Trung Quốc lại cho thấy nhiều lời sáo rỗng
Khi còn bé, tôi luôn được dạy rằng nếu bị bắt gặp đang làm điều gì đó mà mình không nên làm thì tốt nhất nên đứng lên và thừa nhận lỗi lầm của mình. Việc giả vờ bản thân vô can với một hành động rõ ràng là xấu hiếm khi là một hành động khôn ngoan và ngược lại, quý vị càng phủ nhận thì càng nực cười. Nói một cách dí dỏm: nếu người ta nhìn thấy quý vị đang thò tay vào hũ bánh quy, đừng nói với mẹ rằng quý vị đang tiến hành một thí nghiệm kiểm soát chất lượng về các mô hình phân phối vụn chocolate trên mỗi chiếc bánh quy.
Có vẻ như Trung Quốc chưa từng học được bài học đó.
Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc về việc không chỉ một mà có thể là hai “khí cầu do thám” bay trên bầu trời Bắc Mỹ, không phải ngẫu nhiên [các khí cầu này lại bay] gần các căn cứ quân sự nhạy cảm. Cả Canada và Hoa Kỳ đều đang theo dõi tình hình, và Hoa Thịnh Đốn đã nêu vấn đề này với các quan chức CHND Trung Hoa, những người rốt cuộc cũng đã thừa nhận rằng khinh khí cầu này là tài sản của Trung Quốc. Ottawa đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để bày tỏ sự phản đối.
Các khinh khí cầu ư? Là các công cụ do thám ư? Điều này có nghiêm trọng không?
Vấn đề quan trọng cần chỉ rõ ở đây là các khinh khí cầu trên không phải là những túi bong bóng mà quý vị liên tưởng đến với các cây nến và bánh sinh nhật. Đây là những thiết bị giám sát tinh vi bay ở độ cao hàng chục ngàn mét trong bầu khí quyển và được gắn các camera nhạy cảm có thể phóng to và ghi lại IMINT (tình báo hình ảnh) quan trọng để giúp một quốc gia đánh giá các khả năng của một kẻ thù.
Đúng vậy, có thể đúng là những thứ này không hữu dụng bằng các vệ tinh — xét cho cùng, một quả bóng bay sẽ bay theo chiều gió — nhưng vật thể này phải có giá trị nào đó, nếu không các quốc gia sẽ không khai triển những thứ này [để làm gì]. Cũng có thể, nếu không muốn nói là có thể xảy ra, thì Trung Quốc đã gửi những thứ này qua Hoa Kỳ như một cách để sỉ nhục người Mỹ ngay thời điểm các mối bang giao song phương ngày càng căng thẳng.
Một số người có thể xem đây chỉ là một trục trặc nhỏ trong một Chương 2 lớn hơn của Chiến tranh Lạnh. Rốt cuộc, khinh khí cầu này đã được phát hiện — không có gì đáng ngạc nhiên khi không phận Hoa Kỳ được kiểm soát như thế nào kể từ Chương 1 của Chiến tranh Lạnh — và không có thiệt hại thực sự nào đã xảy ra. (Hay là vậy thôi sao? Các quan chức tình báo nổi tiếng với những câu trả lời “không xác nhận cũng không phủ nhận.”) Tuy nhiên, có một vấn đề lớn hơn đang diễn ra ở đây.
Thực tế là gần đây Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn trong việc thể hiện sức mạnh của mình trên phạm vi quốc tế. Cho dù đó là kinh tế, như trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (nơi chính quyền này xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn và tiến đến điều hành những dự án đó khi quốc gia sở tại không thể trả tiền), hay chính trị/an ninh (“các đồn công an” bí mật ở Canada, Hoa Kỳ, và các nơi khác, sách nhiễu những người bất đồng chính kiến, đánh cắp bí mật, v.v.), về bản chất, Bắc Kinh dường như muốn làm bất cứ điều gì họ muốn, bất kể hoàn cảnh nào.
Thật khó để biết tất cả những điều này sẽ đi về đâu. Chúng ta đã có đủ những chuẩn tắc nhạy cảm với CHND Trung Hoa — Tân Cương, Tây Tạng, Pháp Luân Công, Hồng Kông, cái gọi là “đường cửu đoạn” ở Biển Đông, các đảo tranh chấp gần Nhật Bản, v.v. — việc thêm một chuẩn tắc nhạy cảm nữa cũng vô ích. Dường như việc Trung Quốc coi thường luật pháp và công ước quốc tế trước mắt là không có điểm dừng.
Đúng vậy, gián điệp là nghề lâu đời nhất trên thế giới và sẽ tiếp tục bất kể “vụ bê bối khinh khí cầu” kết thúc ở đâu. Các quốc gia sẽ tiếp tục vượt giới hạn phép tắc để giành lợi thế trước các đối thủ của họ, và đôi khi sẽ bị bắt gặp đang thực hiện những hành vi sai trái.
Nếu thỉnh thoảng Trung Quốc ăn vụng mà biết chùi mép thì hẳn là sẽ hay ho hơn đấy.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times