Khi nói đến các mối đe dọa khủng bố, các viên chức liên bang cần có sao nói vậy
Thánh chiến (jihadi) thì vẫn là thánh chiến dù gọi bằng bất kỳ cái tên nào.
Shakespeare đã nói đúng. Dù chúng ta gọi một thứ nào đó là gì đi nữa thì cũng không ảnh hưởng đến bản chất của thứ đó. Những trào lưu và các mốt thịnh hành đến rồi đi nhưng sự thật vẫn là sự thật. Hoa hồng nào mà chẳng thơm dù chúng ta có gọi chúng là gì đi chăng nữa.
Ngôn ngữ là một thứ thật khôi hài. Bất kể con người cố gắng kiểm soát ngôn ngữ, hoặc thay đổi ngôn ngữ, hoặc cấm các từ trong từ điển cộng đồng bao nhiêu, cuối cùng thì họ vẫn thất bại, vì năng lực ngôn ngữ của loài người chúng ta là một trong những thể chế dân chủ nhất. Chúng ta nói điều chúng ta muốn nói, theo cách chúng ta muốn nói, bất kể các quan chức cấp cao thích sử dụng ngôn ngữ gì đi nữa. Điều này được biết đến như một phương pháp mô tả ngôn ngữ trong ngôn ngữ học (trái ngược với phương pháp “quy tắc”).
Có những người tìm cách áp đặt các tiêu chuẩn lên cách chúng ta biểu đạt bản thân vì nhiều lý do. Một vài người cảm thấy rằng một số dạng ngôn ngữ nhất định “tốt hơn” so với các dạng khác (ví dụ [trong Anh ngữ] có thể nói “is not” thay vì “ain’t”, [đều có nghĩa là ‘không’]). Những người khác thì hoàn toàn lại kiêu căng hợm hĩnh.
Và một số người lại muốn hạn chế một số từ và nhóm từ nhằm “bảo vệ” chúng ta khỏi ngôn ngữ mà họ cho là “phân biệt chủng tộc” hoặc “thực dân.” Về phương diện này, không có minh họa nào tốt hơn việc phát triển vốn từ vựng được chính phủ Canada sử dụng để mô tả chủ nghĩa khủng bố.
Không phải tôi chỉ có hứng thú thoáng qua với ngôn ngữ và cách nó giao thoa với các mối đe dọa. Tôi muốn trở thành một dịch giả/nhà ngôn ngữ học và thực sự đã dạy ngôn ngữ học ở trường đại học trong 15 năm, trước khi tình cờ bước chân vào lĩnh vực tình báo.
Khi tôi làm việc tại CSIS, bề ngoài chúng tôi đã tuyên bố rằng mối quan tâm số một của chúng tôi về mặt trận khủng bố là từ các phong trào Hồi Giáo cực đoan. Thuật ngữ này đã được các chuyên gia bảo mật và học giả sử dụng trong nhiều thập niên, được hiểu và chấp nhận rộng rãi. Không ai xem đó là sự phân biệt đối xử hay một hình thức “gây hấn vi mô” (bất kể nhóm từ đó có nghĩa là gì đi nữa).
Chưa hết, sau khi chính phủ hiện tại lên cầm quyền vào cuối mùa thu năm 2015 — tôi đã ngưng làm việc tại CSIS vào tháng Tư năm đó — tình thế đã thay đổi. Không còn ai sử dụng nhóm từ “khủng bố Hồi Giáo” nữa, kể cả CSIS. Thay vào đó, chúng ta có nhóm từ “chủ nghĩa cực đoan bạo lực với động cơ tôn giáo” (RMVE) mang tính giảm nhẹ hơn, một nhóm từ phản ánh cả Bộ luật Hình sự Canada (Mục 83.01ff) và Đạo luật CSIS (Mục 2c), nhưng không hề chính xác (động cơ khủng bố của các nhóm như Al Qaeda và ISIS không chỉ mang tính chất tôn giáo) và cũng không mang tính mô tả thực tế (tôi biết rằng chẳng có ai lo ngại về những tín đồ dòng Mennonite đánh bom tự sát cả). Tất cả đều nhằm mục đích không xúc phạm bất cứ ai, dường như là vậy.
May mắn thay, còn một số người cũng đang phản kháng (ngoài tôi ra). Ông Michael Burgess, giám đốc Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO), cơ quan ở Úc tương đương với CSIS, gần đây đã tuyên bố rằng mối đe dọa khủng bố lớn nhất mà quốc gia của ông phải đối mặt là “Chủ nghĩa Khủng bố Hồi Giáo Sunni,” một thuật ngữ mà ở CSIS chúng tôi đã sử dụng vào những năm 2000 trước khi đổi nhóm từ này thành khủng bố Hồi Giáo. Tại Bỉ, OCAD, một trung tâm tình báo “hợp nhất” tương tự như Trung tâm Đánh giá Khủng bố Tích hợp của Canada, đã đưa ra tuyên bố rằng hơn 40% báo cáo về mối đe dọa mà họ nhận được vào năm 2023 có liên quan đến chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo.
Và tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Sunak tuyên bố rằng nền dân chủ đa sắc tộc của Anh đang bị người Hồi Giáo (cũng như những kẻ cực đoan cực hữu) cố tình phá hoại. Vâng, người Hồi Giáo, không phải những kẻ khủng bố “tôn giáo.” Tôi không nghĩ rằng hầu hết người Anh sợ hãi trước bóng ma bạo lực của Giáo Hữu Hội.
Trong khi đó, chúng ta ở Canada đang được liên tục mớm cho tư tưởng rằng “tất cả đều liên quan đến phe cực hữu và chủ nghĩa dân tộc da trắng,” mặc dù ở Quebec, Ontario, và Alberta đã có các vụ bắt giữ những kẻ bị cáo buộc là khủng bố chắc chắn trông giống như được truyền cảm hứng từ bất kỳ tổ chức thánh chiến nào đó (ISIS, Hamas, v.v.), nhưng không có ai ở vị trí quyền lực đang nói điều như vậy cả.
Ngôn ngữ rất quan trọng. Chúng ta có thể chọn nói chính xác để cho phép những người bảo vệ của chúng ta dành các nguồn lực cần thiết cho các mối đe dọa một cách tương ứng, hoặc chúng ta có thể dùng từ ngữ nói tránh để không ai — và kể cả cả công chúng — thực sự nhận thức được về những mối nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt. Điều chúng ta cần là sự trung thực và can đảm để gọi thánh chiến là thánh chiến.
Trong thời gian làm việc tại CSIS, chúng tôi đã giao tiếp một cách cởi mở với các cộng đồng Hồi Giáo và có những trao đổi trung thực về những điều khiến chúng tôi lo lắng mất ăn mất ngủ. Chúng tôi đã giải thích lý do tại sao chúng tôi sử dụng các thuật ngữ mà chúng tôi nói và không ai lấy làm khó chịu về lựa chọn của chúng tôi. Tại sao chính phủ này lại cho rằng người dân Canada không thể đối mặt với sự thật?
Khi các cơ quan an ninh và cơ quan chấp pháp của quý vị phải chịu gánh nặng với phong trào thức tỉnh và ngôn ngữ đúng đắn về mặt chính trị, họ quan tâm đến việc loại bỏ tận gốc “sự phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống” hư cấu hơn là bảo đảm rằng họ cần để cho lực lượng này thực hiện các cuộc điều tra, thu thập thông tin tình báo/bằng chứng, bắt giữ và buộc tội, thì tất cả chúng ta đều kém an toàn hơn.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times