Phần Lan và Hoa Kỳ ký thỏa thuận quốc phòng bất chấp những lời cảnh báo từ Nga
Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen nói: “Bằng cách tấn công Ukraine, Nga đã phạm phải một sai lầm chiến lược nghiêm trọng.”
Phần Lan và Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng cho phép quân đội Hoa Kỳ quyền tiếp cận rộng đối với quốc gia Bắc Âu này.
Theo các quan chức, thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương (DCA) sẽ cho phép Hoa Kỳ nhanh chóng cung cấp quyền tiếp cận quân sự và viện trợ cho Phần Lan trong trường hợp xảy ra xung đột ở châu Âu.
Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Phần Lan Antti Hakkanen đã ký thỏa thuận vào hôm 18/12, ca ngợi văn kiện này là một bước nhảy vọt trong các vấn đề an ninh song phương.
Ông Blinken nói: “Hôm nay, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa các mối liên kết an ninh của mình bằng cách ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng.”
“Khi thỏa thuận này có hiệu lực, thì quân đội của hai nước chúng tôi sẽ có thể hợp tác ngày càng hiệu quả hơn. Các binh sĩ của chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn để huấn luyện cùng nhau và chúng tôi sẽ tăng cường khả năng hợp tác qua lại của NATO.”
Phần Lan chuẩn bị chống lại sự xâm lược của Nga một lần nữa
Phần Lan gia nhập liên minh quân sự NATO hồi đầu năm để đáp lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Nỗ lực gia nhập của quốc gia này đánh dấu một sự chuyển hướng rõ rệt khỏi hiện trạng trước đó, có thể báo hiệu sự suy giảm khả năng khai triển sức mạnh quốc tế của Nga.
Không giống như các quốc gia khác, Phần Lan đã tự vệ thành công trước nỗ lực xâm lược của Liên Xô vào năm 1939, mặc dù bị mất một số lãnh thổ trong cuộc xung đột này. Kể từ đó, nước này đã có chung đường biên giới dài khoảng 830 dặm (1,340 km) với Nga.
Đáng chú ý, quốc gia này phần lớn vẫn trung lập trong suốt Chiến Tranh Lạnh, không thể công khai phản đối trực tiếp chính sách của Liên Xô vì lo ngại cường quốc này trả thù, một hiện tượng mà ngày nay gọi là “Phần Lan hóa.”
Lịch sử đầy biến động đó và việc phá vỡ tiền lệ mới của Phần Lan là chủ đề của nhiều phép so sánh với Ukraine hôm 18/12.
Ông Blinken nói với ông Hakkanen: “Phần Lan biết rõ hơn ai hết rằng Ukraine đang phải đối diện với nguy cơ mất đi những gì.”
“Lịch sử của quý quốc cũng là một lời nhắc nhở về lý do tại sao điều quan trọng là tất cả chúng ta phải tiếp tục sát cánh cùng Ukraine, vì những kẻ chuyên quyền cố gắng vẽ lại biên giới của một quốc gia bằng vũ lực gần như chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó.”
Thỏa thuận DCA là một thỏa thuận song phương mang lại những lợi ích bổ sung cho Hoa Kỳ và Phần Lan ngoài những lợi ích liên quan đến tư cách thành viên NATO.
Thỏa thuận này cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận 15 căn cứ và các khu vực khác trên khắp Phần Lan, nơi quân đội Hoa Kỳ có thể lưu trữ các thiết bị quân sự và đạn dược.
Các khu vực được phép tiếp cận bao gồm bốn căn cứ không quân, một cảng quân sự, một khu huấn luyện ở Bắc Cực, và lối vào bằng đường sắt ở phía bắc Phần Lan, gần biên giới với Nga.
“Ngày nay, NATO đã lớn hơn, mạnh hơn, và đoàn kết hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử gần 75 năm của mình,” ông Blinken nói. “Và điều đó có một phần không nhỏ là nhờ vào sự gia nhập của Phần Lan.”
Hoa Kỳ mở rộng phạm vi quân sự ở châu Âu
Việc ký kết thỏa thuận DCA là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm mở rộng sự hiện diện ở châu Âu và mang lại sự ổn định trước các chế độ ngày càng thù địch ở Âu Á và Trung Đông.
Hoa Kỳ đã ký các thỏa thuận tương tự với Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Na Uy, Ba Lan, Slovakia, và Thụy Điển. Ông Blinken cho biết một DCA nữa sẽ được ký kết với Đan Mạch vào cuối tuần.
Ngoại trưởng Blinken nói: “Chúng tôi hiện có một mạng lưới các thỏa thuận hợp tác quốc phòng trải dài từ Bắc đến Nam Âu, từ Bắc Hải đến Hắc Hải, mang lại an ninh và ổn định cho người dân trên khắp lục địa này.”
Thụy Điển đã yêu cầu gia nhập NATO cùng với Phần Lan nhưng bị Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ từ chối. Hai quốc gia này vẫn duy trì mối bang giao với Nga và đã gửi công hàm phàn nàn về mối quan hệ với quốc gia Bắc Âu này về nhiều vấn đề ngoại giao.
Tuy nhiên, Phần Lan vẫn duy trì mối bang giao chặt chẽ với nước láng giềng Thụy Điển và đang nỗ lực nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt ở biên giới. Điều này sẽ giúp các đồng minh như Hoa Kỳ dễ dàng gửi quân tiếp viện và thiết bị đến khu vực.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng thỏa thuận DCA này sẽ tạo ra “nhiều vấn đề” trong khu vực và tuyên bố sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga dọc biên giới với Phần Lan nếu thỏa thuận đi vào hiệu lực.
Theo chính phủ Nga, họ có kế hoạch tổ chức lại các sư đoàn quân sự và khai triển thêm quân ở phía tây bắc để đáp lại điều mà họ xem là “tham vọng của NATO nhằm xây dựng tiềm năng quân sự gần biên giới Nga.”
Hiện tại Hoa Kỳ không có kế hoạch đặt căn cứ lâu dài ở Phần Lan, mặc dù DCA cho phép Hoa Kỳ hiện diện lâu dài tại quốc gia này.
Các quan chức cho biết, tương tự như vậy, Phần Lan sẽ không cho phép lưu trữ hoặc vận chuyển vũ khí hạt nhân và sinh học hoặc mìn sát thương trên hoặc qua lãnh thổ của mình, theo các hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân mà nước này đã ký kết trước đây.
Ngoại trưởng Phần Lan Elina Valtonen, người có mặt tại lễ ký kết DCA, đã ca ngợi thỏa thuận này là “một cột mốc quan trọng” sẽ đưa sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Phần Lan “lên một tầm cao mới.”
Bà nói rằng Nga đã tính toán sai lầm nghiêm trọng khi xâm lược Ukraine.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times