Trung Quốc củng cố cho các cuộc tấn công hạt nhân vòng qua Nam Cực
Khi Trung Quốc thử nghiệm loại vũ khí phóng hạt nhân là hệ thống oanh tạc quỹ đạo phân đoạn (fractional orbital bombardment system – FOBS) của mình hồi tháng Bảy và tháng Tám năm 2021, họ đã không nói gì về kế hoạch phát triển loại vũ khí này.
Liên Xô cũ lần đầu tiên chế tạo FOBS vào cuối những năm 1960 nhằm lảng tránh radar cảnh báo sớm của Hoa Kỳ. FOBS do Trung Quốc chế tạo cũng có thể thực hiện được nhiệm vụ này, đồng thời có thể phát triển thành một loại vũ khí không gian đầy uy lực.
Hai thông tin tiết lộ mới đây của Trung Quốc có thể chỉ ra rằng Trung Quốc dự định xây dựng một năng lực FOBS mạnh mẽ — vốn có thể bao gồm nhiều bệ phóng nhiên liệu lỏng và rắn khác nhau, “các phi cơ” mang đầu đạn lớn và nhỏ, đồng thời khai thác các cơ hội phóng từ nhiều trục trên địa cầu.
Ngay từ đầu trong cuộc cạnh tranh về hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, Liên Xô đã quyết định rằng họ cần tránh radar cảnh báo sớm hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile early warning – BMEW) của Hoa Kỳ và Canada. Bất chấp đường cong của Trái Đất qua Bắc Cực, loại radar này có thể đưa ra cảnh báo hữu hiệu về ICBM của Liên Xô vốn có thể bay tới độ cao hơn 1,000 dặm trên cung đạn đạo của chúng.
Nhưng vào giữa đến cuối những năm 1960, các nhà thiết kế Liên Xô như ông Sergei Korolev và ông Mikhail Yangel đã phát triển các ICBM có thể đưa một phi cơ mang đầu đạn vào quỹ đạo thấp của Trái đất (125 đến 300 dặm, tức khoảng 201 đến 482 km), nhưng đi theo hướng ngược lại và tấn công các mục tiêu của Hoa Kỳ bằng cách tiếp cận từ phía nam vốn không được bảo vệ bằng radar BMEW. Sau đó, phi cơ này sẽ sử dụng động cơ đẩy để giảm tốc nhằm cho phép tấn công bằng các đầu đạn hạt nhân.
Đối với các chuyến bay thử nghiệm của mình hồi tháng Bảy và tháng Tám năm 2021, Trung Quốc đã sử dụng Trường Chinh 2C (Long March-2C). Đó là một phương tiện phóng vệ tinh cổ điển vào những năm 1980 của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), tuy nhiên có trang bị thêm một “phi cơ” mới ở giai đoạn cuối cùng bay quanh Trái Đất trên một quỹ đạo theo Nam Cực bay qua châu Nam Cực.
Rất có khả năng phi cơ FOBS của Trung Quốc đã giảm tốc trước khi phóng một đầu đạn thiết bị lượn siêu thanh (hypersonic glide vehicle – HGV) vào một mục tiêu ở Trung Quốc. HGV có khả năng cơ động và có thể khai thác các quỹ đạo dài và thấp để “lén tiếp cận” mục tiêu.
Các bệ phóng nhiên liệu lỏng cũ hơn, đáng tin cậy như Trường Chinh-2C có thể phóng các phi cơ FOBS phân phối đầu đạn, vốn có thể bay vòng quanh Trái đất suốt nhiều tháng trước khi xảy ra một cuộc xung đột. Điều này cho phép chính quyền Trung Quốc lựa chọn các tấn công hạt nhân đầu tiên có sức tàn phá lớn, đa trục hoặc các cuộc tấn công phi hạt nhân bất ngờ nhằm vào các mục tiêu trên đất liền hoặc trên biển.
Tuy nhiên, ngoài các công ty thiết bị phóng không gian (SLV) “tư nhân” mới, các công ty tên lửa Trung Quốc như CASC và Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) cung cấp tiềm năng lớn để phát triển các nền tảng FOBS nhiên liệu rắn cơ động hơn.
Những loại này từ Khoái Chu 31 (Kuaizhou-31) to lớn, sử dụng nhiên liệu lỏng của CASIC, vốn có thể đưa thiết bị nặng đến 70 tấn vào quỹ đạo, cho đến Tiệp Long 3 (Jielong-3) nhỏ hơn của CASC — dựa trên hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa DF-41 — có thể phóng 1.5 tấn lên quỹ đạo cao 300 dặm.
Tiệp Long 3 đã được sử dụng để phóng các vệ tinh giám sát của một công ty mới là Tập đoàn Công nghệ Hàng không Vũ trụ Hồng Kông (HKATG). Hôm 09/01, HKATG đã thông báo về việc ký kết thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD với Tổng thống Djibouti là ông Ismail Omar Guelleh nhằm xây dựng một cơ sở phóng không gian mà đến năm 2028 sẽ có tới bảy nền tảng phóng không gian. Đây là căn cứ phóng không gian đầu tiên của Trung Quốc được khai triển ở ngoại quốc.
Nhưng để chắc chắn rằng thế giới không kết luận rằng Djibouti sẽ cho phép Trung Quốc phóng vũ khí hạt nhân, vào cùng ngày, chính phủ độc tài của ông Guelleh đã ký Hiệp ước Liên Hiệp Quốc về Cấm Vũ khí Hạt nhân.
Hiện nay, Trung Quốc không tuân thủ hiệp ước này, và thậm chí với tư cách là một công ty “tư nhân,” HKATG sẽ phải tuân theo các quy định “kết hợp dân sự-quân sự” của Trung Quốc, vốn buộc công ty này phải tuân theo các mệnh lệnh của chính quyền và quân đội Trung Quốc.
Vì trước đây công ty này chưa bao giờ tiến hành các vụ phóng vào không gian nên có lẽ HKATG sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự trợ giúp từ Lực lượng Chi viện Chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân. Đây là lực lượng kiểm soát năm căn cứ phóng vào không gian khác của Trung Quốc và các tài sản không gian có người lái và không người lái của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đồng thời có khả năng là lãnh đạo lực lượng PLA về chiến tranh không gian — có lẽ bao gồm việc oanh tạc Trái đất từ không gian.
Kể từ năm 2017, Trung Quốc đã duy trì các cơ sở hải quân và không quân ở Djibouti, cho khoảng 2,000 binh lính đồn trú ở đó, và trang bị loại xe tăng bánh lốp ZTL-11 hùng hậu. Trong khi đó, Hoa Kỳ duy trì hơn 4,000 quân tại Trại Lemonnier gần đó.
Không có khả năng cho thấy Tổng thống Guelleh ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ gây ra một vụ thực sự ồn ào nếu Bắc Kinh muốn phóng các SLV “dân sự” Tiệp Long 3 được bí mật trang bị một phi cơ FOBS có thể mang theo ít nhất một vũ khí thiết bị lượn siêu thanh.
Từ Djibouti, một quỹ đạo theo hướng Nam Cực bay qua châu Nam Cực sẽ thiết lập một phi cơ FOBS, với mục đích tấn công các căn cứ Hoa Kỳ ở Alaska hoặc các căn cứ ICBM của Hoa Kỳ ở North Dakota, Montana, và Wyoming.
Việc các phi cơ FOBS Trung Quốc có thông tin hướng dẫn chính xác nhất hiện sẽ được bảo đảm tốt hơn nhờ tiết lộ thứ hai của Bắc Kinh, được đưa ra trong một bài báo hôm 02/02 trên ấn phẩm China Space News của Trung Quốc. Bài báo này tiết lộ rằng CASIC sẽ xây dựng một cơ sở theo dõi và kiểm soát không gian (space tracking and control – STC) tại Trạm nghiên cứu Trung Sơn (Zhongshan) của Trung Quốc ở châu Nam Cực.
Hoa Kỳ, Na Uy, và Đức cũng duy trì các cơ sở STC ở châu Nam Cực. Tuy nhiên, họ không có các vũ khí FOBS như Trung Quốc. Hơn nữa, STC của CASIC ở châu Nam Cực cũng có thể là do Lực lượng Chi viện Chiến lược kiểm soát trực tiếp.
STC Trung Sơn của Trung Quốc có thể sẽ không chỉ giúp hướng dẫn các cuộc tấn công FOBS vào Hoa Kỳ; mà còn được đặt ở vị trí lý tưởng để trợ giúp mở rộng sự hiện diện có người lái của Trung Quốc trên mặt trăng do Lực lượng Chi viện Chiến lược kiểm soát.
STC Trung Sơn cũng sẽ giúp Lực lượng Chi viện Chiến lược tiến hành chiến tranh không gian. Trong một bài báo ngày 19/02/2021, hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã lắp đặt một “hệ thống lidar doppler huỳnh quang” tại Trung Sơn để nghiên cứu khí quyển. “Lidar” là radar sử dụng tia laser.
Nhiều vệ tinh giám sát quỹ đạo thấp của Trái đất của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật Bản, và Đài Loan là những vật thể bay theo quỹ đạo vùng cực, vốn bay phía trên châu Nam Cực nhiều lần trong ngày.
Có một cơ hội tốt là kể từ năm 2021, nghiên cứu lidar của Trung Quốc tại Trung Sơn đã phát triển mở rộng hơn — thành loại vũ khí laze mà chế độ này đã bắt đầu sử dụng khoảng 20 năm trước để quấy rối và làm hỏng các vệ tinh của Hoa Kỳ.
Vì tầng ozone phía trên châu Nam Cực mỏng hơn nhiều nên một vũ khí laze đặt ở đó sẽ có thể gây thiệt hại nhiều hơn cho các vệ tinh trên cao, vốn cũng có xu hướng bay gần Trái đất hơn khi di chuyển qua hai cực.
Tất cả những điều này cho thấy Hoa Kỳ cần phải xem xét việc phát triển nhanh chóng vũ khí FOBS của riêng mình để ngăn chặn chế độ Trung Quốc. Chính quyền này trong nhiều thập niên qua đã khước từ tất cả các phương pháp kiểm soát vũ khí vốn sẽ hạn chế các vũ khí hạt nhân của họ.
Tất cả những điều này cũng chỉ ra rằng Hoa Kỳ cần phải làm việc với Úc và New Zealand để xem xét cách thức các đồng minh ANZUS (Úc–New Zealand–Hoa Kỳ) có thể bảo đảm chắc chắn hơn rằng họ có thể ngăn chặn Trung Quốc sử dụng châu Nam Cực cho mục đích quân sự, thông qua các phương tiện vũ khí đạn dược và các cách thức mềm dẻo.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times