Thương vụ bán vũ khí của Pháp cho Armenia thu hút sự chỉ trích của Baku và Moscow
Armenia tỏ ý muốn rời khỏi khối an ninh do Nga đứng đầu.
Một cam kết của Pháp về việc bán các hệ thống pháo binh tân tiến cho Armenia đã khiến cả Azerbaijan — địch thủ lâu đời của Armenia ở khu vực Nam Caucasus — lẫn Moscow có những phản ứng giận dữ.
“Chúng tôi thấy chính sách của Pháp liên quan đến vùng Nam Caucasus không phải là điều gì hữu ích,” ông Hikmet Hajiyev, một cố vấn của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, cho biết hôm 19/06.
Trình bày trước giới truyền thông địa phương, ông cảnh báo rằng thương vụ bán vũ khí tấn công của Pháp cho Armenia sẽ “tác động tiêu cực đến việc bình thường hóa quan hệ” giữa hai địch thủ lâu đời này.
Tương tự, Moscow cũng lên án hành động này, cáo buộc thành viên NATO Pháp đang tìm cách kích khởi xung đột ở một khu vực mà Nga trong lịch sử xem là sân sau của mình. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng kế hoạch bán vũ khí này nhằm xác nhận rằng Paris “đang tìm cách kích động một loạt xung đột mới ở Nam Caucasus.”
Armenia và Azerbaijan đã có hai cuộc chiến vì khu vực điểm nóng Nagorno-Karabakh, khu vực được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan.
Hôm 18/06, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu thông báo Paris có kế hoạch bán hệ thống pháo tự hành Caesar tân tiến cho Armenia. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông nói rằng thỏa thuận mua bán này đã được ký kết trong một cuộc gặp gần đây với ông Suren Papikyan, người đồng cấp Armenia của ông.
Ông Lecornu từ chối cho biết Armenia đã đồng ý mua bao nhiêu hệ thống pháo binh của Pháp.
Baku, thủ đô của Azerbaijan, đã nhanh chóng lên án thương vụ bán vũ khí được đưa tin này, cho rằng việc này tạo thành một “mối đe dọa” đối với an ninh của Azerbaijan.
Trông cậy vào Paris
Là quê hương của một đại cộng đồng người Armenia, Pháp từ lâu đã được xem là một trong những quốc gia ủng hộ trung thành nhất của Yerevan ở châu Âu.
Tháng 10/2023, Paris tuyên bố bán các hệ thống radar và phi đạn phòng không tân tiến cho Armenia. Nước này cũng hứa sẽ trợ giúp việc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của Armenia và cung cấp đào tạo cho quân nhân của nước này.
Moscow cảnh báo Armenia rằng họ có nguy cơ “đánh mất chủ quyền” khi để mình bị lôi kéo vào quỹ đạo của NATO.
Tách rời Moscow
Mặc dù có mối quan hệ an ninh ngày càng sâu sắc với Pháp, nhưng Armenia cũng là một thành viên lâu năm của Tổ chức Hiệp ước An ninh Chung (CSTO).
Nhưng kể từ khi Nga xâm lược miền đông Ukraine đầu năm 2022, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã tìm cách tách đất nước ông khỏi liên minh với Moscow.
Hồi tháng Hai, nhà lãnh đạo Armenia này tuyên bố nước ông đã thực sự đình chỉ quan hệ với CSTO.
Trong phần nhận xét trước giới báo chí Tây phương, ông nói rằng việc Nga không ngăn chặn được cuộc tấn công của Azerbaijan đã “đưa chúng tôi đến quyết định rằng chúng tôi cần đa dạng hóa các mối quan hệ của mình trong lĩnh vực an ninh.”