Trung Quốc đình chỉ nhập cảng thực phẩm từ Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng xuyên eo biển gia tăng
Chuyên gia: ĐCSTQ là một ‘đối tác thương mại vô kỷ luật’
Trong bối cảnh căng thẳng xuyên eo biển gia tăng, một lần nữa Bắc Kinh đã đình chỉ nhập cảng một số sản phẩm thực phẩm và đồ uống từ Đài Loan, với lý do “thông tin ghi danh không đầy đủ.” Các chuyên gia tin rằng đây là một hành động chính trị nhằm đàn áp Đài Loan và kích động chủ nghĩa dân tộc vào thời điểm có khủng hoảng trong nước.
Các sản phẩm bị đình chỉ gần đây bao gồm bánh quy, kẹo, rượu, và các loại đồ uống khác. Theo Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA), tính đến ngày 10/12, số lượng mặt hàng bị đình chỉ nhập cảng đã lên tới 2,409.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc tuyên bố rằng việc đình chỉ này là do “không tuân thủ hệ thống ghi danh hải quan mới mà chính phủ Trung Quốc đưa ra vào năm ngoái.”
Một số công ty Đài Loan báo cáo rằng ghi danh của họ với hải quan Trung Quốc đột nhiên trở nên “không hợp lệ” mặc dù đã tuân thủ các quy tắc hải quan và trước đó đã nhận được một mã đủ điều kiện nhập cảng.
Theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan (COA), ngành thủy sản của Đài Loan bị ảnh hưởng nhiều nhất.
COA đã xác nhận hôm 08/12 rằng 178 nhà xuất cảng thủy sản đã bị đình chỉ xuất cảng sản phẩm của họ sang Trung Quốc, trong đó mực, cá thu đao Thái Bình Dương, và cá nhụ (hay còn gọi cá chét) là những mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Về khối lượng, Đài Loan đã xuất cảng 75,000 tấn mực sang Trung Quốc vào năm ngoái với giá trị xuất cảng khoảng 120 triệu USD.
Hải quan Trung Quốc viện dẫn một số lý do có thể cấu thành “thông tin ghi danh không đầy đủ”: ghi nhãn thành phần không đáp ứng các yêu cầu; giấy phép sản xuất không đáp ứng yêu cầu; đơn đề nghị của công ty không đáp ứng yêu cầu; phần khai báo xuất xứ không đáp ứng yêu cầu; các tài liệu ghi danh không được cung cấp theo yêu cầu; mã sản phẩm ứng dụng không hợp lệ hoặc sai và không thuộc ghi danh của doanh nghiệp thực phẩm.
Phân biệt đối xử với Đài Loan
Ông Vương Tất Thắng (Wang Pi-sheng), Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 11/12 rằng những lý do mà hải quan Trung Quốc đưa ra thoạt nhìn có vẻ hợp lý, nhưng thực tế có nhiều điều hơn thế đằng sau.
Ông cho biết vấn đề là các tiêu chuẩn đánh giá không rõ ràng, đồng thời nói thêm rằng hải quan Trung Quốc không thông báo nội dung nào được phép và nội dung nào thì không. Và bộ này không thể tìm ra logic đằng sau việc đình chỉ xuất cảng khi so sánh các hồ sơ được chấp nhận và hồ sơ không được chấp thuận.
Ông Vương nói thêm rằng bộ đã nhiều lần hỏi các quan chức Trung Quốc tại sao những sản phẩm đó không đáp ứng các yêu cầu, nhưng họ không phúc đáp.
Hôm 10/12, ông La Bỉnh Thành (Lo Ping-cheng), phát ngôn viên của Lập pháp viện Đài Loan, cho biết hành động của Bắc Kinh là một rào cản thương mại kỹ thuật và phân biệt đối xử với Đài Loan.
Ông chỉ ra rằng hồi tháng 11/2019, Bắc Kinh đã đề xuất dự thảo quy định mới để ghi danh các nhà sản xuất thực phẩm ở ngoại quốc. Các quy tắc quy định rằng tất cả các quốc gia, ngoại trừ Đài Loan, có thể điền vào mẫu ghi danh trực tuyến.
Ngoài ra, tất cả các quốc gia khác đều có thời hạn nộp đơn đến hôm 30/06/2023, nhưng thời hạn của Đài Loan thì phải sớm hơn một năm.
Hơn nữa, trong hai năm qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã cấm một số sản phẩm nông nghiệp và hải sản của Đài Loan với nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như thịt heo, dứa, vải thiều, trái cây họ cam quýt, cá mú, cá đuôi gai, và cá thu.
‘Đối tác thương mại vô kỷ luật’
Ông Akio Yaita, một ký giả nổi tiếng người Nhật gốc Trung Quốc và là trưởng văn phòng Đài Bắc của tờ báo Nhật Bản Sankei Shimbun, cho biết hành động của Bắc Kinh không phải do vấn đề kỹ thuật mà là do sự đàn áp chính trị trắng trợn.
Ông Yaita cho biết trong một bài đăng trên Facebook hôm 11/12, “Trong hai năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần cấm nhập cảng các sản phẩm của Đài Loan và tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn. Những hành vi này không gì khác hơn là đàn áp và ép buộc chính trị thông qua kinh doanh.”
“[Những hành động này] cho thấy những rủi ro chính trị lớn trong việc kinh doanh với Trung Quốc và cho thấy họ không phải là một đối tác kinh doanh đáng tin cậy. Kiếm tiền ở Trung Quốc không gì khác hơn là ‘xin ác ma tiền tiêu vặt’, điều này có thể mang lại lợi nhuận trong thời gian ngắn, nhưng có thể khiến người ta mất đi tất cả khi ‘ma quỷ trở mặt.’”
Ông Yaita khuyến khích Đài Loan không nhượng bộ trước áp lực hoặc đưa ra bất kỳ thỏa hiệp nào khi đối mặt với một “đối tác thương mại vô kỷ luật.”
Về việc đơn phương đình chỉ thương mại của Bắc Kinh, hôm 12/12, ký giả độc lập và chuyên gia về Trung Quốc Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang) nói với The Epoch Times rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “rất cần một nhân tố bên ngoài để giảm bớt áp lực trong nước và quốc tế,” và việc khiêu khích Đài Loan là một cách thức.
Ông cho biết chính quyền này đang phải đối mặt với một “vòng vây áp lực” khi các quốc gia tách khỏi Trung Quốc và sự bất mãn của công chúng nảy sinh trong nước về các biện pháp kiểm soát đại dịch hà khắc của họ.
Trong chương trình truyền hình “Diễn Đàn Tinh Anh” (“Elite Forum”) của NTD hôm 11/12, ông Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng), một nhà hoạt động dân chủ người Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói rằng ĐCSTQ luôn cố gắng kích động chủ nghĩa dân tộc trong nhân dân vào thời điểm khủng hoảng.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times