Kinh nghiệm của giáo viên: Khuyên bảo học sinh muốn bỏ học vì chuyện gia đình
Trong quá trình trưởng thành, mối quan hệ của cha mẹ sẽ có tác động rất lớn đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển tính cách của trẻ. Nếu cha mẹ hòa thuận, gia đình hạnh phúc, thì con cái đa phần sẽ lạc quan, biết quan tâm. Nếu mối quan hệ giữa cha mẹ không hòa hợp, thường xuyên gây lộn tranh cãi, sẽ dễ mang đến một số tác động tiêu cực cho trẻ, khiến trẻ tự ti và phóng túng bản thân.
Hiện nay, ngày càng có nhiều gia đình đơn thân, cha mẹ ly hôn… bởi vậy trẻ em bỏ học ngày càng nhiều. Đối mặt với những em muốn từ bỏ việc học quá sớm và đánh mất niềm tin vào tương lai, các thầy cô nên khuyên bảo các em như thế nào?
Học sinh Y trong lớp tôi có thành tích học tập trung bình, không thích trò chuyện, gần đây thường hay đi học muộn. Khi em ấy đến muộn ngày thứ ba liên tiếp, tôi gọi em vào văn phòng và hỏi nguyên nhân vì sao. Y ấp úng nói dạo này dậy muộn. Tôi thấy Y dường như chỉ muốn nói mấy câu cho qua chuyện, tôi cũng không tiện hỏi tại sao, thế nên tính sẽ gọi điện cho bố mẹ của em sau giờ học để hỏi han thêm.
Sau giờ tan học, tôi gọi điện cho bố mẹ của Y, gọi rất lâu nhưng không thấy ai bắt máy trả lời. Đang thắc mắc thì tôi trông thấy Y bước vào một quán ăn nhỏ. Tôi đi theo Y để muốn trò chuyện cùng em, kết quả là phát hiện em ấy ở trong bếp của nhà hàng, đã thay đồng phục làm việc và đang rửa bát. Tôi chào chủ nhà hàng và gọi Y ra, sau đó em mới kể với tôi những gì đã xảy ra gần đây. Thì ra bố mẹ Y thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, gần đây ngày nào cũng cãi lộn đòi ly hôn. Gia đình rối ren, không ai quan tâm đến em ấy, để em đến sống ở nhà bà nội. Bà nội đã quá tuổi, cũng không thể chăm sóc cho em, bà thường để em ra ngoài đi ăn. Em ấy cảm thấy mình bị bỏ rơi, cũng cho rằng việc học hành là vô ích, thà rằng bước vào xã hội đi làm kiếm tiền, tự lực cánh sinh.
Tôi hỏi Y: “Tại sao em nghĩ việc học là vô ích?”. Em ấy cúi đầu nói nhỏ: “Ba em nói học hành là để sau này có thể kiếm nhiều tiền hơn. Giờ em đã có thể kiếm tiền rồi, nên không cần tốn thời gian học nữa”.
Sau khi im lặng một lúc lâu, tôi nói: “Trong ‘Chu Tử Gia Huấn’ viết rằng ‘Độc thư chí tại Thánh hiền, phi đồ khoa đệ’. Có nghĩa là mục đích của việc học không phải chỉ vì công danh và tài lộc, mà điều quan trọng nhất là để em học cách làm người, rõ đạo lý, nâng cao tu dưỡng đạo đức của bản thân, trở thành người có ích đối với xã hội và mọi người. Nếu em hễ gặp phải ngăn trở hoặc khó khăn liền từ bỏ việc học, thì em thực sự là đang đánh bại chính mình. Để tôi kể cho em nghe một câu chuyện cổ.”
“Trong ‘Tam Tự Kinh’ có viết: ‘Như phụ tân, như quải giác. Thân tuy lao, du khổ trác’. Chính là kể về câu chuyện của Chu Mãi Thần và Lý Mật. ‘Phụ tân’ có nghĩa là vác củi trên lưng, tương truyền rằng Chu Mãi Thần thời Tây Hán đọc sách trong lúc vác củi trên lưng. Chu Mãi Thần khi còn trẻ thì rất nghèo, hai vợ chồng kiếm sống bằng nghề đốn củi và bán củi, nhưng ông lại rất thích đọc sách. Mỗi lần lên núi đốn củi, ông đều vừa đốn củi vừa lớn tiếng đọc sách, người khác thấy vậy thì chế giễu ông là con mọt sách. Vợ của Chu Mãi Thần ở bên cạnh cảm thấy xấu hổ nên đã ngăn cản ông, nhưng Chu Mãi Thần lại cười khì, ngược lại còn đọc to hơn. Vợ ông không thể chịu đựng được cuộc sống như vậy, bèn muốn ly hôn. Chu Mãi Thần nói, ‘tôi 50 tuổi sẽ trở nên giàu có, nàng và tôi đã chịu đựng gian khổ hơn 20 năm, bây giờ tôi đã 40 tuổi, đợi vài năm nữa tôi giàu có sẽ trả ơn nàng.’ Nhưng người vợ không tin, vẫn bỏ ông mà đi. Chu Mãi Thần tiếp tục ra sức học hành thi thư, về sau ông cũng đã đạt được thành tựu và được Hán Vũ Đế đánh giá cao, phong làm đại quan trong triều”.
“Quải giác là nói Lý Mật thời nhà Tùy treo sách mình chuẩn bị đọc lên sừng trâu, và đọc sách trên lưng trâu. Vào triều đại nhà Tùy, Lý Mật khi còn trẻ đã được cử làm Thị vệ trong cung Tùy Dương Đế. Có người khuyên ông cần nâng cao kiến thức của mình thì mới được làm quan, vì vậy Lý Mật rời khỏi cung đình, bắt đầu ẩn cư để chuyên tâm vào việc học. Có một lần khi đến thăm Bao Khải, một danh sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ, để có thể tiết kiệm thời gian đọc sách, Lý Mật đã treo bộ ‘Hán Thư’ lên sừng trâu. Lý Mật cưỡi trên lưng trâu, một tay cầm dây thừng, tay kia lật giở cuốn sách, trông rất chuyên chú. Tinh thần cần cù hiếu học của Lý Mật đã được người đời sau coi là tấm gương sáng và được lưu truyền như một giai thoại. Sau khi không ngừng nỗ lực học tập, Lý Mật sau đó đã thực hiện được hoài bão của mình và trở thành một trong những quần hùng vào cuối thời Tùy và đầu thời Đường.”
Tôi nói với Y: “Cả hai người này đều là trong hoàn cảnh gian khổ nhưng vẫn không từ bỏ việc, cuối cùng đã có thành tựu. Nho gia giảng ‘tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’, nghĩa là trước hết phải tu dưỡng phẩm cách đạo đức, có trách nhiệm với bản thân thì mới quản lý tốt gia đình, quản lý tốt đất nước… Vì vậy, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, trước hết đều cần làm cho tốt bổn phận của mình. Bây giờ em đang trong giai đoạn học hành, là một thời điểm quan trọng để bổ sung và hoàn thiện bản thân, không thể bỏ gốc lấy ngọn. Em không thể thay đổi hoàn cảnh gia đình của mình, vậy hãy coi nó như hoàn cảnh tôi luyện trong cuộc sống. Bây giờ em không thể dựa dẫm vào bất cứ ai, vì vậy em càng nên chăm chỉ hơn nữa trong học tập và tạo bước đột phá cho cuộc sống tương lai của mình, chẳng phải nên như vậy hay sao?”
Nghe đến đây, Y chợt bừng tỉnh, cười nói với tôi: “Thưa cô, cô nói đúng, con biết nên làm như thế nào rồi. Con không thể chán nản như vậy được nữa, con cần chăm chỉ học tập”.
Kể từ đó, Y thay đổi vẻ ngoài sa sút, học hành rất tích cực, tôi cũng thường xuyên hướng dẫn và kèm cặp cho em, thành tích của Y đã tiến bộ rất nhanh.
Có một số trẻ em phải sống trong một môi trường gia đình phức tạp và không tốt, nếu giáo viên kịp thời hướng dẫn các em bằng những tấm gương sáng, thì không chỉ có thể giúp các em có được sự an ủi về tinh thần, mà còn tiếp thêm cho các em sức mạnh để tiến bước theo con đường tích cực.
Vân Quyển thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ