Tình cờ lướt qua nhau, cớ sao lại nên duyên vợ chồng?
Vào thời nhà Thanh, có một vị công tử, cha làm quan ở Hồ Bắc. Một năm nọ, vị công tử nọ đem ba ngàn lượng bạc cho vào rương làm của hồi môn đón thê tử về nhà. Vị thê tử kia cũng là tiểu thư con nhà hào môn quý tộc.
Sau khi công tử lên thuyền và nghe được nội dung cuộc trò chuyện của mấy vị thuyền phu, ban đêm còn có tiếng mài dao loẹt xoẹt, thì chàng mới phát hiện mình lên nhầm chiếc thuyền của đạo tặc và không khỏi lạnh sống lưng. Lúc ấy mặt sông mênh mông không một bóng thuyền, còn lũ cướp thì đang án binh bất động. Công tử trong lòng rối như tơ vò, mỗi phút trôi qua đều nặng nề như tra tấn.
Một hôm, chiếc thuyền cần vào bến để mua thêm lương thực. Công tử ngồi trên thuyền, chàng mở cửa sổ nhìn ra bên ngoài, thì bắt gặp ánh mắt của cô gái trên chiếc thuyền gần đó. Nàng thoắt trông khoảng mười tám, đôi mươi, trông xinh xắn đáng yêu vô cùng.
Sau đó, một giọng nói ôn nhu truyền đến bên tai chàng: “Công tử khí phách bất phàm, nhưng sao mặt mày lại ủ rũ như vậy?”
Công tử đáp rằng: “Nam nữ thụ thụ bất thân, nàng lại còn nhỏ tuổi như vậy, làm sao có thể giải được nỗi sầu của ta?”
Nàng đáp: “Công tử quá xem thường người trong thiên hạ rồi. Chàng làm sao biết tiểu nữ không thể giải được ưu sầu cho chàng? Chàng hãy cứ thử mở lòng chia sẻ xem sao?”
Sau đó chàng kể rằng mình lên nhầm thuyền của đạo tặc, và đang rơi vào tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
Thiếu nữ nói: “Vậy công tử hãy để của cải quan trọng trên thuyền của tiểu nữ. Chàng đợi khi họ quay lại thì giả vờ ốm, và sai người hầu tìm thuốc trong hành lý. Lúc mở rương thì cố tình lục lọi một phen để những thuyền phu cũng nhìn thấy. Họ thấy trong rương chẳng có gì đáng giá thì âm mưu giết người cướp của tự nhiên sẽ bị dập tắt. Phụ thân của tiểu nữ là…, nhà ở ngõ… trong thành…. Sau khi chàng thoát khỏi thuyền, tiểu nữ sẽ trả lại toàn bộ tài sản cho công tử. Tiểu nữ chỉ muốn cứu mạng của chàng, không có bất cứ tâm tư nào khác.” (Thiếu nữ tiết lộ cho chàng trai tên phụ thân và địa chỉ cụ thể của gia đình mình)
Công tử suy nghĩ một hồi, hiện tại chỉ còn cách này, nếu giữ bạc bên người thì sẽ chuốc họa vào thân, không bằng giao tiền tài cho nàng, biết đâu lại thoát được nạn này. Thế là chàng đã giao toàn bộ ba ngàn lượng bạc cho người thiếu nữ.
Lúc đó phụ thân của người thiếu nữ và thuyền phu cũng đang ở trên bờ, một lúc sau thì chiếc thuyền rời đi.
Sau khi tên cầm đầu nhóm đạo tặc quay lại, công tử bất đầu “lăn ra ốm”, chàng cố tình sai người hầu mở rương tìm thuốc trước mặt chủ thuyền. Tên chủ thuyền mở to mắt nhìn chăm chú, nhưng nhìn mãi cũng chỉ thấy trong rương toàn là quần áo, sách vở, và chẳng có thứ gì đáng giá, nên không có bất kỳ hành động nào nữa.
Công tử khó khăn lắm mới vượt qua kiếp nạn, và bước tiếp theo là tìm cách lấy lại ba ngàn lượng bạc của mình. Chàng lần theo địa chỉ và tìm thấy một gia đình thư hương. Công tử giải thích mọi chuyện cho ông lão chủ nhà. Sau khi nghe nói về ba ngàn lượng bạc, ông lão lấy làm kinh ngạc như thể đang nghe chuyện hão huyền.
Lúc ấy, cô con gái đứng sau bình phong bước ra và giải thích cho phụ thân: “Đúng là có chuyện như vậy. Con gái chỉ muốn cứu mạng chàng, chứ không có tâm tư gì khác.”
Ông lão nói: “Nam nữ thụ thụ bất thân, con giúp một nam tử xa lạ giấu tiền, giờ biết ăn nói ra sao với người ngoài? Bản thân con làm sao bảo toàn được?”
Thiếu nữ thưa cha: “Con gái đã nghĩ kỹ rồi. Dù sao thì cũng đã xả thân lộ diện để cứu chàng, nên đời này chỉ có thể đi theo chàng. Ba ngàn lượng bạc kia, hoàn trả chàng một nửa, nửa còn lại cha mẹ giữ lấy để an hưởng tuổi già. Cha mẹ cũng không cần lo lắng cho con nữa. Nếu đáp ứng tâm nguyện này của con, mọi người đều an lòng. Nếu không thành, con gái chỉ còn đường chết thôi.”
Công tử khuyên giải: “Tiểu sinh mặc dù chưa lấy vợ, nhưng hôn ước đã định, nếu nàng theo ta, chỉ có thể làm thiếp của ta, đó không phải điều ta mong muốn.”
Thiếu nữa đáp rằng: “Tiểu nữ xin nguyện ý.”
Phụ thân của thiếu nữ là người thấu tình đạt lý, thấy con giái đã hạ quyết tâm lớn như vậy nên cuối cùng đành đồng ý. Thế là công tử dẫn nàng cùng rời đi.
Khi đến nhà nhạc phụ nhạc mẫu, vị hôn thê của chàng vô cùng ngạc nhiên khi thấy chàng dẫn theo một người phụ nữ. Sau khi hiểu rõ đầu đuôi sự việc, thì nàng cũng sẵn sàng tiếp nạp thêm cô. Nàng nghĩ, cũng may người thiếu nữ này đã nghĩ ra kế hay mới cứu được phu quân, nếu không hôn sự này cũng bất thành. Thế là hai nàng đã chung sống hoà thuận và coi nhau như chị em trong nhà.
Vào thời nhà Thanh cũng xảy ra câu chuyện tương tự. Câu chuyện xảy ra tại một quán ăn ven đường, người thiếu nữ chừng mười sáu, mười bảy tuổi bước vào và lặng lẽ dùng bữa. Sau khi ăn xong, chủ quán nói của nàng hết mười tám xu.
Nàng nói: “Ở hạ lưu xảy ra lũ, tiểu nữ may mắn thoát khỏi, vì vội vàng nên không kịp mang theo đồng nào, người nhà của tiểu nữ sẽ đến ngay.” Chủ quán nghe vậy liền để nàng ngồi ở cổng chờ đợi.
Nàng đợi mãi đến tối mà người nhà vẫn chưa đến. Lúc này, có rất nhiều người xem đứng vây kín nàng, nhưng nàng vẫn im lặng không nói. Một thanh niên làm thuê trong cửa hàng tơ lụa đi ngang qua, thấy rất nhiều người đang vây quanh một người thiếu nữ thì lấy làm lạ, chàng liền tiến đến hỏi chuyện. Người xung quanh liền kể lại đầu đuôi câu chuyện cho chàng. Vì đồng cảm với thiếu nữ, nên chàng đã tự nguyện trả giúp tiền cơm cho nàng. Nhưng vì nam nữ thụ thụ bất thân, nên chàng đã nhờ một ông lão đưa tiền cho nàng.
Sau khi thiếu nữ trả tiền cho quán cơm, nàng liền theo chàng đến cửa hàng tơ lụa. Ông chủ hỏi nàng sao lại đến đây, nàng mới nói: “Tiểu nữ thoát nạn hai hôm rồi, giờ không có nơi nào để đi. Tiểu nữ không thể vô duyên vô cớ nhận ân huệ của chàng, vì vậy tính sẽ gả cho chàng.”
Ông chủ quay sang hỏi chàng trai, nhưng vì chàng nói không có tiền thành thân và nuôi nấng gia đình nên đã từ chối hôn sự.
Lúc này, thiếu nữ liền vén tay áo và để lộ ba chiếc vòng tay bằng vàng, nàng nói: “Chàng đừng lo không có tiền.”
Ông chủ cửa hàng tơ lụa nghĩ một hồi, thấy rằng đây đúng là ông trời tác thành, bèn mời bà con lối xóm cùng nhau tổ chức lễ thành hôn cho đôi nam nữ.
Thiếu nữ này tuy tuổi còn trẻ, nhưng lại rất biết nhìn người, rất nhẹ nhàng bình thản tìm được người bạn đời cho mình. Đó chẳng phải là biểu hiện của cơ trí và am hiểu đạo lý hay sao?
Cổ Dung biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ