Tổng Thư ký Jens Stoltenberg: Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý kết nạp Thụy Điển vào NATO
Thụy Điển sắp gia nhập NATO với tư cách là thành viên thứ 32 của liên minh quân sự này sau khi được Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận.
Hôm 10/07, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã đạt một thỏa thuận giữa hai quốc gia.
Ban đầu, Thụy Điển yêu cầu trở thành thành viên NATO cùng với Phần Lan sau khi Nga xâm lược Ukraine hồi năm ngoái (2022). Bất kỳ thành viên NATO nào cũng được phép phủ quyết việc gia nhập của bất kỳ thành viên tiềm năng nào và trong năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối cho Thụy Điển gia nhập liên minh.
Lúc trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ quyết nỗ lực gia nhập của quốc gia Bắc Âu này, nói rằng vì Thụy Điển cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho các thành viên của Đảng Công Nhân người Kurd mà họ xem là một tổ chức khủng bố.
Hồi đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã thực hiện một sự chuẩn bị ban đầu, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ đàm phán sau khi chính phủ Thụy Điển cho phép một cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ, nơi một người biểu tình đã đốt một cuốn Kinh Quran.
Một tuyên bố chung do Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đưa ra vào hôm 10/07 nói rằng Thụy Điển sẽ không giúp đỡ các nhóm người Kurd và sẽ tích cực ủng hộ các nỗ lực để giúp Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh Âu Châu.
Việc ông Erdogan rõ ràng chấp thuận để Thụy Điển gia nhập liên minh đã chấm dứt nhiều tháng gay cấn về một vấn đề khiến cho khối quân sự này trở nên căng thẳng khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine.
“Tôi vui mừng loan báo … rằng Tổng thống Erdogan đã đồng ý chuyển văn bản gia nhập của Thụy Điển tới Đại Hội đồng Quốc gia càng sớm càng tốt và hợp tác chặt chẽ với Quốc hội để bảo đảm việc phê chuẩn,” ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo, mô tả điều này là một bước đi “lịch sử.”
“Đây là một ngày tốt lành đối với Thụy Điển,” ông Kristersson nói với các phóng viên, đồng thời cho biết tuyên bố chung hôm 10/07 thể hiện “một bước tiến rất lớn” hướng tới việc phê chuẩn chung cuộc về tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
Ông Stoltenberg cho biết ông Erdogan đã đồng ý thúc đẩy việc phê chuẩn tại Quốc hội “càng sớm càng tốt” nhưng không đưa ra một ngày cụ thể. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phải mất khoảng hai tuần để phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan.
Ông Stoltenberg lưu ý rằng việc Thụy Điển gia nhập sẽ có lợi cho cả quốc gia này lẫn liên minh NATO.
Ông Stoltenberg viết trong một dòng tweet, “Đây là một bước đi lịch sử giúp tất cả các Đồng minh NATO mạnh mẽ hơn và an toàn hơn.”
Cuộc gặp ba bên giữa ông Stoltenberg, ông Erdogan, và ông Kristersson đã diễn ra khi các bộ trưởng quốc phòng và các quan chức khác từ tất cả 31 quốc gia NATO tề tựu tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Litva.
Cuộc gặp này cũng diễn ra chỉ năm ngày sau khi Tổng thống Joe Biden chào đón ông Kristersson của Thụy Điển tới Tòa Bạch Ốc. Tại đây, ông Biden đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tư cách thành viên NATO của quốc gia Bắc Âu này trước hội nghị thượng đỉnh.
Trong tuyên bố đưa ra hôm 10/07, ông Biden ca ngợi thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển mà theo ông sẽ giúp tăng cường an ninh khu vực.
Ông nói trong một tuyên bố, “Tôi hoan nghênh tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, và Tổng thư ký NATO tối nay.”
“Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực Châu Âu–Đại Tây Dương.”
Thông báo này đang thu hút sự ủng hộ rộng rãi của lưỡng đảng tại Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito (Cộng Hòa-West Virginia) đã mô tả hành động này là “tuyệt vời.” Tương tự, Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow (Dân Chủ-Michigan) nói với The Epoch Times rằng đó là “một điều rất tích cực.”
Ngoài Thụy Điển, đã có thêm ba quốc gia khác bày tỏ nguyện vọng gia nhập NATO, gồm là Bosnia–Herzegovina, Georgia, và Ukraine.
Hồi năm ngoái, Ukraine đã chính thức đệ đơn xin gia nhập liên minh này nhưng có thể sẽ không được chấp thuận cho đến khi cuộc chiến với Nga kết thúc. Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thiết lập nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào vào một thành viên NATO sẽ được xem là một cuộc tấn công vào toàn bộ khối này. Như vậy, kết nạp Ukraine trong khi nước này đang có chiến tranh sẽ tương đương với một lời tuyên chiến với Nga.
Do đó, ông Biden cho biết Ukraine chưa đến lúc trở thành thành viên NATO.
“Tôi không nghĩ [Ukraine] đã đến lúc trở thành thành viên,” ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn hôm 09/07 với CNN. “Tôi không nghĩ rằng NATO đồng thuận về việc có nên đưa Ukraine vào gia đình NATO hay không, vào thời điểm này, giữa một cuộc chiến.
Bản tin có sự đóng góp của Jackson Richman và Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times