Kinh nghiệm của giáo viên: Dạy học sinh biết khiêm tốn và chia sẻ
Một số người luôn sợ lợi ích của bản thân bị tổn thất, hoặc sợ rằng người khác sẽ học được những kỹ năng và kiến thức mà mình có. Kỳ thực, nếu biết buông tâm và chia sẻ, bạn sẽ phát hiện rằng khi trợ giúp người khác thì bạn cũng thu hoạch được điều gì đó, tấm lòng thản đãng vô tư của bạn cũng sẽ được người khác tôn trọng. Khổng Tử nói: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên” (Trong ba người cùng đi, chắc chắn có người là thầy của ta). Người khác cũng sẽ có những điều đáng để chúng ta học tập, nếu như chúng ta ôm giữ thái độ khiêm tốn học hỏi, mới có thể không ngừng đề cao.
Hằng năm, giữa các trường đều có cơ hội đi tham quan học hỏi lẫn nhau, trường chúng tôi là một trong những trường top đầu của thành phố nên luôn có rất nhiều học sinh các trường khác muốn đến tham quan và giao lưu. Một lần trong khi họp lớp, tôi chọn ra vài học sinh để tiếp đón học sinh trường khác, không ngờ các em đều không mấy hứng thú. Khi tôi đang thắc mắc, học sinh W đột nhiên đứng dậy và nói: “Thưa cô, không phải chúng em không tích cực, mà là lần này đến đây là học sinh của trường có thành tích rất kém. Cô nói xem, chúng em cùng họ giao lưu cái gì đây, cũng chẳng học được bao nhiêu kiến thức, thay vào đó lại bị họ học mất rất nhiều bí quyết hay. Điều này là không công bằng, vì vậy chúng không muốn đi giao lưu.”
Các học sinh khác nghe xong đều gật đầu đồng ý. Tôi cười và nói:
“Hóa ra các em không muốn đi là vì không nhận được nhiều như những gì đã bỏ ra. Nhưng làm như vậy có thật sự đúng không? Cần biết rằng thực lực thật sự của một người là tự học hỏi và không ngừng phát triển, chứ không phải đi ngăn chặn sự phát triển và cạnh tranh của người khác.
Các em đều biết rằng triều Đường là một trong những triều đại hùng mạnh nhất trong lịch sử Trung Quốc, đồng thời cũng là quốc gia cường thịnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Và điều khiến cho người ta kính nể ở triều Đường là họ có khí độ và phong thái rộng mở bao dung. Trong Bảo tàng Bi Lâm ở Tây An hiện vẫn còn lưu giữ một tấm bia đá gọi là “Đường Đại tần cảnh giáo lưu hành Trung Quốc bi”, ghi lại quá trình truyền giáo của Cảnh giáo phương Tây ở Trung Quốc. Cảnh giáo ban đầu là phái Nestorian của Cơ đốc giáo, giáo hội này đã bị Âu Châu ngăn cấm vào năm 431 sau Công nguyên, người đứng đầu của nó là Nestorius bị kết án lưu đày như một kẻ dị giáo. 200 năm sau, một giám mục tên là Alopen từ giáo hội này đã đến Trường An để truyền giáo và được phép gặp Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Hoàng đế phái Tể tướng Phòng Huyền Linh ra nghênh đón, Hoàng đế cũng đích thân nghe Alopen giảng đạo, đồng thời viết chiếu thư: “Đạo vô thường danh, Thánh vô thường thể, tùy phương thiết giáo, mật tế quần sinh”. Ý tứ chính là đại đạo không có danh xưng cụ thể, Thánh nhân không có hình thể nhất định, chỉ cần có thể giúp ích cho thường dân, cho tâm linh của người ta một chỗ nương tựa, thì được phép truyền bá. Hoàng đế Thái Tông cũng chấp thuận cho các giáo đồ xây dựng nhà thờ Đại Tần ở Trường An.
Việc triều Đường có thể chấp nhận giáo phái bị cấm ở nước ngoài là điều rất phi thường, Hoàng đế Thái Tông ủng hộ chính giáo, không phân biệt trường phái, điều này cũng khiến cho nhà Đường xuất hiện bách gia tranh minh – trăm nhà đua tiếng, nhân tài đua nhau xuất hiện. Thế nhân ca ngợi triều Đường là “Đại Đường thịnh thế, vạn quốc triều phục”, vậy nên lúc bấy giờ có hơn ba vạn du học sinh từ khắp nơi trên thế giới đến Trường An, sự tự tin và độ lượng này cũng khiến nhà Đường ngày càng cường đại. Vậy nên, khi các em rộng mở với người khác, các em cũng sẽ tiếp thu được những điểm sáng của họ, khiến bản thân trở thành một người ưu tú hơn với tấm lòng rộng mở hơn.”
Lúc này, có học sinh nói: “Chúng em có thể cởi mở cùng họ giao lưu, nhưng họ học tập không giỏi, cho nên về mặt học tập cũng đâu giao lưu nổi?”.
Tôi suy nghĩ một chút rồi nói: “Các em chẳng phải từng học bài thơ “Tiền Đường hồ xuân hành” của thi nhân thời Đường Bạch Cư Dị rồi sao? Các em có biết thói quen làm thơ của Bạch Cư Dị không?”.
Các học sinh đều lắc đầu, tôi tiếp tục nói: “Mỗi khi Bạch Cư Dị làm xong một bài thơ, ông ấy đều sẽ đọc cho một bà lão nghe. Nếu bà lão không hiểu ý nghĩa của bài thơ, Bạch Cư Dị sẽ sửa lại nó, cho đến khi bà lão có thể hiểu được mới thôi. Trong mắt người khác, thi nhân trứ danh Bạch Cư Dị và bà lão về mặt kiến thức khác nhau một trời một vực, nhưng Bạch Cư Dị lại có thể hạ thấp bản thân, cân nhắc đến người khác, đó là lý do tại sao ông có thể tạo ra những kiệt tác thông tục dễ hiểu và để lại cho hậu nhân truyền tụng.”
“Việc người khác học tốt hay dở trong một lĩnh vực nào đó không phải là toàn bộ tiêu chuẩn để đánh giá một cá nhân. Khổng Tử nói: ‘Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên’ (Trong ba người cùng đi, chắc chắn có người là thầy của ta). Trong lịch sử có rất nhiều người vốn tiếng tăm lừng lẫy nhưng vẫn khiêm tốn xin ý kiến từ thường dân có địa vị thấp, không ngại học hỏi kẻ dưới, họ không hề nghĩ rằng việc này sẽ tổn hại đến thanh danh, ngược lại cảm thấy rất vui vẻ. Bởi vì điều này không chỉ mở mang kiến thức và tầm nhìn của họ, mà còn khiến những người xung quanh kính nể họ vì phẩm đức khiêm tốn.”
“Vì vậy, cần nhìn ra chỗ thiếu sót của bản thân, đồng thời phát hiện ra điểm sáng của người khác mà học hỏi, mới có thể khiến bản thân ngày càng phát triển hơn. Cần ghi nhớ rằng ‘mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích’ (tự mãn chiêu mời tổn thất, khiêm tốn thu được lợi ích)”.
Sau khi nghe những lời này, trên khuôn mặt của các học sinh lộ vẻ xấu hổ, lũ lượt bày tỏ ý định tham gia lần giao lưu này. Trong buổi giao lưu sau đó, hcác em đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình và nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt từ các học sinh trường khác.