Tổng thu nhập quốc nội cho thấy kinh tế Hoa Kỳ đã rơi vào trạng thái đình trệ
Trong một cuộc thăm dò gần đây của CNN, 48% số người được hỏi nói rằng họ tin là nền kinh tế vẫn đang trong thời kỳ suy thoái, và chỉ 35% nói rằng mọi việc ở Hoa Kỳ ngày nay vẫn đang diễn ra tốt đẹp. Sự khác biệt giữa tâm lý kinh tế ảm đạm này với một tỷ lệ thất nghiệp và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao đáng kinh ngạc là có thể được giải thích một cách dễ dàng.
Sự khác biệt giữa số liệu GDP và tổng thu nhập quốc nội (GDI) là đáng kinh ngạc. Trong khi GDP cho thấy một nền kinh tế mạnh mẽ, thì GDI cho thấy một nền kinh tế đình trệ. Cả hai thước đo này từng tuân theo một mẫu hình giống nhau, nhưng điều này đã thay đổi mạnh mẽ vào năm 2023. Trong khi GDP tăng 2.5% vào năm 2023 thì GDI chỉ tăng 0.5%, báo hiệu kinh tế đình trệ.
Theo Cục Phân tích Kinh tế (BEA), GDI thực chỉ tăng 0.5% trong năm 2023, so với mức tăng 2.1% trong năm 2022. Nếu chúng ta sử dụng con số trung bình cộng giữa GDP thực và GDI thực, thì nền kinh tế đã chỉ tăng trưởng 1.5% vào năm 2023, so với mức tăng 2.0% vào năm 2022. Sự sụt giảm này không phải là một cuộc suy thoái, nhưng chắc chắn cho thấy một nền kinh tế yếu kém.
Các số liệu thất nghiệp cũng cho thấy sự yếu kém. Tăng trưởng tiền lương thực tế trong bốn năm qua là không đáng kể, ở mức 0.7% mỗi năm, yếu hơn bốn lần so với bốn năm trước. Hơn nữa, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 62.5%, vẫn là một con số dưới mức trước đại dịch và tương đương với tỷ lệ việc làm trên dân số 60.1%. Thu nhập trung bình theo giờ thực tế kém kết hợp với mức giảm 0.6% của tuần làm việc trung bình đã dẫn đến mức tăng không đáng kể 0.5% trong thu nhập trung bình thực tế hàng tuần trong năm tính đến tháng 02/2024.
Ngoài ra còn có một xu hướng yếu trong lợi nhuận. Theo BEA, vào năm 2023, lợi nhuận từ hoạt động sản xuất hiện tại (lợi nhuận doanh nghiệp có tính đến định giá hàng tồn kho và những điều chỉnh trong mức sử dụng vốn) đã tăng 49.3 tỷ USD so với mức tăng 285.9 tỷ USD vào năm 2022. Lợi nhuận của các doanh nghiệp phi tài chính trong nước tăng 66.6 tỷ USD, so với mức tăng 247.6 tỷ USD trong năm 2022. Đây là một xu hướng rất yếu.
Tất cả những số liệu này cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang hoạt động tốt hơn đáng kể so với khu vực đồng euro, nhưng vẫn kém hơn nhiều so với kỳ vọng.
Học thuyết Keynes đang khởi tác dụng chống lại tiềm năng kinh tế của Hoa Kỳ. Khoản thâm hụt 6.3 ngàn tỷ USD tích lũy trong bốn năm qua đã có tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Thuế tăng và lạm phát dai dẳng đang làm xói mòn chất lượng cuộc sống trung bình của người Mỹ. Nhiều công dân đã phải đảm nhiệm nhiều hơn một công việc để trang trải cho cuộc sống, và số lượng người có nhiều công việc đã đạt đến một mức kỷ lục trong nhiều thập niên.
Tổng thu nhập quốc nội chứng tỏ nền kinh tế đang đình trệ, và nếu chúng ta nhìn vào GDP và GDI không bao gồm tích lũy nợ, thì các số liệu này cho thấy năm tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
Làm thế nào một nền kinh tế có thể đang trong trạng thái đình trệ với mức tăng trưởng GDP 2.5%? Đây là sự thất bại của học thuyết Keynes trong trạng thái hé lộ toàn bộ mức độ tàn phá của nó. Các số liệu tổng hợp chung trông rất ấn tượng do nợ tích lũy, và số liệu việc làm bị thổi phồng thông qua việc làm khu vực chính phủ, che khuất một khu vực tư nhân đang gặp khó khăn và sức mua của đồng tiền đang suy yếu.
Tiền rẻ về lâu dài sẽ rất đắt, và sự bất mãn sẽ tăng lên do học thuyết Keynes tập trung vào việc phát triển khu vực công trong khi để nền kinh tế sản xuất chịu thuế cao hơn và việc thanh toán các hóa đơn trở nên ngày càng khó khăn hơn.
Lạm phát là hậu quả của việc tăng chi tiêu chính phủ và tiền tệ hóa nợ một cách sai lầm trong quá trình phục hồi sau đại dịch, dẫn đến tổng sức mua của đồng tiền bị mất gần 24% trong bốn năm qua. Chính phủ đang tạo lạm phát với những hứa hẹn về chi tiêu phúc lợi của họ. Kết quả của việc làm như vậy là gì? Quý vị trở nên nghèo đi.
Thật nguy hiểm khi đổ lỗi sự bất mãn của người Mỹ cho tình trạng thiếu thông tin. Người Mỹ đang phải gánh chịu một khoản thuế cao quá mức cũng như thuế lạm phát ẩn chỉ vì chính phủ đã quyết định giở chiêu thức xưa cũ nhất trong sách lược: hứa hẹn “hàng miễn phí” và in tiền mới thông qua thâm hụt chi tiêu, khiến các chương trình được cho là miễn phí trở nên đắt đỏ hơn hơn bao giờ hết.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times