Tòa Bạch Ốc phủ nhận Hoa Kỳ rút lui khỏi Trung Đông sau khi Iran, Saudi Arabia khôi phục mối bang giao
Tòa Bạch Ốc đang bác bỏ ý kiến cho rằng Hoa Kỳ đang rời xa Trung Đông sau thông báo rằng Iran và Saudi Arabia đã đồng ý thiết lập lại mối bang giao, trong một thỏa thuận do chính quyền Trung Quốc làm trung gian.
Hôm 10/03, Điều phối viên đặc trách Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên rằng ông sẽ “phản đối mạnh mẽ” ý kiến cho rằng thỏa thuận nói trên, với sự giúp đỡ trung gian của Trung Quốc, chứng tỏ Hoa Kỳ đang rút lui khỏi khu vực này.
Ông Kirby nói rõ rằng mặc dù Hoa Kỳ được biết về các cuộc đàm phán giữa Saudi Arabia và các bên khác, nhưng họ không tham gia trực tiếp.
Tehran và Riyadh đã công bố thỏa thuận của họ vào hôm thứ Sáu (10/03) sau bốn ngày đàm phán không được thông báo trước đó giữa các quan chức an ninh hàng đầu của hai cường quốc Trung Đông đối địch nhau tại Bắc Kinh. Theo một tuyên bố của Iran, Saudi Arabia, và Trung Quốc, hai quốc gia này đã đồng ý nối lại mối bang giao và mở lại các đại sứ quán trong vòng hai tháng.
Tuyên bố đó cho biết, “Thỏa thuận này bao gồm sự khẳng định của họ về việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ.”
Hôm thứ Sáu, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã ca ngợi thỏa thuận này là một “thắng lợi cho cuộc đối thoại”, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Khi được hỏi về vai trò của Trung Quốc trong việc làm trung gian cho thỏa thuận này, ông Kirby cho biết rằng, “Đây không phải là về Trung Quốc.”
“Chúng tôi ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm giảm các căng thẳng trong khu vực này,” ông tiếp tục.
Ông Kirby bác bỏ những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông.
Ông nói: “Đối với ảnh hưởng của Trung Quốc [ở Trung Đông], hay ở châu Phi hoặc châu Mỹ Latinh, thì chúng tôi không thể làm ngơ được.”
“Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi Trung Quốc khi họ cố gắng giành ảnh hưởng và chỗ đứng ở những nơi khác trên thế giới vì lợi ích ích kỷ của riêng họ.”
Trong thỏa thuận được công bố mới đây, Saudi Arabia và Iran đã đồng ý kích hoạt lại một thỏa thuận hợp tác an ninh hồi năm 2001, cũng như một thỏa thuận trước đó về thương mại, kinh tế, và đầu tư.
Cả hai nước đều bày tỏ lòng biết ơn đối với Trung Quốc, Iraq, và Oman vì đã tổ chức các cuộc đàm phán trước đó vào năm 2021 và 2022.
Iran đã trở thành tiêu điểm chú ý trong những tuần gần đây kể từ khi người ta phát hiện ra rằng họ đã neo đậu các chiến hạm ở ngoài khơi bờ biển Brazil.
Sự kiện diễn ra từ hôm 26/02 đến hôm 04/03 này đã gây lo ngại cho các quốc gia dân chủ trong khu vực.
Các nhà phân tích chính trị và an ninh cho rằng sự hiện diện của các chiến hạm đó là kết quả của một làn sóng mới của các chính trị gia cánh tả đã quét qua châu Mỹ Latinh trong những năm gần đây, trong đó có tân tổng thống Brazil.
Theo các chuyên gia, Iran dường như sẽ thực hiện lời hứa neo đậu các chiến hạm tại Kênh đào Panama vào cuối năm 2023.