Tổng thống Philippines cảnh báo ĐCSTQ về các cuộc xung đột trên Biển Đông
Hôm thứ Sáu (31/05), Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã nghiêm khắc cảnh báo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng trong cuộc xung đột ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, nếu có một người Philippines bị thiệt mạng thì điều đó có nghĩa là “gần như khẳng định” [ĐCSTQ] đã vượt qua lằn ranh đỏ và tiến “rất gần” đến hành vi chiến tranh theo định nghĩa của Philippines.
Trong khi trình bày tại Hội nghị Đối thoại Shangri-La, ông Marcos Jr. được hỏi rằng, nếu vòi rồng của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc khiến một thủy thủ Philippines thiệt mạng thì liệu điều đó có nghĩa là đã vượt qua “lằn ranh đỏ” hay không, và trong tình huống nào thì Philippines sẽ viện dẫn “Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines.”
Ông Marcos Jr. trả lời rằng, nếu có một người Philippines thiệt mạng do hành vi có chủ ý, điều này sẽ “nâng cao mức độ phản ứng (của Philippines)” và đã “rất, rất gần với hành vi chiến tranh theo định nghĩa của chúng tôi.”
Ông nói thêm: “Tôi tin rằng đối tác theo hiệp ước của chúng tôi cũng có tiêu chuẩn tương tự.”
Ông Marcos Jr. cho biết: “Chúng tôi đã gặp phải các sự kiện gây tổn hại, nhưng tạ ơn Chúa, chúng tôi chưa đi đến tình trạng có bất kỳ người tham dự nào, thường dân hoặc người khác, bị thiệt mạng.” Điều ông đề cập đến chính là các cuộc xung đột trên biển ngày càng căng thẳng với tàu Hải cảnh của ĐCSTQ.
“Nhưng một khi đi đến mức độ đó (có người thiệt mạng)… chắc chắn chúng tôi quyết sẽ làm tới cùng. Nếu điều xảy ra thì đó có phải là một lằn ranh đỏ không? Gần như có thể khẳng định, đó sẽ là một lằn ranh đỏ,” ông nói.
Sự xung đột giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Cuối tháng 03/2024, tàu Hải cảnh ĐCSTQ đã sử dụng vòi rồng tấn công một tàu Philippines đang đi đến Bãi cạn Second Thomas Shoal (còn gọi là Bãi Cỏ Mây, Ayungin), khiến ba thủy thủ Philippines bị thương. Cũng vào đầu tháng Ba, lực lượng Hải cảnh ĐCSTQ bị cáo buộc dùng vòi rồng tấn công, khiến bốn thủy thủ Philippines bị mảnh kính vỡ làm bị thương.
Mặc dù Bãi cạn Second Thomas nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn nhưng ĐCSTQ vẫn tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và vẫn khai triển tàu Hải cảnh tuần tra ở đây, ngăn chặn Philippines tiếp tế cho binh lính trên một tàu đổ bộ mắc cạn trong Đệ nhị Thế chiến.
Việc Trung Quốc và Philippines gia tăng xung đột đã đẩy ông Marcos Jr. xích lại gần Hoa Kỳ hơn. Ngoại giới lo ngại rằng, cuộc xung đột ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines có thể dẫn đến sự kiện nghiêm trọng, khiến Philippines phải viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines đã thỏa thuận với Hoa Kỳ, từ đó biến cuộc xung đột Trung Quốc-Philippines thành một cuộc xung đột rộng hơn.
Tháng 03/2024, Cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ John Aquilino đã nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng, hành vi khiêu khích quân sự của ĐCSTQ làm tăng nguy cơ xung đột ở Philippines và trong khu vực xung quanh.
Ông Aquilino cho biết Philippines là đồng minh quân sự lâu năm và là đối tác của Hoa Kỳ theo hiệp ước. Nếu bất kỳ cuộc tấn công nào của ĐCSTQ nhằm vào các tàu công vụ hoặc phi cơ của Philippines ở Biển Đông dẫn đến bất kỳ người nào thiệt mạng thì Philippines có thể viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines.
Ông Aquilino nói: “Nếu một thủy thủ, binh sỹ, hoặc thành viên của Philippines bị thiệt mạng thì họ có thể viện dẫn Điều 5 của Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines. Điều này sẽ đặt các nhà hoạch định chính sách của chúng tôi phải đối diện với những lựa chọn thực sự khó khăn.”
Trong bài diễn thuyết hôm thứ Sáu, ông Marcos Jr. đã trích dẫn các hiệp ước bao gồm điều ước trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Công ước này tạo ra khung pháp lý cho tất cả các hoạt động về biển và trên biển.
Tổng thống Philippines cho biết, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng xác định rõ ranh giới vùng biển của các quốc gia, và đã định nghĩa về phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán của các quốc gia đối với những vùng biển đó. Ông nhấn mạnh rằng Philippines “nỗ lực có ý thức để bảo đảm rằng định nghĩa về lãnh thổ và vùng biển của chúng tôi phù hợp với phạm vi mà luật pháp quốc tế cho phép và công nhận.”
Ông Marcos Jr. nói: “Nỗ lực của chúng tôi tương phản rõ rệt với các hành động tùy tiện nhằm thúc đẩy các yêu sách quá đáng và vô căn cứ bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa, và lừa dối.” Rõ ràng ông đang ám chỉ ĐCSTQ đang thường xuyên gây xung đột với Philippines ở Biển Đông.
Ông Marcos Jr. cho biết, Philippines đang bảo vệ sự toàn vẹn của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển như một bản Hiến Pháp về biển. Philippines xác định lãnh thổ và vùng biển của mình theo cách “phù hợp với tư cách là một thành viên có trách nhiệm và tuân thủ pháp luật của cộng đồng quốc tế.”
Ông nói: “Chúng tôi đã đệ trình các yêu sách [chủ quyền] của mình ra trước các học giả luật hàng đầu thế giới để được xem xét một cách chặt chẽ về mặt pháp lý. Do đó, các ranh giới mà chúng tôi vạch ra trên vùng biển không phải xuất phát từ trí tưởng tượng của chúng tôi mà là từ luật pháp quốc tế.”
Ông nói: “Trên cương vị tổng thống, từ ngày đầu tiên nhậm chức, tôi đã đưa ra cam kết trang trọng này, và tôi không có ý định nhượng bộ, người dân Philippines sẽ không nhượng bộ.”