Trung Quốc đặt mục tiêu chiếm lĩnh vị trí đầu ngành của Boeing vào năm 2049
Trong những năm gần đây, một loạt tin tức xấu đã phủ bóng đen lên bộ phận phi cơ chở khách của Boeing — hãng hàng không vũ trụ hàng đầu mang tính biểu tượng của Hoa Kỳ. Nhưng tin xấu vẫn chưa hết, đến năm 2049, nếu Trung Quốc có thể thực hiện theo đúng kế hoạch của họ, thì họ sẽ thay thế Boeing để trở thành một trong những nhà sản xuất phi cơ chở khách hàng đầu — nếu lúc đó hãng này vẫn chưa hoàn toàn tự hủy hoại chính mình.
Bất chấp sự phụ thuộc nặng nề hiện nay của Trung Quốc vào các phi cơ do Boeing sản xuất, sự coi thường của họ đối với công ty đã từng đấu tranh hàng thập niên cho một mối bang giao hữu hảo hơn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc này đã bộc lộ rõ hôm 20/05, vào thời khắc Bộ Thương mại Trung Quốc trừng phạt Bộ phận Quốc phòng, Không gian và An ninh của Boeing vì lần thứ hai bán vũ khí cho Đài Loan.
Khả năng Trung Quốc buộc Boeing sụp đổ phụ thuộc phần lớn vào năng lực của hãng này trong việc vượt qua những thách thức về quản lý và sản xuất hiện hữu cũng như duy trì lịch sử đổi mới lâu dài, đồng thời chấp nhận rủi ro chiến lược để duy trì vị thế dẫn trước ngành hàng không Trung Quốc nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, Boeing không chỉ phải đối mặt với thách thức thương mại đơn thuần từ Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không phải chịu sự cản trở từ thị trường và các nghĩa vụ đối với cổ đông, vì vậy họ có thể dành các nguồn lực cần thiết để xây dựng một ngành hàng không vũ trụ thống lĩnh thế giới — một thành tựu mà sẽ rất quan trọng đối với việc đạt được một tham vọng lớn hơn nhiều — sự bá chủ toàn cầu về chính trị, kinh tế, và quân sự.
Sự bá chủ về kinh tế là mục tiêu cuối cùng trong câu nói cửa miệng ưa thích của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình về “các lực lượng sản xuất mới” trong nền kinh tế nhằm đạt được những đột phá về đổi mới, công nghệ, và tổ chức, cho phép Trung Quốc tạo ra sức mạnh kinh tế lớn hơn bao giờ hết, giúp thống lĩnh lĩnh vực hàng không vũ trụ toàn cầu.
Sự bá chủ về chính trị-quân sự đang được ĐCSTQ theo đuổi cùng với Nga, Iran, và Bắc Hàn, khi đảng này trợ giúp Nga trong cuộc chiến ở Ukraine mà có lẽ sẽ sớm lan ra châu Âu, trợ giúp Iran trang bị vũ khí cho Hamas, Hezbollah, và Houthi để hủy hoại Israel và biến Bắc Hàn thành mối đe dọa hạt nhân toàn cầu.
Khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu chủ động khai chiến với Đài Loan, thì Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) sẽ sử dụng phần lớn trong số 4,000 phi cơ Boeing và Airbus của các hãng hàng không Trung Quốc để vận chuyển quân đội và vật tư nhằm phá hủy nền dân chủ Đài Loan.
Tuy vậy, liên quan đến thách thức trên phạm vi hẹp hơn của Trung Quốc đối với Boeing, một bài báo ngày 13/05 trên tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) đã đưa ra một tuyên bố khó hiểu không rõ nguồn gốc: “Trung Quốc đã bắt đầu phát triển C939, một loại phi cơ thân rộng mới và là chiếc thứ ba trong loạt sản phẩm nội địa của họ.”
Các nguồn tin Trung Quốc khác cho biết C939 của Tập đoàn Phi cơ Thương mại Trung Quốc (COMAC) sẽ là một mẫu phi cơ chở khách thân rộng có sức chứa hơn 400 hành khách và sẽ ra mắt vào năm 2039. Sản phẩm này được tạo ra nhằm mục đích cạnh tranh với Boeing 777, mẫu phi cơ cải tiến có động cơ phản lực kép hiện đang thống lĩnh thị trường sau mẫu phi cơ bốn động cơ mang tính lịch sử Boeing 747.
C939 sẽ bổ sung cho mẫu phi cơ COMAC C929 dự kiến có sức chứa 280 hành khách, trước đây là chương trình hợp tác phát triển với Nga. COMAC kỳ vọng sẽ cho trình làng mẫu này vào năm 2030 để cạnh tranh với các phi cơ chở khách Boeing 787 và Airbus A350 thuộc phân khúc phi cơ có kích cỡ tương tự.
Nhưng việc mà Nam Hoa Tảo Báo hoặc các ký giả phương Tây báo cáo về lĩnh vực hàng không, những người về căn bản cóp nhặt lại báo cáo của Nam Hoa Tảo Báo, không đưa tin — đó là sự thách thức rõ ràng của COMAC đối với cả Boeing lẫn Airbus, được tiết lộ trong một slide PowerPoint được đăng trên mạng Internet Trung Quốc, dường như là từ một cuộc họp ngắn của COMAC tại Triển lãm Hàng không Thương mại Quốc tế Thượng Hải diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25/11/2023.
Với tiêu đề “Tiến trình Thiết kế Phi cơ Thương mại”, slide này nêu rằng đến năm 2039, COMAC kỳ vọng họ sẽ chỉ có một đối thủ cạnh tranh ngoại quốc, nghĩa là họ kỳ vọng rằng đến thời điểm đó Boeing hoặc Airbus sẽ không còn là một nhà sản xuất hàng không cạnh tranh nữa.
Slide này còn nói rằng đến năm 2049, COMAC kỳ vọng rằng “Trung Quốc sẽ thống lĩnh” thị trường phi cơ toàn cầu và trong những thập niên tiếp theo, “Trung Quốc sẽ dẫn đầu.”
Đến năm 2049, COMAC kỳ vọng C949 sẽ ra mắt. Phi cơ này có thể có sàn đôi giống như phi cơ chở khách lớn nhất hiện đang hoạt động, Airbus A380, và có ba lối đi, nghĩa là thân phi cơ rất rộng.
Ngoài ra, theo bản slide, đến năm 2049, COMAC dự kiến sẽ thiết kế loại phi cơ chở khách siêu thanh, mà ở Hoa Kỳ hiện đang được dẫn đầu bởi phi cơ Overture bốn động cơ tốc độ Mach 1.7 (1,300 mph) đang phát triển của Tập đoàn Công nghệ Boom, mặc dù Boeing đã tiết lộ ý tưởng về phi cơ chở khách siêu thanh tốc độ Mach 5 (3,800 mph) vào năm 2018.
Slide của COMAC cũng lưu ý rằng sau năm 2049, họ dự kiến sẽ cung cấp các nền tảng vận tải thương mại trong không gian có khả năng đạt tốc độ 17,000 dặm/giờ trên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.
Mặc dù slide không nêu rõ nhưng các nền tảng này có thể sử dụng sức mạnh hỏa tiễn, hỏa tiễn lai động cơ phản lực luồng tĩnh siêu thanh, hoặc một phiên bản của động cơ hỏa tiễn siêu thanh SABER của Vương quốc Anh.
Vào năm 2024, thật dễ dàng để chế giễu những tham vọng to lớn của COMAC, khi chiếc phi cơ chở khách một lối đi C919 liên kết với hoạt động gián điệp của hãng này, được tạo ra nhằm mục đích cạnh tranh với Boeing 737 và Airbus A321, đã mất tới 15 năm để gia nhập dịch vụ hàng không Trung Quốc.
C919 cũng phụ thuộc một cách hài hước vào công nghệ của Hoa Kỳ và châu Âu đối với các bộ phận chính và vẫn chưa được chứng nhận ở bên ngoài Trung Quốc, trong bối cảnh các hãng hàng không Trung Quốc đang bị ép buộc sử dụng dòng phi cơ này.
Nhưng cũng chính thị trường phi cơ nội địa đó của Trung Quốc là nơi đã chiếm trọn tâm tư của Boeing và Airbus, khiến hai hãng thúc đẩy nỗ lực chính trị hàng thập niên ở Hoa Kỳ và châu Âu nhằm lấy lòng ĐCSTQ và bảo vệ mối bang giao “ổn định” với Trung Quốc, giống như cách ĐCSTQ đã dành nhiều thập niên để tăng cường mối đe dọa đối với toàn cầu.
Vào ngày 19/09/2023, thông cáo báo chí của Boeing nêu rõ: “Trung Quốc sẽ chiếm 20% nhu cầu phi cơ của thế giới cho đến năm 2042 … Trung Quốc sẽ cần 8,560 phi cơ thương mại mới cho đến năm 2042 … Đội phi cơ thương mại của Trung Quốc sẽ tăng hơn gấp đôi lên gần 9,600 phi cơ phản lực trong 20 năm tới.”
ĐCSTQ sẽ nỗ lực để bảo đảm rằng Boeing và Airbus sẽ phải cạnh tranh với nhau để giành được thị phần của họ. Họ không chỉ có thể sử dụng những chiếc phi cơ này làm vũ khí, mà còn tìm cách thu được càng nhiều công nghệ càng tốt từ cả hai công ty này để tạo điều kiện cho kế hoạch phát triển các phi cơ chở khách được trợ cấp cao nhằm chiếm được thị phần lớn hơn trên thị trường toàn cầu, cố gắng làm suy yếu cả Boeing lẫn Airbus.
Tuy nhiên, khi ĐCSTQ và COMAC tìm cách thống lĩnh thị trường phi cơ chở khách cỡ lớn có tốc độ cận âm thanh, họ sẽ đầu tư nguồn vốn rất lớn vào việc phát triển và tiếp thị các phi cơ chở khách siêu thanh trong quỹ đạo Trái Đất tầm thấp để tiếp tục thay thế Boeing và Airbus.
Khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022, Hoa Kỳ và châu Âu đã tạm dừng bán hàng cho các hãng hàng không và các dịch vụ hỗ trợ hàng không cho Nga.
Sự trợ giúp kinh tế-quân sự của Trung Quốc dành cho Nga, Iran, và Bắc Hàn là lý do chính đáng cho việc tạm dừng bán phi cơ cho Trung Quốc — đặc biệt là khi chính các phi cơ chở khách do Boeing và Airbus sản xuất sẽ trực tiếp hỗ trợ cho cuộc xâm lược nền dân chủ ở Đài Loan.
Nhưng giờ đây khi mà COMAC đã tuyên bố rõ rằng mục tiêu của Trung Quốc là thay thế Boeing và Airbus để trở thành nhà sản xuất dẫn đầu thị trường hàng không vũ trụ, thì việc chờ cho đến khi ĐCSTQ xâm lược Đài Loan rồi mới dừng bán phi cơ và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho Trung Quốc quả thực là phi lý.
Chấm dứt sự hỗ trợ đó ngay bây giờ sẽ không chỉ làm suy giảm tiềm năng xâm lược của Trung Quốc mà còn có thể giúp Boeing và Airbus tiếp tục dẫn đầu thị trường vượt xa COMAC, có khả năng phủ nhận được thành tựu mà ĐCSTQ cần để có thể bá chủ toàn cầu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times