Tiết Trung nguyên, Lễ Vu lan và Xá tội vong nhân – có ý nghĩa gì?
Rằm tháng bảy là Tết Vu Lan và cũng là ngày Xá tội vong nhân. Người xưa có câu: Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Bảy. Vì sao Rằm tháng bảy lại có nhiều ý nghĩa tâm linh như vậy?
Nguồn gốc các lễ Trung nguyên, Vu lan và Xá tội vong nhân
Phan Kế Bính trong sách “Việt Nam phong tục” viết: “Rằm tháng Bảy gọi là Tết Trung nguyên. Ta tin theo sách Phật thường cho hôm ấy là ngày vong nhân xá tội, nghĩa là người dưới âm phủ được tha một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia tiên, các nhà có người mới mất cũng hay đốt mã làm chay về hôm ấy. Tục đốt mã là do tự bên Tàu, đời xưa thường dùng đồ ngọc bạch để cúng tế, đời sau dùng tiền để thế cho ngọc bạch. Đến đời vua Huyền Tôn nhà Đường thấy dùng tiền phí lắm mới truyền cho làm tiền giấy mà thay vào tiền thực. Đời Ngũ Đại lại chế thêm áo giấy, mũ giấy mà cúng cấp quỷ thần.”
Trung nguyên (中元) là một tiết của đạo giáo vào ngày 15 tháng 7 Nông lịch. Ngày đó các đạo quán lập “trai tiếu”, tăng tự lập “vu lan bồn trai” (tức đàn chay của những người theo đạo). Trong văn hóa Trung Hoa, ngày rằm tháng bảy âm lịch thuộc Tiết Trung Nguyên và được gọi là Ngày ma (hồn người chết) và tháng Bảy nói chung được coi là Tháng ma (鬼月, Quỷ nguyệt).
Vu lan (hay Vu lan bồn 盂蘭盆) tiếng Phạn là Ô Lan Bà Noa (烏藍婆拏) ý nghĩa là “cứu đảo huyền” (tức cứu người bị treo ngược). Từ “đảo huyền” được lấy ý từ câu: “Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã” trong sách Mạnh Tử, chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở cảnh giới địa ngục. Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích về tôn giả Mục Kiền Liên – một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, với lòng đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Dưa trên tích đó, Vu Lan trở thành ngày lễ tỏ lòng hiếu và tưởng nhớ cha mẹ và cũng khởi nguồn của tập tục ‘siêu độ’, xá tội vong nhân – với mong muốn các vong linh cô hồn, dã quỷ được siêu thoát.
Xá tội vong nhân (舍罪忘人) theo phong tục của một số nước Á Đông là ngày mở cửa địa ngục ân xá cho các vong linh không nơi nương tựa. Vì thế để các linh hồn lang bạt không quấy nhiễu cuộc sống dương gian người ta thường dâng cúng lễ vật vào ngày rằm tháng 7 để cầu mong sự bình yên.
Như vậy xét về nguồn gốc các tiết lễ này có sự khác biệt khá rõ rệt. Trung nguyên có nguồn gốc từ Đạo giáo, Vu lan có nguồn gốc từ Phật giáo, Xá tội vong nhân lại mang màu sắc dân gian.
Nguyễn Văn Huyên trong cuốn “Hội hè lễ tết của Người Việt” lý giải: Theo tín ngưỡng của người Việt Nam thì con người có hồn và phách (vía). Những linh hồn này tồn tại trong thân thể, khi chết tức là hồn vía bỏ đi. Nhưng cái chết không phải là sự kết thúc, đó chỉ là việc người ta chuyển sang một cõi khác. Người xưa quan niệm “âm dương đồng nhất thể” (tức trần sao âm vậy), nên bày ra tục cúng tế để tỏ lòng biết ơn báo đáp ông bà cha mẹ và những người thân đã qua đời. Người ta đốt đèn nến để soi sáng bước đi của hồn, đốt tiền vàng để trả tiền đò giang khi xuống âm phủ, cúng đồ ăn thức uống để hồn khỏi đói khát, cúng đốt đồ mã để người âm có cái dùng như lúc sinh thời. Nhưng trong cõi âm còn có những vong hồn bị bỏ rơi phải lưu lạc hoặc không có người thân thích nên ngày rằm tháng bảy mới có tục cúng vong. Đó là một ngày lễ dân gian lớn theo tín ngưỡng Phật giáo.
Trước đây dưới thời Nguyễn, vua Minh Mạng khi cho lập đàn siêu độ ở chùa Thiên Mụ rằm tháng bảy đã nói với quần thần rằng: “Đạo Phật lấy tế độ làm trọng, là để giúp cho âm phúc được nhờ. Nay ta sai Bộ Lễ sắm sửa lễ vật đến tiết Trung nguyên truyền cho các sư tập họp ở chùa Thiên Mụ lập đàn tràng thủy lục 21 ngày để siêu độ vong hồn những quan quân ta đã chết vì việc nước. Phật giáo tuy huyền vi mà chưa chắc đã hiển ứng rõ rệt, nhưng lòng ta tưởng nhớ đến tướng sĩ thì không lúc nào quên. Việc lập đàn chay này cũng là ngụ ý thương xót [của ta], chứ không chỉ là dốc lòng mê tín đạo Phật đâu”.
Thương thay thập loại chúng sinh
Tháng Bảy hội tụ của những ngày lễ dành cho người cõi âm như vậy cho nên thường gọi đây là ‘cô hồn’, lắm điều phải kiêng kỵ.
Tháng cô hồn lại thêm cái không khí ảm đạm, âm u sương khói, lạnh toát hơi may của những ngày mưa ngâu sùi sụt não nề, khiến người ta ớn lạnh vì tưởng như trông thấy những cô hồn dã quỷ rách rưới cất tiếng khóc ai oán,lang thang khe suối gốc cây, vất vưởng nơi cầu sương điếm cỏ.
Sáng tháng bảy, ai cũng nhớ đến đại lễ Vu lan bồn, xá tội vong nhân. Mà nói đến xá tội vong nhân, hẳn nhiều người nhớ đến bài thơ Chiêu hồn của Nguyễn Du:
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người.
Hưng lửa đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên…
Khi sầm sầm mưa gào, gió thét,
Khí âm huyền mờ mịt trước sau;
Ngàn cây nội cỏ rầu rầu,
Nào đâu điếu tế, nào đâu chưng thường.
Nhưng, thiên đường và địa ngục vốn rất phân minh, thế thì tại sao lại có những cô hồn không lên thiên đường mà cũng không ở địa ngục, lại vất vưởng lang thang như thế.
Phật gia có giảng rằng, những sinh mệnh bị chết oan uổng, sẽ thành cô hồn dã quỷ, họ chưa sống hết thời gian sinh mệnh được an bài từ đầu, nên sau khi chết oan uổng, họ lang thang vật vờ không nơi tá túc, không ăn không uống, vô cùng cực khổ, vậy nên người ta mới gọi là ma đói ma khát, đợi cho đến khi hết tiến trình sinh mệnh được đặt định từ đầu, thì mới có thể tìm được nơi tá túc cho mình.
Ngày xá tội vong nhân là để trợ giúp những vong hồn đó được siêu độ. Thế nên, vào ngày tết Trung Nguyên xưa, thường nhà nào cũng nấu một nồi cháo trắng múc ra từng bát đặt ở trước nhà, và nhang đèn vàng mã, chè đường bỏng bộp bầy ra để cho các u hồn phảng phất ở chung quanh đó tìm lại mà phối hưởng.
Vậy vong linh nào trở thành cô hồn dã quỷ?
Ấy là những người chết mà không siêu thoát. Nghĩ vậy mà thấy rợn người làm sao, tưởng tượng ra cảnh hàng triệu sinh linh đã chết oan uổng bởi nạn phá thai được cho phép công khai, những linh hồn mồ côi ấy làm sao siêu thoát nổi, sẽ phải vất vưởng ở ngang bờ dọc bụi, lang thang ở quán nọ cầu này, đầu chợ cuối sông, chân mây ngọn suối. Bao nhiêu sinh mệnh đã chết trong các cuộc chiến tranh vô nghĩa để ‘mang lại hòa bình’? Bao nhiêu người chết đói, bao nhiêu người chết vì bệnh tật, vì thực phẩm độc hại? Bao nhiêu người chết vì ô nhiễm môi trường không khí do các nhà may công nghiệp? Bao nhiêu người chết vì bị đàn áp đức tin, nhân quyền, trong những vụ án oan khốc?
Chỉ nghĩ một chút theo giáo lý nhà Phật thôi thế thì cũng đủ hình dung có hằng hà sa số, trường kỳ bất tận những oan hồn đang lang thang khắp chốn.
Phật giáo giảng rằng: Những thống khổ của vong linh vất vưởng trong không gian vũ trụ, trong thời gian chờ đợi đi hết tiến trình sinh mệnh đó, sẽ tạo thành nghiệp lực cấp thêm lên thân của những kẻ đã gây ra cái chết oan uổng của họ. Thế thì đủ biết thế giới này đang bao phủ chất chồng bởi biết bao nhiêu nghiệp lực từ những việc ác của con người.
Thiên tai, dịch bệnh, thảm hoạ tưởng là tự nhiên mà không hề vô cớ, đều từ ác nghiệp của nhân loại mà ra. Tôn giáo Phương Đông hay Phương Tây đều giảng về sự trừng phạt của Thần linh đối với những kẻ làm việc ác.
Làm thế nào hoá giải ác nghiệp
Ngày lễ Vu Lan nhắc chúng ta nhớ về câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ – một “vong nhân” vì đã sống thiếu lòng nhân ái nên bị đày đọa trong chốn địa ngục tối tăm. Mục Kiền Liên Bồ tát, một trong những đệ tử gần gũi nhất của Đức Phật, có thiên khiếu nhìn thấu suốt mấy cõi trời, bằng con mắt có thể vén màn vô minh đã nhìn được mẹ đang bị trừng phạt trong chốn A tì. Mục Kiền Liên đi tìm mẹ. Lòng hiếu của ông cảm động Đức Phật, nhưng Ngài chỉ có thể giúp mẹ ông chuyển sinh thành con chó đến ở gần bên ông. Mục Kiền Liên đệ nhất thần thông, bèn hoá phép cho con chó thành người. Từ đó, Mục Liên ngày đêm đem hết lời khuyên mẹ sám hối, rủ lòng theo chân lý Đạo Phật. Bà mẹ nghe lời con, ăn chay niệm Phật, rồi một đêm Rằm tháng Bảy, hoá thành tiên bay lên trời. Mục Liên bay theo mẹ và cầu xin Đức Phật xóa tội cho bảy đời họ hàng nhà mình.
Câu chuyện của Mục Kiền Liên trở thành sự tích nguồn gốc ngày lễ Vu Lan, nhắc chúng ta về lòng Hiếu của người con. Chữ Hiếu gắn liền với chữ Thương, tình thương vô điều kiện với người mẹ cho dù bà đã từng phạm phải vô số tội nghiệp, cũng như tình thương vô điều kiện mà người mẹ nào cũng dành cho con mình.
Chữ Thương không hạn hẹp mà rộng mở cho vô lượng chúng sinh vậy nên tháng bảy ngày rằm cũng là lễ xá tội vong nhân. Vu Lan là một ngày lễ hội tôn giáo trong năm rất gần gũi với con người, gần gũi như tình mẹ con, nhưng Vu Lan cũng đồng thời là cơ hội siêu thoát của con người trên thế gian, thông qua hạnh lực, biết sám hối, quay đầu, bồi đắp công đức, thật sự chuyển phàm thành thánh. Mẹ Kiền Liên siêu sinh từ địa ngục lên Thiên giới.
Tháng 7 và những ngày lễ tưởng nhớ người quá cố, nhắc chúng ta nhớ rằng, ngoài cái thế giới chúng ta đang sống hiện nay, còn một thế giới u huyền khác mà loài người chưa cứu xét được đến nơi đến chốn. Có người tin, cũng có lắm kẻ phỉ báng, cho rằng chết là hết. Nếu chết là hết thì làm gì có ngày ‘xá tội vong nhân’? Con người sống đã khổ nhưng chết cũng chưa phải hết khổ, bởi nghiệp luân báo vẫn theo từng đời từng kiếp, vậy nên mới có ngày này.
Địa ngục hay thiên đường, dẫu con người có tranh cãi bất phân, chỉ khi lìa cõi dương gian, mới biết câu trả lời thì đã muộn.
Tháng ‘cô hồn’, lễ Vu Lan, ngày ‘vong linh xá tội’. Nếu biết thế giới bên kia là có thật, chi bằng lấy Thiện hoá giải Ác nghiệp ở kiếp này.
Xem thêm:
Tết Trung Nguyên ‘Rằm tháng 7’ có phải là ngày lễ dân gian đáng sợ hay không?