hưng vĩ đại” vào năm 2049 và thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là một phần của “Giấc mộng Trung Hoa.” “Những yêu sách vô lý của Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Biển Đông và sáng kiến ‘Một Vành đai, Một Con đường’ cũng là một phần của mục tiêu này.”
Chiến tranh thông tin
Vào tháng Tư năm nay, sau khi phải đối mặt với hàng loạt cuộc tấn công mạng được cho là đến từ ĐCSTQ, Tổng thống Marcos Jr. đã công bố một kế hoạch sáu năm nhằm tăng cường an ninh mạng của Philippines.
Một tháng trước đó, một tin tặc ẩn danh đã xâm nhập vào trang Facebook của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, và đăng tải một lượng lớn nội dung ác ý lên trang này. Một tuần sau, chính phủ Philippines giành lại quyền kiểm soát trang này.
Hồi tháng Một, trang web của chính phủ ông Marcos Jr., máy chủ thư điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông (DICT) và Trung tâm Giám sát Bờ biển Quốc gia (National Coast Watch Centre) cũng bị tin tặc tấn công. Bộ Thông tin Philippines cho biết, các nhà điều tra đã truy vết được các tin tặc này và họ nghi ngờ nguyên nhân đến từ việc sử dụng dịch vụ của China Unicom.
Theo tin tức của giới truyền thông, quân đội Philippines tiết lộ rằng chính quyền ĐCSTQ đã tuyển dụng các quân nhân Philippines làm cố vấn và cài cắm đặc công trong các “đội ngũ tiềm ẩn” khắp nơi ở Philippines.
Nhà phân tích địa chính trị Don McLain Gill, giảng viên khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học De La Salle ở Manila, cho biết, khi Manila nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh và kinh tế với Hoa Kỳ thì các hoạt động tình báo nhằm vào chính phủ ông Marcos Jr. cũng gia tăng.
Gây mâu thuẫn và chia rẽ
Ông Gill cho biết, ĐCSTQ hy vọng thông qua việc gây ra mâu thuẫn xã hội để phá hoại liên minh Hoa Kỳ-Philippines và tái định hình cục diện chính trị trước cuộc bầu cử tại Philippines.
Tổng thống Marcos còn hai năm trong nhiệm kỳ, trong khi cuộc bầu cử giữa kỳ của Thượng viện và chính quyền địa phương sẽ diễn ra vào năm 2025.
Ông Gill chỉ ra rằng, hoạt động tung tin đồn của ĐCSTQ trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube nhằm mục đích kích động bất ổn nội bộ tại Philippines thông qua việc lan truyền các video và bài viết bịa đặt. “Mục tiêu chung là thúc đẩy dư luận nội bộ sôi sục,” khiến người dân Philippines tin rằng Manila đang gây ra xung đột ở Biển Đông.