Trung Quốc bắt giữ quan chức cấp bộ bị cáo buộc làm gián điệp cho CIA
Hôm thứ Hai (21/08), cơ quan tình báo hàng đầu của Trung Quốc cho biết họ đang điều tra một quan chức cao cấp bị cáo buộc làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA). Đây là cáo buộc lần thứ hai trong 10 ngày khi nhà cầm quyền cộng sản tăng cường chiến dịch phản gián trong bối cảnh kinh tế khó khăn chưa từng có.
Theo một tuyên bố của Bộ An ninh Quốc gia (MSS), cơ quan trung ương chuyên giám sát các hoạt động tình báo và an ninh trong và ngoài nước, công dân Trung Quốc 39 tuổi, họ Hạo, là viên chức của một bộ và bị cáo buộc là được CIA tuyển dụng làm gián điệp khi ông đang du học ở Nhật Bản. Cơ quan này không tiết lộ giới tính của ông Hạo cũng như bộ mà ông Hạo làm việc.
Thông báo được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi cơ quan tình báo cáo buộc một nhân viên công nghiệp quân sự làm gián điệp cho CIA. MSS đang kêu gọi công chúng tham gia vào các nỗ lực phản gián “nghiêm trọng và phức tạp,” khiến Hoa Kỳ lo lắng.
Nhưng các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng mục đích chính của những lời cáo buộc của Bắc Kinh về gián điệp Mỹ là để đánh lạc hướng sự chú ý của công chúng khỏi rắc rối thực sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ): một nền kinh tế điêu tàn.
Một câu chuyện bịa đặt
MSS, thường giữ bí mật công việc của mình, lại cung cấp thông tin chi tiết về cách nhân viên chính phủ trở thành nguồn tin của CIA.
Bộ tuyên bố ông Hạo có quen biết một quan chức Đại sứ quán Hoa Kỳ được gọi là “Ted” trong khi phân loại đơn xin thị thực. Bộ cho biết ông Ted được cho là đã mời công dân Trung Quốc này đi ăn tối, biếu quà cáp, và tìm kiếm sự giúp đỡ của ông Hạo để viết một bài báo mà ông Ted hứa sẽ trả tiền. Bộ cho biết, ông Ted bị cáo buộc đã giới thiệu ông Hạo với một đồng nghiệp tên là Lý Quân (Li Jun) trước khi kết thúc nhiệm kỳ của ông tại đại sứ quán ở Nhật Bản; ông Lý và ông Hạo sau đó duy trì “mối quan hệ hợp tác.”
Trước khi ông Hạo hoàn thành việc học của mình, ông Lý được cho là đã công khai mình là người của CIA sống tại Tokyo và “xúi giục ông Hạo nổi loạn,” bảo ông Hạo trở về Trung Quốc để làm việc cho một “đơn vị chủ chốt và quan trọng.” Ông Hạo bị cáo buộc đã ký một thỏa thuận gián điệp, chấp nhận đánh giá và đào tạo từ Hoa Kỳ, theo tuyên bố của bộ.
Bộ cho biết ông Hạo đã làm việc trong một bộ của nhà nước sau khi trở về, “theo yêu cầu của CIA,” và cung cấp cho CIA thông tin tình báo trong khi nhận lương từ Hoa Kỳ.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một học giả nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, nghi ngờ rằng điều khiến các quan chức tại cơ quan gián điệp công khai hai vụ án này là mong muốn làm hài lòng ông Tập Cận Bình, lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, người đã cảnh báo rằng các mối đe dọa từ bên ngoài mà đất nước đang phải đối mặt đang trở nên “phức tạp hơn.”
Ông Phùng nói với The Epoch Times rằng: “Ngay cả khi cơ quan an ninh không tìm ra được gián điệp, họ cũng phải bắt giữ một số người để người ngoài thấy là tình hình thật sự phức tạp như thế.”
“Giống như vụ án gần đây nhất, người đó có thể bị bắt. Nhưng cũng không loại trừ là người đó chỉ đơn giản là phục vụ cho mục đích tuyên truyền, đánh lừa [người dân] bằng cách bịa ra một câu chuyện để truyền thông truyền bá khắp nơi. Đó là cách bộ máy quan liêu [Trung Quốc] hoạt động,” ông nói.
Đánh lạc hướng
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), một cựu luật sư Trung Quốc kiêm nhà bình luận các vấn đề thời sự, đã liên kết các tuyên bố gián điệp gần đây với sự bất ổn chính trị và suy thoái kinh tế mà ĐCSTQ đang phải đối mặt.
Khi số lượng thanh niên thất nghiệp ngày càng tăng, chính quyền Trung Quốc đã ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi. Dữ liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đạt mức cao kỷ lục 21.3% trong tháng Sáu.
Thêm vào sự ảm đạm này, Evergrande, đại công ty địa ốc của Trung Quốc, đã đệ đơn yêu cầu bảo hộ phá sản ở New York hôm 17/08. Một nhà phát triển lớn khác, Bích Quế Viên (Country Garden), hiện có nguy cơ vỡ nợ sau khi lỡ hẹn hai khoản thanh toán trái phiếu với tổng trị giá 22.5 triệu dollar hôm 09/08, làm lung lay hơn nữa niềm tin của các nhà đầu tư. Các nhà phân tích hiện lo ngại rằng cuộc khủng hoảng trên thị trường địa ốc, đầu tàu của nền kinh tế đất nước, sẽ lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế.
“Một khi nền kinh tế sụp đổ, thì ĐCSTQ dựa vào đâu để kiểm soát quốc gia?” Ông Lại cho biết. “[ĐCSTQ] hiện đang trên bờ vực sụp đổ.”
Ông cho rằng để thu hút sự chú ý khỏi nền kinh tế đang suy thoái trong nước, ĐCSTQ dường như đã khai triển chiến lược tạo ra kẻ thù ở ngoại quốc.
Hơn nữa, sự tồn tại của các nguồn tin tình báo Mỹ đã tạo cớ cho ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát tư tưởng đối với công chúng, ông nói thêm.
Chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi tất cả công dân tham gia chiến dịch trấn áp gián điệp ngoại quốc sau khi luật chống gián điệp mở rộng có hiệu lực vào tháng Bảy.
Luật chống phản gián lần đầu tiên được công bố vào ngày 26/04 này mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp đối với “tất cả các văn bản, dữ liệu, tài liệu, hoặc vật phẩm liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia.” Nhưng văn bản luật pháp này không nêu rõ những gì thuộc an ninh quốc gia, làm dấy lên lo ngại về một môi trường thù địch hơn đối với các doanh nghiệp và ký giả ngoại quốc đang hoạt động tại Trung Quốc.
Ban lãnh đạo ĐCSTQ sau đó đã tăng cường kêu gọi hoạt động chống gián điệp. Hôm 14/07, người quyền lực nhất trong ngành tình báo quốc gia đã kêu gọi các quan chức trợ lực cho sự nghiệp chống gián điệp này trên “các tiền tuyến bí mật,” ám chỉ hoạt động tình báo của Đảng.
MSS đã bí mật ra mắt một tài khoản chính thức trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc WeChat. Hôm 31/07, họ đã đăng bài đầu tiên với nhan đề “Cuộc chiến Chống Gián điệp Đòi hỏi Vận động Toàn Xã hội!”
Hôm 20/07, Giám đốc CIA William Burns thừa nhận cơ quan này đã “đạt được tiến bộ” trong việc tái cấu trúc hoạt động tình báo ở Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Reuters
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times