Trung Quốc: Các nạn nhân vaccine COVID không có quyền truy đòi công lý
Tòa bác đơn kiện; công an sách nhiễu và đe dọa các nguyên đơn
Gia đình của những nạn nhân bị tổn thương do vaccine ở Trung Quốc đang kêu gọi chính quyền giúp đỡ họ. Họ nói rằng chính quyền Trung Quốc đã đưa ra thông tin sai về khả năng gây hại nghiêm trọng của các loại vaccine COVID-19, và đang kêu gọi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc điều tra hàng ngàn căn bệnh liên quan đến vaccine.
Đại diện của những nạn nhân bị tổn thương do vaccine đã đến Bắc Kinh để đệ đơn kiện Quốc Vụ viện và Ủy ban Y tế Quốc gia. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ đơn kiện này, và sau đó những người đại diện này đã bị công an trấn áp.
Hôm 09/02, khi các nạn nhân và thân nhân của họ tập trung tại Bắc Kinh, nhiều công an cũng có mặt. Hơn nữa, ngoài sự hiện diện nhằm mục đích uy hiếp của công an, một số những người đại diện này đã nhận được cuộc gọi từ sở công an nơi quê nhà của họ, cảnh báo họ về những hậu quả có thể xảy ra nếu họ theo đuổi vụ kiện.
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã nói chuyện với một số người liên quan đến vụ kiện này. Họ mô tả các phản ứng bất lợi nghiêm trọng của vaccine COVID-19 đã gây tổn thương cho những người thân yêu của họ như thế nào và gia đình họ đã phải khốn khổ ra sao vì chính sách này của quốc gia.
Các loại vaccine COVID-19 ở Trung Quốc nhìn chung đều là vaccine bất hoạt sử dụng virus có vật chất di truyền đã bị phá hủy, không phải là loại vaccine mRNA phổ biến như ở những nơi khác trên thế giới. Cả hai loại vaccine này đều có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tính đến tháng 06/2022, Trung Quốc đã sử dụng gần 3.4 tỷ liều vaccine COVID-19, theo dữ liệu của công ty Statista.
Vụ kiện của các nạn nhân bị bác bỏ
Cô Hoa Tú Trân (Hua Xiuzhen), người soạn thảo đơn khiếu nại này, cho biết khoảng hơn một chục nạn nhân và người nhà của họ đã tình nguyện làm đại diện cho những người bị tổn thương do vaccine.
Một vụ kiện trước đó của khoảng 20 nạn nhân cũng đã bị tòa bác bỏ. Tuy nhiên, vụ kiện tập thể lần này đã tăng quy mô lên 1,385 nạn nhân.
Họ đã tập trung tại Tòa án Nhân dân Trung cấp Số 2 để đệ đơn kiện. Tuy nhiên, họ lại vấp phải sự từ chối một lần nữa.
“Thật không may, tòa án đã từ chối nhận đơn kiện của chúng tôi sau khi chúng tôi nói rằng chúng tôi muốn kiện Quốc Vụ viện,” cô Hoa cho biết.
Những người đại diện nói trên đã bị công an Bắc Kinh sách nhiễu. Bên cạnh đó, nhiều người còn nhận được cuộc gọi từ công an địa phương, nói rằng vụ kiện này thể hiện “sự bất mãn” đối với nhà nước. Nói cách khác, vụ kiện này biểu thị cho một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Cô Hoa nói rằng mặc dù các nguyên đơn có quyền hợp pháp để kiện chính quyền, nhưng công an đã nhắm mục tiêu vào họ, bề ngoài là để giữ an ninh và duy trì sự ổn định.
Cô gọi hành vi sách nhiễu của công an là vi phạm quyền khởi kiện của họ.
Cô Hoa đã bảo vệ quyền lợi cho những người chịu thương tổn do vaccine kể từ khi con gái cô bị động kinh, mất thính lực đột ngột, và mắc bệnh về não sau khi chích vaccine phòng bệnh dại vào năm 2014.
Đơn khiếu nại
Theo đơn kiện, trong cuộc họp báo hôm 23/07/2022, các quan chức y tế khẳng định rằng các loại vaccine COVID-19 sản xuất tại Trung Quốc không gây ra bệnh bạch cầu và tiểu đường. Đơn kiện cáo buộc rằng những tuyên bố đó là không chính xác và Quốc Vụ viện cần rút lại tuyên bố đó.
Đơn kiện này yêu cầu mở một cuộc điều tra công bằng, công khai, và khoa học, cũng như chẩn đoán trung thực về các phản ứng bất lợi [sau khi chích vaccine].
Trong số những người đại diện có nhiều người đã gặp phản ứng bất lợi với vaccine. Những phản ứng đó gồm các bệnh nghiêm trọng và hiếm gặp như bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính và hội chứng Guillain–Barré.
Các nạn nhân làm chứng rằng thể trạng của họ rất tốt nhưng sau khi chích vaccine COVID-19 mọi chuyện đã thay đổi.
Nhiều người trong số những người được phỏng vấn đang tuyệt vọng trong việc thanh toán các hóa đơn y tế đắt đỏ và khôi phục sinh kế của mình.
Bị ho, và sau đó được chẩn đoán mắc bệnh ung thư
Bé Tiêu Tử Y (Xiao Ziyi), học sinh lớp một ở Vũ Hán, được chích mũi vaccine đầu tiên hôm 08/11/2021 và mũi thứ hai hôm 04/12.
Cả hai mũi vaccine đó đều là của hãng Sinopharm. Tuy nhiên, mũi vaccine đầu tiên do Viện Chế phẩm Sinh học Vũ Hán sáng chế và mũi vaccine thứ hai do Viện Chế phẩm Sinh học Bắc Kinh sáng chế.
Hôm 15/12 bé Tử Y xuất hiện những cơn ho, tức 11 ngày sau khi chích mũi vaccine thứ hai.
Chín ngày sau — tức 20 ngày sau khi chích mũi vaccine thứ hai — bé Tử Y được phát hiện có khối u phổi có đường kính 5 cm (2 inch).
Chỉ 25 ngày sau khi chích ngừa, bé được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính. Trong vòng một tháng sau khi chích ngừa, khối u đã tăng gấp đôi kích thước lên 4 inch.
Cha của cô bé, anh Tiêu Hồng Hoa (Xiao Honghua), cho biết trước khi chích ngừa con gái anh khỏe mạnh và gia đình không có tiền sử bệnh lý nào. Trong môi trường sống của họ cũng không phát hiện chất gây ô nhiễm nào và không ai trong gia đình làm công việc liên quan đến bức xạ.
Trường học của bé Tử Y và các quan chức y tế địa phương đã thực thi lệnh chích ngừa bắt buộc. Cha mẹ nếu muốn từ chối chích ngừa cho con thì phải có sự đồng ý của bác sĩ.
Theo anh Tiêu, mẫu đơn chấp thuận của nhà trường đã liệt kê rõ ràng 12 phản ứng bất lợi có thể xảy ra — và nói chung là nhẹ, đó là: ngứa, sưng tấy, sẩn, đỏ, sốt, đau cơ, nhức đầu, ho, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, và dị ứng.
Tuy nhiên, hướng dẫn sử dụng vaccine đã liệt kê bốn loại phản ứng bất lợi, với hơn 70 triệu chứng, từ nhẹ đến nặng, trong đó có bệnh phì đại hạch bạch huyết (lymphadenopathy), viêm amidan, và xơ cứng.
Anh Tiêu cảm thấy chính quyền Vũ Hán không hiểu rõ về các thành phần của vaccine và khả năng xảy ra các phản ứng bất lợi.
Kể từ khi bé Tử Y được chẩn đoán mắc bệnh hôm 28/12/2021, gia đình bé đã chi 800,000 nhân dân tệ (117,000 USD) cho các hóa đơn y tế. Một ca ghép phổi sẽ tiêu tốn 380,000 nhân dân tệ (55,000 USD) trả trước, chưa bao gồm các chi phí sau ghép tạng như uống các loại thuốc chống đào thải.
Gia đình của anh rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Đối mặt với những hóa đơn thậm chí còn lớn hơn trong tương lai, anh Tiêu hy vọng rằng chính quyền Vũ Hán sẽ giúp trang trải chi phí điều trị vẫn không ngừng tăng lên cho con gái mình cho đến khi cô bé có thể bình phục.
Từ chích vaccine đến hóa trị trong vòng chưa đầy hai tháng
Cô Triệu Ngọc Quyên (Zhao Yujuan), một người dân ở vùng Tân Cương, tây bắc Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng hồi cuối năm 2021, con gái cô đã được chích hai liều vaccine COVID-19 ở trường, lần lượt vào ngày 30/10 và ngày 29/11.
Hơn một tháng sau đó, hồi đầu tháng 01/2022, con gái của cô Triệu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết T, một dạng ung thư hạch không Hodgkin.
Đến đầu tháng 02/2022, bé gái này đã được hóa trị tại Trung tâm Y tế Nhi đồng Thượng Hải. Cô Triệu cho biết, “con tôi đã chịu rất nhiều đau đớn, và căn bệnh tiêu tốn hàng trăm ngàn nhân dân tệ.”
Hồi tháng 05/2022, cô Triệu đã đệ đơn kiến nghị về trường hợp của con mình lên chính quyền địa phương. Các nhà chức trách đã từ chối nhiều đơn thỉnh cầu trực tuyến của cô. Cô đã nộp đơn lặp đi lặp lại nhiều lần mãi cho đến khi một cấp chính quyền đã chuyển lá đơn qua nơi khác.
Cô Triệu nói, “Yêu cầu của chúng tôi rất rõ ràng, [một khoản bồi thường] cho quá trình điều trị y tế, săn sóc, và việc bảo đảm cuộc sống sau quá trình điều trị cho trẻ em.”
Các quan chức y tế phủ nhận bệnh tình có liên quan đến vaccine
Cô Dương Quân Hoa (Yang Junhua), một phụ nữ đến từ tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, đột nhiên mắc bệnh thiếu máu bất sản tủy sau khi chích vaccine COVID hồi năm 2021. Trung tâm phòng chống đại dịch địa phương đã gọi căn bệnh này là “sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Cô Dương đã khẳng định rằng các cuộc kiểm tra thể chất và xét nghiệm máu của cô đều bình thường trước khi chích ngừa và trong gia đình cô không ai có tiền sử mắc bệnh mạn tính. Cô đã yêu cầu các quan chức y tế địa phương giải thích tại sao họ lại kết luận rằng tình trạng thiếu máu của cô chỉ là “sự trùng hợp ngẫu nhiên’. Cô kể rằng, “Họ đã nói với tôi rằng họ sẽ quay lại gặp tôi vào tuần tới, nhưng họ chưa bao giờ gọi cho tôi.”
Căn bệnh này đã khiến cô mất việc làm. Đó là nguồn thu nhập duy nhất của cô Trương và người mẹ tàn tật của mình.
Các bản giám định y tế không có chữ ký
Cô Trương Lệ (Zhang Li), một cư dân ở tỉnh Hà Bắc phía bắc Trung Quốc, đã chích mũi Sinovac thứ ba hôm 09/02/2022. Sau một loạt các phản ứng bất lợi, cô được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính. Cô đã được điều trị từ ngày 07/05/2022.
Cô Trương đã nằm viện được chín tháng. Cô nói: “Tôi phải trả hàng trăm ngàn nhân dân tệ; Tôi đang nợ nần chồng chất. Tôi chỉ là một nông dân thôi, tôi cũng không có tiền tiết kiệm và bảo hiểm.”
Cô Trương đã yêu cầu cơ quan y tế địa phương giám định y tế để cô nhận được tiền bồi thường cho căn bệnh của mình. Cô đã nhận được một bản đánh giá, nhưng đó chỉ đơn giản cho biết căn bệnh của cô không thể do loại vaccine COVID-19 này gây ra. Bản đánh giá này không có chữ ký và con dấu chính thức.
Cô đã yêu cầu chính quyền địa phương và ủy ban y tế bồi thường và trợ giúp về tài chính nhưng không có kết quả.
Cô cho biết, “Tôi hy vọng giới truyền thông sẽ giúp tôi.”
Được chẩn đoán mắc Hội chứng Guillain Barré
Cô Trương không phải là người duy nhất bị các quan chức y tế đối xử bất công.
Cô Lưu Lệ Phong là một cư dân của tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc.
Cô đã chích vaccine Sinovac vào ngày 27/03/2021 và vaccine của Sinopharm một tháng sau đó. Chân trái của cô bị tê liệt vào sáng ngày 12/05/2021.
Theo cô Lưu, một bác sĩ ở Thượng Hải tin rằng triệu chứng của cô là do vaccine gây ra và nói với cô rằng cô bị rối loạn chức năng nơron vận động dưới. Bác sĩ đã kê cho cô thuốc gamma globulin. Tuy nhiên, tình hình của cô ngày càng xấu đi và cô được chẩn đoán mắc Hội chứng Guillain Barré hôm 29/07/2022.
Hội chứng Guillain Barré là một chứng rối loạn hiếm gặp trong đó hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh, khiến cho cơ thể suy nhược dần và dẫn đến liệt hoặc yếu cơ.
Cô Lưu cho biết cô không còn chút hy vọng nào nữa. Giờ đây cô sống trong đau đớn, cơ thể yếu ớt, tê bì, ngứa ran, và co giật cơ.
Giống như cô Trương, cô Lưu đã tìm kiếm một bản giám định sức khỏe từ chính quyền y tế địa phương. Tuy nhiên, không chuyên gia nào thừa nhận mối liên hệ [của căn bệnh cô gặp phải] với vaccine và bản giám định mà cô ấy nhận được cũng không có chữ ký.
Các quan chức y tế né tránh câu hỏi của cô về vaccine. Tuy nhiên, “mọi chuyên gia đều nói rằng họ đã tuân theo các phác đồ chuẩn và hợp pháp,” cô Lưu cho hay.
Tăng cường sách nhiễu
Sau chuyến đi đến Bắc Kinh, các nguyên đơn trên đã phải chịu sự sách nhiễu ngày càng tăng từ công an địa phương. Một số người được phỏng vấn đã cập nhật cho The Epoch Times về tình hình của mình.
Anh Tiền Đại Long (Qian Dalong), một trong những nạn nhân và là cư dân Bắc Kinh, cho biết anh buộc phải khai báo tại đồn công an.
Một nạn nhân vaccine đồng thời là người điều phối của một nhóm trò chuyện, cô Giả Tiểu Ngọc (Jia Xiaoyu) đã bị giam giữ hành chính trong 15 ngày.
Cô Hoa, người đã soạn thảo bản cáo trạng trên, cho biết: “Họ đưa tôi đến đồn công an và buộc tôi phải khai báo. Họ giữ tôi ở đó cho đến 2 giờ sáng.”
Bản tin có sự đóng góp của Lý Hi
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times