BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Tehran tìm kiếm an ninh từ Bắc Kinh trong bối cảnh lo ngại về một ‘cuộc xung đột chung’ ở Trung Đông
Khi Iran nói chuyện cứng rắn với Israel, Trung Quốc tuyên bố sẽ trợ giúp Tehran
Trong một cuộc gặp với quan chức quyền lực thứ hai của Iran vào tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc đã nhắc lại sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với quốc gia Trung Đông này.
Hôm 26/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã gặp Phó Tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber của Iran tại cuộc họp của các quốc gia thành viên trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở Bishkek, thủ đô của Kyrgyzstan.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, được công bố trên nhiều trang web của đại sứ quán Trung Quốc, ông Lý nói rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ Iran trong việc bảo đảm “chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, và phẩm giá quốc gia của Iran, đồng thời kiên quyết phản đối bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài nào vào nội vụ của Iran.”
Tuyên bố này, với những từ ngữ được lựa chọn cẩn thận để đề cập cụ thể đến mối lo ngại của Iran, được đưa ra vào thời điểm mà khu vực này đang bị đe dọa về một cuộc chiến tranh ngày càng mở rộng, do cuộc tấn công tàn bạo hôm 07/10 của nhóm khủng bố Hamas đã khơi mào cho cuộc chiến Israel-Hamas.
Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng tuyên bố của Bắc Kinh cho thấy Tehran đang tìm kiếm lá chắn phòng thủ từ Bắc Kinh.
Ông Ahmed Quraishi, một ký giả ở Dubai, chuyên đưa tin tức về Trung Đông trong hơn hai thập niên, nói với The Epoch Times trong một tin nhắn bằng văn bản: “Có thể Iran đang tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ Trung Quốc phòng trường hợp vai trò của Tehran trong việc ủng hộ nhóm khủng bố Hamas khiến nước này gặp rắc rối. Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ công khai của Trung Quốc là quan trọng và có ý nghĩa.”
Iran cảnh báo về ‘những hậu quả sâu rộng’
Chỉ một tuần sau vụ tấn công hôm 07/10, khi cuộc tấn công của Israel chống lại Hamas vẫn tiếp diễn, và khi Hoa Kỳ đang cố gắng ngăn chặn Iran và tổ chức Hezbollah do Lebanon hậu thuẫn — một lực lượng tay chân của Iran — tham gia cuộc chiến, chính phủ Tehran đã cảnh báo Israel thông qua Liên Hiệp Quốc rằng họ có ý định can thiệp nếu các chiến dịch của Israel ở Gaza vẫn tiếp diễn. Hãng thôn tấn Axios đã đưa tin về cảnh báo này trong một bản tin độc quyền hôm 14/10, và trích dẫn hai nguồn thạo tin trong giới ngoại giao.
Tiếp sau đó, phái đoàn của Iran tại Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo thông qua một bài đăng trên nền tảng X về “những hậu quả sâu rộng” nếu “các tội ác chiến tranh và nạn diệt chủng” của Israel không được ngăn chặn.
Mười ngày sau bản tin của Axios, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, trong khi tuyên bố về việc khai triển một phi đội tiêm kích F-16 Fighting Falcon ở Trung Đông, đã cho biết rằng quân đội Hoa Kỳ đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố ở cả Iraq và Syria đã bị các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn tấn công hơn chục lần kể từ ngày 07/10.
Tham vụ báo chí Ngũ Giác Đài — Chuẩn tướng Không quân Pat Ryder cho biết trong cuộc họp: “Chúng tôi biết rằng [Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo] và chế độ cầm quyền Iran đã trợ giúp cho các tổ chức vốn đang thực hiện các cuộc tấn công này.” Ông cảnh báo thêm về sự leo thang của các cuộc tấn công do Iran hậu thuẫn chống lại lực lượng quân đội Hoa Kỳ trong khu vực.
Một khối liên minh chống phương Tây
Bà Clare Lopez là một cựu nhân viên CIA chuyên nghiệp, giảng dạy tại Trung tâm Phản gián và Nghiên cứu An ninh, đồng thời là cựu giám đốc điều hành của Ủy ban Chính sách về Iran. Bà cũng từng là một nhà tư vấn, nhà phân tích tình báo, và là nhà nghiên cứu cho nhiều công ty quốc phòng, đồng thời là người sáng lập và chủ tịch của công ty Lopez Liberty, LLC.
Bà Lopez nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử rằng mối liên kết mật thiết của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với chế độ cầm quyền Iran, vốn đang cung cấp vũ khí, hậu thuẫn, và tài trợ cho Hamas, đã được biết rõ.
Bà Lopez cho biết: “Một phần của mối liên kết đó có liên quan đến sự phụ thuộc kinh tế của Trung Quốc vào dầu mỏ của Iran. Nhưng Trung Quốc cũng nằm trong khối liên minh chống phương Tây bao gồm Iran cũng như nước Nga của ông Putin.”
Bà nói, nhà nước dân chủ Israel — mà bà gọi là “đạo đức, hùng mạnh và là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ” này — đã bị khối liên minh chống Mỹ mới này ghét bỏ vì bản chất của mình.
‘Những người cấp tiến tự do’ và các quốc gia bất hảo
Các chuyên gia cho rằng, một mặt, Trung Quốc đang sử dụng Iran như một tác nhân gây bất ổn ở Trung Đông, trong khi ở mặt khác, các lực lượng tay chân của Iran đang theo dõi phản ứng của chế độ cầm quyền ở Tehran để đánh giá các lựa chọn của họ.
Ông Abhijit Iyer-Mitra, một nhà kinh tế quốc phòng và là thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột có trụ sở tại New Delhi, nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng Trung Quốc coi Iran và Hamas là “công cụ hoàn hảo” để gây bất ổn ở Trung Đông.
Ông Iyer-Mitra nói: “Trung Quốc không tin vào các đồng minh, họ tin vào những người cấp tiến tự do, tức là những quốc gia theo chủ nghĩa xét lại cao độ (revisionist), điều mà chúng ta gọi là những quốc gia bất hảo, những quốc gia này về cơ bản [có thể] gây bất ổn cho toàn bộ khu vực lân cận.”
Theo ông Iyer-Mitra, một chiến thuật “cổ điển” của Trung Quốc đó là tìm kiếm các tác nhân gây bất ổn ở nhiều khu vực khác nhau. Ông cho rằng giống như Iran ở Trung Đông, Trung Quốc có ý định sử dụng Bắc Hàn để gây bất ổn ở Đông Á, Pakistan để gây bất ổn ở Nam Á, và Nga để gây bất ổn cho Âu Châu.
“Quý vị biết đấy, và điều đó có nghĩa là Trung Quốc đặt gánh nặng lên một cường quốc có hiện trạng chẳng hạn như Hoa Kỳ, cốt yếu là để khiến họ phải giải quyết gánh nặng đó và duy trì hòa bình. Trong khi đó, Trung Quốc thoải mái hưởng toàn bộ lợi ích,” ông nói.
Ông Quraishi cho biết ông tin rằng chế độ cầm quyền Iran đang hành động trái khuấy bởi cảm giác bất an sâu sắc vì phản ứng của họ đối với cuộc xung đột đang được nhiều tổ chức liên đới khác của họ theo dõi chặt chẽ.
“Căn cứ của những kẻ cực đoan Iran — những người theo chủ nghĩa Khomeini — muốn Iran giúp đỡ Hamas một cách công khai trong cuộc chiến này. Các tổ chức tay chân trong khu vực cũng đang âm thầm theo dõi xem liệu Tehran có để Hamas tự quyết định số phận của mình hay không,” ông nói.
Sau cuộc tấn công hôm 07/10, trong một hành động nhằm phá hủy mạng lưới tài trợ của Hamas, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào các quan chức chủ chốt có liên hệ với Hamas cũng như các mạng lưới tài chính.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngân khố, những người bị nhắm mục tiêu bao gồm một quan chức Hamas ở Iran và các thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cũng như một tổ chức có trụ sở tại Gaza “đã đóng vai trò là một đường dẫn cho các tài trợ bất hợp pháp của Iran cho tổ chức Hamas và phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ).”
Ông Quraishi cho rằng tình hình hiện tại khá khó khăn đối với chế độ Iran, vì quốc gia này cũng phải đối mặt với sức ép về mặt địa chiến lược và phải tìm kiếm sự trợ giúp của Trung Quốc.
Ông nói: “Iran biết rằng việc tiêu diệt Hamas có thể làm suy yếu các lực lượng tay chân của chính họ. Vì vậy, Lãnh đạo tối cao Khamenei và các tư lệnh IRGC phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn như người Israel và người Mỹ đang phải đối mặt. Điều đó không hề dễ dàng.”
‘Nỗi lo sợ thực sự’ về các hoạt động được đồng bộ hóa
Các chuyên gia cho rằng các tuyên bố của Trung Quốc chứa đầy mục đích địa chính trị, khi quốc gia này tìm cách sử dụng các tác nhân gây bất ổn như Iran để thu được lợi ích chính trị lớn hơn cho riêng mình. Trung Quốc muốn cuối cùng nổi lên như một bá chủ toàn cầu.
Ông Iyer-Mitra cho rằng chiến thuật mà Trung Quốc đang tiến hành chính là dùng Iran để cầm chân Mỹ và lợi dụng tình thế đó để tập trung vào Đài Loan.
Ông nói: “Đối với tôi, nỗi lo sợ thực sự đó là tất cả những hoạt động này sẽ được đồng bộ và phối hợp.”
“Có nghĩa là, hãy chờ xem có chuyện gì hệ trọng từ Pakistan hay không. Hãy chờ xem có chuyện gì hệ trọng từ Bắc Hàn hay không, và một cuộc xung đột chung ở cả Trung Đông và Đông Âu … với cuộc tấn công của Nga vào mùa đông, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ bị sa lầy trên bốn mặt trận riêng biệt, và Trung Quốc sẽ phát động cuộc tấn công vào Đài Loan.”
Tuy nhiên, ông Quraishi tin rằng bất luận những tuyên bố lớn tiếng ủng hộ Iran của Trung Quốc, không có gì chắc chắn rằng nước này sẽ thực sự giúp đỡ Iran nếu chính phủ Tehran trở thành một phần của cuộc xung đột.
“Về lý thuyết mà nói, Trung Quốc có thể đánh lạc hướng Hoa Kỳ ở Đông Nam Á bằng cách mở một mặt trận, như một hình thức ủng hộ thụ động cho Iran trong tình huống đó. Nhưng liệu Bắc Kinh có làm điều này vì Tehran không? Đó là một dấu hỏi lớn,” ông nói.
Ký giả Trung Đông này cho rằng trong tình huống như vậy, rất có thể Trung Quốc sẽ không hăng hái viện trợ cho Iran.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times