Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau khi các chỉ huy Azov của Ukraine được trả về nước
Điện Kremlin đang yêu cầu lời giải thích từ Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến quyết định gần đây của nước này về việc cho phép năm chỉ huy Tiểu đoàn Azov của Ukraine quay trở lại Kyiv, rõ ràng là vi phạm thỏa thuận trao đổi tù nhân trước đó.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các ký giả hôm 10/07 rằng: “Việc các chỉ huy Azov trở về vi phạm một thỏa thuận hiện có.”
“Chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đã bắt đầu nói chuyện về vấn đề này.”
Hôm 07/07, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến thăm Istanbul, tại đó ông đã gặp gỡ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Zelensky tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine hồi tháng 02/2022.
Tại cuộc họp báo chung diễn ra sau các cuộc hội đàm, ông Erdogan cho biết quan hệ của Ankara với Kyiv “mạnh mẽ hơn về mọi mặt, bất chấp tất cả những gì đã xảy ra.”
Trong một diễn biến khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên, ông Zelensky rời Istanbul vào ngày hôm sau cùng với 5 chỉ huy Tiểu đoàn Azov đã ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vài tháng qua.
Nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố trên Telegram rằng: “Chúng tôi đang trở về nhà từ Thổ Nhĩ Kỳ và đưa các anh hùng của chúng tôi về nhà.”
Năm ngoái (2022), năm chỉ huy này đã đầu hàng các lực lượng Nga sau khi Nga chiếm được Mariupol. Theo một cuộc trao đổi tù nhân sau đó do Ankara làm trung gian, họ được cho là sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi xung đột kết thúc.
Vào thời điểm đó, ông Zelensky nói rằng năm chỉ huy này sẽ ở lại “trong điều kiện thoải mái và dưới sự bảo vệ cá nhân của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi chiến tranh kết thúc.”
Hôm 08/07, sau khi rời Istanbul những chỉ huy Azov này đã được chào đón như những người hùng tại thành phố Lviv của Ukraine. Kể từ đó, năm người đàn ông này nói rằng họ dự định trở lại mặt trận để tham gia cuộc phản công đang diễn ra của Kyiv.
Thường bị buộc tội đi theo các hệ tư tưởng tân Quốc Xã, Tiểu đoàn Azov theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan bị cấm ở Nga.
Ông Peskov cho biết: “Chúng tôi chắc chắn sẽ tính đến tình hình hiện tại trong khi ký kết các thỏa thuận trong tương lai ở nhiều lĩnh vực khác nhau.”
Ông Zelensky vẫn chưa giải thích lý do tại sao năm chỉ huy này được phép trở lại Ukraine.
Ankara cũng không có bình luận chính thức nào về quyết định trả tự do cho những người đàn ông, trong hành động rõ ràng là vi phạm các điều khoản trao đổi tù nhân.
Theo phát ngôn viên Điện Kremlin, Moscow đã không được thông báo trước về sự việc này.
Ông mô tả việc các chỉ huy quay trở lại Ukraine là “vi phạm trực tiếp các điều khoản của những thỏa thuận hiện có.”
Hôm 09/07, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hakan Fidan, trong đó vấn đề này được cho là đã được thảo luận.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hai nhà ngoại giao hàng đầu nhấn mạnh sự cần thiết phải “duy trì và củng cố bản chất đáng tin cậy của mối bang giao giữa Moscow và Ankara.”
Theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Lavrov và ông Fidan đã thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và sáng kiến ngũ cốc ở biển Hắc Hải do Ankara làm trung gian, dự kiến sẽ hết hạn vào tuần tới.
Tuy nhiên, hãng thông tấn này không đề cập đến việc trao trả các chỉ huy Azov.
Cùng ngày, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan khẳng định rằng Hoa Thịnh Đốn không liên quan gì đến hành động bất ngờ này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông nói với các ký giả: “Chúng tôi không phải là một phần của việc này và không có quyền bình luận về những gì mà ông Erdogan đang cố gắng thực hiện thông qua nó.”
Nghiêng về NATO
Trong một diễn biến bất ngờ khác hôm 10/07, ông Erdogan đã loại bỏ sự phản đối lâu nay của đất nước ông đối với nỗ lực kéo dài nhiều tháng của Thụy Điển để được gia nhập liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước khi gia nhập NATO, các ứng viên phải được tất cả các thành viên hiện có của liên minh này chấp thuận. Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO năm 1952.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ này đã đưa ra thông báo sau khi ông đến Vilnius, Lithuania, nơi hiện đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO mang tính bước ngoặt.
Đáng chú ý, trong cuộc gặp hôm 07/07 với ông Zelensky tại Istanbul, ông Erdogan từng nói rằng Ukraine cũng “xứng đáng” được trở thành thành viên của NATO.
Ông Zelensky đã bày tỏ hy vọng rằng, tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, đất nước của ông sẽ được mời tham gia liên minh này. Tuy nhiên, một vài trong số 31 thành viên hiện tại của NATO được cho là lo ngại rằng một quyết định như vậy sẽ có nguy cơ leo thang chiến tranh hơn nữa với Moscow.
Đáp lại sự ủng hộ đã nêu của ông Erdogan đối với nỗ lực gia nhập NATO của Kyiv, ông Peskov tuyên bố rằng “rất nhiều áp lực đã được đặt lên Thổ Nhĩ Kỳ” trước hội nghị thượng đỉnh.
Hôm 08/07, ông nói với hãng thông tấn Sputnik của Nga rằng: “Tất nhiên, bản thân Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, sẽ thể hiện tình đoàn kết của họ với Liên minh Bắc Đại Tây Dương.”
“Chúng tôi hiểu rất rõ điều này.”
Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine hồi đầu năm ngoái, thì Thổ Nhĩ Kỳ — không giống với các nước đồng minh NATO — đã tìm cách duy trì một mức độ trung lập.
Trong khi Ankara lên án cuộc xâm lược ngay từ đầu, thì họ cũng từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt Moscow do phương Tây dẫn đầu.
Dưới thời ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì mối quan hệ tương đối tốt đẹp với Nga, quốc gia có quan hệ thương mại rộng rãi và chia sẻ chung một đường biên giới dài trên biển với họ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times