Các tổ chức phi chính phủ toàn cầu bị đe dọa vì tham gia cuộc đánh giá của Ủy ban Nhân quyền LHQ
Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) một lần nữa tiến hành thẩm nghị tình trạng của Hồng Kông theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Đây là lần đầu tiên một cuộc điều tra đánh giá như vậy được tổ chức kể từ khi Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông (NSL) được thực thi “mạnh mẽ” vào ngày 30/06/2020.
Trong cuộc họp ba ngày 7, 8 và 12/07 này, nhiều thành viên UNHRC đã nêu lên mối lo ngại về tác động của Luật An ninh Quốc gia đối với tình trạng xói mòn nhân quyền ở Hồng Kông.
Để trả đũa, một đại diện của chính quyền Hồng Kông (HKgov) cho biết họ sẽ không loại trừ việc truy tố các tổ chức phi chính phủ (NGO) vì đã tham gia vào cuộc điều tra đánh giá của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về tội danh “thông đồng với các thế lực ngoại quốc” theo Luật An ninh Quốc gia.
Tổng cộng có 22 báo cáo của nhiều nhóm khác nhau đã được gửi, trong đó có một số tổ chức của người Hồng Kông mới được thành lập ở hải ngoại, chẳng hạn như Cơ quan Giám sát Quyền Lao động Hồng Kông (Hong Kong Labour Rights Monitor, HKLRM), Trung tâm Thông tin Nhân quyền Hồng Kông (HKHRIC), Cơ quan Giám sát Pháp Quyền Hồng Kông (HKRLM), và nhóm “29 Nguyên tắc” của các luật sư Hồng Kông ở ngoại quốc, v.v. Các tổ chức khác không liên quan đến nhân quyền như Hội đồng Dân chủ Hồng Kông (HKDC), Trung tâm Luật Á Châu, Trung tâm Luật Đại học Georgetown, và Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng đã gửi nghiên cứu của mình.
Lo ngại về việc vi phạm Luật An ninh Quốc gia
Một ủy ban gồm 18 chuyên gia đã thảo luận trong phiên điều trần kéo dài ba ngày này. Nhiều thành viên hoặc phó chủ tịch đã liên tục hỏi liệu LHQ hoặc các tổ chức nhân quyền của tổ chức này có được tính là “tổ chức ngoại quốc” hay “tổ chức chính trị ngoại quốc” theo Đề mục 151 trong Sắc lệnh về Xã hội của Luật An ninh Quốc gia hay không.
Các thành viên cũng đưa ra những mối lo ngại của họ về việc liệu các tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới liên lạc với LHQ hoặc đề đạt ý kiến với LHQ có bị truy tố trách nhiệm, bị trả thù, hoặc bị buộc tội thông đồng với thế lực ngoại quốc theo Luật An ninh Quốc gia hay không.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục An ninh, ông Lý Khả Cơ (Apollonia Liu Lee Ho-kei), người tham dự hội nghị truyền hình đại diện cho chính quyền Hồng Kông, đã trả lời rằng Luật Cơ bản của Hồng Kông bảo đảm các hoạt động giao lưu quốc tế tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc liên lạc của họ với LHQ có bất hợp pháp hay không còn tùy thuộc vào các sự kiện và hoàn cảnh liên quan, cũng như các hành vi mà từng tổ chức thể hiện ra, không thể đánh đồng được.
Các thành viên không hài lòng với phản hồi của HKgov, chỉ trích tuyên bố đó là “mơ hồ” và “sáo rỗng”, vốn không đủ để xóa bỏ những nghi ngờ. Bà Photini Pazartzis, chủ tịch của UNHRC, kết thúc cuộc họp bằng cách bày tỏ hy vọng rằng các tổ chức phi chính phủ sẽ không bị ‘trừng phạt’ theo Luật An ninh Quốc gia sau khi họ liên lạc với Liên Hiệp Quốc.
HKHRIC: Không nên thông đồng vì Trung Quốc là thành viên LHQ
Trung tâm Thông tin Nhân quyền Hồng Kông, nơi cũng đã gửi báo cáo cho UNHRC, tuyên bố rằng chính quyền Hồng Kông đã không giải quyết câu hỏi này một cách thỏa đáng. Những gì đại diện của họ nói không đủ để nói với thế giới rằng sự tham gia bình thường sẽ không cấu thành tội thông đồng nếu không giải thích ý nghĩa của tham gia “bình thường” và tham gia “tiêu chuẩn”.
Họ cho biết đó là một dấu hiệu nữa cho thấy dưới [sự áp đặt] của Luật An ninh Quốc gia, phạm vi “liên kết với thế lực ngoại quốc” là quá mơ hồ và rộng lớn, điều này có thể dẫn đến việc mọi người dễ hiểu sai và mắc lưới pháp lý.
Trung tâm này tiếp tục cho hay các giao thức của Liên Hiệp Quốc áp dụng cho cả Hồng Kông lẫn Trung Quốc, trong đó bản thân Trung Quốc đã ký kết nhiều công ước khác nhau. Đồng thời, Trung Quốc cũng là một thành viên tích cực của Liên Hiệp Quốc. Sẽ là trái với các quy tắc của các thành viên nếu bất kỳ cuộc thảo luận hoặc liên lạc nào giữa các tổ chức dân sự và Liên Hiệp Quốc bị coi là thông đồng với các thế lực ngoại quốc.
Tổ chức này cũng tuyên bố rằng trong cuộc họp kéo dài ba ngày, các thành viên đã đưa ra nhiều vấn đề sâu sắc và quan trọng về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông, từ việc bổ nhiệm thẩm phán theo Luật An ninh Quốc gia đến trường hợp của cô Trâu Hạnh Đồng (Tonyee Chow Hang-tung), đến việc giải tán các nhóm dân sự và hệ thống nhà tù thông minh ở Hồng Kông.
“Trung tâm Thông tin Nhân quyền Hồng Kông” và “Cơ quan Giám sát Pháp Quyền Hồng Kông” đã đệ trình một báo cáo dài 78 trang lên Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, trích dẫn một số phiên tòa địa phương cho thấy tình hình nhân quyền ở Hồng Kông đang xấu đi và rằng Hồng Kông đang phải trải qua một bước thụt lùi nghiêm trọng trong việc bảo vệ Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Báo cáo của họ cũng đưa ra các khuyến nghị và yêu cầu ủy ban tuyên bố các hành động của ĐCSTQ là “không phù hợp với các nghĩa vụ của họ” theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Học giả hy vọng ý kiến kết luận của Ủy ban Nhân quyền sẽ sắc nét hơn
Giáo sư Trần Văn Mẫn (Johannes Chan Man-mun), giáo sư trợ giảng tại Khoa Luật của Đại học Hồng Kông, đã viết trong một chuyên mục bình luận trên tờ Minh Báo (Ming Pao) rằng các thành viên của ủy ban đã đặt câu hỏi về thiệt hại mà Luật An ninh Quốc gia đã gây ra đối với quyền của người dân Hồng Kông. Nếu chính quyền Hồng Kông chân thành trong việc duy trì vị thế của Hồng Kông như một thành phố quốc tế, thì họ phải nghiêm túc phản ánh và ghi nhận những lời chỉ trích mang tính xây dựng của cộng đồng quốc tế đối với Hồng Kông thay vì cứ nhai đi nhai lại một luận điệu sáo rỗng đó là “mọi thứ đều vì lợi ích an ninh quốc gia”.