BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Các nghị sĩ GOP và ứng cử viên tổng thống chia rẽ về vấn đề liên minh NATO
Vào mùa xuân năm 1952, Đảng Cộng Hòa (GOP) đã bị chia rẽ khi những “thành viên lão làng” theo chủ nghĩa biệt lập dưới sự dẫn dắt của ứng cử viên tổng thống hàng đầu Thượng nghị sĩ Robert Taft (Cộng Hòa-Ohio) yêu cầu chuyển trọng tâm từ việc bảo vệ châu Âu sang đối đầu với Trung Quốc sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) can thiệp vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên đang bế tắc.
Ông Taft, con trai của cựu Tổng thống Đảng Cộng Hòa William Howard Taft, đã phản đối việc Hoa Kỳ viện trợ cho Vương quốc Anh và các quốc gia Âu Châu khác trong một thập niên — trước khi diễn ra sự kiện Trân Châu Cảng — cũng như vận động hành lang phản đối Kế hoạch Marshall thời hậu chiến.
Viện dẫn sự thận trọng đối với các cam kết của châu Âu vốn bị ông cho là nguyên nhân đẩy Hoa Kỳ vào hai cuộc chiến tranh toàn cầu trong 35 năm trước đó, ông Taft đã trở thành một trong 13 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu phản đối việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 07/1949.
Được Thượng nghị sĩ Henry Cabot Lodge Jr. (Cộng Hòa-Massachusetts), và Thượng nghị sĩ trẻ tuổi Richard Nixon (Cộng Hòa-California) dẫn dắt, cánh theo “chủ nghĩa quốc tế” của Đảng Cộng Hòa đã không có đối thủ khả thi nào cho đến khi khắc tinh của họ, ông Taft, tuyên bố ông sẽ tìm kiếm đề cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa lần thứ ba vào năm 1952.
Trên thực tế, họ đã nghĩ đến một ứng cử viên nhưng không chắc liệu ông ấy có phải là người theo Đảng Cộng Hòa hay ông có sẵn sàng ra tranh cử hay không — đó là Đại Tướng Dwight Eisenhower, ông từng là tư lệnh của quân đồng minh ở châu Âu trong Đệ nhị Thế Chiến, thời điểm đó ông đang sống ở Paris với tư cách là chỉ huy đầu tiên của NATO.
Ông Eisenhower đã từ chối các đề nghị tranh cử, kể cả từ Tổng thống Harry Truman, người từng đề nghị sẽ tranh cử vào vị trí phó tổng thống của ông “Ike” (tên hiệu của ông Eisenhower) cho một liên danh của Đảng Dân Chủ năm 1948.
Sau cuộc gặp với ông Lodge ở Paris, vào tháng 01/1952, ông Eisenhower tuyên bố rằng mình là một thành viên Đảng Cộng Hòa và sẽ cân nhắc việc tranh cử vào các chức vụ công, với lý do căn bản là ông lo ngại rằng các thành viên Đảng Cộng Hòa theo chủ nghĩa biệt lập đang muốn rút khỏi NATO.
Không có bất kỳ sự tham gia hay chấp thuận nào từ ông, tên của ông Eisenhower vẫn được đưa vào cuộc bỏ phiếu sơ bộ ở tiểu bang New Hampshire vào tháng 03/1952 và giành chiến thắng dễ dàng. Một tuần sau, ông đã thua với cách biệt nhỏ trong cuộc bầu cử tại tiểu bang Minnesota với tư cách là ứng cử viên bổ sung.
Mãi đến ngày 04/06/1952, ông Eisenhower mới chính thức tuyên bố mình là một ứng cử viên. Một tháng sau đó, ông ấy đã vượt qua ông Taft trong Đại hội Đảng Cộng Hòa và sau đó tiếp tục đánh bại ứng viên Adlai Stevenson của Đảng Dân Chủ trong cuộc tổng tuyển cử.
Ông Eisenhower phục vụ hai nhiệm kỳ và là tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng Hòa trong chuỗi sáu thập niên của các chính quyền Đảng Cộng Hòa ủng hộ “chủ nghĩa quốc tế” — từ ông Nixon cho đến George W. Bush — kiên quyết bảo vệ và mở rộng các liên minh quốc tế, trong đó có NATO, vốn duy trì “trật tự dựa trên quy tắc” sau Đệ Nhị Thế chiến.
Bảy mươi hai năm sau đó, Đảng Cộng Hòa lại đối mặt với một tình huống tương tự.
Chỉ có điều là hiện nay, chính “những người theo chủ nghĩa quốc tế” mới là “những thành viên lão làng” và “những người theo chủ nghĩa biệt lập” — đặc biệt là trong số khoảng 40 thành viên của nhóm House Freedom Caucus — đang ngày càng thu hút sự chú ý tại Quốc hội dưới biểu ngữ “Nước Mỹ Trước tiên” theo hướng của ông Taft, biểu ngữ này được Tổng thống Donald Trump tái sử dụng trong chiến dịch tranh cử năm 2016, trong bốn năm tại vị và trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024 của ông.
Từ cuộc tranh luận sắp tới vào mùa thu này về ngân sách quốc phòng trị giá 886.3 tỷ USD được đề nghị giữa Thượng viện (phiên bản của Thượng viện bao gồm một nghị quyết tái xác nhận rằng chỉ có Quốc hội mới có thể bãi bỏ hiệp ước NATO) và Hạ viện (phiên bản của Hạ viện chứng kiến một số đề nghị sửa đổi rút khỏi liên minh này bị thất bại), đến các cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ năm 2024 của Đảng Cộng Hòa từ mùa hè tới mùa đông, thì sự chia rẽ giữa những người theo chủ nghĩa biệt lập và những người theo chủ nghĩa quốc tế, đặc biệt là liên quan đến NATO, sẽ là một chủ đề lặp đi lặp lại.
Chia rẽ đảng phái về vấn đề NATO
Mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh trong NATO gồm 31 thành viên — cùng với các cam kết của Hoa Kỳ theo Điều 5 trong Hiến chương NATO — đã trở thành một vấn đề ưu tiên kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 02/2022. Ukraine đã được chấp thuận sơ bộ tư cách thành viên NATO vào năm 2008 nếu quốc gia này đáp ứng một loạt điều kiện, bao gồm cả việc đáp ứng các tiêu chuẩn “pháp quyền”, nhưng chưa có lịch trình để tiến hành điều này.
Trừ các thành viên khu vực Baltic và Đông Âu, rất ít quốc gia trong liên minh ủng hộ Ukraine gia nhập NATO trong khi họ bị cuốn vào một cuộc chiến với Nga. Đó là quan điểm của chính phủ ông Biden và là sự đồng thuận phổ biến nhất của các đảng chính trị trong Quốc hội.
Kể từ cuộc xâm lược của Nga, quan điểm của người Mỹ về NATO đã liên quan đến việc duy trì ủng hộ cho Ukraine, mà quốc gia này đã được người đóng thuế ở Hoa Kỳ đóng góp 32 tỷ USD — một vấn đề gây tranh cãi lớn đối với nhiều người trong Quốc hội, họ cho rằng chính phủ Biden đã giải thích không thỏa đáng cho các cử tri rằng tại sao cuộc chiến của Kiev chống lại ông Vladimir Putin lại quan trọng đối với chính phủ này đến vậy.
Theo các cuộc khảo sát năm 2024 được NATO ủy quyền, Trung tâm Châu Âu Mới, Trung tâm Nghiên cứu Pew, và Gallup, bất chấp bối cảnh ở Ukraine, gần 2/3 người Mỹ tin rằng NATO có tầm quan trọng và Hoa Kỳ nên tiếp tục ở lại trong liên minh này.
Tuy nhiên, tất cả đều chỉ ra sự khác biệt giữa các đảng phái trong sự đồng thuận đó.
Theo Viện Nghiên cứu Pew, trong khi 62% người Mỹ có quan điểm “nghiêng” về NATO, thì người theo Đảng Dân Chủ tán thành với tỷ lệ chênh lệch 54% (76% tán thành so với 22% không tán thành) trong khi người theo Đảng Cộng Hòa chia đều, với 49% tán thành và không tán thành.
Cụ thể hơn, cuộc thăm dò tương tự của Viện Nghiên cứu Pew cho thấy hơn 60% người theo Đảng Dân Chủ tin rằng “việc chủ động trong các vấn đề thế giới là tốt nhất cho tương lai của đất nước chúng ta,” trong khi 39% còn lại cho rằng “chúng ta nên ít chú ý hơn đến các vấn đề ở hải ngoại và tập trung vào các vấn đề ở chính quê nhà.”
Con số gần như bị đảo ngược hoàn toàn khi các thành viên Đảng Cộng Hòa trả lời câu hỏi tương tự, với 71% cho rằng quốc gia nên tập trung vào các vấn đề trong nước và chỉ có 29% ủng hộ vai trò quốc tế tích cực của Hoa Kỳ.
Tranh luận về NATO trong Quốc hội
Ngay cả trước khi ông Trump xuất hiện và Nga xâm lược Ukraine, đã có nhiều nỗ lực lập pháp nhằm cắt đứt hoặc giảm bớt quan hệ của Hoa Kỳ với NATO nhưng thất bại.
Năm 2012, Hạ viện do Đảng Cộng Hòa điều hành đã thông qua một sửa đổi cho ngân sách quốc phòng của năm đó, hay Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), của Dân biểu Mike Coffman (Dân Chủ-Colorado) đề nghị nhằm loại bỏ tất cả các đội quân của Lục quân Hoa Kỳ đóng quân cố định ở châu Âu và thay thế họ với một lực lượng luân phiên. Sửa đổi này đã không được Thượng viện phê chuẩn và không được đưa vào NDAA.
Tháng 06/2017, sau khi ông Trump không cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ tuân thủ cam kết phòng thủ chung theo Điều 5 của Hiến chương NATO trong một hội nghị ở Brussels, Hạ viện đã thông qua một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 423 phiếu thuận-4 phiếu chống xác nhận cam kết đó.
Trong cuộc bỏ phiếu khác vào tháng 01/2019 với tỷ lệ 357 phiếu thuận-22 phiếu chống, Hạ viện đã thông qua một nghị quyết cấm sử dụng quỹ liên bang để rút khỏi NATO. Trong số 22 người không tán thành, tất cả đều là thành viên Đảng Cộng Hòa, 14 người trong đó là thành viên của nhóm House Freedom Caucus do Dân biểu Mark Meadows (Cộng Hòa-North Carolina) lãnh đạo.
Sau cuộc bỏ phiếu đó, Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky), đã viết trong một bài đăng trên Twitter — hiện đã đổi tên thành X, rằng ông phản đối nghị quyết này, “Thực ra tôi muốn gọi đó là ‘Đạo luật Cam kết Trung thành với NATO’.”
Trong các phiên điều trần về ngân sách quốc phòng năm 2024, và các hồ sơ đệ trình sửa đổi sau đó, Đảng Cộng Hòa đã đệ trình nhiều điều khoản tương lai bổ sung vào NDAA liên quan đến việc viện trợ Ukraine và duy trì tư cách thành viên trong NATO.
Đề nghị sửa đổi NDAA của Dân biểu Warren Davidson (Cộng Hòa-Ohio) vốn yêu cầu Tổng thống này rút Hoa Kỳ khỏi NATO vì nhiều thành viên không thực hiện các cam kết năm 2014, được nhắc lại vào năm 2022, để cam kết chi tối thiểu 2% Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của họ cho quốc phòng.
Ông Davidson nói trong một phiên điều trần trước Ủy ban Quy tắc: “Trong phần lớn của thập niên trước, nước Đức chỉ đóng góp khoảng 1% GDP của họ để tài trợ cho các cam kết của NATO, trong khi Hoa Kỳ đang chi khoảng 4% GDP của mình để bảo vệ các quốc gia NATO.”
Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia), người từng đệ trình năm bản sửa đổi NDAA nhằm tìm cách cắt giảm viện trợ tài chính của Hoa Kỳ cho Ukraine, cũng đã đệ trình một đề nghị bổ sung để tìm cách rút khỏi NATO.
Bản sửa đổi sắp tới của Dân biểu Chip Roy (Cộng Hòa-Texas) “thể hiện” quan điểm rằng “Hoa Kỳ không nên tiếp tục trợ cấp cho các quốc gia thành viên NATO nào không đầu tư vào quốc phòng của chính họ.”
Bản sửa đổi của ông khen ngợi các quốc gia như Estonia, Hy Lạp, Latvia, Lithuania, Ba Lan và Vương quốc Anh vì đã đáp ứng cam kết tối thiểu 2% GDP vào chi tiêu quốc phòng năm 2022, đồng thời “lên án” Croatia, Pháp, Slovakia, Romania, Hà Lan, Bắc Macedonia, Na Uy, Albania, Bulgaria, Ý, Đức, Hungary, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Montenegro, Cộng Hòa Séc, Canada, Slovenia, Bỉ, Tây Ban Nha, và Luxembourg vì đã không thực hiện như vậy.
Tất cả các đề nghị sửa đổi trên đều thất bại, kể cả đề xuất của ông Roy trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 218 phiếu chống-212 phiếu thuận phân chia theo đảng phái. Không một đề nghị nào trong số đó được NDAA tại Hạ viện thông qua trong cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 219-210 phân chia theo đảng phái.
Trong các cuộc thảo luận về ngân sách quốc phòng tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) đã đưa ra một sửa đổi để “bày tỏ ý kiến của Quốc hội, rằng Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không được thay thế yêu cầu theo Hiến Pháp trong đó Quốc hội cần tuyên bố chiến tranh trước khi Hoa Kỳ tham chiến”, nhưng đề nghị này đã thất bại trong cuộc phỏ phiếu với tỷ lệ 83 phiếu chống-16 phiếu thuận vào hôm 19/07.
Theo Điều 5, một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên NATO nào đều được coi là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên còn lại. Điều này mới chỉ được viện dẫn một lần — bởi Hoa Kỳ sau vụ tấn công khủng bố 11/09 năm 2001.
Tuy nhiên, Dự thảo luật NDAA của Thượng viện đã được thông qua trong cuộc bỏ phiếu có sự đồng thuận từ lưỡng đảng với tỷ lệ 86 phiếu thuận-11 phiếu chống và có chứa một sửa đổi liên quan đến NATO — một sửa đổi nhằm ủng hộ liên minh ngăn một tổng thống đơn phương hành động mà không cần sự đồng ý của Quốc hội.
Các đề nghị bổ sung, được Thượng nghị sĩ Tim Kaine (Dân Chủ-Virginia) và Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) ủng hộ, đã được thông qua hôm 19/07 với tỷ lệ 65 phiếu thuận-28 phiếu chống, sẽ ngăn chặn một tổng thống rút khỏi NATO mà không có sự chấp thuận với hai phần ba phiếu bầu của cả Thượng viện và Hạ viện bằng cách cấm sử dụng bất kỳ khoản tiền liên bang nào để thực hiện việc rút khỏi liên minh này.
Ông Kaine nói tại Thượng viện: “Trong chính phủ tiền nhiệm, đã có một câu hỏi được đặt ra đó là liệu một tổng thống có thể đơn phương rút khỏi NATO hay không.”
“Các đồng minh của chúng ta, những người lo lắng về các đời tổng thống khác nhau — rằng liệu chính sách này có thay đổi tùy theo ai là tổng thống cứ bốn năm một lần hay không? — sẽ xem tuyên bố ủng hộ này (việc thông qua đề nghị sửa đổi) của quốc hội là một sự đảm bảo rất, rất mạnh mẽ.”
NATO – Vấn đề chính trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng Hòa
Với tư cách là ứng cử viên năm 2016 và sau đó lên làm tổng thống, ông Trump đã trở thành thành viên Đảng Cộng Hòa đầu tiên thành công trong chiến dịch chỉ trích liên minh NATO, và là tổng thống đương nhiệm đầu tiên kể từ năm 1949 định rõ đặc điểm của NATO là một tổ chức ngoại quốc không cần thiết.
Ông ấy sẽ không từ bỏ lập trường đó trong chiến dịch tranh cử năm 2024 của mình. Thống đốc Florida Ron DeSantis và doanh nhân công nghệ sinh học Vivek Ramaswamy cũng đã chỉ trích liên minh này và tỏ ra do dự về việc có ở lại NATO hay không, điều này phản ánh lập trường chính trị “Nước Mỹ Trước tiên” của phái theo chủ nghĩa biệt lập .
Trong số 11 ứng cử viên tổng thống còn lại của Đảng Cộng Hòa, các “thành viên lão làng” của Đảng Cộng Hòa — phản ánh sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho NATO trong Thời đại của Reagan — được cựu Phó Tổng thống Mike Pence, cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina), và Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson đại diện.
Trong các tuyên bố trên trang web chiến dịch của mình, Agenda47, ông Trump nói rằng nếu tái đắc cử: “Rốt cuộc, chúng ta phải hoàn thành quá trình mà chúng ta đã bắt đầu dưới thời chính phủ của tôi về việc đánh giá lại một cách căn bản mục đích và sứ mệnh của NATO.”
Cựu tổng thống vẫn giữ lời cảnh báo của mình về việc rút khỏi NATO vì rất ít quốc gia thành viên chịu đóng góp đủ 2% GDP của họ [vào ngân sách của NATO], việc này đã khiến các quốc gia không thanh toán đúng hạn phải trả 400 tỷ USD cho các nghĩa vụ chưa đáp ứng.
Ông Trump, trong các bài diễn văn và các cuộc phỏng vấn trên truyền hình lặp đi lặp lại, cho biết ông sẽ tiếp tục rút Hoa Kỳ ra khỏi các thỏa thuận thương mại và hiệp ước không mang lợi ích cho nền tảng “Nước Mỹ Trước tiên” của ông, kể cả NATO.
Ông nói trong một tuyên bố trên Agenda47: “Những người theo chủ nghĩa toàn cầu này muốn phung phí toàn bộ sức mạnh, máu và tiền bạc của Hoa Kỳ, để đuổi theo những con quái vật và bóng ma ở hải ngoại — trong khi lại khiến chúng ta không nhận thấy sự tàn phá mà họ đang tạo ra ngay tại quê nhà.”
Ông DeSantis: Thống đốc đã nhiều lần đặt nghi vấn về cam kết phòng thủ chung của NATO đối với quốc phòng và — giống như chiến dịch của ông Taft vào 72 năm trước — đã đề nghị rằng tiền bạc và các nguồn lực cam kết cho châu Âu nên được sử dụng để ngăn chặn thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Nếu đắc cử, thống đốc cho biết ông sẽ yêu cầu tất cả các thành viên NATO đóng góp 2.5% GDP của họ cho quốc phòng, đặc biệt nếu một số thành viên NATO vẫn tiếp tục kinh doanh với Trung Quốc.
Thống đốc nói trong một tuyên bố tại một điểm dừng chiến dịch vào cuối tháng Sáu ở Hollis, New Hampshire: “Chúng ta không thể bảo đảm an ninh cho toàn bộ châu Âu trong khi họ không nhất thiết phải chia sẻ lợi ích giống chúng ta về vị thế của chúng ta ở Thái Bình Dương, đây là mối đe dọa quan trọng nhất mà chúng ta sẽ phải đối mặt với tư cách là một người Mỹ.”
“Có một số [thành viên NATO] như Anh và Ba Lan, họ hiểu điều đó và tôi nghĩ rằng họ đồng ý với chúng ta về điều đó. Nhưng còn có những nước khác như Pháp và Đức, họ nghĩ rằng việc thân thiện hơn với ông Tập [Cận Bình] mới là con đường đúng đắn, rằng Trung Quốc thực sự không phải là một mối đe dọa.”
Trong một bài bình luận ngày 06/06 trên tờ The Federalist, ông Ramaswamy, người lần đầu đứng ra tranh cử gây được nhiều ấn tượng trong quá trình vận động, đã nêu ra một kế hoạch mà ông cho rằng sẽ khiến NATO trở nên thừa thãi.
Theo đề nghị của ông, Hoa Kỳ và các nước trong NATO sẽ bãi bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga, khôi phục quan hệ ngoại giao và thương mại bình thường với Moscow “với các cam kết an ninh chung”, nhượng lại phần lớn khu vực Donbas của Ukraine cho Nga, rút toàn bộ quân đội và căn cứ ở Đông Âu, “quay trở lại thực tế tồn tại trước Hội nghị thượng đỉnh Warsaw vào tháng 07/2016” để đổi lấy việc ông Putin đồng ý chấm dứt liên minh quân sự với Trung Quốc và tham gia lại hiệp ước hạt nhân START.
Ông Ramaswamy nói vào hôm 02/07 tại Nashua, New Hampshire rằng “NATO đã mở rộng hơn rất nhiều sau khi Liên Xô sụp đổ so với khi Liên Xô còn tồn tại.”
“Mục đích thành lập của NATO là để giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Liên Xô, giờ đây trên thực tế, các bước mà tổ chức này thực hiện đang làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân với nước Nga hiện đại. Tôi tin rằng điều này không thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ và chúng ta nên lo ngại sâu sắc về sự mở rộng mạnh mẽ của NATO”.
Ông Scott nằm trong số 18 thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu ủng hộ bản sửa đổi của hai ông Kaine-Rubio và đồng bảo trợ cho một dự luật cùng với Thượng nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa-Wyoming) nhằm tăng cường an ninh năng lượng cho các thành viên NATO bằng cách cung cấp một giải pháp để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Dự luật Scott-Barrasso về Hợp tác An ninh Năng lượng với Các Đối tác Đồng minh ở Châu Âu (ESCAPE) cung cấp cho Tây Âu “năng lượng hiệu quả và bền vững của Hoa Kỳ. Ngoài ra, dự luật còn áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những bên tạo điều kiện cho sự phát triển các đường ống dẫn năng lượng của Nga,” theo tuyên bố của dự luật.
“Cho phép khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào của Hoa Kỳ giúp chúng ta độc lập hơn về năng lượng và củng cố an ninh quốc gia của chúng ta,” ông Scott nói trong một tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng sự viện trợ lâu dài cho liên minh NATO không đến “với một tấm chi phiếu trắng” và ông ủng hộ việc tăng cường “trách nhiệm đối với tất cả số tiền của [Hoa Kỳ, NATO] đang được chi tiêu, bất kể khoản nào.”
Ông Pence — người đã đến thăm Ukraine vào đầu chiến dịch tranh cử của mình cũng như duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với NATO ngay cả khi đang giữ chức phó tổng thống của ông Trump; Bà Haley, cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, cựu Dân biểu Will Hurd (Cộng Hòa-Texas) và cựu Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson, đều nằm trong số các ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa đã đưa ra các tuyên bố hoặc bình luận ủng hộ liên minh này.
Ông Hutchinson cho biết ông không chỉ ủng hộ việc kiểm toán các khoản tiền của Hoa Kỳ đã chi ở Ukraine, mà còn cả những đóng góp của quốc gia này cho NATO.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times