Trung Quốc cách chức Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức thứ 2 bị cách chức trong 3 tháng
Quyết định cách chức ông Lý Thượng Phúc được đưa ra ba tháng sau khi Trung Quốc sa thải bộ trưởng ngoại giao của mình.
Hôm 24/10, Trung Quốc đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), dấu hiệu mới nhất cho thấy sự không minh bạch trong việc ra quyết định của chính quyền nước này.
Theo một tuyên bố ngắn gọn do truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đưa ra, Tướng Lý cũng bị cách chức Ủy viên Quốc Vụ, một chức vụ cao hơn chức bộ trưởng.
Tướng Lý đã không được nhắc tên công khai trong gần hai tháng. Lần xuất hiện công khai gần đây nhất của ông là hôm 29/08, khi ông có bài diễn thuyết tại một diễn đàn an ninh và tổ chức hội đàm với các bộ trưởng quốc phòng đến thăm từ Ghana, Zambia, và một số quốc gia Phi Châu khác.
Trong những tháng gần đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố một vài thay đổi đột ngột trong ban lãnh đạo cao nhất của ông. Hồi tháng Bảy, ông Tập đã cách chức vị bộ trưởng ngoại giao do đích thân ông lựa chọn, ông Tần Cương, chỉ bảy tháng sau khi ông giao vị trí này cho ông Tần.
Hôm thứ Ba (24/10), Tân Hoa Xã đưa tin ông Tần cũng bị tước khỏi vị trí trong Quốc Vụ viện.
Ông Lý Thượng Phúc là ai?
Theo truyền thông nhà nước, ông Lý Thượng Phúc tốt nghiệp Đại học Công nghệ Quốc phòng.
Tướng Lý dành phần lớn sự nghiệp của mình để xây dựng các chương trình vệ tinh của Trung Quốc, làm việc tại Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên trong hơn 30 năm. Năm 2007, khi tướng Lý giữ chức giám đốc trung tâm này, Trung Quốc đã thực hiện thành công cuộc thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh đầu tiên.
Năm 2016, truyền thông nhà nước tiết lộ rằng ông đã trở thành phó tư lệnh và tham mưu trưởng Lực lượng Chi viện Chiến lược Quân Giải phóng Nhân dân (PLASSF), một trong hai đơn vị được thành lập năm 2015 để trở thành lực lượng chủ đạo trong nỗ lực của ông Tập nhằm hiện đại hóa và chuyển đổi PLA thành lực lượng vũ trang đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này.
Từ năm 2017 đến năm 2022, vị sĩ quan quân đội này giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Phát triển Trang bị, một tổ chức chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí trực thuộc Quân ủy Trung ương Đảng, cơ quan ra quyết định do ông Tập đứng đầu. Sau đó, tháng 10/2022, ông được tiến cử vào ủy ban gồm sáu thành viên này tại Đại hội Đảng lần thứ 20 khi ông Tập cài cắm những người được ông đỡ đầu và đồng minh thân cận của ông vào các vị trí lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tính đến hôm nay, tên của vị tướng này vẫn nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ. Chính phủ Tổng thống Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tướng Lý vì bị cáo buộc mua chiến đấu cơ và thiết bị hỏa tiễn từ nhà xuất cảng vũ khí chính của Nga, Rosoboronexport, vi phạm luật trừng phạt năm 2017 nhằm trừng phạt Nga vì can thiệp vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, xâm lược ở miền đông Ukraine, và các hành động khác. Lệnh trừng phạt này, được công bố năm 2018, đã cấm Tướng Lý vào Hoa Kỳ cũng như truy cập vào bất kỳ của cải và tài sản nào ở Hoa Kỳ.
Những nghi vấn về sự kiểm soát của ông Tập
Việc bất ngờ loại bỏ tướng Lý và ông Tần làm dấy lên những nghi vấn về sự cai trị dưới thời ông Tập.
Việc các quan chức quân sự cao cấp bị sa thải sau một vụ mất tích không rõ nguyên nhân không phải là chuyện ít gặp. Chẳng hạn, ông Phòng Phong Huy (Fang Fenghui), từng là một ủy viên của Quân ủy Trung ương, cơ quan cao cấp nhất giám sát các lực lượng vũ trang của nước này, đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng trước khi bị cách chức Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân hồi tháng 08/2017 mà không có lời giải thích. Vị tướng cao cấp này, từng tháp tùng ông Tập tới Hoa Thịnh Đốn trong cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Donald Trump vào tháng 04/2017, đã bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng hai năm sau đó.
“Điều nổi bật là [ông Lý Thượng Phúc] không thuộc phe phái chính trị nào khác,” ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney ở Úc, nói với The Epoch Times hồi tháng Chín.
Ông Phùng lưu ý rằng vị kỹ sư hàng không vũ trụ 65 tuổi này phần lớn được mọi người xem là một thành viên trong phe nhóm chính trị của ông Tập, vì hồi tháng Ba ông đã được chính ông Tập bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Để so sánh, ông Phòng là cấp dưới của ông Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), người từng là quan chức quân sự cấp cao nhất của chính quyền này và được biết đến là thành viên chủ chốt của “phe Giang”, một phe chính trị trung thành với cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Số phận của ông được theo dõi chặt chẽ vì Tướng Lý, giống như ông Tập, thuộc một nhóm được người Trung Quốc gọi là “hồng nhị đại,” một thuật ngữ chỉ thế hệ con cháu (con trai hoặc con gái) của các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản, những người đã giúp ông Mao Trạch Đông thâu đoạt quyền lực vào năm 1949. Cha của ông, ông Lý Thiệu Châu (Li Shaozhu), là một cựu Hồng vệ binh và là phó tư lệnh của lực lượng đường sắt PLA.
Ông Tập đã thực hiện một vài cuộc thanh tra rầm rộ đối với ban chỉ huy quân sự trong những tháng gần đây, bao gồm Bộ tư lệnh Chiến khu Nam bộ và Đông bộ, và Bộ chỉ huy quân sự Nội Mông. Trong những chuyến thăm này, ông Tập nhiều lần nhấn mạnh cần thiết phải tăng cường quản lý quân sự để bảo đảm “an ninh và ổn định” của quân đội.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times