Ủy ban Thượng viện thông qua dự luật về nhóm độc quyền giữa giới truyền thông và các đại công ty công nghệ
Hôm 22/09, Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã thông qua một đề nghị cho phép các hãng truyền thông hình thành các nhóm độc quyền (cartel) để đàm phán với các nền tảng của các đại công ty công nghệ (Big Tech).
Dự luật này, được đặt tên là Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí (JCPA), bị nhiều người phản đối cũng như ủng hộ trong các hãng truyền thông cũng như các nhóm vận động truyền thông.
Cụ thể, dự luật phức tạp này sẽ thay thế một số luật chống độc quyền hiện hành và cho phép các công ty truyền thông đàm phán chung với các nền tảng Big Tech như Facebook, Google, và Twitter.
JCPA nêu rõ: “Một nhà sáng tạo nội dung tin tức có thể không phải chịu trách nhiệm pháp lý theo các luật chống độc quyền này vì đã tham gia vào các cuộc đàm phán với bất kỳ nhà sáng tạo nội dung tin tức nào khác trong khoảng thời gian 4 năm bắt đầu từ ngày ban hành Đạo luật này để giữ lại nội dung chung khỏi, hoặc thương lượng với, một nhà phân phối nội dung trực tuyến về các điều khoản mà nội dung tin tức này của nhà sáng tạo tin tức có thể được nhà phân phối nội dung tin tức trực tuyến đó phân phối.”
Điều đó có nghĩa là những hãng truyền thông trực tuyến và ấn phẩm đó, trong đó có một số tên tuổi lớn nhất và lâu đời nhất trong ngành, có thể kết hợp với nhau trong một loại liên minh truyền thông nhằm yêu cầu các công ty công nghệ nhượng bộ để liên minh này tiếp tục cho phép nội dung của họ xuất hiện trên nền tảng của các công ty công nghệ này. Trái lại, theo các luật chống độc quyền hiện hành, các nhóm độc quyền như vậy — thuật ngữ mô tả một sự thông đồng giữa các công ty trong một ngành mà đã liên kết với nhau vì một kết quả tài chính hoặc kết quả kinh doanh chung cho ngành — rõ ràng là bất hợp pháp.
Những người ủng hộ JCPA đã trình bày dự luật này như thể nó một liều thuốc chữa bách bệnh rất cần thiết để giải quyết vấn đề số lượng các công ty chuyên về truyền thông địa phương đang ngày càng suy giảm, những công ty mà những người ủng hộ nói rằng, thường bị thua thiệt nhiều trong mạng lưới bảo vệ do các thuật toán mà các đại công ty công nghệ thiết lập và về năng lực quảng cáo.
Tuy nhiên, những người chỉ trích dự luật về nhóm độc quyền này đã cảnh báo rằng các biện pháp trong JCPA có thể phục vụ lợi ích của các hãng truyền thông thiên tả và chính thống trong việc chống lại các hãng truyền thông độc lập và đối lập với giới quyền uy.
Cụ thể, những người phản đối chỉ ra một phần trong một bản dự thảo cập nhật của JCPA có thể cho phép một cách hiệu quả các nhóm độc quyền truyền thông thiên tả yêu cầu các nền tảng công nghệ kiểm duyệt các hãng truyền thông mới hơn hoặc ít chính thống hơn, hoặc hoàn toàn từ chối cho phép những hãng này xuất hiện trên nền tảng.
Theo nguyên văn của dự luật này, các cuộc đàm phán giữa các nhóm độc quyền truyền thông với các nền tảng công nghệ phải vượt ra khỏi khuôn khổ các nhượng bộ đơn thuần về tiền bạc.
Trên thực tế, các nhà phê bình lo ngại rằng điều này có thể cho phép các hãng truyền thông thiên tả yêu cầu các hãng truyền thông nhỏ hơn vốn phổ biến “thông tin sai lệch” hoặc “tin giả” — mà nhiều người cánh hữu xem là một thuật ngữ khái quát được che đậy không kỹ càng nhằm gây mất uy tín cho các hãng truyền thông theo phái bảo tồn truyền thống — để cấm họ xuất bản nội dung trên các nền tảng công nghệ.
Theo quy định thì dự luật sẽ bảo đảm để điều này không xảy ra.
Theo các điều khoản của dự luật, liên minh các hãng truyền thông kết hợp với nhau để thương lượng chung không thể loại trừ các hãng truyền thông khỏi nhóm độc quyền này vì lý do liên quan đến “quy mô của một nhà cung cấp báo chí kỹ thuật số đủ điều kiện hoặc các quan điểm do nội dung của nhà cung cấp này biểu đạt.” Nói cách khác, nhóm độc quyền này không thể loại trừ các thành viên khỏi bàn đàm phán vì họ bị xem là quá nhỏ hoặc bởi vì họ thể hiện niềm tin nằm ngoài xu thế chủ đạo về chính trị.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho biết những nguyên nhân được cho phép để loại trừ một hãng thông tấn — bao gồm “mức độ đáng tin cậy”, “chủ nghĩa cực đoan”, “thông tin sai lệch”, “ngôn luận thù hận”, “thuyết âm mưu”, “chuyên môn”, “tính thẩm quyền”, và những thứ khác của một hãng thông tấn — có thể cho phép các nhóm độc quyền truyền thông ngăn cản các hãng truyền thông mới hơn hoặc đối lập với giới quyền uy bị loại khỏi các cuộc đàm phán, dựa trên bản chất tương đối chủ quan của các tiêu chí đó.
Sau khi được Ủy ban Tư pháp Thượng viện chấp thuận, dự luật này hiện đang được Thượng viện chuẩn bị xem xét, và có thể sắp được thông qua.
Chia rẽ trong Đảng Cộng Hòa về vấn đề này
Dự luật này được Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông qua với sự ủng hộ của một số thành viên Đảng Cộng Hòa, trong đó có các Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Louisiana), Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina), và Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas).
Trong quá khứ, dự luật này đã dẫn đến sự chia rẽ giữa các thành viên Đảng Cộng Hòa. Mặc dù hai Thượng nghị sĩ Graham và Kennedy nằm trong số những nhà bảo trợ cho JCPA, nhưng dự luật này đã bị Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) chỉ trích là “đối lập với chủ nghĩa bảo tồn truyền thống.”
Ông McCarthy nói với Breitbart News: “Các nỗ lực của các đại công ty truyền thông và Đảng Dân Chủ trong Quốc hội nhằm thông đồng và độc quyền hóa các mô hình kinh tế gây ra một mối đe dọa to lớn cho tự do ngôn luận và một nền báo chí tự do.”
“Chưa bao giờ cơ hội lại rộng mở đối với các hãng truyền thông khởi nghiệp như hiện nay. Hiện nay người Mỹ có nhiều lựa chọn hơn để tiếp nhận thông tin và đưa ra các quyết định cho cộng đồng và các nhà lãnh đạo được bầu chọn của họ. Điều đó làm cho nền Dân Chủ mạnh mẽ hơn và tạo ra một lớp doanh nhân hoàn toàn mới mà cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng việc làm. Như chúng ta đã thấy trong các ngành khác, những người gây trở ngại khiến các hãng truyền thông thiên tả tham gia thị trường cảm thấy bực bội và những hãng truyền thông thiên tả đó thường sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết nhằm duy trì thị phần và quyền lực của họ.”
“Điều này đối lập với chủ nghĩa bảo tồn truyền thống, và những người theo phái bảo tồn truyền thống tại Hạ viện sẽ tranh đấu cho một thị trường mở và tự do — đặc biệt là một thị trường thúc đẩy tự do ngôn luận và một nền báo chí tự do.”
Trong một tuyên bố sau khi Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông qua dự luật này, Thượng nghị sĩ Kennedy đã bày tỏ rằng dự luật này là một chiến thắng cho các hãng truyền thông độc lập và có khuynh hướng bảo tồn truyền thống chống lại các đại công ty công nghệ.
“Các đại công ty công nghệ như Facebook và Google đang đàn áp các ấn phẩm thuộc phái bảo tồn truyền thống nhỏ hơn bằng cách ngăn họ thu về lợi nhuận trên các nền tảng trực tuyến,” ông Kennedy lập luận. “Sự thao túng này đang chèn ép quyền tự do ngôn luận. Dự luật này cấm các đại công ty công nghệ trấn áp, lọc, ngăn chặn hoặc quản lý nội dung trực tuyến, bên cạnh đó còn mang đến cho các hãng truyền thông địa phương một sân chơi công bằng để thương lượng chống lại những đại công ty kiểm duyệt này.”
Cuối cùng, dự luật này đã được Ủy ban Tư pháp thông qua với sự ủng hộ của hầu hết các thành viên trong ủy ban — kể cả hầu hết các thành viên Đảng Cộng Hòa trong ủy ban — đã bỏ phiếu ủng hộ luật.
Mặc dù chê trách dự luật này về căn bản là vô dụng, nhưng Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) đã cùng 10 đồng sự Đảng Cộng Hòa của mình bỏ phiếu thúc đẩy cho dự luật. Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) là thành viên Đảng Cộng Hòa duy nhất trong ủy ban bỏ phiếu chống lại dự luật.
Thượng nghị sĩ Cruz đồng ý sau khi lúc đầu phản đối
Có một sự thay đổi bất ngờ, đó là việc Thượng nghị sĩ Cruz đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật này sau khi lúc đầu phản đối với lý do dự luật có thể cho phép kiểm duyệt hơn nữa các hãng truyền thông độc lập và bảo tồn truyền thống.
Trong cuộc họp hôm 08/09 của Ủy ban Tư pháp, ông Cruz đã đưa ra một sửa đổi mà ông tuyên bố sẽ buộc các cuộc đàm phán phải hoàn toàn tập trung vào doanh thu quảng cáo có giá trị thị trường hợp lý.
Từ lâu những người đề xướng đã trích dẫn yếu tố đó làm cơ sở để họ ủng hộ luật, vì từ trước đến nay đã có những lo ngại rằng các nền tảng đại công ty công nghệ đang thu lợi từ nội dung được xuất bản của các nhóm truyền thông nhỏ và địa phương mà không trả thù lao hợp lý cho họ.
Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về khả năng các đại công ty công nghệ và các hãng truyền thông thiên tả sẽ thông đồng để gây tổn hại cho các ấn phẩm độc lập.
Hôm 08/09, Thượng nghị sĩ Cruz đã nêu ra những lo ngại đó như là các nguyên nhân để ông phản đối dự luật này và đưa ra một sửa đổi mà ông nói sẽ bảo đảm những vấn đề như vậy không xảy ra.
“Nếu quý vị đang đàm phán, quý vị nên đàm phán về tác hại mà dự luật này được cho là hướng tới, đó là việc không thể có doanh thu từ nội dung của quý vị,” ông Cruz nói vào thời điểm đó. “Quý vị không nên thương lượng về việc tiết chế nội dung và cách quý vị sẽ kiểm duyệt nội dung quan trọng.”
“Dự luật này chỉ đơn giản cho biết, khi hai bên gặp nhau, thì chủ đề thảo luận không thể là kiểm duyệt. Đó phải là doanh thu từ quảng cáo, là điều mà tất cả các cuộc thảo luận để sửa đổi dự luật này đều tập trung vào cho đến nay.”
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar (Dân Chủ-Minnesota), nhà bảo trợ chính cho dự luật này, đã phản bác lại tuyên bố của ông Cruz với luận điểm của riêng bà rằng mục đích của dự luật là không bao giờ để cho một số quan điểm và các hãng truyền thông không thể đàm phán hoặc bị các đại công ty công nghệ kiểm duyệt thêm.
“Điều này chỉ đơn giản là về việc thương lượng giá cả,” bà Klobuchar nói hôm 08/09. “Điều này chưa bao giờ là mục đích của dự luật này, nếu xét đến nội dung. Mục tiêu của dự luật này là cho phép các tổ chức đưa tin địa phương được trả thù lao khi những các đại công ty như Facebook và Google truy cập vào nội dung của họ. Đó không phải là để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán về nội dung.”
Rốt cuộc, bà Klobuchar đã cung cấp cho ông Cruz một bản dự thảo sửa đổi của dự luật nhằm thỏa mãn những lo ngại của ông Cruz, và hôm 22/09, ông đã cùng các đồng sự của mình thúc đẩy dự luật này.
Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại cho rằng bản chất chủ quan của các nguyên nhân được cho phép để loại trừ một hãng truyền thông khỏi một nhóm độc quyền có thể gây hại cho các hãng truyền thông độc lập có quan điểm nằm ngoài xu thế chủ đạo về chính trị, vì lợi ích của các hãng truyền thông thiên tả và chính thống.
Điều diễn ra tiếp theo
Giờ đây, khi sự phản đối của ông Cruz đã được giải quyết, dự luật này sẽ được chuyển tới toàn thể Thượng viện để xem xét vào một lúc nào đó trong những ngày tới hoặc trong những tuần tới.
Bởi vì dự luật này đã giành được sự ủng hộ của 11 thành viên Đảng Cộng Hòa trong ủy ban, nên có khả năng sẽ gặp ít trở ngại để vượt qua ngưỡng tranh luận không giới hạn, vốn yêu cầu cần ít nhất 60 phiếu thuận để chấm dứt.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times