Elon Musk, Richard Branson & Jeff Bezos khuyên các ‘Startup’ điều gì để tránh thất bại?
Đừng lo sợ công việc kinh doanh của quý vị sẽ thất bại
Hãy tưởng tượng một căn bệnh nào đó có tỷ lệ tử vong là 90%: Các bác sĩ sẽ cố gắng tìm cách chữa trị và chắc chắn chúng ta sẽ không xếp hàng dài để mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, ngay cả khi có 10% cơ hội thành công, có nhiều người đang bắt đầu công việc kinh doanh của riêng họ hơn bao giờ hết. Vào năm 2021, 5.4 triệu người nộp hồ sơ ghi danh lập công ty, tăng 53% so với năm 2019. Sự thật đáng buồn là phần lớn số doanh nghiệp đó sẽ không ‘sống’ được.
Một nghịch lý là trong cuộc khảo sát mới với 2,000 chủ doanh nghiệp đầy tham vọng, do Ngân hàng Huntington khởi xướng, đã cho thấy 73% những người được hỏi lại cho biết họ đang “say mê hơn bao giờ hết” việc thành lập công ty trong tương lai gần.
Bỏ qua tất cả những lời dị nghị, vào năm 2007, tôi quyết định khởi nghiệp và tạo dựng công việc kinh doanh của riêng mình. Tôi đã có rất nhiều ý tưởng kỳ quặc mà không có cơ sở cho lập luận như “đối tác và cổ đông là xấu” và “Tôi có thể tự làm tự ăn và không phải chịu trách nhiệm cho người khác.”
Ba công ty thất bại và hai công ty thành công lớn sau đó, thái độ bốc đồng “hãy nhìn xem” khiến tôi tập trung cao độ. Tôi đã mất 5 năm không thể trả tiền thuê nhà, nghèo khó, và đối mặt với một gia đình thất vọng để rút ra bài học cho bản thân. Ngay cả bây giờ, tôi vẫn hối tiếc vì đã không lắng nghe những gợi ý từ những người khác mà tôi gặp trên đường đi.
Tôi thấy nhiều người đi theo con đường “thử nghiệm và sai lầm” này một cách không cần thiết, mà thường là dẫn đến thất bại.
May mắn thay, có một khoa học bù đắp cho sự thiếu thành công này. Hãy xem xét sâu hơn bất cứ điều gì đã có hiệu quả và cần nhìn nhận rằng kết quả chiến thắng không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả của cách tiếp cận có tổ chức. Xác định tầm nhìn của quý vị, đặt mục tiêu, và kiên trì với mục tiêu đó. Đây là phương thuốc mà các công ty khởi nghiệp cần nghiêm túc thực hiện.
Xác định tầm nhìn của quý vị
Với bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, quá trình xác định một vấn đề và đưa ra giải pháp sẽ thiết lập chỗ đứng của công ty trong việc đáp ứng nhu cầu xã hội. Tầm nhìn này trở thành nền tảng để xây dựng tất cả các quyết định trong tương lai. Nếu bất cứ điều gì không phù hợp với tầm nhìn này, hãy loại bỏ chúng.
Với sách lược này, ông Elon Musk đã có thể xây dựng một đế chế hàng tỷ USD trong các ngành dịch vụ tài chính, xe hơi, năng lượng, và hàng không vũ trụ.
Ông Musk nói: “Hãy đúc kết mọi thứ thành sự thật căn bản và suy ra lý do từ đó. Hãy hiểu rõ về thân cây và những cành lớn trước khi quý vị chạm vào lá cây… hoặc là sẽ chả có gì để lá bám vào.”
Áp dụng quy trình
Thiết lập chương trình mục tiêu dựa trên các mục đích — thuê loại người này, thiết lập bảng theo dõi dữ liệu về khách hàng, thử nghiệm quảng cáo bán hàng — và viết các nhiệm vụ này ra giấy theo trình tự cần thiết để hoàn thành chúng. Xác định các quy trình chuẩn xác và rõ ràng về từng bước cần thiết để tránh sai lệch.
Đặt mục tiêu bằng viết rõ thành văn bản giúp chúng ta luôn nghĩ đến chúng, xác định các lĩnh vực cần tập trung và cho phép chúng ta chia chúng thành các tiêu chuẩn rõ ràng về kết quả mong muốn đạt được. Tỷ phú Richard Branson thề bằng cách ghi chép và nuôi dưỡng “văn hóa sổ tay” (notebook culture) này tại Virgin.
Ông Branson nói: “Ý tưởng mà không được viết ra sẽ là ý tưởng bay mất. Khi nguồn cảm hứng kêu gọi, quý vị phải nắm bắt nó.”
Tập trung vào Mục tiêu
Nếu không có sách lược được viết rõ ràng, vạch ra các mục tiêu, phạm vi và lợi thế cạnh tranh, một công ty khởi nghiệp mới có thể dễ dàng đánh mất động lực. Sự phân tâm có thể khiến chủ doanh nghiệp từ bỏ tầm nhìn của họ hoặc trở nên thụ động trong việc hoàn thành nhiệm vụ.
Thông qua Amazon, ông Jeff Bezos đã tạo ra nhiều giá trị cho cổ đông hơn bất kỳ CEO hiện tại nào vì mục đích và triết lý của công ty hướng dẫn rõ ràng việc ra quyết định của từng người trong số hàng ngàn nhân viên của ông ấy.
Ông Bezos nói: “Là hữu ích khi quý vị xây dựng sách lược của mình dựa trên những thứ sẽ không thay đổi.” Ông cũng cho biết, “Đối thủ cạnh tranh của quý vị là ai, loại công nghệ hiện có… những thứ đó sẽ thay đổi nhanh chóng đến mức quý vị cũng sẽ phải thay đổi sách lược của mình rất nhanh chóng.”
Đừng vội mở rộng quy mô
Ngày nay, Airbnb có hơn 150 triệu khách hàng tại hơn 65,000 thành phố, nhưng chỉ nhờ những người sáng lập hiểu rằng để mở rộng quy mô, họ cần phải làm những việc không quy mô.
Người sáng lập công ty, ông Brian Chesky, nói: “Quý vị không bắt đầu với 100 triệu người dùng. Quý vị bắt đầu với một số ít, vì vậy hãy ngừng nghĩ lớn và bắt đầu bằng nghĩ những điều nhỏ thôi.”
Trong hai năm, chúng tôi đã từ chối việc bắt đầu xây dựng công nghệ mang tính quy mô cho toàn công ty của mình vì chúng tôi biết rằng quy trình này trước tiên phải được sàng lọc và hoàn thiện. Khởi động một chiến dịch tốn kém mà không xây dựng nền móng trước và thử nghiệm nó thì sẽ gây rủi ro hơn cho một công ty khởi nghiệp non trẻ với tỷ lệ sống sót vốn đã thấp so với việc kiên trì thực hiện các mục tiêu đã vạch ra để đạt được tầm nhìn.
Hãy làm việc với mọi khách hàng. Kiểm tra toàn bộ quy trình để bảo đảm rằng kết quả đầu ra đạt chất lượng như mong muốn. Thực hiện mọi bước ở tầm vi mô để hoàn thành mục tiêu của quý vị trước khi có suy xét bất kỳ sự sao nhãng nào.
Bản quyền của The Epoch Times © 2022. Các quan điểm và ý kiến được bày tỏ chỉ là của các tác giả. Những thông tin này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và không nên được hiểu hoặc hiểu như một khuyến nghị hoặc một lời mời chào. The Epoch Times không đưa ra lời khuyên về đầu tư, thuế, pháp lý, lập kế hoạch tài chính, lập kế hoạch bất động sản hoặc bất kỳ lời khuyên tài chính cá nhân nào khác. The Epoch Times không chịu trách nhiệm về tính chính xác hoặc kịp thời của thông tin được cung cấp.