Tổ chức từ thiện của ông Jeff Bezos quyên góp 30 triệu USD để phát triển thịt giả
Cơ sở này sẽ nghiên cứu các loại thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm và có nguồn gốc từ thực vật cũng như thực hiện ‘lên men chính xác’ để sản xuất protein cho các công thức thực phẩm.
Tổ chức từ thiện của người sáng lập Amazon Jeff Bezos đang thành lập một cơ sở nghiên cứu trị giá hàng triệu dollar tại Đại học Tiểu bang North Carolina để sản xuất các sản phẩm thịt giả.
Hôm thứ Sáu (31/05), Trung tâm Protein Bền vững Bezos đã được ra mắt tại Đại học Tiểu bang North Carolina. Trung tâm này sẽ hoạt động như một “trung tâm sản xuất sinh học cho các loại protein thân thiện với môi trường, lành mạnh, ngon, và giá cả phải chăng,” theo một thông cáo báo chí.
Quỹ Trái Đất Bezos—một cam kết trị giá 10 tỷ USD của ông Bezos nhằm giải quyết [vấn đề] “khí hậu và thiên nhiên trong thập niên hiện tại”—đã trao cho trường đại học này 30 triệu USD để thành lập trung tâm nói trên.
Khoản tài trợ này nhằm trợ giúp nghiên cứu về ba loại “protein bền vững”—các sản phẩm từ thực vật, thịt được nuôi cấy từ tế bào động vật, và quá trình lên men chính xác có thể tạo ra các protein và chất dinh dưỡng được sử dụng trong các công thức thực phẩm.
Tổng cộng, Quỹ Trái Đất đã cam kết 100 triệu USD để thành lập một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu tập trung vào “các nguồn thay thế protein bền vững” như vậy. Trung tâm ở Tiểu bang North Caronlina này sẽ sử dụng nguồn vốn đó để nghiên cứu, sáng tạo, và thương mại hóa các công nghệ mới trong lĩnh vực này và đánh giá sở thích về protein của người tiêu dùng.
Ông Andrew Steer, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Quỹ Trái Đất, cho biết trong một tuyên bố rằng: “Sản xuất thực phẩm là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, vì vậy điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra các cách nuôi sống số dân ngày càng tăng mà không làm suy thoái hành tinh.”
Ông cho biết, mặc dù “những protein bền vững” có tiềm năng rất lớn, nhưng cần phải nghiên cứu nhiều hơn để nâng cao hương vị sản phẩm và giảm giá thành nhằm bảo đảm mọi người có thể tiếp cận đến các mặt hàng bổ dưỡng, giá cả phải chăng.
Mặc dù các sản phẩm thịt giả đang được quảng cáo là tốt hơn cho môi trường, nhưng một số nghiên cứu lại mâu thuẫn với những tuyên bố như vậy.
Một phân tích của các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Davis, phát hiện ra rằng tác động môi trường của thịt được nuôi cấy hoặc phát triển trong phòng thí nghiệm có thể cao hơn “gấp bội lần” so với thịt bò bán lẻ. Để phục vụ cho phân tích của họ—một bản nghiên cứu sơ bộ, chưa được bình duyệt—các nhà nghiên cứu đã kiểm tra năng lượng được tiêu thụ để sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm và khí nhà kính thải ra trong quá trình này.
Hiện nay, thịt trong phòng thí nghiệm yêu cầu sử dụng môi trường tăng trưởng có độ tinh khiết hoặc tinh chế cao để bảo đảm sự nhân lên của tế bào. Tiến sĩ Derrick Risner đến từ Khoa Khoa học và Công nghệ Thực phẩm thuộc trường Đại học California, Davis, tác giả chính của phân tích này, cho biết việc khai triển công nghệ để sản xuất số lượng lớn thịt sẽ sử dụng “nhiều tài nguyên hơn, mà điều đó làm tăng nguy cơ nóng lên toàn cầu.”
Theo ước tính, khả năng làm nóng lên toàn cầu của thịt trong phòng thí nghiệm sử dụng môi trường tinh khiết cao hơn từ 4 đến 25 lần so với mức trung bình của thịt bò bán lẻ.
Cũng có những lo ngại về việc liệu thịt trong phòng thí nghiệm có an toàn cho con người hay không. Một bài đăng của Trung tâm An toàn Thực phẩm nói rằng “kỹ thuật di truyền của tế bào và các đặc tính có khả năng thúc đẩy ung thư của chúng” là vấn đề được quan tâm đặc biệt liên quan đến thịt trong phòng thí nghiệm.
Khoản tiền 100 triệu USD được dành cho việc nghiên cứu “các nguồn thay thế protein bền vững” là một phần trong cam kết trị giá 1 tỷ USD của Quỹ Trái đất Bezos nhằm mục đích chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp và thực phẩm.
Quỹ này hỗ trợ nghiên cứu về các loại protein thay thế vì họ tin rằng việc dân số tăng lên sẽ phụ thuộc vào sự phổ biến rộng rãi của các loại protein “được sản xuất theo cách giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ thiên nhiên.”
Trung tâm Tiểu bang North Carolina này dự kiến sẽ đóng vai trò làm động lực cho các công ty sản xuất sinh học chuyển địa điểm sang North Carolina.
Người đồng sáng lập Microsoft và là tỷ phú công nghệ Bill Gates cũng đang ủng hộ một số công ty trong lĩnh vực này, gồm Impossible Foods, Beyond Meat, và Memphis Meat.
Nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ phản đối thịt giả
Năm ngoái, các sản phẩm thịt được phát triển trong phòng thí nghiệm đầu tiên của đất nước này đã được chấp thuận. Tháng 06/2023, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã bật đèn xanh cho Upside Foods, trước đây gọi là Memphis Meats, và Good Meat để bán các sản phẩm thịt gà được nuôi cấy từ tế bào động vật.
Nhiều tiểu bang hiện đang có hành động phản đối thịt trong phòng thí nghiệm. Trước đó hồi tháng 05/2023, Thống đốc Tiểu bang Florida Ron DeSantis đã ký dự luật SB1084 cấm “sản xuất để bán, bán, tổ chức bán hoặc chào bán, hoặc phân phối thịt được nuôi cấy” trong tiểu bang này.
“Florida đang hành động để ngăn chặn mục tiêu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới là buộc thế giới phải ăn thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm và côn trùng, ‘một nguồn protein bị bỏ sót,’” Văn phòng Thống đốc DeSantis cho biết trong một thông cáo báo chí. “Trong khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới đang kêu gọi thế giới từ bỏ việc tiêu thụ thịt thì Florida lại đang tăng cường sản xuất thịt, và khuyến khích người dân tiếp tục tiêu thụ và thưởng thức thịt bò Florida thật 100%.”
Trong một cuộc họp báo, vị thống đốc này cho biết dự luật mới sẽ đẩy lùi kế hoạch của giới tinh hoa toàn cầu nhằm đạt được “các mục tiêu độc tài” của họ thông qua thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm.
Vài ngày sau, Thống đốc Tiểu bang Alabama Kay Ivy đã ký thành luật một dự luật tương tự cấm bán, phân phối, và sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm. Nếu vi phạm luật này sẽ bị phạt tiền và thu hồi hoặc đình chỉ giấy phép.
Hồi tháng Một, các Thượng nghị sỹ Mike Rounds (Cộng Hòa-South Dakota) và Jon Tester (Dân Chủ-Montana) đã giới thiệu Đạo luật Bảo vệ toàn vẹn Bữa trưa Học đường năm 2024 nhằm cấm sử dụng thịt nuôi cấy tế bào trong Chương trình Bữa sáng Học đường (SPB) và Chương trình Quốc gia về Bữa trưa Học đường (NSLP).
Trong khi nêu lên lo ngại về tính an toàn, những thượng nghị sĩ này nói rằng USDA đã không ban hành bất kỳ hướng dẫn nào về việc sử dụng protein được nuôi cấy từ tế bào trong các chương trình NSLP hoặc SPB.
“Học sinh của chúng ta không nên trở thành đối tượng thử nghiệm cho các thí nghiệm ‘thịt’ nuôi cấy từ tế bào,” Thượng nghị sĩ Rounds nói. “Nông dân và chủ trang trại ở South Dakota làm việc chăm chỉ để sản xuất các sản phẩm thịt bò chất lượng cao. Những sản phẩm này thường được bán cho các trường học ở South Dakota, nơi cung cấp đồ ăn dinh dưỡng cần thiết cho học sinh của chúng ta.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times