Sức mạnh của đức tính khiêm tốn
“Khiêm tốn không phải là biểu hiện của sự yếu nhược. Khiêm tốn là biểu tượng của sức mạnh chỉ dành riêng cho những ai đủ dũng khí buông bỏ giả ngã của mình để Tinh thần làm chủ bản thân và cái tôi cá nhân sẽ trở lại phục tùng Đấng Thiêng Liêng.” – Luminita D. Saviuc.
Tai sao khi chúng ta càng đạt được nhiều thành công, chúng ta càng trở nên ít khiêm tốn hơn, và chúng ta càng để cho lòng kiêu hãnh kiểm soát bản thân?
Có phải bởi vì chúng ta hay nghĩ rằng khiêm tốn đi cùng với nghèo khó và niềm kiêu hãnh gắn liền với giàu có?
Nếu thật sự đúng như vậy, tôi mong bạn hiểu rằng đức tính khiêm tốn không liên quan gì đến của cải vật chất mà bạn có được, bất kể bạn giàu có hay nghèo khổ. Tuy nhiên, khiêm tốn lại liên quan đến sự kết nối của bạn với Chân lý và ký ức về Bản chất cũng như Nguồn gốc của bạn.
Buông bỏ niềm kiêu hãnh và trở nên khiêm tốn
Bạn thấy đấy, tôi chưa bao giờ nhận thức được rằng bản thân mình là một người kiêu hãnh và khoe khoang. Thật sự, tôi luôn nghĩ mình là người khá khiêm tốn. Tuy nhiên, sau khi có nhiều trải nghiệm tổn thương và căng thẳng qua nhiều năm, tôi nhận ra bên trong con người mình ẩn chứa nhiều điều đen tối, kiêu hãnh và tự phụ. Sự kiêu hãnh đó đã ngăn cách tôi với bản tính tiên thiên của mình và với cả thế giới xung quanh.
Tôi đã trải qua đêm dài đen tối trong tâm hồn mình. Tôi đã nhìn thấy và cảm nhận được chúng ta chịu tổn thương như thế nào khi cố bám giữ niềm kiêu hãnh, bỏ qua sự khiêm tốn và nghĩ rằng bản thân mình đặc biệt hơn, có giá trị hơn những người khác… Nhà văn Ernest Hemingway có một câu nói rất sâu sắc về sự kiêu hãnh:
“Không có gì cao quý khi vượt trội hơn những người khác; sự cao quý chân chính là vượt qua được bản thân mình.”
Kiêu hãnh khiến ta sợ hãi và xa cách. Khiêm tốn giúp ta yêu thương và gắn kết
Thế giới của chúng ta đã và đang tẩy não con người tin rằng thay vì yêu thương và giúp đỡ người khác, chúng ta cần phải cạnh tranh và đánh bại tất cả những ai cản trở sự tồn tại, công việc hoặc những điều mà chúng ta mong muốn đạt được. Tuy nhiên, tôi tự hỏi rằng liệu có khi nào bạn suy ngẫm xem đó có phải là một lối sống lành mạnh hay không?
Liệu có thật sự xứng đáng khi dành nhiều thời gian và công sức để cố gắng chứng minh cho thế giới thấy mình “đặc biệt” như thế nào và bạn thực sự đáng để được người khác công nhận và chấp thuận.
Lão Tử đã nói, “Người nào đứng trên đầu ngón chân thì không vững vàng. Người nào vội vã lao về phía trước thì không đi được xa. Người nào cố gắng tỏa sáng thì sẽ tự làm lu mờ ánh quang huy của mình. Người nào hiển thị bản thân thì không biết được mình thật sự là ai.”
Chúng ta dường như không hiểu rằng mình đang làm tổn thương bản thân và những người xung quanh nhiều đến thế nào nếu vẫn không buông bỏ sự kiêu hãnh. Chúng ta đang xa rời bản chất chân chính và thiêng liêng của mình bằng cách cố gắng chứng minh “sự đặc biệt” và khả năng vượt trội của mình so với những người khác. Ngài C.S. Lewis, tác giả của loạt truyện Biên Niên Sử Narnia, đã đúng khi nói rằng:
“Sự kiêu hãnh là căn bệnh ung thư tâm hồn: nó ăn mòn tình yêu, sự hài lòng hoặc thậm chí là những lý lẽ thông thường.”
Lòng kiêu hãnh khiến chúng ta xa cách với những người khác và khiến chúng ta nghĩ rằng bản thân tốt đẹp hơn những người anh chị em của mình. Khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ coi thường người khác và không thể nhận ra rằng cách chúng ta đối xử với một người cũng là cách chúng ta đối xử với tất cả mọi người. Khi chúng ta coi thường người khác, họ rồi cũng sẽ coi thường chúng ta. Đó là lý do tại sao đến cuối cùng chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn và xa cách, không chỉ với thế giới xung quanh mà còn với bản tính tiên thiên của mình.
Chừng nào bạn còn giữ sự kiêu hãnh thì bạn không thể biết đến Đấng Tối Cao. Một người đầy kiêu hãnh luôn coi thường tất cả mọi thứ và mọi người. Đương nhiên, khi nào còn xem thường người khác thì bạn không thể nhìn thấy những điều cao quý ở bên trên mình – C.S. Lewis.
Sức mạnh của đức tính khiêm tốn
Trong Đạo Đức Kinh, một quyển sách thông thái được viết cách đây hơn 2500 năm, Lão Tử đã bàn về sức mạnh của đức tính khiêm tốn theo cách mà chỉ một số rất ít người có thể thực hiện được.
“Mọi dòng sông đều chảy về biển cả bởi vì biển ở vị trí thấp hơn. Sự khiêm tốn mang trong mình sức mạnh. Nếu bạn muốn quản lý người khác, bạn nhất định phải đặt mình thấp hơn họ. Nếu bạn muốn dẫn dắt mọi người, bạn cần phải học cách đi theo họ.” – Lão Tử.
Sự khiêm tốn mang đến sức mạnh cho chúng ta. Khiêm tốn, chứ không phải kiêu hãnh! Đối với những ai sống với Chân lý – giữ vững Bản chất và kết nối với bản tính tiên thiên của mình, họ sẽ biết đây là điều chân thực. Những người khác sẽ cho rằng sự khiêm tốn là biểu hiện của yếu đuối và nghèo khó.
Khiêm tốn là một phần trong Bản chất tự nhiên của chúng ta và nó có thể giúp chúng ta quay trở về với Cội nguồn của vạn sự vạn vật bằng cách nhắc nhở chúng ta về Vẻ đẹp, Sự Thuần khiết và Sự Hoàn mỹ của mình. Giúp đỡ chúng ta kết nối trở lại với Bản ngã chân chính, Thiên tính và Cội nguồn Thần thánh của mình, cũng như nhìn thấy được bản chất chân thật của những người khác.
Khiêm tốn, cũng giống như nước, là cuộc sống và là sức mạnh. Những ai có đức tính khiêm tốn, sẽ hòa hợp được với Cuộc sống và có được Sức mạnh Thiêng liêng.
Bài viết này được đăng lần đầu trên trang purposefairy.com.
Hãy theo dõi purposefairy trên trang Instagram.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times.