Tòa Bạch Ốc kiểm tra những rủi ro, lợi ích từ tiền điện tử của ngân hàng trung ương
Chính phủ Tổng thống Biden đang “kiểm tra kỹ lưỡng” các khả năng phát hành tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC) dựa trên một báo cáo kỹ thuật do Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Tòa Bạch Ốc chuẩn bị (pdf), cùng với các báo cáo khác.
Bà Alondra Nelson, người đứng đầu Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Tòa Bạch Ốc cho biết trong một cuộc họp báo hôm 16/09: “Nếu Hoa Kỳ theo đuổi CBDC, có thể có nhiều lợi ích tiềm năng, chẳng hạn như tạo điều kiện cho các giao dịch hiệu quả và chi phí thấp, thúc đẩy khả năng tiếp cận hệ thống tài chính nhiều hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ vị trí trung tâm liên tục của Hoa Kỳ trong hệ thống tài chính quốc tế. Tuy nhiên, một CBDC của Hoa Kỳ cũng có thể đưa ra nhiều rủi ro, vì nó có thể ảnh hưởng đến mọi thứ, từ sự ổn định của hệ thống tài chính để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm.”
Báo cáo kỹ thuật nêu rõ, dựa trên Sắc Lệnh 14067, một hệ thống tiền điện tử của ngân hàng trung ương phải tích hợp một cách suôn sẻ với các hình thức truyền thống của đồng dollar, cải thiện hệ thống thanh toán hiện có, bảo đảm khả năng tương tác tài chính toàn cầu, nâng cao “sự đa dạng và công bằng trong tài chính,” bảo vệ an ninh quốc gia, “cung cấp khả năng thực hiện nhân quyền,” và “phù hợp với các giá trị dân chủ và môi trường, bao gồm cả bảo vệ quyền riêng tư.”
Theo báo cáo này, bên cạnh các khía cạnh tài chính căn bản, CBDC “nên hỗ trợ các khoản thanh toán cho và từ khu vực công và các sáng kiến thúc đẩy công bằng, chẳng hạn như quản lý các chương trình mạng lưới an sinh xã hội.”
CBDC cũng có thể kết hợp các điều khoản kỹ thuật ngăn chặn việc sử dụng đồng dollar điện tử “nếu vi phạm quyền dân sự hoặc nhân quyền,” và duy trì khả năng tương thích với các ưu tiên về môi trường “bao gồm cắt giảm ô nhiễm khí nhà kính của Hoa Kỳ xuống 50-52% so với mức năm 2005 đến năm 2030 và chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.”
Quy định của bên thứ ba
Báo cáo không nêu rõ liệu CBDC có nên sử dụng “bên thứ ba” để tạo điều kiện thanh toán giữa người gửi và người nhận hay không. Nếu CBDC chấp nhận một cơ quan quản lý bên thứ ba, thì điều đó sẽ đi ngược lại sự phân quyền — một trong những nguyên lý căn bản và lợi thế của việc áp dụng mã kim.
Báo cáo cho biết: “Một số giao dịch ngang hàng (P2P)” có thể được phép. Tuy nhiên, hầu hết các giao dịch sẽ xảy ra “với sự tham gia của một trung gian tài chính.” Nhiều bên trung gian hơn có thể làm tăng các biện pháp bảo vệ kỹ thuật số và “nâng cao sự đa dạng và công bằng trong tài chính.”
Không giống như bitcoin, phần lớn CBDC sẽ được quản lý và việc đó sẽ yêu cầu quyền từ các bên quản lý. Ngân hàng trung ương cũng có thể theo dõi các giao dịch mua và hạn chế quyền truy cập của người dùng vào các khoản tiền.
Những người phản đối CBDC cho rằng tiền tệ có thể được tạo thành một cơ chế giống như hệ thống Điểm Tín dụng Xã hội hiện đang được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để kiểm soát công dân Trung Quốc. Với hệ thống này, ĐCSTQ có thể quyết định những loại cơ sở vật chất nào được cấp cho người dân bình thường dựa trên việc họ tuân thủ các quy tắc độc tài.
Theo các khuyến nghị, hệ thống CBDC sẽ được quản lý bởi “một tập hợp các tổ chức đáng tin cậy” hoặc một mạng lưới những người tham gia hệ thống hoặc kết hợp cả hai.
Các giao dịch sẽ được chia thành các cấp khác nhau dựa trên quyền riêng tư, sự đa dạng trong tài chính và các yếu tố khác. Khi người dùng cấp “thấp hơn” — những người cung cấp ít thông tin xác nhận danh tính hơn — sử dụng hệ thống, họ có thể bị “giới hạn giao dịch”, không giống như người dùng cấp “cao hơn”.
Cấp giao dịch được quyết định dựa trên nhiều yếu tố bao gồm tài khoản người dùng, số tiền được giao dịch, và các đối tác liên quan. Các cấp thấp hơn có thể tận dụng các giao dịch ngang hàng trong khi các cấp cao hơn, liên quan đến số tiền lớn hơn, sẽ cần người trung gian.
Mối lo ngại về quyền riêng tư
Hồi tháng Ba, ba thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã đưa ra dự luật cấm Cục Dự trữ Liên bang phát hành CBDC trực tiếp cho các cá nhân, cảnh báo rằng nó có thể bị sử dụng như một công cụ giám sát tài chính.
Trong một thông cáo báo chí, Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas), người giới thiệu dự luật, nói rằng chính phủ liên bang có thể khuyến khích sự đổi mới trong không gian mã kim hoặc cuối cùng sẽ tàn phá nó.
Ông Cruz nói: “Dự luật này rất hữu ích trong việc bảo đảm chính phủ lớn không cố gắng tập trung quyền lực và kiểm soát mã kim để nó có thể tiếp tục phát triển và thịnh vượng ở Hoa Kỳ.”
Về thông tin liên quan đến danh tính trong các giao dịch như địa chỉ thanh toán, báo cáo cho biết rằng dữ liệu này có thể được ngân hàng trung ương hoặc các tổ chức trung gian biết hoặc có thể được giữ kín hơn, dựa trên cấp độ của người dùng.
Báo cáo lưu ý rằng “thông tin liên quan đến danh tính mà ngân hàng trung ương biết đối với tất cả hoặc hầu hết các giao dịch sẽ thể hiện sự mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận thông tin khách hàng của ngân hàng trung ương, điều này sẽ gây ra những lo ngại sâu sắc về quyền riêng tư.”
Báo cáo nêu rõ: “Ngay cả khi các chính sách tồn tại để ngăn chặn tác hại này tại thời điểm hiện tại … việc cho phép khả năng này có thể cho phép một chính phủ trong tương lai sử dụng hệ thống CBDC để giám sát dân chúng một cách chi tiết và tình trạng xâm phạm an ninh mạng vẫn có thể xảy ra.”
Trong cuộc gọi hôm thứ Năm với các phóng viên, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết đất nước cần chuẩn bị để sử dụng CBDC nếu cần thiết.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times