Thượng nghị sĩ Sinema rời Đảng Dân Chủ sẽ có những tác động gì?
Thông báo bất ngờ của Thượng nghị sĩ Arizona Kyrsten Sinema rằng bà đã rời Đảng Dân Chủ đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của sự kiện này đối với cán cân quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn và liệu hành động này là một làn sóng chấn động hay chỉ đơn thuần là một gợn nhỏ.
Việc bà Sinema rời Đảng Dân Chủ và ghi danh trở thành một chính trị gia độc lập chắc chắn mang tính biểu tượng — với thông báo của bà là một lời quở trách gay gắt đối với sự chia rẽ đảng phái mạnh mẽ ở Hoa Thịnh Đốn — nhưng nó cũng quan trọng, theo nhiều nguồn tin nói với The Epoch Times, vì nó thu hẹp lợi thế không đáng kể của Đảng Dân Chủ ở Thượng viện và khiến công việc của Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) trở nên khó khăn hơn.
Bà Sinema cho biết trong một tuyên bố trên mạng xã hội và bài bình luận trên tờ Arizona Republic rằng bà từ bỏ Đảng Dân Chủ vì bà đã hết kiên nhẫn với cái mà bà mô tả là “hệ thống đảng phái bị hủy hoại ở Hoa Thịnh Đốn” vốn ưu tiên từ chối đảng đối thủ giành chiến thắng hơn là “phụng sự cho tất cả người Mỹ.”
Bà viết trên nhật báo Arizona Republic, “Mỗi ngày người Mỹ lại càng bị bỏ lại phía sau bởi tính chất đảng phái cứng nhắc của các đảng quốc gia, tình trạng đã trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây.”
Trong một video được đăng trên Twitter, bà khẳng định người dân Arizona không quan tâm nhiều đến nhãn mác chính trị và không thắc mắc liệu một số ý tưởng chính sách nhất định là của Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ. Thay vào đó, về căn bản họ muốn thấy các chính sách được thông qua có lợi cho gia đình và cộng đồng của họ.
“Ghi danh trở thành chính trị gia độc lập và hiện diện để làm việc với chức danh nghị sĩ độc lập luôn phản ánh đúng bản chất con người tôi. Và điều đó phản ánh tiểu bang Arizona như thế nào,” bà Sinema nói.
Việc rời [Đảng Dân Chủ] của bà Sinema đã vấp phải chỉ trích từ một số cựu đồng sự Đảng Dân Chủ của bà, với một số người đưa ra ý kiến tiêu cực về tuyên bố của bà cho rằng hành động này có nghĩa là một sự đại diện tốt hơn cho lợi ích của người dân Arizona.
“Thượng nghị sĩ Sinema hiện có thể được ghi danh để trở thành một chính trị gia độc lập, nhưng bà ấy đã cho thấy bà trả lời các tập đoàn và tỷ phú, chứ không phải người dân Arizona,” ông Raquel Terán, chủ tịch Đảng Dân Chủ của tiểu bang, cho biết trong một tuyên bố.
Ông Terán nói thêm, “Việc ghi danh đảng chính trị của Thượng nghị sĩ Sinema chẳng có ý nghĩa gì nếu bà ấy tiếp tục không lắng nghe cử tri của mình.”
‘Thực chất, không chỉ tượng trưng’
Bà Sinema đã trở thành cái gai trong một số nỗ lực chính sách cấp tiến hơn của Đảng Dân Chủ, chẳng hạn như phản đối việc loại bỏ thủ tục tranh luận không giới hạn (filibuster) ở Thượng viện và bỏ phiếu chống lại đề xướng tăng mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD một giờ.
Thượng nghị sĩ tiểu bang Arizona này cũng không ủng hộ cái gọi là Đạo luật Giảm Lạm phát của Tổng thống Joe Biden cho đến khi bà giành được sự nhượng bộ để loại bỏ điều khoản thuế lợi tức cho thành viên điều hành khỏi dự luật này và bổ sung các biện pháp bảo vệ cho ngành sản xuất tân tiến.
Nhưng trong khi các cựu đồng sự Đảng Dân Chủ của bà Sinema như ông Terán và Dân biểu Ruben Gallego (Dân Chủ-Arizona) — người đã tuyên bố rằng bà Sinema “một lần nữa đặt lợi ích của bản thân lên trên việc hoàn thành công việc cho người dân Arizona” — các nguồn tin nói với The Epoch Times rằng hành động này sẽ trao quyền cho bà Sinema để thúc đẩy các chính sách có lợi cho các cử tri của bà.
Bà Irina Tsukeman, luật sư và chủ tịch của Scarab Rising, Inc., nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng việc bà Sinema rời bỏ [Đảng Dân Chủ] giúp bà ấy linh hoạt hơn và có đòn bẩy để đàm phán với cả hai bên khi tỷ lệ cách biệt (chênh lệch) của Đảng Dân Chủ tại Thượng viện đã bị thu hẹp đáng kể.
Đảng Dân Chủ “sẽ đối mặt với những thách thức giống như trong hai năm qua khi phải đàm phán với các thành viên Đảng Cộng Hòa và với việc bà Sinema có quyền lực và vị thế cá nhân lớn hơn, có thể sẽ phải thỏa hiệp nhiều hơn về các vấn đề liên quan đến tiểu bang Arizona,” bà Tsukerman nói.
Bà nói thêm, “Tác động của sự rời đi của bà ấy sẽ là thực chất chứ không chỉ mang tính biểu tượng, đồng thời nhấn mạnh rằng sự ra đi của bà Sinema sẽ buộc Đảng Dân Chủ phải xem xét lại một số lập trường của họ về các vấn đề chính, đặc biệt là những vấn đề cấp tiến hơn như những vấn đề xung quanh việc chống biến đổi khí hậu.”
Ý nghĩa đối với khối đa số
Thông báo bất ngờ của bà Sinema được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đảng Dân Chủ giành được đa số tuyệt đối tại Thượng viện sau chiến thắng ở vòng bổ sung ở tiểu bang Georgia của ông Raphael Warnock.
Chiến thắng của ông Warnock trước ứng cử viên Thượng viện Herschel Walker đã mang lại cho Đảng Dân Chủ tỷ lệ cách biệt 51–49 ở Thượng viện. Tỷ lệ này giảm xuống còn 50–49–1 sau khi bà Sinema chuyển đổi đảng chính trị.
Điều đó là không đủ để Đảng Dân Chủ mất quyền kiểm soát Thượng viện, ngay cả khi bà Sinema bỏ phiếu với Đảng Cộng Hòa để đạt tỷ lệ chia đều 50–50 (50 ghế thuộc Đảng Dân Chủ và 50 ghế thuộc Đảng Cộng Hòa), vì Phó Tổng thống Kamala Harris có thể bỏ phiếu phá vỡ thế hòa.
Một yếu tố quan trọng sẽ là liệu bà Sinema có tham gia các Nhóm họp kín Đảng Dân Chủ tại Hạ viện hay không, điều này vẫn chưa rõ ràng, vì bà cho biết bà sẽ không tham gia Nhóm họp kín Đảng Cộng Hòa.
Ông Aron Solomon, người đứng đầu bộ phận chiến lược của Esquire Digital, cho rằng “điều này vẫn còn chưa rõ ràng.”
“Từ góc độ thực tế, chúng ta lại ở mức [tỷ lệ chênh lệch] 50–50,” ông Solomon nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử.
“Không đời nào Đảng Dân Chủ có thể tin tưởng vào một người sắp trở thành nghị sĩ độc lập, đặc biệt là khi, không giống như ông Sanders và những người khác, bà ấy không thể được tin tưởng để tham gia Nhóm họp kín Đảng Dân Chủ với họ,” ông nói thêm.
Hai thượng nghị sĩ khác — ông Bernie Sanders của tiểu bang Vermont và ông Angus King của tiểu bang Maine — là những người đã ghi danh [là chính trị gia] độc lập nhưng vẫn tham gia Nhóm họp kín Đảng Dân Chủ.
‘Các giá trị của tôi sẽ không thay đổi’
Về phần mình, bà Sinema cho biết trong cuộc phỏng vấn với Politico rằng bà sẽ tiếp tục bỏ phiếu theo cách mà bà đã thực hiện trong bốn năm đầu tiên làm thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Arizona.
“Sẽ không có gì thay đổi về các giá trị hoặc hành vi của tôi,” bà nói với hãng thông tấn này, tuy nhiên cũng nói thêm rằng bà sẽ không tham dự các cuộc họp hàng tuần của Nhóm họp kín Đảng Dân Chủ.
Khi được hỏi rằng việc bà rời Đảng Dân Chủ ảnh hưởng như thế nào đến việc phân phối phiếu bầu, bà Sinema nói với Politico rằng đó không phải là câu hỏi mà bà “quan tâm,” thay vào đó bà muốn tập trung hơn vào nỗ lực làm việc với cả hai đảng.
Bà chia sẻ với hãng thông tấn này: “Tôi muốn mọi người thấy rằng có thể làm việc tốt với những người thuộc mọi khuynh hướng chính trị khác nhau, đồng thời làm việc đó mà không chịu áp lực hay sự cực đoan của cơ cấu đảng phái.”
Việc bà Sinema rời đảng diễn ra một ngày sau khi ông Schumer được bầu thêm một nhiệm kỳ nữa với tư cách Lãnh đạo Đảng Dân Chủ tại Thượng viện. Trong một tuyên bố, ông Schumer nói rằng bà Sinema sẽ tiếp tục các nhiệm vụ trong ủy ban của bà.
Ông Schumer nói, “Bà ấy yêu cầu tôi giữ lại các nhiệm vụ trong ủy ban của bà ấy và tôi đã đồng ý.”
“Tôi tin rằng bà ấy là một Thượng nghị sĩ tài năng và làm việc hiệu quả, hơn nữa tôi đang mong đợi một phiên làm việc có kết quả tại Thượng viện mới do Đảng Dân Chủ chiếm đa số,” ông tiếp tục.
Ông Schumer nói thêm, “Chúng tôi sẽ duy trì thế đa số mới của mình trong các ủy ban, thực hiện quyền lực về trát đòi của mình, và có thể chấp thuận cho các ứng cử viên mà không cần sự chấp thuận của ủy ban.”
Tuy nhiên, bất chấp việc ông Schumer có vẻ tự tin rằng việc bà Sinema rời Đảng Dân Chủ thì mọi việc Capitol Hill vẫn diễn ra như thường lệ, nhưng ông Solomon vẫn nhấn mạnh rằng việc bà rời đảng “khiến sự hăng hái của họ giảm sút.”
Ông nói thêm, “Sự rời đi này không khác gì một tổn thất của Đảng Dân Chủ — họ thực sự mất mặt trong việc này,” ông nói thêm.
Bà Amani Wells-Onyioha, giám đốc điều hành tại một cơ quan vận động và tư vấn chính trị liên kết với Đảng Dân Chủ, cũng đã bày tỏ một quan điểm tương tự, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng việc bà Sinema rời đảng “thật không may khiến khối đa số kém ổn định hơn.”
“Quyết định của bà ấy thu hẹp khối đa số của chúng tôi nên điều đó là hậu quả lớn nhất ở đây,” bà nói thêm, “Bà Kamala sẽ phải đóng vai trò là người quyết định nếu Đảng Dân Chủ cố gắng thúc đẩy bất kỳ dự luật quan trọng nào.”
Đồng thời, bà Wells-Onyioha cho biết việc bà Sinema rời đảng nên được các nghị sĩ Đảng Dân Chủ xem là một “điều nhẹ nhõm” để “cuối cùng chúng ta có thể ngừng giả vờ rằng bà Sinema là đồng minh hoặc người cùng đảng của chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”
‘Tiếp tục hợp tác một cách thành công’ với bà Sinema
Tòa Bạch Ốc đã phản ứng trước thông báo của bà Sinema bằng cách gọi bà là một “đối tác quan trọng” trong nỗ lực thông qua “các dự luật lịch sử” dưới thời Tổng thống Joe Biden, đồng thời bày tỏ hy vọng bà sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ đương nhiệm.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói trong một tuyên bố, “Chúng tôi hiểu rằng quyết định ghi danh làm một chính trị gia độc lập ở Arizona của bà ấy không thay đổi quyền kiểm soát khối đa số mới của Đảng Dân Chủ tại Thượng viện, và chúng tôi có mọi lý do để hy vọng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác thành công với bà.”
Việc bà Sinema rời đảng đại diện cho sự thay đổi về đảng phái đầu tiên tại Thượng viện trong hơn một thập niên. Lần chuyển đổi sang đảng đối lập cuối cùng là khi Thượng nghị sĩ Pennsylvania Arlen Spectre rời Đảng Cộng Hòa để gia nhập Đảng Dân Chủ hồi năm 2009.
Việc ông Spectre chuyển đổi đảng diễn ra vào thời điểm đặc biệt khó khăn đối với Đảng Cộng Hòa khi việc rời đi của ông đã mang lại cho Nhóm họp kín Đảng Dân Chủ lúc đó đang có 59 phiếu bầu và chỉ còn thiếu một phiếu bầu duy nhất để vượt ngưỡng tranh luận không giới hạn của Đảng Cộng Hòa.
Mặc dù việc ông Spectre chuyển đảng là một tổn thất đối với các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, nhưng vào thời điểm đó, ông khẳng định rằng ông sẽ “không trở thành phiếu bầu tự động thứ 60.”
“Tôi sẽ minh họa điều đó với quan điểm của tôi về sự lựa chọn của nhân viên, còn được gọi là Card Check (ghi danh lập nghiệp đoàn). Tôi nghĩ đó là một thỏa thuận tồi và tôi phản đối nó. Tôi sẽ không bỏ phiếu để áp đặt hành động chấm dứt tranh luận,” ông nói hồi tháng 04/2009. “Nếu Đảng Dân Chủ đòi hỏi quá nhiều, tôi sẽ không bỏ phiếu cùng họ.”
Lần rời đảng này của bà Sinema cũng đặt ra câu hỏi liệu các Thượng nghị sĩ khác có thể rời đi hay không, điều này có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở Thượng viện.
Đã có đồn đoán rằng một thành viên khác, Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia), cũng có thể rời bỏ Đảng Dân Chủ.
Theo một con đường độc lập
Trong một cuộc phỏng vấn hồi giữa tháng Mười Một, ông Schumer đã được ông Rachel Maddow của hãng tin CNBC hỏi liệu ông có tự tin rằng cả bà Sinema và ông Manchin sẽ không chuyển đổi đảng trong tương lai hay không.
“Tôi đã rất không đồng tình với họ … nhưng họ vẫn tiếp tục là thành viên Đảng Dân Chủ. Trước đây, họ có thể dễ dàng làm điều đó,” ông nói vào thời điểm đó.
Ông Schumer gọi ông Manchin là “một người cấp tiến” trong một số vấn đề, trong đó có vấn đề về thuốc kê toa, và nhấn mạnh rằng cả hai thượng nghị sĩ nói trên “sẽ không cảm thấy thoải mái trong Đảng Cộng Hòa.”
Ông Manchin, cùng với bà Sinema, đã khiến Hoa Thịnh Đốn căng thẳng trong hai năm qua khi cả hai liên tục không đưa ra các lá phiếu cần thiết cho các sáng kiến lập pháp do Tổng thống Biden đề xướng.
Giống như bà Sinema, ông Manchin từ chối ủng hộ Đạo luật Giảm Lạm phát cho đến khi ông nhận được một số nhượng bộ, bao gồm cả những nhượng bộ sẽ làm giảm tác động của dự luật này đối với nợ công.
Bất chấp những đồn đoán từ lâu rằng ông Manchin có thể thay đổi đảng chính trị, nhưng một số chiến lược gia chính trị quen thuộc với hoạt động chính trị ở tiểu bang West Virginia nói với Fox News rằng họ tin rằng việc ông Manchin thay đổi là rất khó xảy ra.
Bà Wells-Onyioha đồng ý, đồng thời nói thêm rằng bà không “đoán trước bất kỳ nghị sĩ Đảng Dân Chủ nào khác sẽ rời bỏ đảng.”
Ngược lại, bà Tsukerman không quá chắc chắn.
“Việc liệu ông Manchin có đi theo con đường tương tự hay không vẫn chưa rõ ràng,” bà nói với The Epoch Times. “Tuy nhiên, với việc có một khu vực bầu cử quan trọng nghiêng về Đảng Cộng Hòa để lo lắng, ông ấy là người duy nhất trong Đảng Dân Chủ có nhiều động lực nhất để làm như vậy.”
Một câu hỏi khác được đặt ra là việc bà Sinema thay đổi đảng chính trị có ý nghĩa gì đối với nhân viên của bà.
Khi Dân biểu Jeff Van Drew của New Jersey từ Đảng Dân Chủ chuyển sang Đảng Cộng Hòa hồi năm 2019 và bày tỏ “sự ủng hộ bất diệt” đối với Tổng thống đương thời Donald Trump, năm nhân viên đã rời văn phòng của ông.
Phương Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times