Một trái tim khiêm cung tạo nên những gợn sóng lan xa và rộng khắp
Dưới đây là vài cách đơn giản giúp chúng ta có thể nuôi dưỡng đức khiêm cung trong chính mình đồng thời bảo trì được tâm thái cởi mở để học hỏi, cho đi, và trưởng thành
Trang từ điển Merriam-Webster định nghĩa từ “khiêm cung” là “thoát khỏi sự kiêu căng hay tự phụ” — và [giờ đây] sự khiêm cung có vẻ đã lỗi thời. Xã hội hiện đại dường như đang cổ xúy cho những đặc điểm tính cách hoàn toàn trái ngược với đức tính khiêm nhường, chẳng hạn như ái kỷ, hưởng thụ đặc quyền, và tự xem mình là trung tâm.
Xung quanh chúng ta là các chuyên gia và những bậc thầy tuyên bố rằng họ biết mọi câu trả lời. Việc tranh luận dường như đã trở thành trò tiêu khiển quốc gia, góp phần tạo nên một môi trường bất hòa và thích gây hấn. Tính kiêu ngạo thường bị hiểu sai thành sự tự tin. Kết quả là, các mối quan hệ đã và đang bị tước đi sự ấm áp và kết nối sâu sắc.
Tổ tiên chúng ta tin rằng sự khiêm cung là nền tảng căn bản. Ở phương Đông, Khổng Tử gọi đức khiêm cung là “nền tảng bền vững của mọi đức hạnh.” Ở phương Tây, Kinh Thánh cũng nói nhiều về tính khiêm nhường: ví dụ như, “Chớ làm điều gì vì tham vọng ích kỷ hoặc sự kiêu ngạo hão huyền, nhưng hãy lấy đức khiêm cung mà xem người khác cao trọng hơn mình.” (Phi-líp 2:3)
Những biểu hiện rõ ràng của thói tự cao tự đại hoặc tính tự phụ khó ưa thì rất dễ nhận thấy, tuy nhiên, sự thiếu khiêm nhường không phải lúc nào cũng lộ rõ. Đôi khi, tất cả chúng ta đều có thể phải vật lộn với sự thiếu khiêm nhường. Đây là điều đáng để kiểm soát — xem liệu chúng ta đã tự cao đến mức nào rồi — và thật tốt khi nhớ ra rằng, tất cả chúng ta đều không hoàn hảo.
Khi chúng ta đánh mất sự khiêm nhường, chúng ta đã tự mình cắt đứt kết nối với người khác, với những ý tưởng mới, với con người thật của mình, và với tiềm năng to lớn nhất của chúng ta. Khi chúng ta không nuôi dưỡng được sự khiêm nhường trong tính cách của mình, chúng ta sẽ trở nên thiếu trung thực, cố gắng khắc họa một phiên bản giả tạo nào đó của bản thân mà chúng ta muốn phô trương cho thế giới thấy. Chúng ta trở thành người biết tất cả mọi thứ, ban phát lời khuyên mà không được yêu cầu, khoe khoang sự giỏi giang của mình, và bác bỏ mọi quan điểm đối lập.
Khi chúng ta bảo trì được đức khiêm cung, chúng ta có thể giữ được sự trung thực và tự nhận thức bản thân, đồng thời cởi mở để học hỏi, giao lưu, cho đi, và trưởng thành. Dưới đây là một vài cách đơn giản giúp chúng ta có thể vun bồi đức tính khiêm nhường.
Giữ gìn đức khiêm cung
Triết gia Socrates có một câu nói nổi tiếng rằng, “Trí tuệ chân chính duy nhất là biết mình chẳng biết gì cả.” Nếu đúng như vậy, thì có gì đáng để kiêu ngạo đây? Chúng ta có thể nhắc nhở bản thân rằng những điều mình biết thực sự rất ít và những điều mình có thể kiểm soát được thực sự cũng rất ít. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra cuộc sống phần lớn là điều bí ẩn, và tất cả chúng ta chỉ đang cố gắng làm hết sức với những gì mình có.
Thay vì cảm thấy ăn năn vì sự thiếu hiểu biết và bất lực của bản thân, hoặc quá tự phụ về những thành tựu hay phước lành của mình, thì chúng ta chỉ cần ngồi xuống tán thưởng tất cả những điều kỳ diệu đó là được rồi.
Xem nhẹ danh tiếng
Chúng ta có thường điều chỉnh hành vi và quyết định của mình dựa trên những gì chúng ta hình dung về việc người khác sẽ nghĩ hoặc nói không? Nếu chúng ta sống chỉ để bảo vệ hình tượng [bản thân], hành động với mong muốn nhận được lời khen và sự công nhận, tránh né sự phê bình bằng mọi giá, thì chúng ta không phải là người chân thật.
Chúng ta nên đặt mục tiêu là làm tốt nhất có thể những gì chúng ta biết mình cần làm, và hãy để người khác bày tỏ ý kiến của họ.
Giữ gìn tính chân thật
Việc thiếu đức khiêm nhường có thể dẫn đến rất nhiều hành vi giả vờ. Nếu chúng ta thường xuyên khoa trương, và tin rằng mình cao hơn người khác hoặc mình là người giỏi nhất, thì chúng ta đang đánh mất sự thật (hoặc cố tình trốn tránh sự thật.)
Không ai có thể sống mà luôn thuận buồm xuôi gió. Không ai có thể hiểu biết tất cả mọi thứ. Không ai có một cuộc sống hoàn hảo cả. Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm. Tất cả chúng ta đều có những thiếu sót và khuyết điểm. Tất cả chúng ta đều gặp rủi ro và đau khổ. Nhưng nếu chúng ta có thể thừa nhận lỗi lầm và ngừng khoa trương về những ưu điểm của bản thân, thì chúng ta sẽ cho phép mình tạo dựng mối quan hệ và kết nối với người khác. Nếu chúng ta có thể bảo trì tâm thái khiêm nhường, thì chúng ta sẽ được tự do sống và hành xử một cách chân thành.
Lựa chọn đồng cảm
Tính khiêm nhường có thể bị hiểu lầm là sự thiếu tự tin. Ngược lại, như ông Rick Warren từng đề cập, “Khiêm nhường không phải là tự hạ thấp bản thân, mà là bớt nghĩ về bản thân.”
Có một cách đơn giản để rèn luyện tính khiêm nhường là hướng tới việc thấu hiểu và tạo nên mối quan hệ chân thành với người khác. Khi trò chuyện với gia đình, bạn hữu, và các cộng sự, chúng ta có thể thử chăm chú lắng nghe họ, đặt mình vào vị trí của họ, và hiểu được góc nhìn của họ. Không phải lúc nào chúng ta cũng cần khăng khăng yêu cầu người khác chấp nhận ý kiến của mình hoặc cách làm của mình mới là đúng đắn. Chúng ta có thể đặt những nhu cầu và mong muốn của người khác lên trên hết.
Thực hành lòng biết ơn
Ông James E. Faust từng nói: “Một tấm lòng biết ơn là khởi đầu của sự vĩ đại. Đó là biểu hiện của đức khiêm nhường. Đó là nền tảng để phát triển các đức hạnh như cầu nguyện, đức tin, dũng khí, sự mãn nguyện, hạnh phúc, tình yêu thương, và sự an lạc.”
Rất dễ để kết hợp việc thực hành lòng biết ơn trong cuộc sống thường nhật. Trước khi ngủ, chúng ta có thể suy nghĩ trong tâm về những việc mà mình cảm thấy biết ơn. Chúng ta ghi lại trong nhật ký về những điều chúng ta thấy biết ơn mỗi ngày. Chúng ta có thể thảo luận cùng gia đình mình trên bàn ăn vào bữa tối về những điều chúng ta thấy biết ơn. Chúng ta có thể tận dụng thời gian tản bộ hoặc tập thể dục hàng ngày để hồi tưởng về những điều đáng được biết ơn. Chúng ta chú tâm quan sát vô số phước lành trong cuộc sống và lấp đầy trái tim mình bằng lòng biết ơn.
Quan sát thiên nhiên
Tác giả Richard Louv từng nói, “Bằng cách đưa thiên nhiên vào cuộc sống của mình, chúng ta có thể mời gọi đức khiêm cung.”
Thiên nhiên biết cách nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta nhỏ bé đến nhường nào. Khi chúng ta đứng trước những dãy núi hùng vĩ, phóng tầm mắt ra đại dương mênh mông, hay chiêm ngưỡng bầu trời bao la đầy sao, chúng ta không thể không khiêm cung trước tất cả điều đó.
Chúng ta càng quan sát và suy ngẫm về thiên nhiên cũng như thiết kế hoàn hảo của nó, thì cảm giác kính úy đó chính xác là điều mà một trái tim khiêm cung cảm nhận được.
Hãy biết hiếu kỳ
Khi chúng ta thiếu đi sự khiêm cung, chúng ta thường quá chú tâm vào chính mình. Nếu chúng ta có thể đặt sự quan tâm và hiếu kỳ vào những quan điểm khác biệt, những câu chuyện, và những phẩm chất của người khác, thì chúng ta có thể trải nghiệm được đức tính khiêm nhường. Việc cho phép người khác gây ấn tượng với chúng ta, khiến chúng ta ngạc nhiên, và truyền cảm hứng cho chúng ta là một món quà dành cho chính chúng ta và cho họ, đồng thời giúp tạo nên các mối quan hệ bền chặt hơn.
Hãy lắng nghe
Người ta thường nói, Chúa ban cho chúng ta hai cái tai và một cái miệng là có lý do. Nếu chúng ta nghe nhiều hơn nói, nhận ra rằng chúng ta vẫn phải học hỏi nhiều điều, và người khác có thể có những điều quý giá để chia sẻ với mình, thì chúng ta đang rèn luyện tính khiêm nhường rồi.
Hãy bớt phán xét
Khi chúng ta phát hiện mình đang phán xét người khác, thì điều đó hẳn là một dấu hiệu cho thấy chúng ta nên dành chút thời gian thực hành đức tính khiêm nhường. Chúng ta hiếm khi có đủ thông tin để đưa ra đánh giá sáng suốt về tính cách hoặc tình huống của người khác. Chỉ cần chúng ta nhận thức được sự bất lực của chính mình trong việc đánh giá đúng [giá trị] cũng như những thiếu sót của bản thân, [thì điều đó] có thể giúp chúng ta có được lập trường rộng mở và trái tim nhân hậu hơn.
Hãy làm tròn bổn phận
Chúng ta có thể bị cuốn vào những quan điểm thiếu căn cứ như làm thế nào để cứu rỗi thế giới, sửa trị quốc gia, hoặc cải thiện xã hội, nhưng có lẽ chúng ta không dễ thấy được tầm quan trọng của việc dọn dẹp giường mỗi ngày hoặc làm tròn bổn phận của mình trong cuộc sống.
Thay vì bắt đầu cứu rỗi thế giới và ngạo mạn xem thường bất cứ ai không có cùng mục tiêu cao cả như vậy, thì chúng ta có thể nhìn lại cuộc sống trước mắt của mình. Cuộc sống thế nào rồi? Chúng ta có chú tâm đến những việc chúng ta nên làm không? Chúng ta có đang tránh né điều gì không? Có việc gì mà chúng ta có thể làm tốt hơn không? Lẽ nào chúng ta thực sự có đáp án cho các vấn đề phức tạp mang tính toàn cầu, nhưng lại không có khả năng đối đãi với những trách nhiệm trong phận sự của mình?
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times