Tổng thư ký LHQ cảnh báo thế giới chỉ cần ‘một sự hiểu lầm, tính toán sai lầm’ là dẫn đến sự hủy diệt vì hạt nhân
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, thế giới đang đối mặt với một “mối nguy hạt nhân chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh” và nhân loại chỉ cần “một tính toán sai lầm là có thể đi đến hủy diệt vì hạt nhân.”
Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc trên tại New York vào thứ Hai (01/08) khi khai mạc Hội nghị Rà soát lần thứ 10 đối với các nước đã ký kết Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Trong hội nghị, ông Guterres đã chỉ ra một số thách thức hiện nay đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, lưu ý rằng thế giới đang chịu căng thẳng lớn hơn từ các vấn đề biến đổi khí hậu, xung đột trên thế giới, vi phạm nhân quyền, và tác động đang diễn ra của đại dịch COVID-19.
Ông Guterres nói, “Căng thẳng địa chính trị đang đạt mức cao mới. Cạnh tranh lấn át sự hợp tác và cộng tác. Sự ngờ vực đã thay thế đối thoại và sự mất đoàn kết đã thay thế việc giải trừ quân bị. Các quốc gia đang tìm kiếm sự an toàn giả dối trong việc tích trữ và chi hàng trăm tỷ USD cho những vũ khí hủy diệt vốn không có chỗ đứng trên hành tinh của chúng ta.”
Ông nói tiếp: “Chúng ta đã rất may mắn cho đến nay. Nhưng may mắn không phải là một chiến lược. Đó cũng không phải là lá chắn khỏi những căng thẳng địa chính trị đang sôi sục trở thành xung đột hạt nhân.”
Người đứng đầu UN lưu ý rằng hiện có gần 13,000 vũ khí hạt nhân đang được cất giữ trong các kho vũ khí trên khắp thế giới.
“Ngày nay, nhân loại chỉ cần một sự hiểu lầm, một tính toán sai lầm là có thể dẫn đến sự hủy diệt vì hạt nhân,” ông Guterres nói trước khi thúc giục các quốc gia “đưa nhân loại vào một con đường mới hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.”
NPT là một hiệp ước quốc tế có hiệu lực vào năm 1968, một vài năm sau cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba, và nhằm mục đích giảm vũ khí hạt nhân và công nghệ vũ khí trên toàn cầu.
‘Hiệp ước cần thiết hơn bao giờ hết’
Tổng cộng 191 quốc gia đã tham gia hiệp ước, bao gồm năm cường quốc hạt nhân lớn nhất.
Tuy nhiên, Ấn Độ, Israel, Bắc Hàn, và Pakistan đã không ký hiệp ước và một số trường hợp bị nghi ngờ có chứa một số lượng lớn vũ khí hạt nhân.
Việc rà soát [thực hiện] hiệp ước diễn ra 5 năm một lần nhưng đã bị trì hoãn vào năm 2020 vì dịch COVID-19. Việc này sẽ kéo dài cho đến hết ngày 26/08 năm nay.
Ông Guterres hôm thứ Hai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của NPT, nói rằng hiệp ước này là cần thiết “hơn bao giờ hết,” và việc rà soát mang lại cơ hội “đưa nhân loại vào một con đường mới hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.”
Ông cũng nhắc tới cuộc chiến của Nga ở Ukraine và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và ở Trung Đông.
Người đứng đầu UN cho biết, các quốc gia cũng phải “nỗ lực không ngừng” để hướng tới mục tiêu loại bỏ vũ khí hạt nhân, đồng thời lưu ý rằng điều này bắt đầu bằng việc cam kết giảm số lượng vũ khí hạt nhân.
Việc rà soát thực hiện hiệp ước hôm thứ Hai diễn ra sau khi thành phố New York hồi tháng trước đưa ra một thông báo dịch vụ công cộng khuyên người dân về những việc nên làm nếu xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân.
Mặc dù các quan chức nói rằng khả năng xảy ra sự cố vũ khí hạt nhân trong hoặc gần thành phố New York là rất thấp, nhưng họ cho rằng điều quan trọng là người dân phải biết cách giữ an toàn.
Trong một diễn biến khác hôm thứ Hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viết một bức thư gửi đến hội nghị NPT, nói rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ được phép xảy ra.
Ông viết: “Không thể có người chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và nó không bao giờ được phép khơi mào, và chúng tôi ủng hộ an ninh bình đẳng và không thể chia cắt cho tất cả các thành viên của cộng đồng thế giới.”
Khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai, ông Putin đã đề cập đến kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của Moscow và cảnh báo NATO và Hoa Kỳ không nên can thiệp.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.