Các chuyên gia: Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đứng sau ‘cuộc chiến với nông dân’ trên toàn cầu
Các chuyên gia cho rằng các mục tiêu phát triển của ‘Nghị trình 2030’ là gốc rễ của các chính sách bền vững có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực
Nhiều chuyên gia nói với The Epoch Times rằng cuộc tấn công pháp lý leo thang nhắm vào các nhà sản xuất nông nghiệp từ Hà Lan, Hoa Kỳ đến Sri Lanka và hơn thế nữa gắn liền với các Mục tiêu Phát triển Bền vững thuộc “Nghị trình 2030” của Liên Hiệp Quốc và các đối tác của Liên Hiệp Quốc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Thật vậy, một vài trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) có liên quan trực tiếp đến các chính sách đang siết chặt nông dân, chủ trang trại, và nguồn cung cấp lương thực trên toàn thế giới.
Các thành viên cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong hệ thống LHQ đã giúp tạo ra những SDG nói trên và hiện đang giúp lãnh đạo tổ chức này khai triển kế hoạch toàn cầu đó, như The Epoch Times đã đưa tin trước đây.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không được kiểm soát, những chính sách bền vững về nông nghiệp và sản xuất lương thực do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn này sẽ dẫn đến sự tàn phá về kinh tế, thiếu hụt hàng hóa trọng yếu, nạn đói lan rộng, và mất tự do cá nhân một cách nghiêm trọng.
Hàng triệu người trên toàn thế giới đã và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nguy hiểm, và các quan chức trên khắp thế giới nói rằng những điều đó sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới.
Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng có một nghị trình đằng sau tất cả những điều này.
Các tài liệu của Liên Hiệp Quốc được The Epoch Times xem xét cho thấy, ngay cả quyền sở hữu đất đai tư nhân cũng đang trong tình trạng khó khăn vì hoạt động sản xuất lương thực toàn cầu và nền kinh tế thế giới đang chuyển đổi để đáp ứng những mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đó.
Như được LHQ giải thích trên trang web SDG của họ (mời quý vị xem tại đây), những mục tiêu nói trên được thông qua vào năm 2015 và “xây dựng dựa trên nhiều thập niên làm việc của các quốc gia và LHQ.”
Một trong những cuộc họp sớm nhất định nghĩa nghị trình “bền vững” là Hội Nghị của LHQ về Các Khu Định Cư cho Con Người (Conference on Human Settlements) còn được gọi là Môi Trường Sống I (Habitat I), vốn đã thông qua Tuyên bố Vancouver.
Tuyên bố này nêu rõ “đất đai không thể được coi là một tài sản thông thường do các cá nhân kiểm soát” và quyền sở hữu tư nhân về đất đai là “một công cụ chủ yếu để tích tụ và tập trung của cải, do đó góp phần gây ra bất công xã hội.”
“Do đó, kiểm soát công cộng đối với việc sử dụng đất là không thể thiếu,” tuyên bố của Liên Hiệp Quốc cho biết, mở màn cho “dự đoán” nổi cộm hiện nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới rằng vào năm 2030, “quý vị sẽ không sở hữu thứ gì cả.”
Kể từ đó, nhiều cơ quan và quan chức của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra tầm nhìn của họ về “tính bền vững”, kể cả việc kêu gọi hạn chế nghiêm ngặt đối với năng lượng, tiêu thụ thịt, đi lại, không gian sống, và sự thịnh vượng về vật chất.
Các chuyên gia được The Epoch Times phỏng vấn nói rằng một số lãnh đạo của các tập đoàn giàu có và quyền lực nhất thế giới đang làm việc với những người cộng sản ở Trung Quốc và những nơi khác trong một nỗ lực nhằm tập trung quyền kiểm soát sản xuất lương thực và loại bỏ những người nông dân và chủ trang trại độc lập.
WEF, một mạng lưới các doanh nghiệp đa quốc gia lớn hợp tác chặt chẽ với ĐCSTQ, là một “đối tác chiến lược” của LHQ trong Nghị trình 2030.
Việc gia tăng các quy định về sản xuất lương thực và thậm chí nỗ lực đóng cửa nhiều trang trại và trại chăn nuôi diễn ra khi các quan chức trên khắp thế giới, chẳng hạn như Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ David Beasley, cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực sắp xảy ra trên toàn thế giới.
Nhưng thay vì nới lỏng các hạn chế và khuyến khích sản xuất nhiều hơn, thì các chính phủ phương Tây và nhiều chính phủ phụ thuộc vào viện trợ đang kìm hãm mạnh mẽ hơn những hoạt động này.
Khi tới ngưỡng cực hạn, nông dân Hà Lan đã phản ứng vào mùa hè này bằng các cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc. Diễn biến này xảy ra sau tình trạng bất ổn bạo lực ở Sri Lanka liên quan đến sự thiếu hụt lương thực do chính sách của chính phủ gây ra.
Các chính phủ và các tổ chức quốc tế đã viện dẫn nhiều cớ khác nhau cho các chính sách, từ việc tăng cường “tính bền vững” và bảo vệ các loài động thực vật khác nhau, cho đến việc thúc đẩy “công bằng kinh tế” và thậm chí là trả lại đất đai cho những người dân bản địa.
Tuy nhiên, theo những người chỉ trích các chính sách này, thì mục tiêu hoàn toàn không phải là bảo vệ môi trường hay chống biến đổi khí hậu. Thay vào đó, các chuyên gia cảnh báo rằng luận điệu về “tính bền vững” và những lời lẽ biện minh khác là một công cụ để giành quyền kiểm soát đối với lương thực, nông nghiệp, và con người.
Ông Craig Rucker, chủ tịch Ủy ban Vì Một Mai Kiến Thiết (CFACT), một tổ chức chính sách công chuyên về các vấn đề về môi trường và phát triển, cho biết: “Mục tiêu cuối cùng của những nỗ lực này là để giảm thiểu chủ quyền đối với cả từng quốc gia lẫn người dân.”
“Mục đích của những người thúc đẩy nghị trình này không phải là để cứu hành tinh như họ tuyên bố, mà là để tăng cường kiểm soát đối với người dân,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng mục tiêu là tập trung quyền lực ở cấp quốc gia và thậm chí là quốc tế.
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của LHQ — Nghị trình 2030
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, thường được gọi là Nghị trình 2030, đã được tổ chức này và các quốc gia thành viên của họ thông qua vào năm 2015 như một hướng dẫn để “chuyển đổi thế giới của chúng ta.” Được các quan chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc ca ngợi là “kế hoạch tổng thể cho nhân loại” và là một “tuyên bố về sự phụ thuộc lẫn nhau” trên toàn thế giới, 17 mục tiêu trong nghị trình này bao gồm 169 chỉ tiêu liên quan đến mọi khía cạnh của kinh tế và đời sống.
“Tất cả các quốc gia và tất cả các bên liên quan, hoạt động trong liên kết đối tác hợp tác, sẽ thực hiện kế hoạch này,” phần mở đầu của tài liệu kể trên tuyên bố, liên tục nhấn mạnh rằng “sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau.”
Trong số các yếu tố khác, Mục tiêu 10 trong bản kế hoạch của Liên Hiệp Quốc kêu gọi tái phân phối của cải trong phạm vi quốc gia và quốc tế, cũng như thực hiện “những thay đổi căn bản trong cách xã hội của chúng ta sản xuất và tiêu dùng hàng hóa-dịch vụ.”
Việc sử dụng chính phủ để chuyển đổi tất cả các hoạt động kinh tế là một phần quan trọng trong Các Mục tiêu Phát triển Bền vững, trong đó Mục tiêu 12 yêu cầu “các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.”
Trong số các chỉ tiêu cụ thể được nêu trong Mục tiêu 12, có một số chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến các chính sách nông nghiệp làm suy yếu sản xuất lương thực, trong đó có “quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên.”
Có lẽ quan trọng hơn, tài liệu này yêu cầu “quản lý hợp lý về môi trường đối với các hóa chất và tất cả các loại chất thải trong suốt vòng đời của chúng, theo các khuôn khổ quốc tế đã được đồng thuận.”
Do đó, người dân và đặc biệt là nông dân phải “giảm đáng kể lượng chất thải ra không khí, nước, và đất để giảm thiểu tác động xấu đến sức khỏe con người và môi trường.”
Các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác có liên quan trực tiếp đến cái mà các nhà phê bình gọi là “cuộc chiến với nông dân” trong Mục tiêu 14, vốn nhằm giải quyết “ô nhiễm biển các loại, đặc biệt là từ các hoạt động trên đất liền, bao gồm cả … ô nhiễm từ chất dinh dưỡng.” Liên Hiệp Quốc thường xuyên mô tả nông nghiệp và sản xuất lương thực là mối đe dọa đối với đại dương.
Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), do cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn ĐCSTQ Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) đứng đầu, đang giúp dẫn dắt sứ mệnh này.
Trong báo cáo năm 2014 có nhan đề “Xây dựng Tầm nhìn Chung cho Nông nghiệp và Lương thực Bền vững: Các Nguyên tắc và Phương pháp tiếp cận” (pdf), tổ chức thuộc LHQ này kêu gọi hạn chế mạnh mẽ việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, khí thải, và nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Như một minh chứng về cách nông nghiệp phải được cải tổ để được Liên Hiệp Quốc nhìn nhận là bền vững, báo cáo của FAO tuyên bố rằng “việc sử dụng quá nhiều phân đạm là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nước và phát thải khí nhà kính.”
FAO có trụ sở tại Rome đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Một trong số 17 SDG có tác động trực tiếp đến nông nghiệp và sản xuất lương thực là Mục tiêu 2, với lời kêu gọi “nông nghiệp bền vững” và “sản xuất lương thực bền vững.”
Trong khi đó, Mục tiêu 6 kêu gọi “quản lý nước bền vững,” bao gồm các mục tiêu khác nhau liên quan đến việc sử dụng nước và dòng chảy nông nghiệp.
Vì các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Quốc coi nông nghiệp và sản xuất lương thực là những yếu tố đóng góp chính vào cái mà họ gọi là biến đổi khí hậu do con người tạo ra, nên Mục tiêu 13 cũng rất quan trọng. Mục tiêu này kêu gọi các chính phủ “tích hợp các biện pháp biến đổi khí hậu vào các chính sách, chiến lược, và quy hoạch quốc gia.”
Mục tiêu 15, đề cập đến việc sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, cũng có nhiều chỉ tiêu ảnh hưởng đến nông nghiệp và sản xuất lương thực.
Trên toàn thế giới, các chính phủ quốc gia và khu vực đang làm việc với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc để thực hiện các mục tiêu bền vững này trong nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
Ví dụ, để đáp ứng các thỏa thuận đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc, Liên minh Âu Châu đã ban hành nhiều chương trình đa dạng sinh học do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn như Natura 2000 và Chiến lược Đa dạng Sinh học của EU cho năm 2030, được chính phủ Hà Lan và các nước khác trích dẫn trong các chính sách nông nghiệp của họ.
Liên Hiệp Quốc cũng tuyên bố công khai về vai trò của họ trong việc áp dụng SDG ở Sri Lanka và các quốc gia khác đang gặp khó khăn do tình trạng thiếu lương thực và các thảm họa kinh tế liên quan đến chính những chương trình bền vững toàn cầu này.
Trên khắp thế giới, hầu hết mọi chính phủ quốc gia đều cho biết họ đang tích hợp các SDG vào luật và quy định riêng của họ.
‘Quan hệ đối tác’ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Cùng với Liên Hiệp Quốc là nhiều “bên liên quan” đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách phát triển bền vững thông qua “các mối quan hệ đối tác công-tư.”
Trọng tâm của nỗ lực đó là WEF, tổ chức đã thúc đẩy một cuộc thay đổi xã hội toàn diện được gọi là “Đại Tái Thiết” từ năm 2020. Năm 2019, WEF đã ký một thỏa thuận “quan hệ đối tác chiến lược” với Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy Nghị trình 2030 trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.
Thỏa thuận chính thức này xác định “các lĩnh vực hợp tác nhằm tăng cường sự tham gia của thể chế và cùng nhau đẩy nhanh việc thực hiện Nghị trình 2030 về Phát triển Bền vững.”
Nhiều quan chức chủ chốt đứng sau Nghị trình 2030, trong đó có các nhà lãnh đạo hàng đầu của Liên Hiệp Quốc như Tổng thư ký đương nhiệm António Guterres — một nhà xã hội chủ nghĩa tự xưng — cũng đã làm việc với WEF trong nhiều thập niên.
Trong khi đó, WEF tỏ ra công khai trong các mục tiêu của mình. Gần đây, tổ chức này đã ra mắt một “Liên minh Hành động về Lương thực” (FAA). FAA thừa nhận trên trang web của mình rằng Nghị trình 2030 “thông báo tham vọng của FAA trong việc cung cấp một nền tảng lâu dài cho hành động của nhiều bên liên quan về các hệ thống lương thực nhằm đáp ứng các mục tiêu SDG.”
Cùng với “Hội nghị thượng đỉnh về Các Hệ thống Lương thực” của Liên Hiệp Quốc hồi tháng 09/2021, FAA thuộc WEF đã công bố một báo cáo của riêng mình, nêu rõ “nghị trình lãnh đạo về sự hợp tác giữa các bên liên quan để chuyển đổi các hệ thống lương thực” (pdf).
Trong số các yếu tố khác, tài liệu này tóm lược những hiểu biết sâu sắc của FAA về việc “hỗ trợ các mối quan hệ đối tác hệ thống lương thực mang tính chuyển đổi, và định vị giá trị của FAA vượt ra ngoài Hội nghị thượng đỉnh về Các Hệ thống Lương thực của Liên Hiệp Quốc năm 2021 nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc.”
Mối lo ngại công khai của WEF đối với việc chuyển đổi nền nông nghiệp và nguồn cung cấp lương thực đã tồn tại ít nhất từ hơn một thập niên trước.
Trong liên kết đối tác với nhiều công ty khác nhau, WEF đã phát hành một báo cáo (pdf) hồi năm 2010, phác thảo một “tầm nhìn mới cho nông nghiệp” bao gồm một “lộ trình cho các bên liên quan.” Nhiều công ty thực phẩm lớn nhất thế giới đóng vai trò thống lĩnh thị trường và sở hữu vô số thương hiệu nổi tiếng đều tham gia.
Trang web của WEF chứa đầy thông tin nhằm lý giải cho một sự chuyển đổi toàn bộ nguồn cung cấp lương thực của “các bên liên quan.”
“Khi các hệ thống lương thực toàn cầu ngày càng kết nối với nhau, nhiều bên liên quan cần có sự phối hợp hiệu quả,” WEF cho biết trên nền tảng “Trí tuệ chiến lược” (Strategic Intelligence), vốn thường xuyên trích dẫn FAO là nguồn tin của mình.
“Tiềm năng tạo ra các phương pháp tiếp cận mới, mang tính hệ thống đối với các hệ thống lương thực bao gồm nhiều bên liên quan đa dạng mang lại nhiều cơ hội có thể giúp cung cấp lương thực bền vững cho thế giới trong tương lai.”
Các tham chiếu thường xuyên của tổ chức này đến “các bên liên quan” đề cập đến các chính phủ, các công ty, và cái gọi là các tổ chức phi chính phủ vốn thường được chính các công ty và chính phủ này tài trợ. Tất cả đều đang làm việc cùng nhau về vấn đề này.
Ví dụ, WEF tự hào rằng họ đã đưa các đại tập đoàn, chẳng hạn như Coca-Cola và Unilever, vào cuộc để thúc đẩy một “tương lai bền vững hơn.”
Quỹ Rockefeller — gần đây vừa phát hành một báo cáo về cách mà tổ chức này “Tái thiết Bàn ăn” (“Reset the Table”) và “Chuyển đổi Hệ thống Lương thực Hoa Kỳ” — cũng là một bên đóng vai trò quan trọng.
“Các Trung tâm Đổi mới Lương thực” của WEF trên khắp thế giới được thiết lập để trở thành một phần chính của quá trình chuyển đổi toàn cầu này.
Trình bày trước Diễn đàn Kinh tế Thế giới về “chuyển đổi các hệ thống lương thực và sử dụng đất” tại Tuần lễ Nghị sự Davos năm ngoái (2021), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo rằng Hà Lan sẽ tổ chức “Ban thư ký Điều phối Toàn cầu của các Trung tâm Đổi mới Lương thực của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.”
Ông cho biết ban thư ký này “sẽ kết nối tất cả các Trung tâm Đổi mới Lương thực khác” để tạo điều kiện thiết lập “các mối quan hệ đối tác mà chúng tôi cần.”
Cả WEF và Quỹ Rockefeller đều không phúc đáp các yêu cầu bình luận về vai trò của họ trong Nghị trình 2030 và về các chính sách nông nghiệp đang được theo đuổi trên khắp thế giới.
Các tổ chức và cơ quan khác tham gia vào nỗ lực thúc đẩy này bao gồm các quỹ được miễn thuế đầy quyền lực như Quỹ Gates, các chính phủ khu vực kiểu EU đang phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới, và các nhóm khác nhau do họ tài trợ.
Kìm hãm nông dân — và nguồn cung cấp lương thực
Trên toàn cầu, các chính sách của chính phủ phù hợp với SDG của LHQ đang kìm hãm nông dân — đặc biệt là những nhà sản xuất độc lập, có quy mô nhỏ hơn không thể chịu được các chi phí gia tăng của các quy định và kiểm soát bổ sung.
Để kỷ niệm những ý tưởng phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Sri Lanka vừa bị lật đổ gần đây, ông Gotabaya Rajapaksa, đã từng tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 do Liên Hiệp Quốc tổ chức hồi năm 2021 rằng chính phủ của ông sẽ cấm các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.
“Gần đây, Sri Lanka đã hạn chế nhập cảng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, và thuốc diệt cỏ do những lo ngại về sức khỏe cộng đồng, ô nhiễm nước, thoái hóa đất, và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học,” ông Rajapaksa nói với các nhà lãnh đạo thế giới, đồng thời nhận được sự hoan nghênh rộng rãi.
“Mặc dù bị các nhà vận động hành lang cố chấp phản đối, nhưng điều này đã tạo ra các cơ hội cho sự đổi mới và đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, điều mang lại lành mạnh và bền vững hơn trong tương lai.”
Trên thực tế, mặc dù đã được đẩy lùi kịp thời, nhưng các chính sách này đã tạo ra tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, nạn đói lan rộng, và cuối cùng là một cuộc nổi dậy trên toàn quốc nhằm lật đổ vị tổng thống này và chính phủ của ông.
Năm 2019, chính phủ Sri Lanka xã hội chủ nghĩa cũng hợp tác với Chương trình Môi trường của Liên Hiệp Quốc để thành lập Chiến dịch Khử Nitơ Toàn Cầu của Liên Hiệp Quốc, nhằm thúc đẩy các chính sách do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn về việc khử nitơ hiện đang phổ biến trên toàn thế giới.
Tại Hà Lan, trụ sở của ban thư ký “Trung tâm Đổi mới Lương thực” của WEF, các nhà chức trách đang áp đặt các chính sách khử nitơ được kỳ vọng sẽ hủy diệt ngành nông nghiệp năng suất cao của quốc gia này. Các kế hoạch đó cũng bao gồm việc trưng thu các trang trại trên diện rộng.
“Các kế hoạch trưng thu của chính phủ là một lời tuyên chiến hoàn toàn đối với ngành nông nghiệp,” Nghị viên Hà Lan Gideon van Meijeren thuộc Đảng Diễn Đàn Dân Chủ cho biết, theo trích dẫn của tờ De Dagelijkse Standaard. “Dưới những vỏ bọc giả tạo, nông dân đang bị cướp đất của họ, các trang trại có tuổi đời hàng thế kỷ đang bị phá bỏ và các gia đình nông dân đang bị phá hủy hoàn toàn.”
Các chuyên gia đã cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm bắt nguồn từ các chính sách bền vững như thiếu lương thực, giá cả tăng vọt, bất ổn xã hội, v.v.
Ông Bonner Cohen, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công Quốc gia, nói với The Epoch Times: “Quý vị có thể nhìn thấy tương lai tươi xanh và bền vững đó bằng cách nhìn vào Hà Lan và Sri Lanka ngay bây giờ.”
Tuy nhiên, nghị trình này đang lan rộng một cách nhanh chóng. Tuần trước (18-24/07), các nhà chức trách liên bang Canada đã công bố các hạn chế tương tự đối với các loại phân bón và phân nitơ sau khi các hạn chế về sản xuất năng lượng được đưa ra, làm dấy lên sự phẫn nộ từ các quan chức tỉnh bang và nông dân.
Tại Ireland, Vương quốc Anh, và các quốc gia Âu Châu khác, nhiều tổ chức chính phủ khác nhau cũng đang nỗ lực cắt giảm sản xuất nông nghiệp theo các chương trình bền vững.
Trong khi đó, ngoài việc tiếp tục các chính sách chi trả để nông dân không trồng lương thực, chính phủ Tổng thống Biden đang tìm cách áp đặt các chỉ số “Môi trường, Xã hội, Quản trị” do WEF hậu thuẫn và trình báo về các công ty thông qua Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ.
Các hiệp hội trang trại và hơn 100 thành viên của Quốc hội cho rằng kế hoạch này sẽ làm phá sản các chủ sở hữu trang trại có quy mô vừa và nhỏ không thể tuân thủ các yêu cầu báo cáo về khí hậu để kinh doanh với các công ty đại chúng, ngay cả khi thế giới đang tiến tới tình trạng thiếu lương thực trên diện rộng.
Ở một mức độ nào đó, các chuyên gia cho rằng sự cố thủ vào các loại chính sách này là do những người áp đặt các chính sách đó đa phần đều không bị ảnh hưởng bởi những thiệt hại mà họ gây ra.
“Giới tinh hoa toàn cầu trong chính phủ, các tổ chức xuyên quốc gia, hội đồng quản trị công ty — đều hiện diện trong WEF — bị cuốn vào việc bản thân tỏ ra đức độ về vấn đề khí hậu, mà từ đó nhiều người hy vọng sẽ thu được lợi ích tài chính thông qua các khoản đầu tư vào năng lượng xanh, đến nỗi khó nhận thấy rằng họ đang hoàn toàn xa rời thực tế,” ông Cohen của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công Quốc gia, một chuyên gia về các vấn đề môi trường, cho biết.
“Chỉ có vài người trong số những người áp đặt các quy định đối với nông dân đã từng ghé qua một trang trại. Nhờ quyền lực và sự giàu có mà những người này vốn đã sở hữu, họ được bảo vệ khỏi hậu quả của những chính sách sai lầm mà họ áp đặt lên phần còn lại của thế giới. Gánh nặng đó là do những người bình thường trên khắp thế giới gánh chịu, còn những người thuộc đám đông Davos và các đối tác tiếp tay cho họ thì chẳng biết gì cả.”
Các chuyên gia: Các trang trại nhỏ, độc lập có thể gặp rủi ro
Thảm họa Sri Lanka cung cấp một cái nhìn trước về những gì sẽ xảy ra với Hoa Kỳ và Âu Châu nếu các nhà hoạch định chính sách tiếp tục tuân theo nghị trình bền vững của Liên Hiệp Quốc, theo ông Sterling Burnett, người có bằng tiến sĩ về đạo đức môi trường và là lãnh đạo Trung tâm Arthur B. Robinson của Viện bất vụ lợi Heartland về Chính sách Khí hậu và Môi trường.
“Đó không phải là một cuộc chiến chống lại nông nghiệp; mà đó là một cuộc chiến chống lại nông dân có trang trại nhỏ và độc lập,” ông nói với The Epoch Times. “Đó là một cuộc chiến nhằm hỗ trợ các ngành nông nghiệp quy mô lớn của giới tinh hoa.”
Mặc dù các SDG của LHQ nói về việc giúp đỡ “các nhà sản xuất thực phẩm có quy mô nhỏ,” nhưng ông Burnett lập luận rằng các nông trại và trại chăn nuôi độc lập bị lọt vào tầm ngắm của LHQ để giúp tập trung quyền kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm.
Ông nói, các nhà hoạch định chính sách đang bị lợi ích của các doanh nghiệp lớn kiểm soát, trong đó có Conagra, BlackRock, State Street, Vanguard, và những công ty khác.
Ông nói, lặp lại lo ngại của một số chuyên gia: “Họ sẽ sớm loại tất cả các đối thủ cạnh tranh nhỏ của họ ra khỏi ngành.”
Ông Burnett cho biết, Giám đốc điều hành Larry Fink của BlackRock, một công ty quản lý nhiều tiền hơn bất kỳ công ty nào khác trên thế giới, “muốn áp đặt các giá trị của mình lên các công ty đang dùng tiền của người khác.”
Ông Fink là người nằm trong ban quản trị của Hội đồng Quan hệ Ngoại giao (CFR) đầy quyền lực và hợp tác chặt chẽ với WEF. Ông cũng là người hoạch định chính cho việc thúc đẩy áp đặt các chỉ số “môi trường, xã hội, quản trị” lên các công ty Hoa Kỳ.
“Đây là những người siêu giàu gán các giá trị của họ cho phần còn lại trong chúng ta,” ông Burnett cho hay, và chỉ ra rằng những người mà ông đề cập đến đó rất sẵn lòng hợp tác với những người cộng sản trong nỗ lực này.
“Theo quan điểm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, quý vị không thể có một cuộc Đại Tái Thiết nếu quý vị không thiết lập lại nguồn cung thực phẩm, bởi vì ai cũng cần thực phẩm,” ông nói. “Stalin đã nhận ra điều này: Ai kiểm soát lương thực, người đó kiểm soát dân chúng. Với năng lượng cũng vậy.”
Khi giá cả tăng vọt và nông dân phá sản, thì các đại tập đoàn có liên minh với các chính phủ và các tổ chức quốc tế sẽ vực dậy được.
Trong khi đó, như đã thấy gần đây ở Sri Lanka, những người đói ăn bị đẩy đến đường cùng có khả năng sẽ phản kháng.
Ông Burnett nói: “Người dân không chết đói vào ngày 06/01,” khi đề cập đến cuộc biểu tình và xâm phạm Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021. “Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang diễn ra, các kệ hàng đã trống trơn, và khi người dân bị đói, họ sẽ không ngồi yên mà không làm gì cả.”
Người sáng lập kiêm Chủ tịch của Trung tâm Chính sách Hoa Kỳ Tom DeWeese, một chuyên gia hàng đầu và là nhà phê bình về các khái niệm bền vững của Liên Hiệp Quốc, đã cảnh báo rằng cuộc chiến với nông dân kể trên là một phần của một nghị trình lớn hơn nhằm tước bỏ quyền tự do của người dân.
“Luôn luôn trong quá khứ, khi các thế lực chuyên chế muốn thống trị thế giới, thì họ xây dựng quân đội và xâm lược, phá vỡ mọi thứ, sát nhân, và chinh phục bằng bạo lực,” ông DeWeese nói với The Epoch Times. “Hiện nay chúng ta đang đối phó với một thế lực ma quỷ đã tìm ra cách khiến chúng ta tự nguyện từ bỏ quyền tự do của mình và giúp đỡ họ nô dịch chúng ta.”
Ông nói, chỉ rõ luận điệu về biến đổi khí hậu như một ví dụ điển hình: “Một công cụ mạnh mẽ như vậy còn có thể là gì? Là mối đe dọa của Ngày Tận Thế về Môi Trường.”
Trích dẫn nhiều quan chức và tài liệu của Liên Hiệp Quốc, ông DeWeese nói rằng nghị trình này không phải để cứu vớt khí hậu, mà là để biến đổi hành tinh này và tập trung hóa quyền kiểm soát dân chúng.
Ông cho biết, ngoài LHQ và WEF, các đại công ty như Vanguard và BlackRock đang hành động để tiếp quản và kiểm soát nguồn cung cấp thực phẩm.
Hiện tại, một số ít các công ty mà hai công ty đầu tư này là cổ đông hàng đầu đang thống lĩnh ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống toàn cầu. Bằng cách tiếp quản việc trồng trọt, họ sẽ hoàn toàn kiểm soát nguồn cung thực phẩm.
Ông nói, “Mục tiêu của họ là kiểm soát toàn bộ việc sản xuất lương thực,” và lưu ý rằng họ tìm cách sở hữu tất cả hạt giống và thậm chí phát triển thịt tổng hợp trong các cơ sở đã được ông Bill Gates và các tỷ phú khác hậu thuẫn tài chính.
Những cây trồng được chỉnh sửa gene cũng quan trọng trong nghị trình này.
LHQ, WEF, và các tổ chức khác cũng đang tiến tới việc thúc đẩy dùng côn trùng và cỏ dại làm thức ăn. Trên khắp thế giới phương Tây, các cơ sở sản xuất protein từ côn trùng đang xuất hiện nhanh chóng.
Ông DeWeese nói rằng, toàn bộ câu chuyện này thậm chí còn ám muội hơn.
Ông nói, “Nếu người dân đang chết đói, họ sẽ dễ dàng khuất phục hơn nhiều,” đồng thời cho biết thêm rằng việc giảm dân số và kiểm soát nhân loại đã nằm trong nghị trình của giới tinh hoa toàn cầu suốt nhiều thập niên.
“Cuộc chiến với nông dân” cũng diễn ra trong bối cảnh những gì các nhà phê bình mô tả là “cuộc chiến năng lượng” do chính phủ hậu thuẫn đang ảnh hưởng đến nông nghiệp và hầu như mọi lĩnh vực khác.
Điều này bao gồm việc hạn chế thăm dò năng lượng, đóng cửa các nhà máy điện, tính phí và thuế đặc biệt, và các chính sách khác đã dẫn đến chi phí tăng nhanh trên khắp thế giới phương Tây, mặc dù không phải ở những nơi như Trung Quốc.
Các chuyên gia được The Epoch Times phỏng vấn đã kêu gọi người Mỹ chống lại cuộc chiến với nông dân này cùng các chính sách bền vững do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn thông qua nhiều cách khác nhau. Những cách này gồm có việc tham gia về chính trị, áp dụng các thói quen mua sắm khác nhau, tìm ra các nguồn thực phẩm thay thế chẳng hạn như từ các nông dân địa phương, và các biện pháp khác.
Các quan chức tại LHQ đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Ông Alex Newman là một cộng tác viên tự do. Ông Newman là một ký giả, nhà giáo dục, tác giả, và nhà tư vấn quốc tế từng đạt giải thưởng, người đã đồng sáng tác cuốn sách “Tội Ác của Các Nhà Giáo Dục: Cách Những Người Theo Chủ Nghĩa Bình Quân đang Sử Dụng Trường Học của Chính Phủ để Hủy Hoại Trẻ Em Mỹ” (“Crimes of the Educators: How Utopians Are Using Government Schools to Destroy America’s Children”). Ông là giám đốc điều hành của Public School Exit cũng như của Liberty Sentinel Media, và viết cho các ấn phẩm đa dạng ở Hoa Kỳ và ngoại quốc.