Tổng thống Nga Putin xác nhận sẽ tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 5
‘Tôi nghĩ không có lựa chọn nào khác,’ ông nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận rằng ông sẽ tranh cử tổng thống vào tháng Ba năm sau.
Ông Putin, người đưa ra tuyên bố này tại lễ phong tặng huân chương cho cựu chiến binh trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ năm với tư cách là tổng thống Nga.
“Tôi đã có những suy nghĩ khác nhau vào những thời điểm khác nhau, nhưng bây giờ là lúc đưa ra quyết định,” ông nói, trả lời câu hỏi do một cựu chiến binh được tặng thưởng huân chương đặt ra.
“Tôi nghĩ không có lựa chọn nào khác,” ông nói thêm trong những lời nhận xét được phát trên sóng truyền hình quốc gia.
“Đó là lý do tại sao tôi dự định tranh cử vị trí tổng thống,” ông Putin khẳng định tại buổi lễ quân sự được tổ chức tại Hội trường Georgievsky của Điện Kremlin hôm 08/12.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ cho phép nhà lãnh đạo lâu năm, người lần đầu trở thành tổng thống vào năm 1999 này tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2030.
Một ngày trước tuyên bố bất ngờ của ông, Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) đã bỏ phiếu để ấn định việc tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 17/03 năm sau (2024).
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matviyenko cho biết: “Với quyết định này, chu kỳ bầu cử đã chính thức bắt đầu.”
Theo Hội đồng Liên bang, cơ quan chịu trách nhiệm ấn định ngày bầu cử, người chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ chính thức nhậm chức vào tháng Năm.
Cho đến nay, không có nhân vật chính trị nào khác của Nga công bố kế hoạch tranh cử.
Theo các nguồn tin chính thức của Nga, ông Putin nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong công chúng, với tỷ lệ tán thành thường lên tới 80%.
The Epoch Times không thể kiểm chứng một cách độc lập mức độ tín nhiệm của ông Putin, điều mà những người chỉ trích ông — cả trong và ngoài nước — cho là đã bị thổi phồng.
Ông Putin đặt mục tiêu đạt được nhiệm kỳ thứ 5
Ông Putin, 71 tuổi, lần đầu tiên được ông Boris Yeltsin bổ nhiệm làm quyền tổng thống vào ngày cuối cùng của năm 1999.
Ông Yeltsin, nhà lãnh đạo đầu tiên của quốc gia hậu Xô Viết, giữ chức tổng thống Nga từ năm 1991 đến năm 1999, đã chọn ông Putin làm người kế nhiệm.
Năm 2000, ông Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với 53% số phiếu bầu. Ông đã dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử năm 2004 với 71% tổng số phiếu bầu.
Ông Dmitry Medvedev sau đó đảm nhận chức tổng thống sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, trong khi ông Putin đảm nhận chức thủ tướng.
Là đồng minh thân cận của Putin, ông Medvedev hiện giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga.
Ông Putin trở lại vị trí tổng thống vào năm 2012 sau khi giành được gần 64% số phiếu bầu.
Cuộc bầu cử tiếp theo được tổ chức vào năm 2018 sau khi bản Hiến Pháp sửa đổi đã kéo dài thời hạn nhiệm kỳ của tổng thống từ bốn năm lên sáu năm.
Ông Putin cũng đã thắng cuộc bầu cử đó — vượt qua bảy ứng cử viên khác — với gần 77% số phiếu bầu.
Ông Pavel Grudinin, ứng cử viên Đảng Cộng sản Nga, đứng thứ hai với chỉ 13%.
Theo các nguồn tin chính thức, tổng số cử tri đi bầu là 67.5%.
Sau cuộc thăm dò năm 2018, phái đoàn nhân quyền của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tuyên bố rằng các ứng cử viên đã có thể “vận động tranh cử tự do.”
Tuy nhiên, họ nói thêm, “việc đưa tin rộng rãi và không có nội dung phê phán đối với người đương nhiệm [ông Putin] trên hầu hết các phương tiện truyền thông đã dẫn đến một sân chơi không bình đẳng.”
Dân số Nga hiện nay ở mức khoảng 145 triệu người, trong đó có khoảng 110 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu.
Năm 2020, Hiến Pháp một lần nữa đã bị sửa đổi để cho phép các tổng thống được bầu giữ chức vụ hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Các khu vực bị Nga sáp nhập sẽ tham gia bỏ phiếu
Theo bà Matviyenko, cư dân của Donetsk, Luhansk, Kherson, và Zaporizhzhya sẽ lần đầu tiên tham gia vào cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Bà Matviyenko nói: “Cùng nhau lựa chọn một nguyên thủ quốc gia tức là chúng ta đang chia sẻ đầy đủ trách nhiệm chung và vận mệnh chung của tổ quốc chúng ta.”
Tháng Chín năm ngoái, Nga đã thực sự sáp nhập bốn khu vực của Ukraine và hiện xem đó là lãnh thổ của Liên bang Nga.
Hành động này diễn ra sau các cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ở cả bốn khu vực, trong đó đa số người dân đã bỏ phiếu gia nhập Nga, theo các nguồn tin từ người Nga và những người thân Nga.
Về phần mình, Ukraine và các đồng minh phương Tây bác bỏ tính hợp pháp của các cuộc trưng cầu dân ý và xem việc sáp nhập của Nga là hành vi chiếm đoạt lãnh thổ bất hợp pháp và vô cớ.
Với sự trợ giúp của hầu hết các thủ đô phương Tây, Kyiv tuyên bố sẽ giành lại bốn khu vực đã mất bằng vũ lực.
Kyiv và các đồng minh phương Tây cũng đề nghị Nga trả lại Bán đảo Crimea, nơi nước này đã sáp nhập hồi năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý tương tự.
Quân đội Nga đã xâm lược miền đông Ukraine hồi tháng Hai năm ngoái. Họ vẫn kiểm soát hầu hết bốn khu vực mới được sáp nhập gần đây, cũng như Crimea.