TNS Sinema nhấn mạnh chế độ lưỡng đảng, chê bai chính trị cấp tiến
Trong lần xuất hiện hiếm hoi trước công chúng hôm 26/09, Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Dân Chủ-Arizona) đã thuyết trình về tầm quan trọng của chế độ lưỡng đảng và chê bai những nỗ lực nâng cao vị thế của chính trị “cấp tiến” thông qua các đợt công kích vào Thượng viện.
Bà Sinema, vốn xưa nay kín tiếng về chính trị, đã trình bày những nhận xét trong một bài thuyết trình tại Trung tâm McConnell của Đại học Louisville. Bà Sinema đã được Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) mời đến tham gia sự kiện này.
“Ở Hoa Thịnh Đốn với cung cách đảng phái ngày nay, người ta có thể thấy sửng sốt khi một Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ xem một lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện là bạn bè,” bà Sinema nói trong phần mở đầu và cảm ơn ông McConnell đã mời bà đến buổi thảo luận về chế độ lưỡng đảng, trước khi nói quan điểm chính trong bài thuyết trình của bà.
“Tại quê nhà Arizona, chúng tôi không nhìn cuộc sống qua một lăng kính đảng phái,” vị thượng nghị sĩ cao cấp đến từ Arizona này, người đã thay thế cố Thượng nghị sĩ John McCain sau khi ông qua đời năm 2018, nói. “Người dân Arizona hiểu rằng mặc dù chúng tôi có thể không đồng ý về mọi vấn đề, nhưng chúng tôi có chung các giá trị. Chúng tôi coi trọng những đức tính như can đảm, kiên trì, và sẵn lòng hợp tác. Người dân Arizona mong đợi các nhà lãnh đạo chính trị của họ hợp tác với nhau bất kể đảng phái chính trị, để đạt được tiến bộ và vượt qua những khó khăn thách thức để người dân bình thường có thể xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình mình.”
Theo bà Sinema, quan điểm phi đảng phái này phản ánh tinh thần người Mỹ nói chung nhiều hơn hẳn so với những gì mà kiểu truyền thông giật gân đưa ra.
“Người Mỹ từ các cộng đồng khắp đất nước của chúng ta đoàn kết hơn nhiều so với mức độ đoàn kết mà chính trị ngày nay khiến chúng ta tin,” bà Sinema nói. “Theo kinh nghiệm của tôi, người Mỹ bình thường không lùi ngay vào góc đảng phái của mình trong đời sống hàng ngày.”
“Trên thực tế, hầu hết chúng ta tin rằng những cái danh hiệu đảng phái đó chia rẽ chúng ta một cách không cần thiết. Hầu hết người Mỹ hiểu rằng tất cả chúng ta đều đang hành động hướng tới cùng một mục tiêu: tạo ra tiến bộ, xây dựng cộng đồng tích cực hơn, làm việc chăm chỉ, và đạt được giấc mơ Mỹ.”
“Càng ngày có vẻ như người Mỹ đang được bảo rằng, để trở thành thành viên của một trong hai đảng chính trị, thì quý vị phải tuân thủ một danh sách các quan điểm chính sách được thiết lập nghiêm ngặt,” bà Sinema nói tiếp. “Nhưng tôi không cho rằng đa số người dân Arizona, Kentucky, hoặc người Mỹ bình thường suy nghĩ như vậy, quý vị biết đấy. Chúng ta dùng sự đánh giá của riêng mình hoặc những điều chúng ta đã nếm trải trong cuộc sống để đúc rút nên những niềm tin mà chúng ta tin vào một cách chân thành. Và chỉ là chúng ta không có thời gian hoặc sức lực để suy ngẫm về chính trị vào mỗi khoảnh khắc nhận thức.”
Thành viên Đảng Dân Chủ này nói: “Tôi đã hứa với người dân Arizona một điều khác biệt — tôi đã hứa rằng tôi sẽ là một tiếng nói độc lập cho toàn tiểu bang chúng tôi, không chỉ là tiếng nói cho những người cùng đảng với tôi, và tôi cũng sẽ hợp tác với bất kỳ ai để đạt được những kết quả bền vững.”
Từ lâu bà Sinema đã nổi tiếng trong Đảng Cộng Hòa và bị dèm pha trong Đảng Dân Chủ vì bà có quan điểm chính trị ôn hòa. Nói chung, bà được xem là thành viên Đảng Dân Chủ đứng thứ nhì về khuynh hướng bảo tồn truyền thống tại Thượng viện, chỉ đứng sau người có lúc là đồng minh của bà: Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia).
Trong suốt Quốc hội khóa 117, bà Sinema đã cùng ông Manchin mạnh mẽ chống lại những nỗ lực của đảng mình nhằm làm suy yếu hoặc xóa bỏ ngưỡng tranh luận không giới hạn 60 phiếu bầu của Thượng viện (filibuster), đồng thời làm việc với các thành viên của cả hai đảng để thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.2 ngàn tỷ USD và một loạt dự luật kiểm soát súng gây tranh cãi. Bà Sinema cũng buộc đảng của bà nhượng bộ để giành được sự ủng hộ của bà đối với Đạo luật Giảm Lạm Phát trị giá 700 tỷ USD.
Ủng hộ cho ngưỡng tranh luận không giới hạn
Trong bài thuyết trình này, bà Sinema đã bảo vệ cho việc bà ủng hộ ngưỡng tranh luận không giới hạn, hành động ngày càng khiến Đảng Dân Chủ khó chịu, vì đảng có các mục tiêu chính sách bị chặn lại do vướng phải quy định này. Ngưỡng tranh luận không giới hạn yêu cầu 3/5 tổng số phiếu bầu thay vì một đa số đơn thuần — mà Đảng Dân Chủ hiện đang nắm giữ.
Những lời kêu gọi dỡ bỏ quy định về ngưỡng tranh luận không giới hạn lần đầu tiên bắt đầu một cách nghiêm túc hồi mùa hè năm 2021. Lúc đó, Đảng Dân Chủ đang thúc đẩy thông qua một loạt các dự luật cải tổ luật bầu cử mà hết dự luật này đến dự luật khác đã bị ngưỡng tranh luận không giới hạn của Đảng Cộng Hòa chặn lại.
Trung thành với lời hứa mà ông đã đưa ra ngay sau cuộc bầu cử năm 2020, Thượng nghị sĩ Manchin đã loan báo rằng ông chống lại việc loại bỏ ngưỡng tranh luận không giới hạn. Bà Sinema, người phải đối diện với sự bực tức ngày càng tăng của cánh tả trong đảng của bà vì quan điểm này, đã tham gia phản đối chung với ông Manchin.
Kể từ đó, bà Sinema đã nói rõ rằng quan điểm của bà đã không hề bị lay chuyển.
Bà nói: “Quý vị biết đấy, trong năm vừa qua, nhiều người đã thảo luận về ngưỡng 60 phiếu bầu của Thượng viện. Và đã có rất nhiều lời bàn tán về việc tôi tiếp tục ủng hộ quy định này.”
Giải thích tại sao mình phản đối việc loại bỏ ngưỡng tranh luận không giới hạn, bà Sinema lập luận rằng, “Nền chính trị Mỹ mang tính chu kỳ, và quyền lực được các cử tri chuyển từ đảng này sang đảng kia ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn một cách thường xuyên. Việc chuyển giao quyền lực qua lại như thế này đồng nghĩa với việc ngưỡng 60 phiếu bầu của Thượng viện đã gây khó chịu cho các thành viên ở cả hai đảng, như chúng ta đã chứng kiến trong những năm gần đây — được xem như là một vũ khí cản trở, hoặc một tấm lưới an toàn để cứu nguy cho đất nước khỏi các chính sách cấp tiến, phụ thuộc vào liệu lúc này quý vị thuộc phe đa số hay thiểu số.”
Tuy nhiên, bà Sinema cho biết, ngưỡng tranh luận không giới hạn này là một biện pháp quan trọng giúp công chúng Mỹ được bảo vệ trước các đề nghị thất thường không thể phản đối của đảng đa số.
Ngưỡng tranh luận không giới hạn trong lập pháp là gì … một hàng rào bảo vệ để chắc rằng hàng triệu người Mỹ không do đảng đa số đại diện hiện nay có tiếng nói trong quá trình làm luật.
— Bà Kyrsten Sinema, Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ đại diện cho tiểu bang Arizona
“Ngưỡng tranh luận không giới hạn trong lập pháp là gì, không chỉ là một quy định yêu cầu chính sách liên bang mới cần phải được các thượng nghị sĩ đại diện cho một bộ phận người Mỹ rộng lớn hơn ủng hộ rộng rãi, mà đó còn là một hàng rào bảo vệ để bảo đảm rằng hàng triệu người Mỹ không do đảng đa số đại diện hiện nay có tiếng nói trong quá trình làm luật,” bà Sinema nói tiếp. “Các yêu cầu loại bỏ ngưỡng này từ cả hai đảng chính trị chẳng khác gì khiến một nhóm người bị hai trường phái chính trị chia rẽ bởi một vách đá la hét lên với các đồng sự của mình rằng giải pháp cho các thách thức chung của họ là khiến cho vách đá rạn nứt đó ngày càng sâu rộng hơn.”
Bà Sinema nói tiếp: “Tình trạng ăn miếng trả miếng leo thang không ngừng, sự suy yếu của các hàng rào bảo vệ của chúng ta, và việc loại trừ ý kiến góp ý từ đảng đối lập sẽ càng làm tăng thêm sự bất bình và giận dữ trong giới lãnh đạo được bầu và cử tri của chúng ta ở quê nhà. Sự thật là, phần lớn người dân Arizona, người dân Kentucky, và người Mỹ, họ không đứng về bất kỳ cực nào của phổ ý thức hệ. Nhưng đúng hơn, giống như tôi, họ nằm đâu đó ở giữa.”
Không ngạc nhiên khi bà Sinema đã được yêu cầu nói sâu thêm về những nhận xét của bà về vấn đề này trong phần Hỏi & Đáp của bài thuyết trình.
Trong phần trả lời, bà Sinema đã nêu lên tầm quan trọng của ngưỡng 60 phiếu bầu với tư cách là một biện pháp phản đối Hạ viện khi cần. Bà Sinema đã bảo vệ câu trả lời này bằng cách nói rằng Hạ viện được lập ra để làm một bộ phận nhiệt tình của quy trình lập pháp, trong khi đó Thượng viện lại có ý nghĩa là cơ quan cân nhắc nhiều hơn trong việc xây dựng luật của các Nhà Soạn Thảo Hiến Pháp (Framer).
Bà Sinema nói, “Việc loại bỏ ngưỡng 60 phiếu bầu mang đến nguy cơ Thượng viện sẽ trở thành Hạ viện.”
“Thực tế là nếu quý vị loại bỏ ngưỡng 60 phiếu bầu ở Thượng viện, thì Thượng viện sẽ giống như Hạ viện — tuy nhỏ hơn, [nhiệm kỳ] lâu dài hơn, nhưng về cơ bản giống như một hạ viện. Và điều gây nên rắc rối là Hạ viện tổ chức các cuộc bầu cử hai năm một lần … họ thực sự đại diện cho những niềm say mê nhất thời trong phổ chính trị.”
“Vì vậy, như tất cả quý vị đều biết, cứ mỗi hai năm thì quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện lại thay đổi, giờ nó có thể lại thay đổi nữa, nhưng chỉ trong một vài tuần, phải không nào,” bà Sinema nói thêm trong một nhận xét nói thẳng suy nghĩ của bà, như hầu hết các nhà quan sát nghĩ, rằng Đảng Cộng Hòa sắp giành lại Hạ viện. “Do đó nên khi Hạ viện thông qua một dự luật, họ đại diện cho loại thay đổi [nhanh chóng] đó.”
“Vậy thì, Hạ viện thông qua dự luật thể hiện những niềm say mê nhất thời này, và đó là những gì họ được lập ra để làm khi những Tổ Phụ Lập Quốc của chúng ta tạo ra Hạ viện,” bà Sinema cho biết. “Họ đã muốn có một cơ quan đại diện cho những niềm đam mê nhất thời của người Mỹ, nhưng Hạ viện có xu hướng hơi háo hức quá mức.”
“Vì vậy, khi Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát, họ sẽ thông qua các dự luật có chút điên rồ. Rồi khi đảng Dân Chủ nắm quyền kiểm soát, họ [cũng] sẽ thông qua các dự luật có chút điên rồ. Và nhiệm vụ của Thượng viện là khiến niềm đam mê đó điềm tĩnh hơn.”
“Quý vị biết đấy, có câu nói rằng Hạ viện là tách trà nóng, còn Thượng viện là chiếc đĩa lót để quý vị làm nguội tách trà đó.”
“Thượng viện được thiết kế để trở thành một nơi hành động chậm rãi, để hạ nhiệt những đam mê đó, để nghiễn ngầm chiến lược hơn và lâu dài hơn về đạo luật được đặt ra trước chúng tôi. Và quan trọng nhất, nó được thiết kế để yêu cầu lễ độ, yêu cầu mọi thượng nghị sĩ phải thỏa hiệp và làm việc cùng nhau, vì vậy dự luật mà chúng tôi thông qua thể hiện những quan điểm của một phổ chính trị rộng lớn trên cả nước, chứ không chỉ là niềm đam mê nhất thời.”
“Và vì vậy, trong khi như thế thật đáng bực mình, vì … phe đa số, đúng vậy, bởi vì quý vị phải có 60 phiếu bầu để tiến hành tiếp, sự thất vọng đó chỉ thể hiện cảm giác lo lắng ngắn hạn do quý vị không đạt được những gì mình muốn. Cũng trong căn phòng này có những người trong số quý vị làm cha mẹ biết rằng điều tốt nhất mà quý vị có thể làm cho con mình là không cho chúng tất cả những gì chúng muốn.”
Cơ sở hạ tầng
Một phần quan trọng trong bài thuyết trình của bà Sinema đề cập đến Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng năm 2021, một dự luật trị giá 1.2 ngàn tỷ USD đã chấm dứt nhiều năm nỗ lực thất bại nhằm thông qua dự luật cơ sở hạ tầng. Dự luật này cuối cùng đã giành được sự ủng hộ của đủ số lượng thành viên lưỡng viện để được thông qua thành luật.
Rốt cuộc, bà Sinema đóng một vai trò then chốt để bảo đảm rằng dự luật này có thể được thông qua, và không ngạc nhiên khi thành viên Đảng Dân Chủ đến từ Arizona này đã dành rất nhiều thời gian để thảo luận về dự luật.
Bà Sinema nói về dự luật mà bà là nhân tố quan trọng để tạo nên, “Cách tiếp cận đó đã tỏ ra thành công, giúp chúng tôi thông qua Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng lịch sử của mình thành luật, khiến nước Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn và an toàn hơn, tạo ra những công việc được trả lương cao, và mở rộng cơ hội làm ăn trên khắp cả nước.”
“Quý vị biết đấy, trong nhiều thập niên, cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ đã đang trong quá trình sụp đổ. Và mặc dù thực tế rằng đó là cơ sở hạ tầng, mà hàng tuần, tuần này qua tuần khác, tiến độ [thông qua dự luật về cơ sở hạ tầng] liên tục bị quan điểm đảng phải chặn lại. Tuy nhiên luật của chúng tôi đưa ra một khoản đầu tư có một trong đời cho nền kinh tế Hoa Kỳ, trong đó có hơn 100 tỷ USD để sửa chữa và nâng cấp các đường cao tốc, đường bộ, cầu, và các dự án giao thông vận tải lớn khác của chúng ta. Luật của chúng tôi đang cung cấp internet nhanh hơn cho người dân ở nhiều nơi hơn, qua việc đầu tư hơn 65 tỷ USD để khai triển băng thông rộng tốc độ cao và giúp các gia đình chi trả cho dịch vụ internet. Luật này mang lại nguồn nước sạch hơn, đáng tin cậy hơn bằng cách đầu tư mạnh nhất vào cơ sở hạ tầng nước uống và nước thải trong lịch sử Hoa Kỳ.”
“Và phần mà tôi ưa thích là,” bà Sinema nói thêm, “chúng tôi đã đạt được tất cả những mục tiêu này mà không cần tăng thuế đối với người Mỹ bình thường.”
Kiểm soát súng
Bà Sinema cũng thảo luận về một gói dự luật kiểm soát súng gây tranh cãi mà bà đã tìm ra giải pháp cùng với Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) sau vụ xả súng ở Uvalde, Texas, khiến 19 trẻ em và hai người lớn thiệt mạng.
Mặc dù gói này không được những người ủng hộ Tu chính án thứ Hai đón nhận, những người đặc biệt cảnh báo rằng dự luật này thúc đẩy và mở rộng các luật cảnh báo (red flag law, là luật kiểm soát súng cho phép tòa án tiểu bang ra lệnh tạm thời thu giữ súng của một người có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng hoặc chính bản thân họ), nhưng bà Sinema khẳng định rằng gói này là một thành tựu của lưỡng đảng để giải quyết các vấn đề, đồng thời vẫn giữ nguyên quyền về súng của những người Mỹ tuân thủ pháp luật.
Bà Sinema chỉ ra rằng vấn đề thực sự là các nhà lập pháp sẽ chỉ xem xét những lời giải thích nào cho các vụ xả súng hàng loạt mà “phù hợp và xác nhận những niềm tin định kiến của chính họ.”
Bà Sinema kết luận rằng điều này thật sai lầm.
“Các quan chức được bầu có thói quen xúc phạm lẫn nhau; vì nói ra những suy nghĩ và lời cầu nguyện, vì đổ lỗi bạo lực chỉ là do bệnh tâm thần hoặc trò chơi điện tử gây ra, cho các loại vũ khí cụ thể hoặc bất kỳ nguyên nhân nào không phù hợp và xác nhận niềm tin định kiến của chính họ,” bà Sinema nói. “Nhưng đổ lỗi và nói ra những lời chua cay, công kích về chính trị đã trở thành con đường dễ dàng nhất.”
“Trong khi đó, các cộng đồng trên khắp đất nước chúng ta, những nơi đã phải chịu đựng bạo lực vô lý, như Uvalde, Texas, xứng đáng nhận được nhiều hơn chứ không chỉ là quan điểm chính trị ở Hoa Thịnh Đốn như thường lệ. Các cộng đồng của chúng ta xứng đáng được các nhà lãnh đạo của họ cam kết thực hiện những công việc cần thiết nhưng rất khó khăn của việc gạt bỏ chính trị sang một bên, xác định các vấn đề cần giải quyết, và hợp tác cùng nhau hướng tới lý lẽ chung và mục tiêu chung. Đó là lý do tại sao sau thảm kịch kinh hoàng tại trường tiểu học Rob, ở Uvalde, Texas, các Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut), John Cornyn(Cộng Hòa-Texas), Tom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina), và tôi — mỗi người đại diện cho các tiểu bang khác nhau trên khắp đất nước — phải hành động để tranh luận về một loạt các giải pháp có thể cứu mạng người, làm cho cộng đồng của chúng ta an toàn hơn, và bảo vệ các quyền Hiến định của người Mỹ.”
“Chúng tôi thừa nhận rằng bạo lực mang đến tai họa cho các cộng đồng của chúng ta có nguyên nhân rất phức tạp,” bà Sinema cho biết. “Một phần có thể là do bọn tội phạm mang vũ khí nguy hiểm, và do cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến thanh thiếu niên ở các thành phố và thị trấn trên khắp Hoa Kỳ. Vì vậy, chúng tôi đã dành hàng giờ để xem xét các điều khoản chính sách, bảo đảm rằng chúng tôi sử dụng ngôn ngữ phù hợp, và mọi chính sách có trong dự luật của chúng tôi có thể giúp cứu mạng người, giúp trẻ em học tập và phát triển trong môi trường lành mạnh và an toàn, đồng thời làm cho cộng đồng của chúng ta trở thành những nơi an toàn hơn, sôi động hơn. Đó là công việc khó khăn. Nhưng rất đáng để thực hiện.”
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times