Trung Quốc: Các ngân hàng quốc doanh giải ngân dự trữ đồng USD để cứu vãn đồng nhân dân tệ trong bối cảnh kinh tế suy thoái
Khi tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ (hoặc RMB) của Trung Quốc có xu hướng suy yếu, các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đang cấp bách bán ra USD để giảm thiểu sự mất giá của đồng nhân dân tệ. Các chuyên gia tài chính nhận xét, sự suy giảm kinh tế đang diễn ra đang khiến chính quyền cộng sản lo lắng, với những e ngại rằng các chương trình đầu tư sẽ bị dừng lại, khiến tình trạng suy thoái kinh tế càng thêm nghiêm trọng.
Theo Reuters, việc các ngân hàng quốc doanh nhanh chóng bán USD trên thị trường ngoại hối giao ngay ở trong và ngoại quốc, gồm cả thị trường London và New York, là một nỗ lực mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm xoa dịu căng thẳng mất giá đồng nhân dân tệ trong tuần qua (14-20/08).
Hôm 16/08, tỷ giá đồng nhân dân tệ (RMB) so với USD ở ngoại quốc đã giảm xuống dưới mức 7.33 trong phiên giao dịch, giảm hơn 800 điểm cơ bản trong năm ngày liên tiếp, chạm mức thấp mới kể từ tháng Mười Một năm ngoái (2022). Tỷ giá hối đoái RMB ở trong nước cũng dao động gần mức 7.3. Trên thực tế, theo dữ liệu chính thức, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với đồng USD đã giảm trong nửa đầu năm, với tỷ giá hối đoái ở trong và ngoài nước giảm xuống còn 6.8.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 20/08, ký giả chuyên mục tài chính Liêu Sĩ Minh (Liao Shiming) hiện đang sinh sống tại Hồng Kông nói rằng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ đang trên đà giảm xuống dưới mức 7.33, là mức mà tỷ giá có thể trở lại như đã thấy trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ông Liêu cho biết, chính quyền cộng sản đã ra lệnh cho các ngân hàng quốc doanh bán phá giá đồng USD của các ngân hàng này, đặc biệt là trên trường quốc tế, để trợ giúp cho tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ ở ngoại quốc, đồng thời cho biết thêm, “Khi tỷ giá đồng nhân dân tệ ở ngoại quốc giảm xuống dưới 7.33, thì kể cả khi ĐCSTQ có thể kiểm soát tỷ giá trong nước, khoảng cách ngày càng lớn giữa tỷ giá ở ngoại quốc và trong nước sẽ dẫn đến giao dịch trên thị trường chợ đen.”
Ông Liêu nói rằng ĐCSTQ sẽ khá bất mãn vào thời điểm này vì vướng vào hai vấn đề nan giải. “Một là Trung Quốc có thể phải tiến hành cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế; tuy nhiên, giảm lãi suất lại có nghĩa là lợi nhuận từ việc nắm giữ tài sản RMB sẽ tiếp tục giảm.”
Ông Liêu nói: “Tình trạng khó khăn thứ hai là nếu các nhà đầu tư ngoại quốc nhìn chung đạt tới một kỳ vọng rằng đồng nhân dân tệ sẽ không ngừng mất giá, thì bất kỳ ai có kế hoạch đầu tư vào Trung Quốc đều có thể ngừng đầu tư cho đến khi họ thấy đồng nhân dân tệ chạm đáy.”
“Những gì ĐCSTQ đang làm hiện nay giống như ngăn cản đầu tư ngoại quốc. Người ta đang cho rằng đồng nhân dân tệ có thể giảm xuống 8.5, 9 hoặc thậm chí là 10, vì vậy họ đang tiếp tục chờ xem,” ông Liêu nói và trích dẫn số liệu nói rằng, trong quý 2 năm nay, đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc đã giảm 90%, thực sự gây thiệt hại về mặt kinh tế.
Ông cho biết, ĐCSTQ có xu hướng thao túng kỳ vọng của các nhà đầu tư, nhưng “ĐCSTQ kiểm soát càng lâu thì càng trì hoãn dòng vốn ngoại quốc vào thị trường Trung Quốc.”
The yuan crisis, coupled with opaque and the strong tinge of official monopoly, has also dealt a blow to the “internationalization of yuan settlements” that the CCP had been ambitiously promoting, as per Mr. Liao.
Theo ông Liêu, cuộc khủng hoảng đồng nhân dân tệ, cùng với sự mờ ám và đậm chất độc quyền từ phía nhà nước, cũng đã giáng một đòn mạnh vào “việc quốc tế hóa các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ” mà ĐCSTQ đã và đang thúc đẩy một cách đầy tham vọng.
Nhà phân tích kinh tế và chính trị hiện đang sống tại Hoa Kỳ, ông Lục Thiên Minh (Lu Tianming), nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ đang đối mặt với một thách thức lớn trong việc can thiệp vào tỷ giá hối đoái.
“Hiện nay nhiều người tin rằng 7.3 là mức cuối cùng của ĐCSTQ đối với tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ ở ngoại quốc … Một khi tỷ giá hối đoái giảm xuống dưới mức đáy, thì hiệu ứng hoảng loạn sẽ xảy ra: các nhà đầu tư có thể ước tính rằng vẫn còn rất nhiều dư địa để nhân dân tệ rớt giá tiếp giữa bối cảnh các biện pháp cứu trợ của ĐCSTQ.”
Điều này sẽ dẫn đến dòng vốn chảy ra ngoài và sự đình trệ của đầu tư từ bên ngoài, ông Lục nhận định.
Thất thoát công khố
Hôm 17/08, ngân hàng trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đã công bố báo cáo về việc thực hiện chính sách tiền tệ trong quý 2/2023. Báo cáo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “duy trì sự ổn định căn bản của tỷ giá hối đoái nhân dân tệ” và để “bảo vệ chống lại nguy cơ tỷ giá hối đoái tăng vọt.”
Rủi ro tỷ giá hối đoái tăng vọt đề cập đến tình huống tỷ giá hối đoái của một quốc gia hoặc khu vực biến động quá mức hoặc lệch khỏi các nền tảng kinh tế căn bản trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Những biến động như vậy có thể do tâm lý thị trường, sự kiện chính trị, công bố dữ liệu kinh tế, và các yếu tố khác gây ra.
Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, vào buổi tối cùng ngày, tỷ giá đồng nhân dân tệ suy yếu đã tăng; tính đến 18 giờ 36 phút, tỷ giá đồng nhân dân tệ trong nước so với đồng USD được niêm yết ở mức 7.8, tăng 0.24% trong ngày.
Ông Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang), một nhà bình luận thời sự sống tại Hoa Kỳ, cho biết trên kênh YouTube của mình hôm 17/08 rằng ĐCSTQ đã cưỡng bức tăng tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ từ 7.35 lên 7.28 trong cùng ngày, nhưng đây dường như chỉ là hành vi đốt tiền vì tỷ giá 7.28 sẽ không kéo dài. Lượng tiền rất lớn từ công khố được dùng để kéo tỷ giá hối đoái lên sẽ cạn kiệt. “Tỷ giá nhân dân tệ chắc chắn sẽ giảm trong vài ngày tới.”
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc có thể cắt giảm lãi suất, trong khi đồng USD có thể tăng lãi suất, các yếu tố này chắc chắn sẽ dẫn đến đồng nhân dân tệ mất giá hơn nữa, ông Chương cho biết.
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times