Trung Quốc ban hành thêm trợ cấp nông nghiệp, làm nổi bật cuộc khủng hoảng lương thực
Theo tuyên bố của chính quyền Trung Quốc hôm 17/04, nước này sẽ cung cấp trợ cấp nông nghiệp một lần trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (1.45 tỷ USD). Các khoản trợ cấp này nhằm giúp đỡ những người nông dân trồng ngũ cốc. Theo một bản tin trên hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu, các khoản trợ cấp này sẽ được gửi trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của nông dân.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng dù cho chính quyền có ban hành thêm các khoản trợ cấp đi chăng nữa, thì khoản ưu đãi khuyến khích nông dân Trung Quốc tham gia trồng trọt vẫn còn thấp. Hơn nữa, không rõ bao nhiêu tiền sẽ thực sự đến tay người nông dân.
Làm gì cũng phải có quan hệ
Theo một bản tin trên kênh truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã, đợt trợ cấp mới nhất này nhằm mục đích trợ giúp canh tác vụ xuân và tạo động lực cho người nông dân.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trợ cấp rất nhiều cho nông dân. Chỉ riêng năm ngoái (2022), Trung Quốc đã ban hành ba khoản trợ cấp, với tổng số 40 tỷ nhân dân tệ (5.81 tỷ USD), để trợ giúp và khuyến khích sản xuất ngũ cốc.
Tuy nhiên, một ký giả Trung Quốc nói với The Epoch Times rằng ông nghi ngờ số tiền mà người nông dân được thực nhận sẽ ít ỏi.
Vị ký giả này đã sử dụng bí danh là Hoàng vì sợ bị chính quyền trả đũa. Ông cho biết ông lo ngại rằng tình trạng tham ô do “bộ máy quan liêu tham nhũng” của Trung Quốc sẽ biển thủ tiền của những người nhận được dự kiến.
Đơn cử một ví dụ, một cuộc điều tra năm 2017 đã phát hiện ra ít nhất 730 triệu nhân dân tệ (106 million USD) đã bị biển thủ từ sáng kiến xóa đói giảm nghèo của đất nước này.
Ông Hoàng cho biết cái gọi là tiền gửi trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của nông dân chỉ là một thông báo. Trên thực tế, việc nông dân có thực sự nhận được trợ cấp hay không phụ thuộc vào sự quen biết của họ với các quan chức địa phương.
“Dưới sự cai trị của chế độ này, không có gì là công khai, công bằng, hay công chính,” ông cho hay. “Ai có quan hệ tốt thì người đó sẽ nhận được trợ cấp, ngay cả khi họ không phải là nông dân; còn ai có quan hệ kém thì sẽ chẳng nhận được gì cả, ngay cả khi người đó là nông dân.”
An ninh lương thực: Trọng tâm lâu năm của Trung Quốc
Ông Lâm Nghĩa Quân (Scott Y. Lin), giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Sau Đại học thuộc Đại học Chính trị Quốc lập Đài Loan, cho biết: “An ninh lương thực là một trọng tâm trong Văn kiện Trung ương Số 1 của chính quyền này trong nhiều năm.” Thế nhưng, mặc dù là các khoản trợ cấp được đưa ra để khuyến khích canh tác và bảo đảm các nguồn lương thực, nhưng theo ý kiến của ông Lâm thì thực tế có thể không như vậy.
Kể từ năm 2004, cái gọi là “Văn kiện Trung ương Số 1,” tuyên bố chính sách đầu tiên được các cấp cao nhất của Bắc Kinh ban hành mỗi năm, tập trung vào an ninh lương thực và ba vấn đề phát triển nông thôn: nông nghiệp, các vùng nông thôn, và nông dân.
Ông Vương (bí danh), một nông dân đến từ tỉnh Hà Bắc phía bắc Trung Quốc, người đã chuyển sang làm công việc lao động nhập cư để kiếm sống, nói với The Epoch Times rằng những nông hộ nhỏ lẻ không còn mặn mà với việc đồng áng toàn thời gian.
“Họ sẽ cho những đại nông hộ thuê đất của mình,” ông cho hay. “Các đại nông hộ này có thể nhận được nhiều trợ cấp hơn.”
Ông Vương nghĩ rằng gia đình ông sẽ nhận được một ít tiền trợ cấp, nhưng ông cũng không hy vọng quá nhiều. Ông cho biết: “Những người nông dân bình thường sẽ không nhận được nhiều đâu.”
Ông Vương cho biết hoạt động phát triển nông nghiệp bừa bãi dưới sự cai trị của chính quyền tham nhũng là một lý do dẫn đến tình trạng thiếu hụt ngũ cốc của chế độ này. “Họ chặt hết cây cối để trồng ngũ cốc, kể cả những cây mới trồng được vài năm. Một số người còn trồng ngũ cốc bên hồ nước,” ông nói.
Nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí lao động, tiền thuê đất, và các nông cụ đã khiến người nông dân gặp khó khăn trong việc kiếm sống.
Theo một báo cáo điều tra về nông nghiệp ở huyện Nhiêu Hà, một trung tâm sản xuất đậu nành, những nông dân trẻ ngày càng có xu hướng ‘bỏ quê lên phố’ để tìm việc làm có thu nhập tốt hơn với tư cách là người lao động nhập cư. Hàng triệu lao động nhập cư cung cấp nguồn lực cho các nhà máy và hoạt động thương mại của các thành phố Trung Quốc, đôi lúc họ còn kiếm được số tiền nhiều hơn số tiền mà cả một nông hộ kiếm được trong một năm.
Được đăng chi tiết trên cổng thông tin Trung Quốc Sina Finance, báo cáo này cho biết “Thu nhập hàng năm từ việc đồng áng của một gia đình không theo kịp thu nhập của một người ra ngoài làm việc, dẫn đến một lượng lớn lao động nông thôn ra ngoài làm việc.”
Chuẩn bị bước vào cuộc khủng hoảng lương thực
Để bù đắp cho sự tổn thất về dân số lao động là nông dân trong nước, giáo sư Lâm cho biết, “Trung Quốc đã nhập cảng ngày càng nhiều đậu nành và bắp.”
Theo báo cáo hôm 14/04 của AskCI Consulting, một nhà cung cấp nghiên cứu ngành, Trung Quốc đã ghi nhận nhập cảng 11.989 triệu tấn ngũ cốc hồi tháng 03/2023. Từ tháng Một đến tháng Ba, Trung Quốc đã nhập cảng 38.727 triệu tấn ngũ cốc, tăng 4.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ tự cung cấp lương thực của Trung Quốc đã giảm dần trong 20 năm qua, trung bình giảm ít nhất một điểm phần trăm mỗi năm. Theo một bản tin trên hãng thông tấn nhà nước The Paper, tốc độ suy giảm đó cao hơn so với Nhật Bản, Nam Hàn, hoặc Đài Loan. Theo bản tin này từ tháng 01/2022, năm 2020, khả năng tự cung tự cấp ngũ cốc của Trung Quốc đã giảm xuống còn 76.8% và dự kiến sẽ còn giảm hơn nữa — còn 65% — vào năm 2035.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times