‘Tôi vẫn chưa xong với việc này’: Nghị sĩ Arizona cam kết tiếp tục chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức sau khi dự luật bị phủ quyết
Dự luật đã được thông qua ở cả hai viện của Cơ quan Lập pháp tiểu bang đồng thời thu thập được cả sự ủng hộ của các công ty bảo hiểm y tế — để rồi bị gạt đi trên bàn của thống đốc.
Mọi chuyện tưởng chừng như đã tiến gần đến thành công. Dự luật của Arizona nhằm ngăn chặn tiểu bang tài trợ cho hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức do Bắc Kinh bảo trợ — đã được cả hai viện của Cơ quan lập pháp Arizona thông qua với sự ủng hộ của các công ty bảo hiểm y tế — để rồi cuối cùng bị gạt đi ngay trên bàn làm việc của thống đốc.
Người bảo trợ chính của dự luật, Dân biểu tiểu bang Leo Biasiucci, cho biết quyết định này khiến ông kinh ngạc đến mức ông phải chật vật để tìm kiếm những ngôn từ thích hợp.
“Thậm chí tôi không biết phải nghĩ gì nữa,” ông nói với The Epoch Times. “Thật đáng buồn khi nghĩ rằng chúng ta thậm chí không thể thông qua dự luật khẳng định là chúng ta sẽ không tham gia vào những tội ác ghê tởm này.”
Ngành công nghiệp tội phạm sát nhân để lấy nội tạng ở Trung Quốc, đối xử tàn nhẫn các tù nhân lương tâm như những học viên của môn tu luyện Pháp Luân Công bị đàn áp, đã thu hút bệnh nhân trên toàn thế giới bằng cách cung cấp thời gian chờ ngắn đến mức không thể tưởng tượng nổi — đôi khi chỉ là trong vài ngày.
Ba tiểu bang đã ban hành văn bản luật quy định rõ ràng rằng cư dân của họ không được tham gia vào hành vi khủng khiếp này, bao gồm cả đạo luật gần đây nhất của tiểu bang Idaho. Thống đốc Idaho đã ký ban hành một luật như vậy vào hôm 10/04, cùng ngày Thống đốc Katie Hobbs tiến hành phủ quyết đối với phiên bản dự luật của tiểu bang Arizona.
Bà Hobbs khẳng định rằng các quyết định của bà chỉ tập trung vào một mục trong luật về việc ngăn chặn các tổ chức chăm sóc sức khỏe và cơ sở nghiên cứu sử dụng các thiết bị đặt tại Trung Quốc để xác định trình tự gene, cũng như ngăn các công ty bảo hiểm tài trợ cho hành động như vậy.
Bà viết trong lá thư phủ quyết rằng: “Mặc dù tôi hiểu ý định của dự luật, nhưng trong đó bao gồm các điều khoản quá rộng đối với thiết bị xác định trình tự gene, tạo ra những thách thức về tuân thủ đối với các bệnh viện, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và nhà nghiên cứu.”
Ông Biasiucci không đồng thuận.
Ông nói: “Chúng ta không muốn DNA của mình bị bán cho chính quyền Trung Quốc, vì đã biết rằng họ đang thực hiện những gì mà họ đang làm với việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Tập đoàn Trung Quốc có liên kết với quân đội BGI, nơi vận hành ngân hàng gene do nhà nước tài trợ, hiện dẫn đầu thế giới về giải trình tự gene, thu thập DNA của thai phụ và thai nhi trên toàn thế giới thông qua xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng những dữ liệu cá nhân như vậy rất giá trị cho cả mục đích giám sát và cấy ghép nội tạng.
Ông Biasiucci đặt câu hỏi, nếu các bệnh viện và trường đại học đang sử dụng máy móc của các địch thủ ngoại quốc theo những cách mà họ không nên làm, thì “không phải trách nhiệm của chúng ta là ngừng sử dụng” những thiết bị này sao?
‘Thật quá thất vọng’
Ông Biasiucci không phải là người duy nhất cảm thấy buồn lòng.
“Chứng kiến sự việc diễn ra theo chiều hướng này — sau tất cả những sửa đổi, mọi thứ đã xảy ra, để rồi đột nhiên bị phủ quyết như thế. Thật quá thất vọng,” bà Diana Molovinsky đến từ Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp thành phố Phoenix, một trong những người thúc đẩy thông qua dự luật, nói với The Epoch Times.
“Đa số các nhà lập pháp đều muốn dự luật này được thông qua. Và tôi dám chắc rằng người dân Arizona cũng muốn dự luật này được thông qua.”
Bà chia sẻ thêm rằng sau khi các bác sĩ biết về vấn đề này, họ đã tìm kiếm lời khuyên từ hiệp hội về việc họ có thể làm gì để giúp đỡ.
“Chúng tôi hy vọng rằng dự luật này sẽ mang lại cho các bác sĩ công cụ đó.”
Hồi tháng Ba, bà Molovinsky đã trình bày tại một phiên điều trần của ủy ban Thượng viện tiểu bang về việc Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định ôn hòa dạy cho người học cách trau dồi đạo đức nội tâm thông qua việc sống chiểu theo các giá trị chân, thiện, và nhẫn, đã trở thành mục tiêu đàn áp của đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc như thế nào.
“Họ không sử dụng ma túy, không hút thuốc, không uống rượu, và nói chung là có lối sống lành mạnh,” bà cho hay, đồng thời nói thêm rằng việc pháp môn này có nhiều học viên, với số lượng ước tính lên tới 100 triệu, có nghĩa là các học viên là nguồn “nội tạng dồi dào nhất và khả thi nhất” ở Trung Quốc.
Trong cùng phiên điều trần, cô Ding Huiling, một cư dân thành phố Phoenix, người nhiều lần bị bắt và giam giữ ở Trung Quốc vì là một học viên Pháp Luân Công, cho biết em trai của chồng cô đã bị chính quyền bắt bớ cách đây nhiều tháng vì không chịu từ bỏ đức tin, và anh đã mất tích kể từ đó. Cô lo lắng cho sự an toàn của anh ấy.
Còn anh John Chu (John Zhu) ở Tucson thì nói về cha mình, một kỹ sư Trung Quốc thành đạt hiện đang bị giam cầm trong nhà tù Trung Quốc vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong lần bị giam cầm trước đó từ năm 2017 đến năm 2019, cha của anh Chu đã phải xét nghiệm máu và làm các kiểm tra sức khỏe khác, điều mà các tù nhân khác không phải trải qua.
Anh nói: “Người ta ghen tị với ông ấy vì sự đối xử đặc biệt mà ông ấy nhận được dưới danh nghĩa kiểm tra sức khỏe, nhưng chúng tôi biết rằng đó thực sự là nhằm mục đích để ghép tạng.”
“Rất nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến thiệt mạng ở Trung Quốc, bao gồm cả những người bị thu hoạch nội tạng khi họ vẫn còn sống,” anh nói với các nhà lập pháp tiểu bang. “Cha tôi có thể trở thành nạn nhân như vậy vào một ngày nào đó.”
Tiếp tục cố gắng
Cả ông Biasiucci và bà Molovinsky đều ước gì thống đốc cho họ biết trước về những lo ngại của bà về dự luật.
“Chúng tôi khá bất ngờ với lá thư phủ quyết này,” ông Biasiucci nói. “Quý vị hy vọng người ta sẽ liên lạc với quý vị trong quá trình dự luật được chuyển đến cơ quan lập pháp để ít nhất quý vị có thể giải quyết các vấn đề và khắc phục mọi thắc mắc có thể xảy ra với dự luật. Thật không may, chúng tôi đã không có điều đó trong dự luật này.”
Với việc cơ quan lập pháp tiểu bang không chấp nhận bất kỳ đệ trình dự luật nào cho đến tháng 01/2025, những người đề xướng dự luật phải đợi gần một năm nữa trước khi họ có thể thử lại một lần nữa.
Văn phòng thống đốc tiểu bang Arizona đã không phúc đáp các câu hỏi của The Epoch Times vào thời điểm phát hành bản tin này.
Bà Molovinsky cho biết thật đáng thất vọng khi giờ đây người dân Arizona đã mất đi cơ hội được “có nhiều thông tin hơn và đưa ra lựa chọn tốt hơn,” bởi vì đối với bất kỳ ai đến Trung Quốc để phẫu thuật cấy ghép nội tạng, “quý vị không biết nội tạng đó đến từ đâu, quý vị không biết liệu có một người nào đó phải bị sát hại vì ca cấy ghép đó hay không.”
Các nhân chứng nói với The Epoch Times rằng họ đã chứng kiến những sự việc như thế xảy ra.
Nhưng bà Molovinsky cũng thấy được mặt tích cực. Bà cho biết nhờ dự luật này mà các nhà lập pháp Arizona đã biết đến hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
“Bây giờ thì họ hiểu rằng đây là một điều gì đó đang diễn ra, đây không phải là một tin đồn, cũng chẳng phải là một vài bác sĩ ở một con hẻm nào đó trở nên bấn loạn, mà là một việc làm được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn.”
Bản thân ông Biasiucci đã trải qua quá trình chuyển đổi tâm lý như vậy khi lần đầu tiên ông bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này.
“Đó là một trong những điều mà tôi nghĩ thật quá tàn ác và không ai muốn tin rằng việc đó đang diễn ra,” ông nói.
Ông cho biết bước tiếp theo của ông là liên lạc với thống đốc và tìm hiểu xem điều gì sẽ khiến bà ấy tham gia.
Sự thiếu quan tâm là lý do tại sao ông thấy việc đưa dự luật này trở thành luật là quan trọng: ông nói, ít nhất thì việc này mang lại việc đưa tin trên các hãng truyền thông và giúp nâng cao nhận thức của công chúng.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times