Vu Lan: đạo Hiếu sinh của người – đức Hiếu sinh của Trời
Vu-lan (chữ Hán: 盂蘭) là từ viết tắt của Vu-lan-bồn (盂蘭盆), theo cách phiên âm Phạn-Hán có nghĩa là “treo (ngược) lên”. Các đại sư Trung Quốc cũng dùng từ “đảo huyền” (倒懸), “treo ngược lên” để gọi ngày Vu-lan. Từ “đảo huyền” được lấy ý từ câu: “Dân chi duyệt chi do giải đảo huyền dã” trong sách Mạnh Tử, chỉ sự giải thoát cho những kẻ khổ sở tột cùng ở cảnh giới địa ngục.
Sự tích lễ Vu Lan được chép trong sách “Mục Liên cứu mẫu kinh diễn âm”, theo đó thì Mục Liên không phải là tên thật mà là cái hiệu. Tên thật Mục Liên là La Bộc.
Theo đúng sách ấy thì La Bộc là con ông Phổ Tướng và bà Thanh Đề. Vì gia đình túng thiếu, La Bộc phi đi buôn bán ở tỉnh Kiên Liên. ít lâu sau, giàu có, La Bộc cho người đem tiền về biếu mẹ. Bà mẹ ăn xài hết nhẵn rồi lại còn giết con chó làm nhân bánh biếu sư. Đến lúc La Bộc về thì bà mẹ lái chối và nói rằng bao nhiêu tiền con gửi về cho đã đem cúng cả vào đền chùa miếu vũ rồi.
Chẳng bao lâu, bà mẹ qua đời. Chịu tang mẹ ba năm, La Bộc đi qua nước Ki Đô là nơi Phật ở, xin phép ở lại tu luyện theo hầu. Phật thương tình, ứng thuận, sai thầy Kha Na cắt tóc ông và đặt tên là Đại Mục Khiên Liên và cho vào tu ở chùa Lã Bí trong rừng Quýt Sơn. Cái tên Mục Liên phát sinh từ đó. Muốn đến rừng Quýt Sơn, phải qua chùa Thiên Giai là nơi có những âm hồn ở lẩn quất nghe kinh. Mục Liên chỉ nhận thấy có cha là ôm mặt khóc, Phật hiện lên bảo cho biết là Thanh Đề vì khi sống điêu ngoa gian ác nên bị đày xuống ngục A Tỳ rồi.
Mục Liên lặn lội tìm cho tới ngục A Tù gặp mẹ. Nơi đây bà mẹ chịu trăm ngàn thứ cực hình, không sao chịu nổi. Thấy con, bà mẹ khóc lóc khẩn cầu con tìm cách cho bà ra khỏi ngục. Mục Liên dắt mẹ đi nhưng quỷ sứ giữ lại. Chàng lại cầu xin Đức Phật. Ngài thương tình bảo Mục Liên: “Nhà người cứ an tâm, trở về Vương Xí, ta sẽ hoá phép cho mẹ người thành con chó ở bên cạnh nhà ngươi”.
Quả nhiên về đến Vương Xí thì có một con chó quấn quýt ở bên chân Mục Liên. Chàng hiểu ngay đó là mẹ mình, bèn hoá phép cho con chó thành người. Từ đó, Mục Liên ngày đêm đem hết lời khuyên mẹ sám hối, rủ lòng theo chân lý Đạo Phật. Bà mẹ nghe lời con, ăn chay niệm Phật, rồi một đêm Rằm tháng Bảy, hoá thành tiên bay lên trời. Mục Liên bay theo mẹ và cầu xin Đức Phật xóa tội cho bảy đời họ hàng nhà mình.
Dựa vào sự tích ấy, cứ đến ngày Rằm tháng Bảy, các đền chùa, miếu mạo đều làm chay chạy đàn, cấp siêu độ cho các tội nhân. Tục gọi là Tết Vu lan. Mọi nhà cũng đều làm lễ cúng bái rất thành kính vì tin rằng ngày đó là người ở dưới âm, vong nhân xá tội cho những người quá cố.
Rất lạ là ngày nay, sự tích Mục Kiền Liên báo hiếu mẹ lại được diễn giải lại theo cách hoàn toàn khác, rằng để cứu được mẹ, Mục Kiền Liên thỉnh Đức Phật và nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương, bằng cách sắm sửa lễ cúng dường thực phẩm cho Tăng đoàn vào ngày Rằm tháng Bảy, và nhờ lời chư Tăng chú nguyện mà mẹ ông được cứu độ.
Vậy nên vào ngày này người ta thường sắm sanh lễ lạt, đốt hương, đốt giấy vàng mã quần áo, hàng hóa (bằng giấy) để cúng dường, thực hiện các nghi lễ để chuyển hóa và giải oan khổ của người quá cố. Ngoài ra còn có tập tục phóng sinh, biểu tượng cho việc giải thoát vong linh.
Nghi lễ xá tội vong nhân của người thời nay rõ ràng đã khác hẳn ý tứ trong kinh điển.
Vì sao đệ tử đệ nhất thần thông của Đức Phật không tự cứu được mẹ mình?
Theo kinh điển trong“Mục Liên cứu mẫu kinh diễn âm”, để siêu độ mẹ mình, Mục Kiền Liên không thỉnh pháp sư đến làm Phật sự, không hề mời người đến tụng kinh, không cúng dường tăng đoàn, mà tự thân ông bước vào tu luyện, đến gặp Đức Phật để thọ giới, nghe những lời dạy và khai thị của Đức Phật,hành trình theo Pháp lý, đoạn ác tu Thiện, và đắc thành quả vị La Hán
Mục Kiền Liên trở thành vị đệ tử có thần thông đứng đầu trong số mười đại đệ tử của Phật Thích Ca. Các đệ tử khác cũng có một số thần thông, nhưng thần thông của Mục Kiền Liên là toàn diện nhất.
Mặc dù thần thông cao siêu như vậy như Mục Kiền Liên không thể tự mình cứu được mẹ. Lòng hiếu của ông cảm động Đức Phật nhưng Ngài chỉ có thể giúp mẹ ông chuyển sinh thành con chó đến ở gần bên ông. Đức Phật hoàn toàn không phải vì ông là đệ tử thân cận nhất mà tự ý tiêu giải nghiệp lực do tội nghiệp của mẹ ông gây ra. Công năng siêu phàm của Kiền Liên giúp ông hóa phép mẹ thành người, để khuyên bảo mẹ ông tu luyện, bởi theo giáo lý nhà Phật, chỉ có con người mới có thể tu luyện, và chỉ có bằng cách tu luyện, con người mới có thể tiêu trừ nghiệp lực do những việc ác từng làm trong quá khứ. Mẹ Kiền Liên nhờ đó mới thật tâm sám hối, thành tâm đoạn ác tu Thiện, phá mê khai ngộ, bà từ địa ngục liền được sinh Thiên.
Sự tích Kiền Liên cứu mẹ nói về lòng hiếu thảo của người con, nhưng cốt lõi của câu chuyện là nhờ tu luyện mà Kiền Liên đắc quả vị, từ đó giác ngộ ra con đường giải thoát, chỉ có duy nhất một cách là tu luyện, bởi vậy nên ông chỉ có thể giúp mẹ đi theo con đường tu luyện, sám hối, quay đầu, bồi đắp công đức, thật sự chuyển phàm thành thánh. Mẹ Kiền Liên siêu sinh từ địa ngục lên Thiên giới.
Ngày nay, người ta cải biến nội hàm chân thực của sự tích Kiền Liên cứu mẹ, cho nên Tết Vu lan chỉ còn lại ý nghĩa báo hiếu cha mẹ tổ tiên, bằng cách cúng dường, đốt tiền vàng mã một cách hình thức mà hoàn toàn không hiểu nội dung thực chất trong kinh điển, bằng nhưđi làm những việc vô ích, rốt cuộc chỉ có hình thức mà không có nội hàm, vừa tốn tiền của lại trái với giáo lý.
Bản thân Đức Phật không vì tình thân và giải thoát mẹ Kiền Liên, ngay cả Kiền Liên có thần thông quảng đại cũng không thể tự cứu nổi mẹ mình. Vậy mà ngày nay người ta nghĩ đơn giản rằng, chỉ bằng bỏ tiền mua sắm lễ vật, cúng dường là có thể giải thoát, xá tội cho những vong linh. Chiểu theo kinh điển, rõ ràng không thể nào có chuyện đó.
Lão Tử nói: “Thiên đạo vô thân, thường ư thiện nhân” (Đạo Trời không thân với ai, mà thường ở chỗ người Thiện”.
Các Thánh nhân, người sáng lập tôn giáo xưa nay đều dạy nhân loại chỉ một chân lý, tích đức hành thiện mới được may mắn, mới có phúc lành.Cũng như Mục Kiền Liên, cách duy nhất để siêu độ cho người đã mất, là “đoạn ác tu Thiện”, dùng công đức hành thiện chân thực của chính bản thân, sám hối, giác ngộ, một lòng hướng tâm tu Phật, khởi phát tâm Thiện nơi mình để cảm hóa tâm Thiện song thân, mới có thể giúp mẹ chuyển hóa nghiệp lực, hồi hướng công đức của bản thân cho cha mẹ, đó mới là công đức chân thực.
Đức Hiếu sinh của Trời
Vậy nên cổ nhân có câu: “Trời không tuyệt đường người” – Trời đất chi phối vận mệnh của con người, mà đạo Trời có đức Hiếu sinh, nhất định sẽ cho con người một cơ hội bên trong đại nạn. Người mẹ của Mục Kiền Liên, phạm phải tội thập ác bất xá, vẫn có cơ may quay đầu, tu thành bậc chính giác, từ phàm thành thánh, từ chốn địa ngục mà về nơi thiên giới.
Đức Hiếu sinh là đại Đạo của Thiên Địa. Đại Thiện là Hiếu hạnh lớn nhất của con người trong kiếp nhân sinh.
Ngày nay người ta lấy Ác giả Thiện, phóng sinh bằng những con chim bị bắt, rồi nhốt vào lồng chật chội,để bán lại cho nhà chùa chờ các ‘sư thầy’ làm lễ phóng sinh. Như vậy thì liệu có đắc được phúc báo, hay chất chồng thêm nghiệp lực.
Đâu cần phải trộm cắp, giam cầm chúng sinh – là những đại tội tạo nghiệp như thế để chứng tỏ ‘tâm Phật’. Người ta chỉ cần phóng sinh những giả dối, tàn ác, vô cảm, vô trách nhiệm với muôn dân, với đồng loại,thì đâu có cảnh hàng triệu đồng bào tha hương đói khổ màn trời, chiếu đất, gầm cầu bờ bụi, chết vất vưởng ngoài đường, vì đói, vì lạnh, vì thiếu thuốc men, thực phẩm.. ; đâu có cảnh khốn cùng ngay cả đối với người chết, những thi thể còn phơi thây không có áo quan, thậm chí không có túi đựng xác…; đâu có những cảnh đời “sống không bằng chết”, bi thương trong cơn đại dịch.
Khi tâm bất Thiện thì cửa Sinh cũng đóng lại. Đại dịch chính là lời cảnh tỉnh cho con người khi nhân tâm bất thiện đã tạo ra vô vàn nghiệp lực lên chính mình.
“Trời không tuyệt đường người”, không phải Thần Phật không từ bi mà là Thần Phật đang chờ nhân tâm con người chuyển biến, nhận ra tội lỗi của mình, nguyện ý phát tâm hướng thiện, quy chính bản thân thì tuyệt cảnh mà con người đang gặp phải sẽ lập tức biến đổi.
Phật Pháp xưa kia truyền ra chúng sinh là để giảng cho con người lẽ sống, tìm thấy chân lý, đạo lý làm người, pháp lý tu thành Thần. Chỉ qua chân chính tu luyện, chúng ta mới liễu ngộ, mới hiểu được chân tướng sự thật.Từ trong giác ngộ mới nắm bắt được cơ hội, có thể từ trong tuyệt cảnh mà tìm được con đường ra cho sinh mệnh của mình.
Lễ Vu Lan – ngẫm lại tích Mục Kiền Liên cứu mẹ để thấu tỏ đạo lý sâu xa trong Đức Hiếu,chân tâm hướng Thiện, thức tỉnh đạo đức lương tri, sám hối xét lại lòng mình, hành Thiện, tu Đức mới có thể nhận được đức Hiếu sinh của Trời, cùng chúng sinh vượt qua kiếp nạn.
Xem thêm:
Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất, tại sao vẫn bị ném đá đến chết?
Đan Thư