Hoa Thịnh Đốn lên án các hành động ‘leo thang’ của Trung Quốc ở Biển Đông, tái khẳng định liên minh với Philippines
Một hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines yêu cầu cả hai quốc gia phải trợ giúp lẫn nhau nếu một trong hai bị tấn công.
Hoa Kỳ đã lên án “những hành động leo thang và vô trách nhiệm” của Trung Quốc khi ngăn cản Philippines giao thực phẩm cho binh lính nước này tại một tiền đồn ở Biển Đông và nhắc nhở Bắc Kinh về hiệp ước phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines.
Trong một tuyên bố hôm 17/06, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Việc các tàu [Trung Quốc] sử dụng vòi rồng một cách cố ý và đầy nguy hiểm, đụng, chặn việc di chuyển, và kéo các tàu Philippines bị hư hại, gây nguy hiểm đến tính mạng của các quân nhân Philippines, là liều lĩnh, và đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.”
Quân đội Philippines gọi hành động của Bắc Kinh, vốn làm gián đoạn sứ mệnh của Philippines, là “những hành động bất hợp pháp, gây hấn, và liều lĩnh.”
“Những hành động của họ gây nguy hiểm đến tính mạng của nhân viên của chúng tôi và làm hư hỏng tàu thuyền của chúng tôi, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế,” tuyên bố cho biết.
Hải Cảnh Trung Quốc cho rằng một tàu tiếp tế của Philippines đã tiếp cận “một cách cố tình và nguy hiểm” tới một tàu Trung Quốc, dẫn đến xung đột nhẹ, sau khi tàu Philippines này “xâm phạm trái phép” vào vùng biển gần Bãi cạn Second Thomas (Bãi Cỏ Mây). Manila bác bỏ cáo buộc này, cho là “dối trá và gây nhầm lẫn.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết Hoa Thịnh Đốn “tái khẳng định” cam kết của mình đối với hiệp ước phòng thủ chung với Manila, trong đó yêu cầu cả hai quốc gia phải trợ giúp lẫn nhau nếu một trong hai nước bị nước khác tấn công.
Ông nói: “Hoa Kỳ tái khẳng định rằng Điều IV của Hiệp ước Phòng thủ Chung Hoa Kỳ-Philippines năm 1951 mở rộng tới các cuộc tấn công vũ trang vào các lực lượng vũ trang, tàu công cộng, hoặc phi cơ của Philippines—kể cả Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của nước này—ở bất cứ đâu trên Biển Đông.”
Hồi tháng Tư, trong chuyến thăm Ngũ Giác Đài của Tổng thống Philippines khi ông công du tới Hoa Thịnh Đốn, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng khẳng định cam kết bảo vệ Philippines của Hoa Kỳ.
Trong một bài đăng trên X, Đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines MaryKay Carlson cũng chỉ trích các thủ đoạn “gây hấn, nguy hiểm” của Trung Quốc, nói rằng vụ xung đột này đã “gây thương tích thân thể.”
Hành động mới nhất này của Bắc Kinh diễn ra sau một loạt những vụ việc gần đây, mà Hoa Thịnh Đốn gọi là “hành động khiêu khích,” giữa những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Ông Miller nói: “Các hành động của Bắc Kinh phản ánh sự coi thường nhất quán đối với an toàn của người Philippines và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.”
Quân đội Philippines cho biết hôm 19/05, các tàu Trung Quốc đã chặn và thu giữ một trong bốn kiện thực phẩm được thả bằng phi cơ tới một tiền đồn của Philippines ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.
Những tháng gần đây đã xuất hiện nhiều báo cáo về các cuộc đối đầu giữa hai nước ở Biển Đông. Hồi cuối tháng Ba, Philippines cáo buộc một tàu Hải Cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng xịt vào một tàu Philippines, khiến 3 thủy thủ bị thương.
Trung Quốc đã cảnh báo Philippines về việc xâm phạm vào điều mà nước này gọi là vùng lãnh hải của mình và ban hành các quy định mới, có hiệu lực từ ngày 15/06, thực thi một luật năm 2021 cho phép hải cảnh của nước này sử dụng vũ lực sát thương đối với các tàu ngoại quốc trong vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Những quy định mới này cho phép Hải Cảnh Trung Quốc giam giữ những người bị tình nghi xâm phạm trong 60 ngày mà không cần xét xử.
Đáp lại, hôm 17/06, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết họ đã ra lệnh khai triển hai tàu để tuần tra và bảo đảm an toàn cho ngư dân Philippines tại Bãi cạn Scarborough—điểm nóng thứ hai cách Bãi cạn Second Thomas khoảng 345 hải lý.
Những yêu sách chủ quyền bất hợp pháp
Trung Quốc khẳng định quyền kiểm soát đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến đường quan trọng với giá trị thương mại hàng hải hàng năm là hơn 3 ngàn tỷ USD. Yêu sách này chồng chéo lên các lãnh thổ mà Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, và Brunei tuyên bố chủ quyền.
Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực ra phán quyết rằng các yêu sách trên biển của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh phớt lờ phán quyết đó và tiếp tục hành động trong khu vực này.
Tuần trước, bà Sandra Oudkirk, giám đốc Viện Mỹ quốc tại Đài Loan và đại sứ Hoa Kỳ trên thực tế tại Đài Loan, cảnh báo rằng các hành động khiêu khích của chế độ cộng sản Trung Quốc tại vùng biển quốc tế trong khu vực này có thể dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn nếu tính toán sai lầm.
Tháng trước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã cảnh báo chính quyền Trung Quốc về “một hành động gây chiến” nếu Bắc Kinh vượt qua lằn ranh đỏ.