PHÂN TÍCH: Sau vụ thảm sát kinh hoàng, Israel mới thấy được đâu là bạn, đâu là thù
Sau vụ tấn công khủng bố tang thương, thái độ đối với Israel phản ánh sự phân chia rõ ràng giữa phe tự do và phe chủ nghĩa độc tài.
Vụ tấn công khủng bố kinh hoàng của Hamas vào Israel hôm 07/10 được gọi là ngày tang thương nhất đối với người Do Thái kể từ thảm họa diệt chủng Holocaust. Hoa Kỳ luôn giữ vững lập trường ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước tổ chức khủng bố này, trong khi Trung Quốc cáo buộc Israel có “phản ứng không cân xứng” khi phản công lại Hamas. Những lập trường rất khác nhau đó đối với Israel phản ánh sự phân chia rõ ràng giữa phe tự do và phe chủ nghĩa độc tài trên thế giới ngày nay.
Cuộc tấn công của Hamas đã khiến ít nhất 1,400 người Israel thiệt mạng. Ông Eylon Levy, cựu phát ngôn viên của Tổng thống Israel Isaac Herzog, cho biết: “Không quá lời khi nói hôm qua là ngày đen tối nhất trong lịch sử Do Thái kể từ khi kết thúc thảm họa diệt chủng Holocaust.” Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi ngày 07/10 là “ngày khủng khiếp nhất đối với người Do Thái kể từ thảm họa diệt chủng Holocaust.” Ông Lazar Berman, phóng viên ngoại giao của The Times of Israel, đã đưa ra nhận xét tương tự, nói rằng: “Ngày 07/10/2023 đã chứng kiến nhiều người Do Thái bị tàn sát nhất trong chỉ một ngày kể từ thảm họa diệt chủng Holocaust.”
Hoa Kỳ nhanh chóng đứng ra bảo vệ Israel. Diễn thuyết hôm 10/10, Tổng thống Joe Biden gọi cuộc tấn công này là “hoàn toàn xấu xa” và nói: “Chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa: Hoa Kỳ ủng hộ Israel.”
Hôm 20/10, Tổng thống Biden đã đọc bài diễn văn thông điệp quốc gia, nói rằng: “Chúng ta sẽ bảo đảm rằng Iron Dome (Vòm Sắt) tiếp tục bảo vệ bầu trời Israel. Chúng ta sẽ bảo đảm rằng các thế lực thù địch khác trong khu vực biết rằng Israel mạnh hơn bao giờ hết và ngăn chặn cuộc xung đột này lan rộng.”
Sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, Hoa Kỳ đã gửi chiến hạm và phi cơ tới Trung Đông. Hàng không mẫu hạm USS Gerald R. Ford của Hoa Kỳ và nhóm tác chiến của chiến hạm này đã đến đông Địa Trung Hải, và nhóm tấn công hàng không mẫu hạm USS Dwight D. Eisenhower cũng đang trên đường tới đó. Ngoài ra, hàng chục phi cơ đã được điều động đến các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên khắp Trung Đông, và các lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ đang hợp tác với quân đội Israel trong việc chia sẻ và thu thập thông tin tình báo.
Hoa Kỳ cũng đang tăng cường viện trợ quân sự bổ sung cho Israel, bao gồm đạn dược và phi cơ đánh chặn để bổ sung cho hệ thống phòng không Iron Dome của Israel. Tính đến hôm 24/10, năm chuyến hàng vũ khí và thiết bị của Hoa Kỳ đã đến Israel. Hoa Kỳ cũng thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch tiến hành chiến dịch trên bộ ở Gaza của Israel nhằm tiêu diệt Hamas.
ĐCSTQ lên án Israel
Trái ngược hoàn toàn với Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên án Israel đã “vượt quá phạm vi tự vệ” và kêu gọi chấm dứt “hình phạt tập thể” đối với người dân Gaza. Chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ lên án Hamas về việc thảm sát hơn 1,400 người Israel và bắt cóc hơn 200 người khác, chủ yếu là dân thường.
Phù hợp với lập trường chính thức của Trung Quốc, một số lượng lớn các bình luận ủng hộ Hamas và bài Do Thái đã xuất hiện trên mạng xã hội bị kiểm duyệt chặt chẽ của Trung Quốc. Một ví dụ là nhận xét của blogger theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc Tử Ngọ Hiệp Sĩ (Ziwu Xiashi), viết rằng, “Trước đây, Đức đã bức hại các vị. Bây giờ, các vị lại bức hại người Palestine. Trên đời này, đừng dồn ép người khác vào đường cùng vì quý vị sẽ chỉ tự đào mồ chôn mình thôi.” Blogger nổi tiếng này có một triệu người theo dõi trên Weibo.
Blogger Trương Thiết Căn (Zhang Tiegen) cho rằng những gì đã xảy ra với người Do Thái là do lòng tham tiền bạc, một quan điểm bài Do Thái điển hình. Bình luận này đi theo xu hướng bàn luận trực tuyến tại Trung Quốc. Ngay cả bộ phim đoạt giải Oscar Schindler’s List, mô tả thảm họa diệt chủng Holocaust, đã bị đánh giá thấp một cách ác ý trên các trang web đánh giá phim Trung Quốc.
Đáng chú ý, do mạng Internet của Trung Quốc bị chế độ cộng sản giám sát và kiểm duyệt chặt chẽ nên cũng có thể hiểu là chính quyền đã chấp nhận các bình luận bài Do Thái lan rộng này.
Dân chủ đọ sức với chủ nghĩa độc tài
Lập trường của Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với cuộc tấn công khủng bố của Hamas hoàn toàn trái ngược nhau, cũng như thái độ của họ đối với cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi tháng Hai năm ngoái, Hoa Kỳ đã viện trợ hơn 75 tỷ USD cho Ukraine và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Mặt khác, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã hỗ trợ tài chính cho Nga và là một trong những nhà nhập cảng dầu lớn của Nga, do đó đã trợ giúp cuộc xâm lược của nước này vào Ukraine. Theo một bài báo hồi tháng Sáu của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, nhập cảng dầu thô từ Nga của Trung Quốc sau khi Moscow xâm lược Ukraine đã tăng gần gấp đôi.
Gần đây, Tổng thống Joe Biden cho biết, “Hamas và ông Putin đại diện cho những mối đe dọa khác nhau, nhưng họ có điểm chung này: Cả hai đều muốn tiêu diệt hoàn toàn nền dân chủ của quốc gia lân bang — tiêu diệt hoàn toàn nước đó.”
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Biden nói về cuộc đối đầu giữa dân chủ và chủ nghĩa độc tài. Tháng 03/2021, tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị tổng thống, Tổng thống Biden đã đề cập đến sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nói rằng “Đây là một cuộc chiến giữa lợi ích của các nền dân chủ trong thế kỷ 21 và các chế độ chuyên quyền. Chúng ta phải chứng minh rằng nền dân chủ có hiệu quả.”
Sự ủng hộ vững chắc của Trung Quốc dành cho Iran
Hôm 25/10, sau khi quân đội Hoa Kỳ ở Trung Đông bị phiến quân được Iran hậu thuẫn tấn công nhiều lần — rất có thể là để trả đũa việc Hoa Kỳ viện trợ Israel — Tổng thống Biden nói rằng Hoa Kỳ có quyền tự vệ và sẽ không loại trừ khả năng đáp trả. Hôm 31/10, Ngũ Giác Đài xác định số vụ tấn công là 27.
Tổng thống Biden nói với nhà lãnh đạo tối cao Iran: “Cảnh báo của tôi với lãnh tụ tối cao Iran là nếu họ tiếp tục tấn công những quân nhân đó, thì chúng tôi sẽ đáp trả, và ông ấy nên chuẩn bị sẵn sàng.”
Các nhóm khủng bố được Iran hậu thuẫn bao gồm Hamas, Thánh chiến Hồi giáo Palestine Jihad, và nhóm khủng bố Hezbollah của Lebanon.
Một doanh nhân Israel ẩn danh nói với The Epoch Times: “Iran đang lợi dụng các tổ chức khủng bố hoặc nhóm phiến quân khác nhau để gây bất ổn ở Trung Đông, và tôi sẽ cho quý vị một vài ví dụ: Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, và Các nhóm phiến quân Iran ở Syria và Iraq. Họ đều có chung mục tiêu là mở rộng ảnh hưởng của Iran và gây bất ổn ở Trung Đông nhằm phá hoại việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Ả Rập ôn hòa.”
Hamas từ lâu đã nhận được viện trợ tài chính và hậu cần từ Tehran. Vài ngày sau cuộc tấn công của Hamas, thậm chí còn có ý kiến cho rằng các quan chức an ninh Iran đã giúp xây dựng kế hoạch cho cuộc tấn công bất ngờ này. Theo một bài báo trên Wall Street Journal, “các quan chức an ninh Iran đã giúp lập kế hoạch” cho cuộc tấn công bất ngờ đó, còn Iran thì “bật đèn xanh cho cuộc tấn công tại một cuộc họp ở Beirut.” Bài báo của tờ Journal dẫn lời các nguồn tin nói đến “các thành viên cao cấp của Hamas và Hezbollah,” cũng như một cố vấn của Syria.
Tuy nhiên, một quan chức Hamas, cũng như một phát ngôn viên của phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng “Chúng tôi không liên quan đến phản ứng của Palestine, vì việc này chỉ do chính Palestine thực hiện.”
Trong nhiều năm, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và kinh tế đối với Iran vì nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Kể từ năm 2018, Iran không có quyền truy cập vào dịch vụ tin nhắn tài chính SWIFT, loại nước này ra khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Chính quyền Trung Quốc đã làm điều ngược lại. Tính đến năm nay, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Iran — năm thứ 10 liên tiếp nước này giữ vai trò này. Năm 2022, thương mại của Iran với Trung Quốc lên tới gần 16 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021. Tháng 12/2022, nhập cảng dầu thô từ Iran của Trung Quốc được cho là đã đạt kỷ lục mới.
Tháng 02/2023, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đến thăm Bắc Kinh. Hai nước đã ký 20 hiệp định — có khả năng lên tới hàng tỷ USD — trong các lĩnh vực thương mại, vận tải, công nghệ thông tin, du lịch, nông nghiệp, và ứng phó khủng hoảng.
Trung Quốc cũng là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất cho Iran. Một ví dụ, trong Chiến tranh Iran–Iraq, kéo dài từ năm 1980 đến năm 1988, chính quyền Trung Quốc đã cung cấp cho Iran 22% thiết bị quân sự của nước này, bao gồm hỏa tiễn chống hạm, hỏa tiễn đất đối không, pháo binh, xe tăng, radar, các loại vũ khí hạng nhẹ và đạn dược. Vào cuối cuộc chiến kéo dài tám năm, chính quyền Trung Quốc đã bán số vũ khí trị giá 2 tỷ USD cho Iran.
Syria và Israel xung đột
Syria cũng xem Israel là kẻ thù. Chỉ vài ngày sau khi Hamas tấn công Israel, Syria và Israel đã đấu hỏa lực. Theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), đêm ngày 24/10, Syria đã bắn hai hỏa tiễn vào miền bắc Israel, gây báo động ở Cao nguyên Golan. IDF đáp trả bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng quân sự và các bệ phóng súng cối của quân đội Syria.
Syria và Israel đã xung đột trong hơn nửa thế kỷ. Xung đột giữa hai nước trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế là kể từ khi nổ ra cuộc nội chiến ở Syria năm 2011, Iran đã lợi dụng tình hình hỗn loạn ở Syria để thành lập các tổ chức cực đoan nhằm huấn luyện phiến quân ở nước này. Syria là huyết mạch chiến lược của Iran vì nước này cung cấp hành lang trên bộ từ Iraq tới Lebanon.
Hồi tháng Ba, một phi cơ không người lái tự phát nổ đã tấn công một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở đông bắc Syria. Hàng trăm lính Hoa Kỳ đã đóng quân ở đó theo một sứ mệnh chống khủng bố bắt đầu từ nhiều năm trước. Vụ tấn công đã sát hại một nhà thầu và làm bị thương năm quân nhân Hoa Kỳ cùng một nhà thầu khác. Các quan chức Hoa Kỳ cáo buộc rằng cuộc tấn công này là do lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn thực hiện.
Năm 1979, Hoa Kỳ xếp Syria vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố vì cuộc chiếm đóng quân sự của nước này tại Lebanon, đồng thời viện trợ hành chính cho Hezbollah và các tổ chức khủng bố khác.
Năm 2004, Hoa Kỳ ban hành các biện pháp trừng phạt mới đối với Syria, xác nhận rằng Syria đang phát triển các loại vũ khí trái thông lệ, chiếm đóng Lebanon, gây bất ổn ở Iraq, và viện trợ cho các tổ chức khủng bố như Hezbollah và Hamas.
Bắt đầu từ năm 2011, Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ, Canada, Úc, và Thụy Sĩ đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Syria do nước này đàn áp thường dân trong cuộc nội chiến ở Syria.
Tuy nhiên, tháng Chín năm nay, Tổng thống Syria Bashar al-Assad — bị nhiều người xem là tội phạm chiến tranh — đã đến thăm Trung Quốc và được đón tiếp cấp nhà nước với thảm đỏ, xe sedan treo cờ đỏ, và đội vệ binh danh dự. Sự tiếp đón đó có thể so sánh tương đương với sự đón tiếp dành cho Tổng thống Pháp.
Khi ông Assad đến thăm chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, ĐCSTQ đã ra lệnh cho ngôi chùa Phật giáo lịch sử này phá bỏ quy định hàng nghìn năm và mở cổng chính để chào đón khách. Trong suốt lịch sử, cổng chính của ngôi chùa này chỉ được mở cho một vị hoàng đế — cổng chính đã không được mở suốt mấy trăm năm.
Những người bạn thật sự
Trong những năm gần đây, mối bang giao giữa Israel và Trung Quốc có vẻ nồng ấm hơn. Các tổng thống và thủ tướng Israel đã có những chuyến công du ngoại giao và thương mại tới Bắc Kinh. Khối lượng thương mại giữa hai quốc gia tăng lên đáng kể, và hai nước đã phát triển hợp tác quân sự, khi Israel cung cấp cho Trung Quốc chuyên môn và công nghệ quân sự.
Theo một bài báo đăng hôm thứ Tư (01/11) trên tạp chí Jewish Insider, “Israel cũng đã tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc, thu về những khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc.”
Bài báo dẫn lời ông Len Khodorkovsky, phó trợ lý ngoại trưởng dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump: “Israel đã cố gắng đạt được điều đó theo cả hai hướng: gặt hái những lợi ích từ tình bạn với Hoa Kỳ và phương Tây trong khi thu hút sự chú ý của Nga và Trung Quốc.”
Ông Khodorkovsky nói tiếp, “Nhưng đúng là lúc hoạn nạn mới biết bạn là ai. Các nền dân chủ đang đứng về phía Israel. Còn các chế độ chuyên chế đang ủng hộ kẻ thù của Israel.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times