TT Biden hy vọng Liên minh ‘hiệp lực’ khi Hội nghị thượng đỉnh quan trọng của NATO bắt đầu ở Lithuania
VILNIUS, Lithuania — Hôm thứ Ba (11/07), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bắt đầu các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh “hệ trọng” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius, Lithuania.
Ông Biden nói với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp, “Đây là một thời khắc lịch sử.”
“Chúng tôi đang muốn có một NATO tiếp tục gắn kết,” ông Biden nói, đồng thời cho biết thêm rằng mục tiêu chia rẽ liên minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thất bại.
Ông Biden tuyên bố rằng việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO là “điều tất yếu” và ông ủng hộ kế hoạch cho phép Ukraine gia nhập liên minh trong tương lai.
Hội nghị thượng đỉnh trọng đại này, được ấn định vào ngày 11 và 12/07, quy tụ các nhà lãnh đạo từ 31 quốc gia thành viên của liên minh để thảo luận về các thách thức an ninh toàn cầu trọng yếu.
Đây là những gì tổng thống Hoa Kỳ hy vọng đạt được trong hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày:
Mục tiêu chi tiêu 2%
Theo Tòa Bạch Ốc, hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm nay sẽ đề cập đến việc nâng cao mục tiêu chi tiêu của các nước thành viên, vốn là mục tiêu chính của Hoa Kỳ trong một số năm.
Gần một thập niên trước, các nước NATO đã hứa sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP của họ. Tuy nhiên, chỉ có bảy quốc gia — Hoa Kỳ, Estonia, Hy Lạp, Latvia, Lithuania, Ba Lan, và Vương quốc Anh — đáp ứng yêu cầu 2% vào năm ngoái.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan, người đã thông báo với các phóng viên hôm 11/07 tại Vilnius, Hoa Thịnh Đốn muốn mục tiêu 2% là mức thấp nhất chứ không phải mức cao nhất, và hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius dự kiến sẽ bắt đầu thảo luận việc đó.
Chi tiêu quốc phòng của NATO đã tăng khoảng 30% kể từ khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014. Tuy nhiên, cam kết về việc tăng chi tiêu được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh năm 2014 ở Wales sẽ hết hạn vào năm tới, vì vậy Hoa Kỳ muốn các đồng minh cam kết gia tăng các khoản đầu tư trong hội nghị thượng đỉnh năm nay.
Ba nước vùng Baltic — Lithuania, Latvia, và Estonia — đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP. Phản ứng trước cuộc xâm lược Ukraine của Nga, Ba Lan cũng đã công bố kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên 4% GDP.
Tuy nhiên, một trở ngại chính là các nước khu vực đồng euro đã đồng ý không để xảy ra thâm hụt ngân sách lớn. Do đó, các mục tiêu được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này có thể không thực tế đối với nhiều nước Tây Âu, đặc biệt là Tây Ban Nha.
“Tôi nghĩ mọi người có thể làm điều đó nếu họ có ý chí. Và vấn đề to lớn hơn là chúng tôi muốn NATO bền vững — ở đây — trong 75 năm nữa,” Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska) nói với The Epoch Times ở Vilnius. “Đây là vấn đề mà mọi tổng thống, thành viên Đảng Dân Chủ, thành viên Đảng Cộng Hòa, ông Obama, ông Clinton, ông Trump, và giờ đây là Tổng thống Biden đều đồng lòng. Và tôi nghĩ ông ấy cùng đội ngũ của mình đã rất nỗ lực trong việc này.”
Ông Stoltenberg nói trong cuộc gặp với ông Biden, “[Chúng ta] cần đầu tư nhiều hơn vào phòng thủ của chúng ta. Và chúng ta sẽ đồng ý về một cam kết đầu tư quốc phòng mới, trong đó chúng ta tuyên bố rõ ràng rằng 2% GDP cho quốc phòng là mức tối thiểu.”
Ông nói thêm: “Và tin tốt lành là các Đồng minh Âu Châu và Canada đang tăng cường trong năm nay.”
Ukraine là vấn đề hàng đầu trong nghị trình
Theo Tòa Bạch Ốc, Ukraine sẽ là trọng tâm chính của hội nghị thượng đỉnh năm nay. Các đồng minh sẽ tranh luận về bảo đảm an ninh, tư cách thành viên trong tương lai của nước này và giúp đỡ cho đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Tuy nhiên, các thành viên có những quan điểm khác biệt khá nhiều về tư cách thành viên cuối cùng của Ukraine.
Hoa Kỳ, Đức, và các đối tác phía nam NATO đã thận trọng hơn về tư cách thành viên của Ukraine, trong khi các quốc gia vùng Baltic và các quốc gia Đông Âu như Ba Lan giữ lập trường hiếu chiến và quyết đoán nhất.
Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau giữa các đồng minh, nhưng các nhà quan sát cho rằng hội nghị thượng đỉnh Vilnius sẽ đạt được một thỏa thuận trung bình.
Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh hồi năm ngoái, nhưng trong những ngày gần đây, viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, ông Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng Ukraine không thể tham gia cho đến khi cuộc xung đột với Nga được giải quyết. Hiệp ước thiết lập nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là bất kỳ cuộc tấn công nào vào một thành viên NATO “sẽ được xem là một cuộc tấn công vào toàn bộ khối này.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN, ông Biden cho biết cuộc chiến với Nga phải kết thúc trước khi NATO có thể kết nạp Ukraine.
Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng có sự đồng thuận trong NATO về việc có nên đưa Ukraine vào gia đình NATO vào lúc này hay không, vào thời điểm này, giữa một cuộc chiến.”
“Đó là một cam kết mà tất cả chúng ta đã thực hiện, bất kể điều gì xảy ra. Nếu cuộc chiến này đang diễn ra, thì tất cả chúng ta đều tham chiến. Giả sử như thế, thì chúng ta đang có chiến tranh với Nga.”
Ông Biden cũng cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh NATO phải đưa ra “lộ trình hợp lý” để Ukraine đủ điều kiện trở thành thành viên của liên minh quân sự này.
Tòa Bạch Ốc cũng chỉ ra rằng Ukraine có thể nhận được các bảo đảm an ninh “giống như Israel” trong cuộc chiến chống lại Nga.
Ông Sullivan nói với các phóng viên hôm 09/07, điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ sẽ “cung cấp nhiều hình thức trợ giúp quân sự, tình báo và chia sẻ thông tin, trợ giúp không gian mạng và các hình thức giúp đỡ về vật chất khác để Ukraine có thể vừa tự vệ vừa ngăn chặn sự xâm lược trong tương lai.”
“Tôi hy vọng rằng tại Vilnius, quý vị sẽ thấy tổng thống nói về vấn đề này và tham khảo ý kiến của Tổng thống [Ukraine Volodymyr] Zelensky về vấn đề này, cũng như các đối tác G-7 của chúng ta và các đối tác khác.”
Ông Biden dự kiến sẽ gặp ông Zelensky vào thứ Tư (12/07) bên lề hội nghị thượng đỉnh.
NATO chào đón Thụy Điển
Ông Biden hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ thôi không phản đối Thụy Điển gia nhập NATO. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối đề nghị trở thành thành viên của Thụy Điển, cho rằng quốc gia Bắc Âu này đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho các thành viên của Đảng Công Nhân Người Kurd, vốn được xem là một tổ chức khủng bố.
Ngày 10/7, ông Stoltenberg thông báo về thỏa thuận mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đạt được tại Vilnius.
Ông Erdogan đã đồng ý thúc đẩy việc phê chuẩn tại Quốc hội “càng sớm càng tốt” nhưng không đưa ra ngày cụ thể. Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phải mất hai tuần để phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan.
Việc ông Erdogan rõ ràng chấp thuận để Thụy Điển gia nhập liên minh đã chấm dứt nhiều tháng gay cấn về một vấn đề gây căng thẳng cho khối quân sự này. Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 10/07, ông Biden đã ca ngợi thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển mà ông cho biết sẽ tăng cường an ninh khu vực.
“Tôi hoan nghênh tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, và Tổng Thư ký NATO tối nay,” ông nói trong một tuyên bố.
“Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực Châu Âu–Đại Tây Dương.”
Cả Thụy Điển và Phần Lan đều phản đối việc gia nhập liên minh trong nhiều thập niên, lựa chọn trung lập và không tham gia khối này. Tuy nhiên, sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga hồi năm ngoái, cả hai nước đã từ bỏ những lập trường lâu đời đó và chính thức yêu cầu trở thành thành viên NATO.
Việc mở rộng liên minh là rất quan trọng đối với ông Biden trong việc đưa ra một thông điệp mạnh mẽ tới ông Putin.
Ông Biden diễn thuyết trước người dân Lithuania
Ngày 12/07, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, theo lịch trình, ông Biden sẽ có bài diễn văn trước công chúng tại Đại học Vilnius. Sự kiện này sẽ mở cửa cho công chúng.
Tòa Bạch Ốc cho biết bài diễn văn của tổng thống sẽ nêu bật cam kết của liên minh trong việc “trợ giúp Ukraine, bảo vệ các giá trị dân chủ và hành động để giải quyết các thách thức toàn cầu.” Ông Biden có thể sử dụng bài diễn văn này để ca ngợi những chiến thắng của mình, chẳng hạn như vai trò của ông trong việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Ông Biden đã đến Vilnius với tư cách là Phó Tổng thống hồi tháng 03/2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times