Trung Quốc cung cấp đầu tư cơ sở hạ tầng cho Iran để đổi lấy dầu
Cộng sản Trung Quốc đang cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn cho Iran để đổi lấy dầu mà nếu tài trợ theo cách khác sẽ bị cộng đồng quốc tế trừng phạt.
Quốc hội Hoa Kỳ cho biết giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc có thể đang rửa tiền cho Iran thông qua việc mua dầu thô và các giao dịch trao đổi hàng hóa.
Ông Gabriel Noronha, một thành viên tại Viện Do Thái vì An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết, Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đã cung cấp huyết mạch kinh tế” cho Iran khi nước này ủng hộ các tổ chức khủng bố Hồi Giáo.
Ông cho rằng nỗ lực này rất quan trọng đối với những nỗ lực của chính quyền Tehran nhằm tự bảo vệ mình khỏi tác động của các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ dẫn đầu.
Trong văn bản làm chứng trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm 26/10, ông Noronha cho biết: “Chế độ cầm quyền Iran đang tìm cách tự tách mình ra khỏi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây bằng cách tăng cường liên kết kinh tế với Nga và Trung Quốc.”
“Trong năm 2022, Trung Quốc đã mua khoảng 30 tỷ USD [dầu thô từ Iran] và dự kiến sẽ mua nhiều hơn nữa trong năm 2023.”
Các công ty Trung Quốc mua dầu của Iran
Sau khi Hamas, tổ chức được Tehran hậu thuẫn, thực hiện cuộc tấn công kinh hoàng vào Israel hồi đầu tháng này, các đối tác kinh tế của Iran đã bị giám sát chặt chẽ.
Ông Noronha cho biết, chế độ Hồi Giáo cầm quyền ở Tehran đã cung cấp hơn 20 tỷ USD để tài trợ cho các nhóm khủng bố ngoại quốc ở Trung Đông cũng như cung cấp cho Hamas khoảng 93% ngân sách quân sự của tổ chức này.
Phần lớn số tiền đó đến từ việc bán dầu sang Trung Quốc. Một báo cáo năm 2022 cho thấy Trung Quốc bắt đầu nhập cảng dầu của Iran với số lượng cao kỷ lục sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được áp dụng.
Do đang tìm cách thiết lập lại thỏa thuận hạt nhân dưới thời chính phủ Tổng thống Obama với Iran, nên chính phủ ông Biden đã không thực thi các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và công ty Trung Quốc vào thời điểm đó. Tuy nhiên, khi thỏa thuận đó không thành công, chính phủ ông Biden bắt đầu trừng phạt các công ty được biết là vi phạm lệnh trừng phạt nhưng lại không trừng phạt chính chế độ ĐCSTQ.
Phản ứng hạn chế của Hoa Kỳ như vậy đã không ngăn được ĐCSTQ khai thác nhu cầu về dòng tiền của Iran.
Chế độ cầm quyền Trung Quốc đã ngừng công bố dữ liệu về việc nhập cảng dầu của Iran vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, theo Bloomberg, một báo cáo tình báo cho thấy Trung Quốc hiện đang nhập cảng dầu của Iran với số lượng cao nhất trong 10 năm qua.
Trung Quốc có thể nhập cảng một lượng lớn dầu của Iran thông qua các “nhà máy lọc dầu ấm trà” (teapot refineries – tên lóng của các nhà máy sơ chế dầu thô chứ không phải các sản phẩm cao cấp hơn) thuộc sở hữu tư nhân, với lượng mua khoảng 95% nguồn cung dầu của Iran.
Ông Noronha nói rằng số tiền đó có thể giúp rửa tiền cho Iran một cách hiệu quả thông qua nhiều tổ chức không bị trừng phạt, cho phép cả Tehran và Bắc Kinh đều được hưởng lợi.
“Giờ đây, họ có thể đang rửa số tiền đó thông qua Trung Quốc để thoát được mọi miễn trừ nhân đạo,” ông Noronha cho hay.
ĐCSTQ lách các lệnh trừng phạt bằng các giao dịch trao đổi hàng hóa
Có một số bằng chứng cho thấy chính ĐCSTQ đang giúp đỡ Tehran bằng sự trợ giúp trực tiếp hơn, không bị trừng phạt.
Chẳng hạn, các tổ chức thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc dường như đang thực hiện các thỏa thuận trao đổi hàng hóa với Iran, nhằm tránh hoàn toàn nhu cầu giao dịch tiền tệ có thể bị trừng phạt.
Ví dụ, hồi tháng Tám, Tasnim News Agency, một cơ quan truyền thông liên kết với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran, cho biết rằng Trung Quốc sẽ cung cấp khoản tài trợ hiện đại hóa cho phi trường lớn nhất Iran trị giá 2.5 tỷ Euro. Tuy nhiên, bản tin của Tasnim News Agency cho biết, thay vì được trả bằng tiền mặt và có thể bị trừng phạt, Trung Quốc đã được thanh toán bằng dầu mỏ.
Ông Noronha cho biết: “Chúng ta đang thấy bằng chứng về các thỏa thuận trao đổi hàng hóa số lượng lớn mà trong đó Bắc Kinh đã trả tiền dầu mỏ dưới hình thức là các dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ dollar, chẳng hạn như dự án tái phát triển phi trường quốc tế Tehran trị giá 2.7 tỷ USD được công bố hồi cuối tháng Tám.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times