Triết lý về luân hồi: Sự đồng hành giữa Đức hạnh và Phú quý
Ngày nay, chúng ta có thể thấy rằng rất nhiều người vừa giàu có vừa có đức hạnh cao thượng, thế nhưng cũng có một số người tuy giàu có nhưng đạo đức lại thấp kém. Và thường những người có đức hạnh không tốt đó, tự bản thân họ hoặc người thân trong gia đình sẽ xảy ra những chuyện ngoài ý muốn, khiến họ vô cùng phiền lòng, thậm chí tiền tài cũng bị tổn thất rất lớn. Ngày nay, cái kết cuối cùng của những quan chức tham nhũng ở Trung Quốc đại lục chính là một minh chứng. Bài viết này là câu chuyện về sự đồng hành giữa Đức hạnh và Phú quý.
Ở nước Ngụy vào thời Tam Quốc có một người như vậy, anh ta tuy nghèo khổ nhưng có tài học, luôn cảm thấy mình có tài nhưng không gặp thời, cho nên rất khổ não. Có một lần khi trong tay không còn đồng nào, bụng đói cũng đã được vài ngày, vì thế trong tuyệt vọng, anh ta đã thiếp đi trong một ngôi miếu hoang. Tiếc rằng vận mệnh của anh ấy quá đỗi bất hạnh, do ngôi miếu nhỏ này đã không được tu sửa từ rất lâu rồi, nên khi trời giáng cơn mưa lớn thì nó càng trở nên đổ nát hơn. Anh ta mở mắt thử nhìn thì thốt lên: “Đúng là Trời hại ta!” (đây là câu nói của Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ trước khi tự vẫn). Vì vậy khi tìm thấy được một cái cây, anh ta quyết định treo cổ tự sát. Thế nhưng, sau khi treo lên cây, trong lúc định đá chiếc ghế đẩu, thì đột nhiên anh ta nhìn thấy một thứ giống như gói hàng ở cách đó không xa.
Anh ta nghĩ, không biết ai đã đánh rơi gói hàng này vào trong đó nhỉ, tự nhủ rằng chắc hẳn người ấy đang rất lo lắng. Vì vậy anh quyết định, sau khi tìm ra chủ nhân của gói hàng này thì đi chết sau cũng không quá muộn. Thế là anh bước xuống và đến chỗ gói hàng ấy. Chỉ thấy bên trong đó ngoài vài bộ y phục đẹp ra, thì không có gì khác. Anh ta thầm nghĩ, gói hàng này nhất định là của một gia đình giàu có nào đó đánh rơi ở đây rồi. Vì thế anh ta đã ngồi ở đó và chờ đợi. Khi trời chạng vạng tối, có một ông lão hớt hải chạy đến, thấy anh ta nằm ở đây (nhưng anh ta sớm đã ngất đi vì đói), ông liền đánh thức anh ta dậy. Chàng thanh niên yếu ớt mở mắt ra nhìn ông lão, ông lão hỏi: “Liệu anh có nhìn thấy một gói hàng nào ở đây không?”. Anh ta đáp: “Đây có phải của ông không?”. Ông lão nói: “Chính là nó”. Ông lão cảm thấy vô cùng cảm kích, để trả ơn, ông đã để lại cho chàng thanh niên vài lượng bạc. Thế nhưng anh ta nói: “Tôi đã nhịn đói mấy ngày qua rồi, ông đưa ngân lượng cho tôi cũng không có ích gì, vì tôi đã không còn sức để đi nữa rồi.”
Ông lão nhìn thấy người thanh niên thật đáng thương, liền tìm người giúp đỡ để đưa anh ta về trong phủ. Về phủ, ông lão đút cháo cho anh ta ăn, trải qua vài ngày được chăm sóc, anh ta mới khỏe lên đôi chút.
Sau khi ông lão hiểu được những chuyện mà chàng thanh niên này từng trải qua, bèn nói rằng: “Có lẽ con được đặt định là phải chịu đựng một vài chuyện khổ cực, nhưng về sau chắc chắn sẽ tốt hơn. Ta từng nghe cha mẹ mình nói rằng, Phúc và Đức luôn đồng hành cùng nhau. Nếu một người mà bản thân đang trong hoạn nạn, nhưng vẫn biết suy nghĩ cho người khác, thì sẽ khiến cho trời đất cảm động, cũng sẽ có được phúc phận.”
Về sau, gia chủ của gia đình này cũng biết chuyện và nhận ra sự thông minh tài giỏi của chàng thanh niên, nên đã mời anh ta về nhà dạy học cho những người con của mình. Ba năm sau, những đứa trẻ ấy đã trở nên vô cùng hiểu chuyện. Sau đó, có một vị quan viên nọ vì chuyện kén rể cho con gái của mình mà vô cùng phiền muộn. Lão gia sau khi nghe ngóng sự việc, thì biết được rằng, nếu là người bình thường thì không thể nào với tới vị tiểu thư ấy, người được kén rể nhất định phải do chính cô ấy chọn.
Một ngày nọ, lão gia dẫn bọn trẻ tới nhà vị quan viên kia chơi. Gia chủ của nhà ấy nhìn thấy những đứa trẻ này vừa giỏi lại vừa hiểu lễ nghĩa, tỏ ra rất khen ngợi, “Lão gia đây giáo dục thật tốt”. Lão gia lại nói, “Tất cả đều là nhờ vào thầy của chúng dạy bảo!” Lời nói này được vị tiểu thư kia nghe thấy, cô đã âm thầm, chăm chú lắng nghe câu chuyện của chàng thanh niên ấy.
Vài tháng qua đi, vị tiểu thư nhờ cha mẹ sai người đến phủ của Lão gia để tìm người thầy giáo đó. Lão gia cười nói rằng, vậy thì phải xem duyên phận của hai người như thế nào. Vì vậy ông đã mời chàng thanh niên ấy quay về phủ để gặp gỡ cha mẹ của vị tiểu thư này. Sau khi chào hỏi xong, ngay lần đầu trò chuyện họ đã nhận ra chàng thanh niên này vô cùng tài giỏi, bởi vậy muốn hứa hôn cho con gái của mình. Chàng thanh niên đã khiêm tốn nói lời từ chối, nói rằng bản thân không đủ Phúc Đức, nên không dám trèo cao. Vừa dứt lời, vị tiểu thư liền bảo nha hoàn của mình mang ra một cuộn chỉ đỏ và nói: “Thưa công tử, tiểu thư muốn anh nhận lấy.” Anh ta vẫn một mực từ chối không nhận. Cha mẹ của tiểu thư bèn lên tiếng, “Nếu con gái chúng tôi đã chọn cậu, thì cậu hãy nên đồng ý!” Chàng thanh niên nhận thấy không thể từ chối được nữa, thì mới e dè cùng nàng tiểu thư đồng ý mối nhân duyên này.
Sau khi thành thân, anh được nhạc phụ tiến cử vào làm quan trong triều. Bởi vì anh ta rất có tài năng, đối nhân xử thế với mọi người cũng đều rất tốt, và nhận được sự tán thưởng từ các bạn đồng sự, vị thế quan chức cũng từ đó mà ngày càng thăng cao. Anh cũng tận dụng vị thế của bản thân mình để làm nên rất nhiều việc tốt giúp đỡ bách tính.
Những năm cuối đời, anh thường nói với con cháu rằng: Khi bản thân phải chịu khổ chịu nạn, thì chính là do Đức hạnh không đủ. Vì vậy, dẫu trong lúc khốn khó vẫn cần phải biết suy nghĩ cho người khác. Chỉ có như thế mới nhận được sự che chở của trời đất; từ trong khổ nạn, phải thật tinh tường và sáng suốt.
Qua câu chuyện trên ta có thể thấy được Đức và Phúc thật sự luôn luôn song hành cùng nhau.