Chiến tranh Ukraine cũng là một cuộc chiến đổ máu vì dầu
Cuộc chiến xâm lược Ukraine của ông Vladimir Putin là một nỗ lực dữ dội để tập hợp thành một Đế quốc Nga thế kỷ 21. Đó cũng là cuộc chiến vì dầu mỏ — hay chính xác hơn, là một cuộc chiến để chiếm nguồn năng lượng dự trữ của Ukraine.
Các đế chế Sa hoàng và cộng sản Liên Xô phần lớn từng là những cơ cấu hầu như tự cung tự cấp, sở hữu các nguồn tài nguyên và dân số hàng triệu người vốn dĩ cần thiết để xây dựng các lực lượng quân sự hùng mạnh. Tuy nhiên, khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, đế chế của Điện Kremlin đã mất đi khoảng một nửa dân số cũng như nguồn lương thực và các nguồn tài nguyên năng lượng quan trọng.
Nga, Ukraine, Belarus, và Kazakhstan (tôi tạm viết tắt là RUBK) có các tài nguyên địa chiến lược để bảo đảm vị thế Siêu Cường toàn cầu. Tôi nghĩ rằng hình thế địa chính trị đã là mục tiêu của ông Putin kể từ năm 2004.
Nga và Kazakhstan là các cường quốc về năng lượng. Tuy nhiên, Ukraine mới là mảnh ghép quan trọng của RUBK: dân cư người Slav, sản xuất lương thực hàng đầu thế giới (đặc biệt là ngũ cốc) và, tất nhiên còn bao gồm các nguồn năng lượng, như than đá, dầu mỏ, và khí đốt tự nhiên.
Hãy nhớ lại ba thập niên trước. Quý vị có nhớ rằng những nhà phê bình chống Mỹ từng tuyên bố hành động chống lại cuộc xâm lược Kuwait của nhà độc tài Iraq Saddam Hussein là ngụy trang tuyên truyền của chủ nghĩa đế quốc để chiếm các mỏ dầu thay mặt cho các công ty dầu mỏ phương Tây không? Đổ máu vì dầu. Những kẻ lập dị than vãn này đã đưa ra lời buộc tội đó cho đến tận năm 2009, khi ông Barack Obama trở thành tổng thống.
Đến năm 2023, chính phủ Iraq một lần nữa đã kiểm soát lại các mỏ dầu và khí đốt của mình.
Tuy nhiên, Điện Kremlin của ông Putin cũng thoát khỏi sự chỉ trích khi tiến hành chiến tranh để chiếm các nguồn tài nguyên.
Các sự kiện thực tế cho thấy rằng ông Putin đã phạm tội. Ukraine đứng thứ sáu thế giới về trữ lượng than đá. Ở phương Tây, phe cấp tiến ủng hộ chống biến đổi khí hậu đã chỉ trích việc sử dụng than — rằng than đang hủy hoại Mẹ Trái đất. Một cuộc kiểm tra số liệu thống kê chính xác về việc sử dụng than và ô nhiễm cho thấy hai quốc gia độc tài Nga và Trung Quốc đã đốt hàng tấn than đá gây ô nhiễm và bỏ tù những ai dám chỉ trích. Người ta tự hỏi liệu họ có tài trợ cho những người chống biến đổi khí hậu kia không.
Về phần Ukraine: khu vực Donbas (Vùng Than đá Donetsk) có trữ lượng than nhiều nhất Ukraine. Đó là miền đông của Ukraine — nơi mà Nga tuyên bố là lãnh thổ của dân tộc Nga và hiện đang quyết liệt bảo vệ.
Liệu phe cấp tiến khí hậu có cáo buộc Nga đã gây đổ máu vì than hay không? Chúng tôi biết họ sẽ không làm vậy. Nhưng hiện tại, Nga đang đổ máu để bảo vệ các mỏ than mà đội quân xâm lược của họ chiếm được.
Đổ máu vì dầu: Ukraine có trữ lượng dầu và khí đốt ở lưu vực Dnieper-Donetsk. Thật vậy, những khu vực bị Nga chiếm đóng này là vùng đất rất có giá trị về năng lượng.
Ukraine có sản lượng dầu khí ngoài khơi Hắc Hải và các khu khai thác ngoài khơi có thể nói là khá lớn. Một ước tính từ năm năm trước cho biết thềm lục địa ở Hắc Hải của Ukraine có thể chứa hơn hai ngàn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên.
Tuy nhiên, khoảng 65% các mỏ khí đốt của Ukraine trong Vùng Đặc quyền Kinh tế Hắc Hải (EEZ) lại nằm ngoài khơi bờ biển Crimea.
Đổ máu vì khí đốt: Điện Kremlin đã xâm chiếm Crimea và đến năm 2014 thì sáp nhập vùng này.
Trên toàn thế giới, nhiều nhà ngoại giao và nhà bình luận ưu tú cho rằng để đạt được một thỏa thuận hòa bình thì Ukraine nên để Nga giữ lại Crimea.
Cách thức hòa bình đơn giản đó không giải quyết được hành vi trộm cắp tài nguyên trong cuộc chiến của ông Putin.
Nếu các báo cáo gần đây về các hoạt động ở Hắc Hải của Ukraine là đúng thì vào tháng 08 và tháng 09/2023, Ukraine đã bắt đầu các chiến dịch để phản đối việc Nga chiếm đóng bất hợp pháp vùng đặc quyền kinh tế của mình ở Hắc Hải.
Một số nguồn tin truyền thông đưa tin rằng các lực lượng đặc nhiệm của Ukraine đã đoạt lại ít nhất bốn giàn khoan dầu khí ngoài khơi Hắc Hải bị Nga chiếm. Những bản tin thú vị nhất đến từ tạp chí “Offshore Oil and Gas” và trang web “OGV Energy” (một trang tin tức năng lượng của Anh quốc).
Trong một loạt các hoạt động nhỏ của lực lượng đặc nhiệm, quân đội Ukraine đã chiếm lại được một số giàn khoan ngoài khơi. Trong số đó có hai giàn khoan nằm trong khu vực cách cảng Odessa 70 km (43.9 dặm) về phía nam: Petro Godovalets (còn gọi là B312) và Ukraine (B319). Hai giàn khoan khác, Tavrida và Syvash, có vẻ đã neo đậu gần bờ biển Crimea hơn.
Nga đã trang bị cho cả bốn giàn khoan này các bãi đáp trực thăng, radar, và thiết bị trinh sát điện tử. Không, mấy giàn khoan này không khoan hay khai thác gì nữa, mà Nga cũng không thể sử dụng chúng được nữa. Chúng đã trở thành các căn cứ hoạt động tiền phương cho Ukraine — có lẽ để thực hiện các cuộc không kích bằng phi cơ không người lái (drone) vào thành phố Sevastopol.
Những cuộc tấn công ngoài khơi nói trên của Ukraine khiến tôi có ấn tượng mạnh bởi rất giống với các chiến dịch do lực lượng SEALS của Hải quân Hoa Kỳ thực hiện hồi tháng 03/2003 khi họ chiếm hai kho dầu Al Basrah Oil Terminal (ABOT) và Khawr Al Amaya Oil Terminal (KAAOT) của Iraq ở phía bắc Vịnh Ba Tư.
Tôi đã đến thăm ABOT hồi năm 2005. Những lỗ đạn và vết bom đạn dọc các lối đi bằng kim loại hệt như mê cung mang lại cho giàn khoan này cảm giác như đang ở thời hậu tận thế.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times