Tình huynh đệ như thủ túc, phúc báo không cầu mà tự đến
Huynh đệ còn được gọi là “thủ túc” (chân tay), từ này rất chuẩn xác để miêu tả mối quan hệ giữa anh em ruột thịt. “Độc thư lục” chép, Pháp Chiêu thiền sư có bài kệ rằng:
“Đồng khí liên chi các tự vinh,
Ta tu ngôn ngữ mạc thương tình.
Nhất hồi tương kiến nhất hồi lão,
Năng đắc kỷ thì vi đệ huynh?”
Tạm dịch:
Liền cành chung khí nấy tự vinh,
Lời hay ý đẹp chớ tuyệt tình.
Lần này gặp mặt lần sau lão,
Nào đâu duyên mãi làm đệ huynh?
Một số người đối đãi với huynh đệ mình như người xa lạ. Thấy nạn không cứu, kết quả sẽ ra sao? Có huynh trưởng thương yêu đệ đệ, tình quá thủ túc, phúc báo không cầu mà tự đến.
Đệ gặp nạn nhưng huynh không cứu, kết quả sẽ ra sao?
Vào thời nhà Thanh có một thư sinh tên là Chu Thức, gia cảnh bần cùng, làm nghề dạy học tại quê nhà để kiếm sống. Vào cuối một năm nọ, Chu Thức mang theo số tiền được trả công dạy học trong một năm trở về nhà đón năm mới. Trên đường đi anh nhìn thấy một người nông phu bị trói đang khóc lóc thảm thiết. Chu Thức hỏi anh ta tại sao lại khóc. Người nông phu nói với Chu Thức rằng năm nay anh ta đã vay tiền từ quan phủ để mua mạ non, nhưng lại không thể trả được. Thế là Chu Thức đã lấy số tiền dạy học của mình giúp người nông phu kia trả nợ cho quan phủ, để người nông phu được tự do.
Trong làng cũng có một thư sinh khác tên là Lưu Triệt. Lưu Triệt gia cảnh khá giàu có, học vấn cũng có tiếng tăm, nhưng tham gia mấy lần khoa cử đều không đỗ. Anh xin Thần minh khai thị cho tương lai của mình. Trong mộng, Thần minh khai thị cho anh rằng: “Bản mệnh ngươi có chút phúc lộc, nhưng đời này thất đức nên không đắc được!”
Lưu Triệt liền thỉnh hỏi bản thân đã thất đức gì. Thần nói rằng: “Đệ đệ của ngươi nợ tiền quan phủ, ngươi khoanh tay ngồi nhìn, không giúp đỡ gì. Kết quả là đệ đệ ngươi suýt chết, đây chẳng phải thất đức sao?”
Lưu Triệt đáp: “Bản thân đệ đệ làm không tốt, sao con lại mang tội được?”
Thần nói: “Trên đường có người gặp nạn, người khác nhìn thấy đều không nhẫn tâm mà ra tay giúp đỡ. Ngươi với đệ đệ cùng chung một gốc, thấy hắn gặp nạn sao chẳng chút động lòng? Ngươi không biết rằng Chu Thức, người cùng làng với ngươi, đã đưa tiền cho một nông phu mua mạ non mà anh ta không quen biết sao? Anh ta sắp nhận được phúc báo rồi!”
Sau khi Lưu Triệt tỉnh dậy, liền đến thăm Chu Thức. Biết được Chu Thức giúp đỡ người nông dân trên đường như vị Thần đã nói, trong lòng Lưu Triệt cảm thấy chán nản, lạc lõng. Về sau, Chu Thức sinh được ba người con trai, tất cả đều hiển quý, còn Lưu Triệt cả đời không thể đỗ đạt.
Đệ chưa thành thân huynh không cưới, huynh đệ thương yêu kết phúc báo
Hứa Vũ, tự Văn Trường, mồ côi từ nhỏ. Hứa Vũ là huynh trưởng, trong nhà có hai đệ đệ còn nhỏ. Sau khi phụ thân qua đời, Hứa Vũ bắt đầu ở nhà làm ruộng, hai ngươi em chưa thể nhấc cuốc để cuốc đất, Hứa Vũ liền để các em đứng bên cạnh xem và học cách làm ruộng.
Ban ngày bận rộn công việc đồng áng, đến tối Hứa Vũ mới chong đèn đọc sách. Chàng bảo hai em ngồi bên cạnh bàn, dạy em đọc sách, ngắt câu như thế nào (cổ thư không có dấu câu), đồng thời giải thích chi tiết ý nghĩa cho các em. Trong suốt quá trình học tập, Hứa Vũ luôn dạy hai người em của mình về đạo nghĩa và đạo đối nhân xử thế.
Nếu các em không chịu học, Hứa Vũ sẽ quỳ trước ban thờ gia tiên và khấn rằng: “Con vô đức, không thể cảm hóa và dạy bảo các đệ đệ. Mong phụ mẫu trên trời có linh, xin hãy chỉ dẫn cho hai đệ!” Hứa Vũ quỳ mãi cho đến khi hai người em khóc lớn, van xin cho một cơ hội để sửa đổi thì mới đứng dậy. Trước nay, Hứa Vũ chưa bao giờ buông lời chê trách các em.
Trong nhà chỉ có một cái giường ngủ, ba anh em ngủ chung một giường. Khi Hứa Vũ đến tuổi thành gia lập thất, có người khuyên anh lấy vợ, Hứa Vũ nói: “Sau khi cưới vợ, thê tử và các đệ đệ dễ xảy ra hiềm khích, sợ sẽ làm tổn thương tình huynh đệ của chúng tôi.”
Hứa Vũ vì có đức ‘hữu ái’ (chăm lo, yêu thương em trai) nên được dân làng tiến cử vào triều đình, được phong làm Nghị lang. Sau đó, anh cưới vợ cho hai người em trai, giúp đệ đệ yên bề gia thất trước, rồi mới tính đến chuyện của bản thân mình. Hai người em đều học hành có thành tựu, được địa phương tiến cử làm quan.
“Nhan thị gia huấn” nói: Song thân mất đi, huynh đệ chăm sóc lẫn nhau, như hình với bóng, như thanh âm với tiếng vang liền kề chẳng dứt.
Hoài Nhẫn Nhẫn thực hiện
Lý Mai biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ