Tối cao Pháp viện ra phán quyết đồng thuận: Cựu TT Trump sẽ tiếp tục có tên trên lá phiếu
Một ngày trước Siêu Thứ Ba (Super Tuesday), Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết rằng các tiểu bang không thể thực thi Mục 3 để loại bỏ một ứng cử viên tổng thống.
Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết rằng cựu Tổng thống (TT) Donald Trump không thể bị loại khỏi cuộc bỏ phiếu ở từng tiểu bang, qua đó đảo ngược quyết định của Tòa án Tối cao Colorado rằng ông không đủ tư cách làm một ứng cử viên và bị loại khỏi cuộc bỏ phiếu tiểu bang theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14.
“[T]rách nhiệm thực thi Mục 3 đối với các ứng cử viên và quan chức liên bang thuộc về Quốc hội chứ không phải các Tiểu bang. Do đó, phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado không thể có hiệu lực,” lệnh vắn tắt này viết. “Tất cả chín thành viên của Pháp viện đều đồng thuận với kết quả đó.”
Lệnh này được ban hành hôm 04/03, chỉ một ngày trước khi hơn chục tiểu bang tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ.
Tổng thống Trump đã phản ứng bằng một bài đăng ngắn gọn trên mạng xã hội: “THẮNG LỚN CHO NƯỚC MỸ!!!”
Tối cao Pháp viện trao quyền định đoạt cho Quốc hội
Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết rằng các tiểu bang không thể thực thi Mục 3 đối với các ứng cử viên quốc gia, nhưng “Hiến Pháp trao quyền cho Quốc hội quy định cách thức đưa ra những quyết định đó.”
Mục 5 của Tu chính án thứ 14 nêu rõ thẩm quyền của Quốc hội trong việc thông qua luật để thực thi tu chính án này, và pháp viện cho rằng “quyền hạn này rất quan trọng khi nói đến Mục 3.”
Bản ý kiến của Tối cao Pháp viện cho biết, các tiểu bang chỉ có thể thực thi Mục 3 khi liên quan đến chức vụ ở cấp tiểu bang, phù hợp với cách các tiểu bang đã sử dụng quy chế này trong lịch sử.
Tối cao Pháp viện lưu ý đến việc rõ ràng không có tiền lệ lịch sử nào mà tại đó, các tiểu bang đã sử dụng quy chế này để loại bỏ các ứng cử viên quốc gia.
“Vấn đề cơ bản là, ngay cả những người được hỏi cũng không cho rằng Hiến Pháp cho phép các Tiểu bang bằng cách nào đó loại bỏ các quan chức liên bang đương nhiệm mà có lẽ vi phạm Mục 3,” bản ý kiến này viết, nói thêm rằng loại quyền hạn này sẽ “khinh thường” các nguyên tắc Hiến Pháp.
Các thẩm phán nhận thấy rằng chính nội dung của Mục 3 củng cố cách hiểu này, vì Mục 3 cho phép Quốc hội “loại bỏ” một tình trạng “bị tước quyền” trong Mục 3 thông qua một cuộc bỏ phiếu với 2/3 số phiếu bầu.
“Văn bản này không áp đặt giới hạn nào đối với quyền lực đó, và Quốc hội có thể thực hiện mục này bất cứ lúc nào,” bản ý kiến viết.
Trong một phần chú thích cuối trang, pháp viện trích dẫn các trường hợp mà Quốc hội đã bỏ phiếu loại bỏ việc bị tước quyền này cho các thành viên Quốc hội sau khi các ứng cử viên đã được bầu ra.
Hồi tháng Một, các chuyên gia, những người đã dự đoán kết quả phán quyết này, cũng đã cảnh báo về một khả năng bị tước quyền vào phút cuối. Bốn thẩm phán của Tối cao Pháp viện đã lưu ý rằng họ bất đồng trong việc đưa ra quan điểm về vai trò của Quốc hội trong việc loại bỏ tư cách của một ứng cử viên tổng thống.
Thẩm phán Amy Coney Barrett đã viết một bản quan điểm riêng, đồng tình, nhấn mạnh sự đồng thuận của pháp viện.
“Pháp viện đã giải quyết một vấn đề mang tính chính trị trong một mùa bầu cử Tổng thống đầy biến động,” bà viết. “Đặc biệt là trong hoàn cảnh này, các bài viết về Pháp viện nên xoa dịu chứ không nên góp thêm vào cơn thịnh nộ của cả nước. Vì các mục đích hiện tại, những khác biệt của chúng tôi không còn quan trọng bằng sự đồng thuận của chúng tôi: Tất cả chín Thẩm phán đều đồng thuận về kết quả của vụ xét xử này. Đó là thông điệp mà người Mỹ nên hiểu rõ.”
Tuy nhiên, Thẩm phán Coney Barrett đã không đồng tình với một phần của lệnh này chủ trương rằng hệ thống lập pháp liên bang có vai trò trong việc thực thi Mục 3.
Các thẩm phán Sonia Sotomayor, Elena Kagan, và Ketanji Brown Jackson cũng không hài lòng với chủ trương đối với hệ thống lập pháp liên bang.
Họ đã viết một lệnh đồng tình khác rằng mặc dù tất cả chín thành viên đều đồng ý rằng Colorado không thể thực thi Mục 3, nhưng ba thẩm phán này cho rằng lẽ ra ý kiến nên dừng tại đó.
Bản ý kiến này cho biết: “Khối đa số hầu như không có được ủng hộ đối với yêu cầu của họ rằng việc bị tước quyền theo Mục 3 chỉ có thể xảy ra theo luật được ban hành cho mục đích đó.”
“Mặc dù ở đây chỉ có hành động của một Tiểu bang riêng lẻ được đề cập, nhưng khối đa số lại chủ trương những chủ thể liên bang nào có thể thực thi Mục 3, và cách họ phải thực thi,” bản ý kiến này cho biết. “Khi làm như vậy, khối đa số sẽ ngăn chặn các phương tiện thực thi tiềm năng khác của liên bang. Chúng tôi không thể tham gia vào một bản ý kiến quyết định những vấn đề trọng yếu và khó khăn một cách không cần thiết, và do đó chúng tôi chỉ đồng tình về phán quyết này.”
Những thách thức của Mục 3
Tối cao Pháp viện thấy rằng “việc giải quyết theo từng tiểu bang” đối với những trường hợp này “làm tăng các mối lo ngại,” vì cách giải quyết đó khó có thể “đưa ra một câu trả lời đồng thuận nhất quán với nguyên tắc cơ bản rằng “Tổng thống… đại diện cho tất cả các cử tri trên Toàn quốc.”
Mỗi tiểu bang đều có luật bầu cử đa dạng của riêng họ, và một số tiểu bang cho phép các thủ tục đưa ra khiếu nại về việc loại bỏ tư cách trong khi những tiểu bang khác không cho phép.
“Sự chia rẽ này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn — và có thể vô hiệu hóa số phiếu bầu của hàng triệu người và thay đổi kết quả bầu cử — nếu việc thực thi Mục 3 bị cố gắng thực hiện sau khi Quốc gia đã bỏ phiếu,” bản ý kiến viết. “Không có điều khoản nào trong Hiến Pháp yêu cầu chúng ta phải chịu đựng sự hỗn loạn như vậy — tại bất kỳ thời điểm nào hoặc tại những thời điểm khác nhau, cho đến và có lẽ sau Lễ nhậm chức [Tổng thống].”
Tính đến giữa tháng Hai, các luật sư của ông Trump đã báo cáo 88 vụ kiện tụng về tư cách của cựu TT Trump ở 45 tiểu bang theo đạo luật thời Nội Chiến này.
Ngoài Tòa án Tối cao Colorado, Đổng lý Tiểu bang Maine và một thẩm phán Illinois cũng đã ra phán quyết rằng cựu TT Trump không đủ tư cách sau khi tuyên bố rằng ông đã tham gia vào một cuộc “nổi loạn” vì những hành động của ông vào ngày 06/01/2021. Cả ba vụ kiện tước tư cách này đều được tạm hoãn thi hành để chờ một phán quyết của tòa án cấp cao hơn, và cho đến nay chưa có tiểu bang nào thực sự loại bỏ cựu TT Trump khỏi bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào.
Hôm 08/02, các thẩm phán đã nghe các cuộc tranh luận. Trong đó có nhiều thẩm phán bày tỏ sự hoài nghi rằng Mục 3 nhằm trao cho từng tiểu bang quyền hạn về một cuộc bầu cử quốc gia cho chức vụ tổng thống, và bày tỏ lo ngại về việc khẳng định quyền hạn đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến các cuộc bầu cử trong tương lai.
Luật sư Jonathan Mitchell đã lập luận rằng: Mục 3 không áp dụng cho cựu Tổng thống Trump; sự kiện ngày 06/01/2021 không phải là một cuộc nổi dậy; và rằng chỉ có Quốc hội mới có thể tước tư cách một ứng cử viên tổng thống theo Mục 3. Mặc dù Hạ viện đã đàn hặc cựu TT Trump hồi tháng 01/2021 chỉ bằng một điều khoản đàn hặc và điều được cho là kích động sự nổi dậy, nhưng sau đó Thượng viện đã tuyên trắng án cho cựu tổng thống về các cáo buộc này.
Luật sư Jason Murray, đại diện cho sáu cử tri Colorado, đã lập luận rằng Mục 3 và luật của tiểu bang Colorado cùng cho phép tiểu bang này tước tư cách ứng cử viên của cựu TT Trump và kêu gọi Tối cao Pháp viện giữ nguyên phán quyết của Colorado đối với tất cả các tiểu bang.
Bản ý kiến này đã được nhiều tòa án cấp dưới mong đợi rất nhiều, trong bối cảnh những tòa án này đang giữ chưa đưa ra quyết định về hàng chục vụ kiện tụng liên quan đến lá phiếu được đệ trình ở hầu như mỗi từng tiểu bang. Gần năm chục bản tóm tắt ý kiến từ ‘bạn của tòa án’ (amicus brief) đã được các quan chức, nhà lập pháp, chuyên gia pháp lý, và cử tri đệ trình vào những ngày trước các cuộc tranh luận trực tiếp [tại Tối cao Pháp viện].
Ban đầu, Mục 3 của Tu chính án thứ 14 được viết để ngăn chặn những người đào ngũ đã rời nhiệm sở để gia nhập Liên minh miền Nam không cho quay trở lại chức vụ của họ. Mục này quy định rằng những người đã tuyên thệ nhậm chức và sau đó tham gia vào các cuộc “nổi dậy” hoặc “phiến loạn” không thể giữ chức vụ nếu không có 2/3 số phiếu từ Quốc hội nhằm loại bỏ tình trạng bị tước quyền này.
Kể từ ngày 07/01/2021, các nhà hoạt động đã quảng bá lý thuyết pháp lý rằng cựu TT Trump bị loại theo quy chế này, yêu cầu các quan chức bầu cử hàng đầu trên toàn quốc cấm ông tham gia các cuộc bầu cử trong tương lai. Sau khi Tòa án Tối cao Colorado xét xử vụ kiện này vào cuối năm ngoái (2023) và đưa ra phán quyết đầu tiên liên quan đến ngày 06/01 và một “cuộc nổi dậy,” thì các phán quyết liên quan đến Mục 3 đã gây ảnh hưởng đến các tiểu bang khác.
Quyết định tước quyền ở Colorado
Vụ kiện ở Colorado đã được đệ trình vào mùa hè năm ngoái, và theo luật bầu cử của tiểu bang này, vụ kiện phải được xét xử ngay lập tức. Tuy nhiên, một thẩm phán tòa án địa hạt đã trì hoãn vụ án khoảng hai tháng trước khi tổ chức một phiên tòa kéo dài một tuần.
Các nguyên đơn đã trình bày lời khai của nhân chứng và chuyên gia cùng với một hồ sơ mà phần lớn dựa trên báo cáo gây tranh cãi của Ủy ban Đặc biệt về ngày 06/01. Bị đơn ban đầu của vụ án này là Đổng lý Tiểu bang Colorado Jena Griswold, người không giữ chức vụ chính thức nào nhưng sau đó tuyên bố rằng cá nhân bà tin rằng cựu Tổng thống Trump đã tham gia vào “cuộc nổi dậy” và kêu gọi Tòa án Tối cao [tiểu bang] khẳng định việc ông không đủ tư cách.
Thẩm phán tòa sơ thẩm đã không loại bỏ cựu Tổng thống Trump. Đưa ra một phán quyết bất ngờ tuyên bố cựu Tổng thống Trump đã tham gia vào “cuộc nổi dậy,” thẩm phán này ra phán quyết rằng Mục 3 không áp dụng cho các tổng thống và ra lệnh cho đổng lý tiểu bang thêm ông vào cuộc bỏ phiếu sơ bộ của tiểu bang.
Những nguyên đơn này và các luật sư của cựu TT Trump đã kháng cáo vụ kiện nói trên, và Tòa án Tối cao Colorado giữ nguyên kết luận “cuộc nổi dậy” nhưng đảo ngược lệnh của tòa cấp dưới, ra lệnh cho đổng lý tiểu bang phải loại ông khỏi cuộc bỏ phiếu [của tiểu bang] nếu vụ kiện không được kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trước ngày 05/01.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times